Lịch sử hình thành và đặc trưng của hoạt động cho vay ngang hàng? Phân tích các đặc trưng của hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending)?
1. Lịch sử hình thành và phát triển của hoạt động cho vay ngang hàng:
Hình thức cho vay ngang hàng xuất hiện từ đầu những năm 1700, khi tác giả Jonathan Swift người Ailen của cuốn sách nổi tiếng Travels Jonathan đã cho nhiều người vay những số tiền nhỏ khác nhau. Trong suốt thế kỷ 18 và 19, cho vay ngang hàng đã trở thành một trong những phương thức tín dụng được sử dụng rộng rãi nhất ở châu Âu.
Mặc dù hình thức cho vay ngang hàng đã xuất hiện từ trước khi ngân hàng ra đời, tuy nhiên, do trong quá khứ yếu tố thông tin còn hạn chế nên không phải lúc nào người đi vay và người cho vay cũng có thể kết nối trực tiếp với nhau. Thế nên cho vay ngang hàng trở nên ít phổ biến hơn trong thế kỷ 20 vì sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng, nhưng gần đây nó đã bùng nổ trở lại nhờ sự phát triển của Internet.
Ban đầu cho vay ngang hàng chỉ thực hiện trên một nhóm cá nhân nhỏ, vận | hành trên một hệ thống đơn giản và giao dịch các khoản cho vay cơ bản được gọi là Cho vay ngang hàng vật lý (Physical peer–to–peer or person–to–person lending). Hình thức vay mượn này được thực hiện giữa những người trong cùng một nhóm, như cùng gia đình, nhóm tôn giáo, nhóm nghề nghiệp, hoặc những người trong cùng một cộng đồng mà quen biết lẫn nhau. Mặc dù quy mô tín dụng trong cho vay ngang hàng vật lý nhỏ hơn rất nhiều so với hoạt động tín dụng truyền thống nhưng lại thu hút được sự quan tâm không hề nhỏ từ công chúng. Cùng với sự phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, một hình thức mới của phương thức tài trợ vốn ra đời vào năm 2005, gọi là Cho vay ngang hàng trực tuyến (Online peer–to–peer lending). Cho vay ngang hàng trực tuyến cho phép các bên tham gia có thể khớp các yêu cầu vay và cho vay vốn thông qua một nền tảng trực tuyến (online platform) mà không cần đến sự điều hoà của một tổ chức tài chính nào. Hình thức này đã trở thành một bổ túc quan trọng trong hệ thống tài chính truyền thống và phát triển mạnh mẽ khắp thế giới trong những năm vừa qua.
cho vay ngang hàng chỉ thực sự được biết đến rộng rãi nhờ sự ra mắt của hai công ty là Zopa của Anh vào năm 2005 và Prosper của Mỹ vào năm 2006 hay Yinxin vào năm 2006 ở Trung Quốc. David Nicholson – người đồng sáng lập và chủ mưu của Zopa, cho biết việc hình thành mô hình kinh doanh này đến từ việc hiểu quá khứ tiền ngân hàng và các nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ người cho vay – người đi vay. Đây là những công ty cho vay ngang hàng đầu tiên trên thế giới, nơi người đi vay và người cho vay không cần thông qua ngân hàng mà vẫn hoàn toàn có thể giao dịch trực tiếp với nhau thông qua một nền tảng cho vay ngang hàng. Ngoài ra, trong năm 2007 cũng chứng kiến sự ra đời của các nền tảng khác như PaiPaiDai, QiFang, Wokal ở Trung Quốc hay Smava ở Đức.
Bước ngoặt thực sự của ngành cho vay ngang hàng đến từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009. Niềm tin của công chúng vào các tổ chức tài chính sụp đổ. Nguồn cung tín dụng cũng vậy khi nhiều ngân hàng gặp phải những vấn đề sinh tồn nghiêm trọng, số lượng lớn các cá nhân và doanh nghiệp không thể đảm bảo được khoản vay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang gặp khó khăn đặc biệt.
Bên cạnh đó, sau những tổn thất nặng nề, hệ thống các ngân hàng buộc phải khắt khe hơn trong quá trình cho vay và giải ngân, điều này đã tạo ra sự không hài lòng của những người đi vay dành cho các ngân hàng thương mại và sự tiếp cận nguồn vốn của người đi vay nói chung doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng khó khăn hơn bao giờ hết. Đồng thời, các nhà đầu tư đang quay lưng lại với các sản phẩm ngân hàng thông thường và ngày càng tìm kiếm các giải pháp thay thế có thể mang lại lợi nhuận cao hơn khi mô hình kinh doanh của ngân hàng là mang lại lợi nhuận thấp nhất có thể cho nhà đầu tư, và mặt khác, lãi suất cao nhất cho người đi vay.
Trong bối cảnh đó, cho vay P2P nổi lên như một giải pháp thay thế cho cả hai bên, không phụ thuộc vào ngân hàng. Từ đó hình thành khái niệm Phi Trung Gian Hoá (Disintermediation) để chỉ quá trình loại bỏ các trung gian tài chính như Ngân hàng trong việc tiếp cận với vốn tín dụng. Sự ra đời của cho vay ngang hàng nhằm để thực hiện cuộc cách mạng hoá tín dụng trong việc loại bỏ trung gian ngân hàng ra khỏi quá trình cho vay truyền thống với tốc độ nhanh chóng nhất trong khoảng thời gian này.
Zopa đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về số lượng người cho vay sẵn sàng chấp nhận rủi ro và nhóm những người đi vay tiềm năng đáng tin cậy hơn cũng mở rộng. Thành công mới được tìm thấy của các nền tảng đầu tiên đã kích hoạt một làn sóng các mục mới. Ngoài ra, sự ra đời của hàng loạt này tảng trên thế giới cũng đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động cho vay ngang hàng như LendingClub, Virgin Moneyus, Loanio, Microplace, Fynanz (2008) ở Mỹ hay IOỤC Central, Community Lend (2008) ở Canada; Baby Loan(2009) ở Trung Quốc; Funding Circle, RateSetter(2010) ở Anh; ChangDai, Renrendai (2010) ở Trung Quốc, Society One (2012) ở Úc; Captial Match (2014), Funding Societies (2015) ở Singapore; …
Như vậy, kể từ năm 2008, các nền tảng cho vay ngang hàng đã phát triển với tốc độ phi thường. Sự tiện lợi và nhanh chóng mà họ mang lại được người vay cũng như các nhà đầu tư đánh giá cao khi khắc phục nhược điểm của hình thức cho vay truyền thống, điển hình như hệ thống thủ tục tốn thời gian và cứng nhắc của các ngân hàng là nền tảng cho sự phát triển các phương thức cho vay linh hoạt hơn.
Điều này làm cho P2P trở nên hấp dẫn đối với cả người đi vay – người có thể nhận lãi suất thấp hơn khi đi vay truyền thống và cho các nhà đầu tư, những người thu được lợi nhuận lớn hơn. Số lượng nền tảng ngày càng tăng mang và dưới sự phát triển ngày càng mạnh của ngành công nghệ thông tin, ngành cho vay ngang hàng trở thành xu thế tất yếu của thị trường tài chính hiện nay.
Nhìn chung, có thể thấy hoạt động cho vay ngang hàng đã xuất hiện trên thế giới từ rất sớm, trước cả khi ngân hàng ra đời. Tuy nhiên, khoảng đầu thế kỉ 21 trở lại đây, hình thức này mới thực sự phát triển mạnh, dần trở thành xu thế của thị trường hiện nay. Theo nhà nghiên cứu Morgan Stantley cho rằng: Trong tương lai không xa, chắc chắn mô hình cho vay P2P sẽ trở thành xu hướng phát triển rộng khắp thị trường trên thế giới. Cho vay ngang hàng (Peer – to Peer Lending) đang là kênh tín dụng phát triển nhờ vào sự tiến bộ của công nghệ (Fintech) đã có sự mở rộng với tốc độ nhanh chóng ở nhiều nước phát triển và đang phát triển trong vòng hơn một thập kỷ gần đây. Cho vay ngang hàng được dự đoán là một trong những nhân tố nổi bật thúc đẩy sự phát triển của hệ thống tài chính nói chung và thị trường tín dụng ngân hàng nói riêng.
2. Đặc trưng của hoạt động cho vay ngang hàng:
Thứ nhất, nhà đầu tư và người đi vay kết nối trực tiếp qua nền tảng giao dịch trực tuyến
Cho vay ngang hàng (P2P Lending) cho phép người đi vay có thể vay tiền trực tiếp từ nhà đầu tư dựa trên nền tảng cho vay trực tuyến, loại bỏ vai trò trung gian của ngân hàng và các tổ chức tín dụng khỏi quá trình vay vốn.Các công ty cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng trên website hoặc app online cho phép kết nối người có nhu cầu cho vay với người có nhu cầu vay tiền phù hợp ở bất kỳ nơi đâu, giúp cho việc vay vốn trở nên dễ dàng hơn. Các nền tảng cho vay ngang hàng cung cấp dịch vụ đầu tư và cho vay cho rất nhiều các đối tượng nhà đầu tư và người đi vay, từ các khoản vay nhỏ và thời hạn ngắn đến các khoản vay lớn và thời hạn dài, kết nối trực tiếp người đi vay và người cho vay.
Khác với các tổ chức tài chính, các nền tảng cho vay ngang hàng chỉ đóng vai trò như là nhà điều phối tài chính bởi vì các công ty P2P lending chỉ cung cấp các trung gian về công nghệ, cung cấp nền tảng để người đi vay và người cho vay kết nối trực tiếp mà hoàn toàn không hề đầu tư góp vốn vào bất cứ khoản cho vay nào trên nền tảng của họ. Nếu như hình thức vay vốn truyền thống hoạt động theo phương thức huy động vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế sau đó đứng ra làm trung gian cho những người có nhu cầu vay vốn vay lại.
Các tổ chức tài chính trung gian sẽ đáp ứng các nhu cầu về vốn và nhận được một khoản lợi nhất định thông qua việc cho vay với lãi suất cho vay lớn hơn lãi suất huy động. Trong khi đó với hoạt động cho vay ngang hàng P2P lending, người vay được kết nối trực tiếp với nhà đầu tư (là những người có tiền) thông qua nền tảng cho vay là website hoặc app. Những nhà vận hành vay ngang hàng sẽ đưa ra kết luận đánh giá chất lượng khoản vay của riêng họ dưới hình thức tư vấn tài chính.
Chính vì vậy, mặc dù cũng thực hiện công tác phân tích tín dụng nhưng họ không hề đối mặt với rủi ro tín dụng mà thu nhập chủ yếu của các kênh cho vay ngang hàng là phí giao dịch từ một khoản vay được khớp lệnh thành công trên nền tảng của họ, điều đó thường gây tranh cãi vì có thể dẫn đến sự thiếu nghiêm túc trong việc đánh giá tín dụng.
Thứ hai, các bên tham gia quyết định giao dịch thông qua nền tảng giao dịch trực tuyến
Mô hình đầu tư online và nền tảng P2P cho phép nhà đầu tư có thể chọn người vay và dễ dàng theo dõi nguồn lợi nhuận của mình từ người đi vay. Người vay cũng có quyền lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với nhu cầu của mình.
Đối với người đi vay, họ sẽ được đưa ra các đề nghị về vay vốn với lãi suất, kỳ hạn và số tiền muốn vay và được hướng dẫn chi tiết về quy định nộp hồ sơ vay vốn trực tuyến, và có thể nhận được kết quả xét duyệt trong thời gian ngắn. Hầu hết các công ty cho vay ngang hàng áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để đánh giá khả năng thanh toán của người vay. Một số công ty sử dụng thông tin kiểm định từ bên thứ ba độc lập để xác minh nhân thân và đặc điểm của người vay cũng như khả năng thanh toán của họ.
Đối với nhà đầu tư, nhà đầu tư ra quyết định cho vay dựa trên thông tin về nhu cầu vay vốn của người đi vay, kết quả xếp hạng người đi vay theo tiêu chí nội bộ của công ty P2P Lending. Các nền tảng P2P lending phải đảm bảo rằng việc phân tích tín dụng của họ phải đủ chính xác để đảm bảo rằng NĐT đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn dựa trên hệ thống thông tin được đưa ra. Các nền tảng cho vay ngang hàng được tích hợp các chức năng quản lý, đánh giá thông tin và xếp hạng tín nhiệm người vay nhằm mục đích đưa ra giải pháp quản lý rủi ro tốt nhất cho NĐT.
Bên cạnh đó, nhiều nền tảng có dịch vụ thu hộ tiền lãi lẫn gốc, cũng như có hệ thống báo cáo hàng ngày giúp NĐT theo dõi được tình hình các khoản đầu tư của mình. Các công ty cho vay ngang hàng cung cấp hệ thống dịch vụ giúp các NĐT dễ dàng đánh giá khả năng thanh toán và uy tín của người vay, đa dạng hóa và theo dõi nguồn lợi nhuận thu được từ người đi vay.
Ngoài ra, có một số công ty P2P lending tiến hành xây dựng các mạng xã hội nội bộ có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các mối quan hệ giữa những người cho vay và đi vay, từ đó gián tiếp giúp người vay và đi vay có thêm những thông tin về những đối tác tiềm năng của mình. Đây là yếu tố quan trọng nâng cao niềm tin của các NĐT vào độ chính xác của điểm số tín dụng của người đi vay, giúp giảm rủi ro trong quá trình cho vay đồng thời giúp đem đến các thông tin công khai cho các bên | tham gia để quyết định giao dịch trên nền tảng trực tuyến.
Thứ ba, khoản cho vay không có thỏa thuận tài sản bảo đảm
Cho vay ngang hàng cung cấp cả khoản vay có bảo đảm và không có bảo đảm. Tuy nhiên, hầu hết các khoản vay trong hình thức cho vay P2P lending là khoản vay không có đảm bảo hay còn gọi là khoản vay tín chấp. Các khoản vay có bảo đảm thường không nhiều và thông thường những khoản vay đó có giá trị lớn. Các công ty P2P hoạt động trên nền tảng công nghệ, thẩm định khách hàng dựa trên thông tin thu thập được từ số điện thoại đăng ký, mạng xã hội, xét duyệt hồ sơ vay cũng hoàn toàn trực tuyến, chỉ với những giao dịch có giá trị lớn mới cần yêu cầu tài sản đảm bảo.
Trong mô hình kinh doanh P2P Lending, người cho vay thường thực hiện các khoản vay tương đối nhỏ, ngắn hạn không được đảm bảo bằng tài sản thế chấp và hầu hết tập trung vào một loại cho vay nhất định với lãi suất khác nhau tùy thuộc vào mức độ tín nhiệm được đánh giá người vay và các khoản vay không có bảo đảm thường có lãi suất tương đối cao.
Lý giải cho điều này có thể thấy rằng xuất phát từ phía cung – cầu. Với những tiến bộ nhanh chóng của khoa học công nghệ, internet, thiết bị di động, đặc biệt là dữ liệu lớn đã khuyến khích sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các nền tảng cho vay ngang hàng trong những năm gần đây với mục tiêu tiếp cận các đối tượng khách hàng chưa hoặc khó tiếp cận được khu vực ngân hàng với các cách thức cho vay truyền thống.
Mô hình cho vay ngang hàng hỗ trợ cho các cá nhân tiếp cận vốn một cách dễ dàng, nhất là những người không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng, không có tài sản bảo đảm thế chấp cùng với đó là nhóm doanh nghiệp có nhu cầu về vốn nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng vì những lý do như hệ thống kế toán tài chính chưa chuẩn mực, tâm lý ngại thủ tục do thiếu kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ vay vốn ngân hàng hay thiếu tài sản thế chấp. Do đó, phần đa khoản vay qua nền tảng giao dịch trực tuyến theo hình thức không có tài sản đảm bảo. Và có lẽ chính nhờ đặc điểm này, cho vay ngang hàng được coi là nguồn tài chính thay thế.
Thứ tư, thủ tục cho vay đơn giản, thuận tiện
Cho vay ngang hàng là hình thức tín dụng nhanh chóng và thuận tiện cho các bên tham gia dựa trên sự tận dụng được các ưu điểm của Internet và công nghệ tài chính. Mọi giao dịch vay và cho vay hầu hết được thực hiện thông qua mạng Internet với sự hỗ trợ của hệ thống giao dịch trực tuyến được cung cấp bởi các công ty cho vay ngang hàng.
Trong hoạt động cho vay P2P, mọi giao dịch đều thực hiện trực tuyến trên mạng internet nên người cho vay và người vay không cần thiết phải biết nhau. Nền tảng trực tuyến P2P kết nối người đi vay và cho vay trên một quy mô rất lớn, kể cả về địa lý và thời gian. Mọi người, tất cả các thành phần, chủng tộc, giới tính, quốc gia, vùng và lứa tuổi có thể truy cập vào một mạng bằng máy tính xách tay hoặc điện thoại thông minh mọi lúc mọi nơi và từ đó có thể tham gia vào thị trường cho vay trực tuyến: cho vay hoặc đi vay, thậm chí tham gia vào cả hai vai trò. Điều này giúp nhà đầu tư và người đi vay giảm thiểu thời gian và công sức đi đến địa điểm giao dịch, bên cạnh đó các bên có thể tham gia giao dịch tại bất cứ đâu vào bất cứ thời gian nào.
Bên cạnh đó, các thủ tục vay và cho vay cũng hết sức đơn giản. Các nhà đầu tư và người đi vay sẽ đăng ký thông tin thông qua mạng internet. Các nhà đầu tư chỉ cần đưa ra các đặc điểm cho vay mong muốn, chẳng hạn như lãi suất, điểm xếp hạng yêu cầu của người đi vay, người đi vay cũng đưa ra yêu cầu đề nghị vay vốn trong hồ sơ vay vốn liên quan đến mức vay vốn, thời gian vay vốn và lãi suất mong muốn, sau đó hệ thống sẽ so sánh đối chiếu các yêu cầu của nhà đầu tư với các hồ sơ vay vốn trên hệ thống, sau đó sẽ tính toán và phân bổ quỹ đầu tư một các hợp lý.
Bằng cách tiến hành giao dịch với sự trợ giúp của hệ thống nền tảng giao dịch trực tuyến, quá trình giao dịch cả nhà đầu tư và người đi vay đều có thể hoàn thành một cách dễ dàng, thuận trong một thời gian ngắn. Các khoản vay được xử lý hoàn toàn trực tuyến, do đó, thời gian xử lý khoản vay từ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt khoản vay đều rất nhanh chóng, thậm chí chỉ trong vòng vài phút.