Kiến nghị nâng cao chất lượng hoạt động định tội danh tội phạm về ma túy? Kiến nghị đối với từng cơ quan, sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc định tội danh các tội phạm về ma túy?
1. Kiến nghị đối với Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân:
Đương thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém...”. Chất lượng giải quyết các vụ án nói chung trong đó có các vụ án hình sự về ma túy được bảo đảm bằng nhiều yếu tố, nhưng theo học viên thì yếu tố con người là yếu tố quyết định nhất.
Đối với Thẩm phán, cần chú trọng công tác đào tạo chuyên sâu, đào tạo bởi những chuyên gia hàng đầu trong ngành, bên cạnh việc đổi mới tổ chức hệ thống Tòa án. Thẩm phán được coi là người “cầm cân nảy mực”, phán quyết của họ đưa ra sẽ quyết định đến cuộc sống của bị cáo. Vì thế, đòi hỏi họ phải là những người am hiểu nhất về luật pháp và đưa ra những phán quyết đúng người, đúng tội. Cần xây dựng và làm tốt công các đào tạo, thi tuyển thật chặt chẽ. Việc bổ nhiệm thẩm phán cần ưu tiên những người được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.
Cần khuyến khích, tạo điều kiện về thời gian vật chất để Thẩm phán được học tập và nâng cao trình độ. Thực tiễn xét xử các tội phạm về ma túy ở Việt Nam nói chung, cho thấy vẫn còn không ít sai sót từ việc nhận thức chưa đúng, vận dụng chưa chính xác các quy định của điều luật cũng như các nội dung hướng dẫn áp dụng, mà nguyên nhân thuộc về chủ quan của các thành viên của Hội đồng xét xử. Để khắc phục nguyên nhân trên, cần thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cập nhật, củng cố nhận thức về các nội dung hướng dẫn của ngành Tòa án, liên ngành tư pháp; tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ xét xử các tội phạm về ma túy cho đội ngũ cán bộ làm công tác xét xử...
Đối với Kiểm sát viên, cần được bồi dưỡng và nâng cao kiến thức pháp lý sâu rộng, toàn diện. Đặc biệt, cần được đào tạo chuyên sâu về pháp luật hình sự và tố tụng hình sự nói chung cũng như lĩnh vực án ma túy nói riêng. Bên cạnh đó, Kiểm sát viên cũng cần phải nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức thực tiễn về ma túy, tình hình ma túy hiện nay để có thể nắm bắt được sự biến đổi từng ngày của loại tội phạm này.
Từ đó đảm bảo việc định đúng tội danh và kiểm sát án ma túy có hiệu quả, chặt chẽ, không có oan sai và không để lọt tội phạm. Hiện nay, ngành kiểm sát đã chú trọng việc đào tạo và bồi dưỡng Kiểm sát viên thể hiện bằng việc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực này thường xuyên trong một năm. Bên cạnh đó, nhằm phục vụ cho hội nhập quốc tế, cũng cần phải chú trọng công tác đào tạo các Kiểm sát viên có trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ chuyên sâu trong lĩnh vực hợp tác quốc tế để giải quyết những vụ án ma túy có yếu tố nước ngoài.
Bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho những người tiến hành tố tụng, cần không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho họ. Đạo đức của người tiến hành tố tụng là tổng hợp những yếu tố để giúp họ trong hoạt động truy tố, xét xử hướng tới cái thiện, cái đúng, sự công bằng.
Do vậy, người được trao thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có bản lĩnh chính trị sâu sắc, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác – Lênin, đó được coi là tiền đề của nhận thức, là cơ sở vững chắc đảm bảo cho hoạt động định tội danh của người tiến hành tố tụng khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình đúng với chủ trương đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Xuất phát từ tính chất đặc thù của công việc, Thẩm phán hay Kiểm sát viên phải thường xuyên đối mặt với những tiêu cực xã hội, hàng ngày phải tiếp xúc với đủ loại tội phạm, đặc biệt tội phạm về ma túy rất nguy hiểm. Môi trường này có thể tác động mạnh mẽ đến ý chí của Thẩm phán hay Kiểm sát viên, rất dễ làm cho con người ta bị chùn bước và sa ngã nếu không có lập trường chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức tốt.
Do đó, thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời các Kiểm sát viên và Thẩm phán có hành vi vi phạm pháp luật trong điều tra, truy tố và xét xử các vụ án ma túy là vô cùng quan trọng. Song song với đó cần chú trọng công tác giáo dục với mục đích nâng cao ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ. Thực hiện tốt công tác nâng cao ý thức chính trị và phẩm chất đạo đức, nhất là đạo đức nghề nghiệp sẽ giúp Thẩm phán và Kiểm sát viên có định hướng đúng đắn trong quá trình định tội danh cũng như trong quá trình giải quyết các vấn đề cụ thể có liên quan đến các vụ án ma túy.
2. Kiến nghị đối với Cơ quan điều tra:
Mặc dù số lượng án ma túy đều tăng theo hàng năm, tuy nhiên nếu xét về cơ cấu các tội thì cho thấy sự gia tăng của loại tội phạm này chủ yếu là do các đối tượng nghiện mua ma túy về sử dụng nên phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy.
Từ cơ sở nêu trên, kiến nghị với Công an tỉnh như sau:
Một là, lãnh đạo Công an tỉnh cần chỉ đạo các đơn vị tập trung đấu tranh, bắt giữ các ổ nhóm hoặc đối tượng mua bán ma túy, tránh việc bắt các đối tượng nghiện đi mua ma túy về sử dụng nhằm hoàn thành chỉ tiêu.
Hai là, do tỷ lệ án ma túy chủ yếu là tội Tàng trữ trái phép chất ma túy và người phạm tội là đối tượng nghiện nên cần tăng chỉ tiêu đi cai nghiện bắt buộc đối với các địa bàn và tăng thời hạn cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện.
Ba là, quần chúng nhân dân là lực lượng nắm tình hình vi phạm, tội phạm trên địa bàn rất nhanh và chính xác, do đó cần khai thác triệt để nguồn thông tin này bằng cách: Hàng tuần cán bộ Công an, cảnh sát khu vực cần họp giao ban với các Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn để nắm bắt thông tin về đối tượng nghiện, đối tượng mua bán ma túy.
Bốn là, bổ sung lực lượng cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác đấu tranh tội phạm ma túy. Quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ này, đảm bảo chất lượng nghiệp vụ và có lớp cán bộ kế cận.
Năm là, xác định việc triệt phá được 01 chuyên án lớn, 01 vụ mua bán ma túy số lượng lớn sẽ đem lại hiệu quả và thiết thực hơn nhiều với việc bắt giữ hàng trăm vụ án Tàng trữ trái phép chất ma túy nhỏ lẻ. Vì vậy, cần tăng kinh phí cho công tác phá án.
3. Bảo đảm hiệu quả phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án:
Trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án ma túy Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán là những người tiến hành tố tụng vừa hoạt động độc lập nhưng cũng cần phải phối hợp trong công tác. Họ là những người giữ vai trò rất quan trọng trong toàn bộ vụ án. Những người này có ảnh hưởng xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án và kết quả cuối cùng của họ là những quyết định, bản án mang tính pháp lý ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị của một hoặc nhiều người.
Do vậy, Điều tra viên, Kiểm sát viên hay Thẩm phán cần phải là những người có trình độ, có tâm và luôn có ý thức phối hợp để định tội danh và giải quyết vụ án được chính xác đảm bảo việc tránh việc làm oan, sai. Thế nên, nâng cao chất lượng phối hợp giữa Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong giải quyết các vụ án hình sự trong đó có các tội phạm về ma túy là vô cùng cần thiết.
Liên ngành Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án cần xây dựng quy chế phối hợp trong việc giải quyết các vụ án về ma túy. Đặc biệt, trong những trường hợp các vụ án ma túy phức tạp, đối tượng tội phạm ma túy sử dụng những phương thức, thủ đoạn mới thì phải có sự thống nhất giữa các cơ quan tố tụng về từng vấn đề cần điều tra, làm rõ. Cần có sự cân nhắc thứ tự giải quyết trong quá trình giải quyết án ma túy như triển khai thực hiện ngay các vấn đề đơn giản và ngược lại, những vấn đề nào khó khăn, vướng mắc trong vụ án thì trao đổi, thống nhất trước, tránh tình trạng Kiểm sát viên hay Điều tra viên không bám sát tình tiết vụ án, hồ sơ, dẫn đến việc điều tra thiếu sót, có nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên phải trả hồ sơ nhiều lần, thậm chí có thể dẫn đến oan, sai.
Liên ngành Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra cần tổ chức tổng kết việc giải quyết các vụ án về ma túy định kỳ 6 tháng/lần hoặc định kỳ hàng năm. Những buổi tổng kết liên ngành này giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình giải quyết các vụ án ma túy. Bên cạnh đó, các cơ quan được trao thẩm quyền tố tụng sẽ cùng nhau tìm cách tháo gỡ, tìm ra giải pháp đối với việc định tội danh trong những trường hợp tội phạm sử dụng các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hay trao đổi những kinh nghiệm hay để các đơn vị trau dồi, học hỏi.
Để bảo đảm hiệu quả phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chúng ta cần nhận thức rõ việc phối hợp không phải là thỏa hiệp, bỏ qua những sai sót mà phối hợp là phải làm theo chức năng, nhiệm vụ của ngành được Nhà nước giao phó, sự phối hợp không mang tính chất hỗ trợ đơn thuần mà là sự cộng đồng trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong đó có tội phạm về ma túy.
Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được phối hợp trong phạm vi trách nhiệm được pháp luật quy định và tạo ra sự chế ước trong môi trường và điều kiện cụ thể, tuyệt đối đấu tranh, bài trừ tư tưởng bằng lòng, thỏa hiệp, mặc kệ. Tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng đều phải ý thức được rằng: Việc xét xử oan là một sai lầm lớn thì bỏ lọt tội cũng là sai lầm không nhỏ. Chính vì thế, cần đảm bảo sự phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải đòi hỏi đi đôi với đấu tranh để bảo vệ pháp chế, trật tự pháp luật. Song song với việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, thì yêu cầu xử lý nghiêm minh và đúng pháp luật là nhiệm vụ quan trọng và là yêu cầu thống nhất trong quá trình giải quyết vụ án hình sự nói chung và án ma túy nói riêng.