Một số kiến nghị về hoàn thiện và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người tại Việt Nam.
1. Một số kiến nghị về hoàn thiện pháp luật về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:
Nghiên cứu nội dung quy định của Điều 240 và xem xét yêu cầu xuất phát từ thực tiễn đấu tranh phòng chống tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người cho thấy nội dung Điều 240 BLHS cần sửa đổi, bổ sung tình tiết định tội và quy định cụ thể hơn về trách nhiệm hình sự của tội phạm.
Về tình tiết định tội cho thấy các dấu hiệu pháp lý của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, phản ánh trong các yếu tố của cấu thành tội phạm và đã được BLHS năm 2015 quy định cụ thể, tuy nhiên trong thực tiễn cho thấy dấu hiệu về hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm cần thiết bổ sung “hậu quả nguy hiểm khác cho xã hội”, bên cạnh hậu quả “làm lây lan dịch bệnh cho người”.
Thực tiễn đấu tranh phòng chống dịch bệnh chỉ ra rằng để khống chế dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người cần rất nhiều nguồn lực cho xã hội. Không những vậy dịch bệnh còn gây khó khăn cho đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, nơi dịch bệnh xảy ra. Việc bổ sung dấu hiệu về hậu quả của tội phạm vì thế rất cần thiết, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong hoạt động định tội danh và quyết định hình phạt của cơ quan tư pháp tại các địa phương trong cả nước.
Điều 240 BLHS về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người do đó cần bổ sung, thay đổi như sau:
Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người hoặc hậu quả nghiêm trọng khác cho xã hội.
Về trách nhiệm hình sự thì Điều 240 BLHS cần quy định hình phạt tiền với mức tối đa cao hơn luật hiện hành, với tư cách là một hình phạt chính, đồng thời là hình phạt bổ sung, để có thể áp dụng đối với những trường hợp phạm tội có tính chất nguy hiểm khác nhau, không cần thiết phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn.
Điều 240 BLHS quy định phạt tiền là hình phạt chính hiện nay như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Mức cao nhất của phạt tiền trong quy định là 200.000.000 đồng cho thấy không còn phù hợp với tình hình xã hội, do đó cần thiết phải thay đổi theo hướng tăng lên tương tự như mức cao nhất của phạt tiền trong quy định tại Điều 235 về tội gây ô nhiễm môi trường. Hình phạt chính, phạt tiền trong Điều 240 BLHS quy định về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người sẽ sửa đổi thành: thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
Để thể hiện tính thống nhất của quy định và tăng cường tính chất răn đe của hình phạt, quy định phạt tiền với tính chất là hình phạt bổ sung trong Điều 240 BLHS về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người cũng thay đổi tương ứng như sau: “4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Một hạn chế khác của quy định trong Điều 240 BLHS về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người là chưa thể hiện trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội, cần thiết phải quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Trong thực tiễn đấu tranh phòng chống dịch Covit 19 thời gian vừa qua cho thấy không chỉ các cá nhân mà còn có các doanh nghiệp tư nhân có dấu hiệu đưa ra khỏi địa phương có dịch các sản phẩm mang mầm bệnh nguy hiểm cho người do đó rất cần thiết phải bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân bên cạnh trách nhiệm hình sự của cá nhân người phạm tội trong quy định tại Điều 240 BLHS về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Điều 75 BLHS cũng đã quy định rõ điều kiện để xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân như sau:
1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này. 2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.
Do đó, Điều 76 quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại sẽ thay đổi, bổ sung như sau:
Điều 76. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 233, 233, 238, 230, 240, 240, 243, 244, 241, 240, 300 và 324 của Bộ luật này.
Điều 240 BLHS quy định cụ thể về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người sẽ được bổ sung, thay đổi như sau:
Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người Hoặc hậu quả nghiêm trọng khác cho xã hội. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; b) Làm chết người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; b) Làm chết 02 người trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 01 năm; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm; d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội bên cạnh trách nhiệm hình sự cá nhân tạo khả năng pháp lý toàn diện cho các cơ quan tư pháp trong đấu tranh phòng chống tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:
Các giải pháp nâng cao để thực hiện đấu tranh “Tội phạm làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là rất nhiều. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau từ nguồn nhân lực, tài chính, cũng như nhiều yếu tố khác tác động như nhận thức mỗi người dân, thói quen sinh hoạt hàng ngày của nhiều người ... thì các biện pháp để ngăn ngừa tội phạm này cũng cần phải xem xét cực kì kỹ càng, tỷ mỉ để mang lại được hiệu quả cao nhất.Từ đó, qua việc nghiên cứu chi tiết và nắm bắt tình hình thực tế của cả nước nói chung và trên địa bàn thành phố Hải Phòng nói riêng thì học viên đã đúc kết lại các biện pháp để đấu tranh với tội phạm này như sau:
Thứ nhất, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức phòng dịch, nhận thức của người dân về sự nghiêm hiểm của dịch bệnh. Việc tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh cần phải được làm sâu sát từ địa phương, khu dân cư, tổ dân phố tới tận nhà của mỗi người dân. Để việc phổ biến thông tin đạt hiệu quả thì việc tuyên truyền phải được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng: từ tivi, báo đài cho đến loa phát thanh ở mỗi khu vực dân cư. Ví dụ như phát các tờ hướng dẫn các biện pháp vệ sinh phòng dịch tới tận nhà mỗi hộ dân ở khu dân cư. Cần tăng tần số phát sóng trên truyền hình các đoạn ghi hình giới thiệu trực quan về cách vệ sinh phòng bệnh như các bước rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang.
Để việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về môi trường nói riêng cần thiết phải tăng cường công tác xét xử lưu động tại địa bàn dân cư nơi xảy ra tội phạm của Tòa án nhân dân các cấp, củng cố ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm trong quần chúng nhân dân.
Thứ hai, tăng cường phát thanh trên các loa đài của xã, phường địa phương về tính nguy hiểm và cơ chế lây bệnh của các bệnh truyền nhiễm trong tương lại nói chung và Covid–19 nói riêng. Để từ đó người dân có thể nhận thức rõ được sự nguy hiểm của dịch bệnh và hình thành nên thói quen vệ sinh cá nhân hàng ngày để phòng chống các bệnh truyền nhiễm sau này, không chỉ là dịch bệnh Covid–19 hiện tại. Chính thói quen vệ sinh phòng bệnh trong thời kỳ dịch bệnh Covid–19 hiện tại sẽ là một trong các biện pháp quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh, hạn chế nguy cơ lây lan của các bệnh truyền nhiễm có thể xuất hiện trong tương lai. Từ đó, người dân sẽ nhận thức được vai trò quan trọng của công tác phòng dịch để tuân thủ đúng các quy định.
Thứ ba, song song với việc phổ biến kiến thức, nâng cao ý thức phòng dịch của người dân là việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giáo dục pháp luật cho người dân về các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Chẳng hạn, phổ biến cho người dân về các mức xử phạt vi phạm hành chính và các tội phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch, các hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cùng các hình phạt. Từ đó sẽ giúp người dân nhận thức được tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật đối với việc phòng chống dịch bệnh, đồng thời cũng một phần nào dập tắt tư tưởng, ý định phạm tội của các đối tượng; nhằm ngăn ngừa tội phạm.
Thứ tư, cùng với thời đại của công nghệ số phát triển rất nhanh như hiện nay thì việc cài đặt các ứng dụng trong công tác phòng chống dịch rất quan trọng mà rất dễ dàng. Như ứng dụng “Khẩu trang điện tử Bluzone” cảnh báo nếu có người tiếp xúc gần, ứng dụng “Sức khỏe toàn dân” để cập nhật các thông tin chính thống về dịch bệnh, ứng dụng “Vietnam Health Declaration” khai báo y tế trên điện thoại thông minh hay ứng dụng nhắc nhở rửa tay “Hand Wash Reminder” ....
Thứ năm, tăng cường các lực lượng có nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ lượng người ra vào tại các cửa khẩu, cửa ngõ, các địa bàn giáp ranh biên giới giữa các nước với nhau cách ly y tế ngay lập tức đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, ngăn chặn sớm dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Thứ sáu, do các khu công nghiệp có số lượng người lớn tập trung làm việc ở một khu vực rất dễ gây lên hiện tượng lây lan dịch bệnh chéo nguy hiểm và nhanh chóng. Vậy nên các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải xem xét, lên các phương án kế hoạch cho mọi tình huống xảy ra, thực hiện kiểm soát tốt các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ. Đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu cần thiết cho công nhân, người lao động đang thực hiện giãn cách, cách ly.
Thứ bảy, đảm bảo an toàn tuyệt đối tại các cơ sở khám chữa bệnh. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm quy định về Bệnh viện an toàn và Phòng khám an toàn phòng chống dịch bệnh COVID–19 theo đúng quy định của Bộ Y tế; đảm bảo an toàn tuyệt đối tại các Bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố:
– Tăng cường khả năng, công suất điều trị bệnh nhân COVID–19; các cơ sở y tế nghiêm túc thực hiện Quyết định 5188/QĐ–BYT ngày 14/12/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS Cov–2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Yêu cầu nhân viên y tế, nhân viên phục vụ tuyệt đối tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, các biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS COV–2.
– Rà soát, củng cố quy trình một chiều trong tiếp nhận, khám, cách ly, điều trị, chăm sóc người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm; công tác vận chuyển, xử lý chất thải, xử lý quần áo người bệnh, quần áo nhân viên y tế trong khu cách ly. Đồng thời tăng cường công tác khử khuẩn phòng chống dịch bệnh.
– Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về phòng chống và kiểm soát lây nhiễm SARS Cov–2 của nhân viên y tế, nhân viên phục vụ, người bệnh và các đối tượng có liên quan, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly, thu dung, tiếp nhận điều trị và lây nhiễm ra cộng đồng. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm các quy định phòng, chống dịch bệnh COVID–19.
Triển khai huy động các lực lượng trong tất cả các khâu, quy trình như lấy mẫu, xét nghiệm, cách ly, điều trị để bổ sung thêm cho lực lượng y tế hiện có tại các cấp; xây dựng phương án trực luân phiên, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho các lực lượng để có thể duy trì triển khai trong thời gian dài.
Sở Y tế, Bộ Tư lệnh Thủ độ, Công an Thành phố rà soát và xây dựng phương án đảm bảo vật tư, trang thiết bị y tế đặc biệt là trang thiết bị phòng hộ đảm bảo đầy đủ trong mọi tình huống, phù hợp với từng tình hình và kịch bản cụ thể.
UBND các quận, huyện, thị xã rà soát và xây dựng phương án đảm bảo vật tư, trang thiết bị y tế đặc biệt là trang thiết bị phòng hộ đảm bảo đầy đủ trong mọi tình huống, phù hợp với từng tình hình và kịch bản cụ thể theo phương châm 4 tại chỗ.
Thứ tám, ban hành các văn bản pháp luật quy định cụ thể về việc xử lý các hành vi vi phạm các quy định về môi trường, làm căn cứ cho việc xem xét và xử lý đối với tội phạm làm lây lay dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Các quy định pháp luật chuyên ngành, đặc biệt là các quy định về chế tài xử lý hành chính có mối quan hệ chặt chẽ với việc áp dụng trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này.
Đối với các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các cơ quan tiến hành tố tụng kiên quyết truy cứu trách nhiệm hình sự, đối với những người tái phạm đã được giáo dục nhiều lần mà còn vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm.
Tăng cường đầu tư nghiên cứu về tình hình môi trường, dịch bệnh hiện tại từ đó làm cơ sở để hoạch định được đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước và pháp luật. Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường, nghiên cứu góp phần hoàn thiện pháp luật.