Lịch sử quy định về vấn đề ly thân? Vấn đề ly thân theo pháp luật Việt Nam trước năm 1975? Vấn đề ly thân theo pháp luật Việt Nam từ năm 1975 đến nay? Hiện tại có quy định không?
1. Vấn đề ly thân theo pháp luật Việt Nam trước năm 1975:
Vấn đề ly thân không được đề cập đến trong pháp luật thời kỳ phong kiến. Nếu vợ chồng có những trục trặc đến mức không có cách nào dung hòa được, họ chỉ còn cách đâm đơn xin ly hôn. Chương hộ hôn trong Quốc triều hình luật quy định về các nguyên tắc trong lĩnh vực hôn nhân, về cơ bản là: Hôn nhân không tự do, đa thể và xác lập chế độ gia đình gia trưởng. Các quy định đó thể hiện lễ nghĩa Nho giáo, trật tự xã hội – gia đình phong kiến, tuy nhiên vẫn có một số điểm tiến bộ. Bên cạnh việc quy định về kết hôn (nguyên tắc, nội dung, hình thức cưới gả) và quan hệ gia đình (giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa các thân thuộc khác như vợ cả – vợ lẽ, anh – chị – em, cha mẹ – con nuôi, vai trò của người tôn trưởng tức trưởng họ), Quốc triều hình luật cũng quy định về chấm dứt hôn nhân tại Chương hộ hôn như sau:
Các trường hợp chấm dứt hôn nhân là: Một trong hai người đã chết hoặc ly hôn. Về trường hợp chấm dứt hôn nhân do một trong hai người đã chết cần lưu ý là quan hệ hôn nhân chỉ thực sự chấm dứt ngay nếu người chết là vợ, còn nếu là chồng chết thì nó chỉ chấm dứt sau khi mãn tang” .
Về trường hợp ly hôn có ba nhóm sau: “Buộc phải ly hôn (các điều 317, 316, 323, 324, 334 Quốc triều hình luật) do hôn nhân đã vi phạm các quy định cấm kết hôn. Ly hôn do lỗi của người vợ: Điều 310 quy định người chồng phải ly hôn khi người vợ phạm phải điều thất xuất (đoạn tuyệt hết ân nghĩa vợ chồng) như: Không con, ghen tuông, ác tật (mắc các bệnh như phong, hủi), dâm đãng, không kính cha mẹ, lắm lời, trộm cắp. Ly hôn do lỗi của người chồng: Điều 308 quy định: “Phàm chồng đã bỏ lửng vợ 05 tháng không đi lại (vợ được trình với quan sở tại và xã quan làm chứng) thì mất vợ” .
Như vậy, ngoài các trường hợp được quy định như trên, vợ chồng không thể ly hôn. Kể cả trong trường hợp vợ chồng mâu thuẫn, người vợ vẫn phải cam chịu và thuận theo chồng, nơi ở của chồng cũng chính là nơi ở của vợ. Bởi lẽ, pháp luật phong kiến nước ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi Nho giáo, trong đó đề cao “tam tòng, tứ đức” của người phụ nữ. Người vợ chỉ được ở riêng khi chồng cho phép, nếu không sẽ phạm hình tội và tùy theo mức độ nặng nhẹ mà phải chịu phạt roi, biếm…
Tuy nhiên, pháp luật phong kiến ở nước ta vẫn hướng tới bảo vệ người vợ ở mức độ nhất định, đó là quy định trường hợp người chồng không được phép bỏ vợ nếu thuộc trường hợp “tam bất khứ”. Đó là những trường hợp sau: Đã để tang nhà chồng 03 năm; khi lấy nhau nghèo mà sau giàu có; khi lấy nhau có bà con mà khi bỏ lại không có bà con để trở về. Vậy, ly thân không được chấp nhận ở thời kỳ phong kiến, bởi tư tưởng gia trưởng thống lĩnh thời kỳ này. Người vợ khi đã lấy chồng đồng nghĩa với việc họ trở thành “người phụ thuộc” vào chồng (thậm chí một số giai đoạn phong kiến còn có tục tuẫn táng – chồng chết thì vợ phải chết theo). Hay vợ không được quyền có nơi ở khác với chồng, tư tưởng “xuất giá tòng phu” (lấy chồng phải theo chồng) được truyền dạy qua hàng nghìn năm không thể dễ dàng thay đổi.
Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, trước năm 1945, chính quyền bù nhìn đã ban hành ba bộ luật dân sự, áp dụng riêng trên ba miền Bắc – Trung – Nam. Chế độ hôn nhân và gia đình theo ba bộ dân luật này phần nhiều dựa trên Bộ dân luật Pháp (1804). Tuy nhiên, vấn đề ly thân chỉ được quy định một cách giản đơn trong Bộ dân luật giản yếu (1883) ở Nam kì. Bộ dân luật Bắc kì (1931) và Bộ dân luật Trung kì (1936) không quy định về ly thân. Bộ dân luật giản yếu (1883) ở Nam kì quy định về ly hôn:
“Trong các trường hợp có thể xin ly hôn được, vợ chồng cũng có thể xin ly thân. Đơn ấy sẽ được thẩm cứu và xử như trong vụ ly hôn. Sau này cũng có thể khởi tố xin ly hôn và căn cứ vào những duyên cớ đã nại ra để xin ly thân” .
Sau năm 1954, đất nước ta bị chia cắt thành hai miền với hai chế độ chính quyền riêng là Việt Nam dân chủ cộng hòa ở miền Bắc và Việt Nam cộng hòa ở miền Nam. Năm 1959, Luật HNGĐ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ở miền Bắc) và Luật I/59 về gia đình của Chính phủ Việt Nam cộng hòa (ở miền Nam) đều được ban hành. Điểm tiến bộ nổi bật nhất của hai luật trên là cùng bãi bỏ chế độ đa thê thời phong kiến . Điều 55 Bộ luật gia đình ngày 2/1/1959 dưới chế độ Ngô Đình Diệm quy định vợ chồng không được ly hôn, việc này chỉ đặt ra trong trường hợp đặc biệt là do chính Tổng thống quyết định. Từ Điều 56 đến Điều 69 của Bộ luật này có quy định việc ly thân; những duyên cớ (lỗi) để vợ chồng yêu cầu ly thân và hiệu lực của việc ly thân.
Ở miền Nam, Sắc luật 15/64 ngày 23/7/1964 dưới chế độ Nguyễn Khánh thay thế Luật I/59 về gia đình. Sắc luật số 15/64 quy định về giá thú, tử hệ và tài sản cộng đồng. Sắc luật này vừa chấp nhận cho vợ chồng ly thân, đồng thời đã công nhận quyền ly hôn của vợ chồng (Chương II từ Điều 62 đến Điều 99 đã quy định về ly thân, ly hôn). Theo đó, căn cứ ly thân được quy định giống như căn cứ xin ly hôn như sau: “Ngoại trừ trường hợp giá thú bị mất giá trị khi một trong hai người chết, hay do Tòa án tuyên bố vô hiệu, vợ hoặc chồng chỉ có thể xin ly hôn hoặc ly thân sau khi lập hôn thú ít nhất là hai năm. Ngoài ra, phải có một trong những lý do sau: Người phối ngẫu ngoại tình; Người phối ngẫu bị kết án trọng hình về thường tội; Bị ngược đãi, bạo hành, nhục mạ một cách thậm từ và thường xuyên khiến hai người không thể chung sống với nhau được nữa; Có án văn xác định người phối ngẫu bị mất tích; Người phối ngẫu bỏ phế gia đình, sau khi có án văn xử phạt người phạm lỗi”.
Ngoài ra, Sắc luật 15/64 cũng quy định về thủ tục ly thân: Thủ tục ly thân cũng tương tự thủ tục ly hôn. Án ly thân không đoạn tuyệt bổn phận vợ chồng, nhưng có thể căn cứ vào đơn xin của một trong hai bên mà Thẩm phán cấm người vợ mang tên người chồng, hoặc cho phép người vợ không mang tên người chồng nữa (nếu có lý do chính đáng). Sự ly thân đặt vợ chồng vào tình trạng tài sản riêng biệt, việc nuôi con cũng được giải quyết như khi ly dị. Sau ba năm có án ly thân, mỗi bên đều có thể xin hoán cải thành án ly hôn và đương nhiên được cho ly hôn. Người có lỗi trong việc ly hôn phải chịu mọi án phí hoán cải. Nếu hai bên đều có lỗi thì mỗi bên chịu phân nửa án phí.
Bộ luật Dân sự ngày 20/12/1972 dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu thay thế Sắc luật số 15/64. Bộ dân luật này cũng quy định cho vợ chồng vừa được ly hôn vừa có quyền yêu cầu ly thân. Điều 170 Bộ luật này đã quy định các duyên cớ (lỗi) để vợ chồng xin ly hôn hoặc ly thân. Trong Tiết III nói về ly thân, từ Điều 202 đến Điều 206 quy định thủ tục, hậu quả của ly thân, cụ thể như sau:
– Về căn cứ ly thân: Điều 170 Bộ luật Dân sự năm 1972 quy định “Vợ hay chồng có thể xin ly hôn hoặc ly thân vì sự ngoại tình của người phối ngẫu; vì người phối ngẫu bị kết án trọng hình về thường tội; vì sự ngược đãi, bạo hành hay nhục mạ, có tính cách thậm từ và tái diễn khiến vợ chồng không thể ăn ở với nhau nữa”.
– Về thủ tục giải quyết ly thân: Điều 206 Bộ luật Dân sự năm 1972 (về hoán cải ly thân thành ly hôn): “Ba năm sau khi có án ly thân, mỗi người phối ngẫu có thể xin hoán cải án ly thân thành án ly hôn. Đơn thỉnh cầu đương nhiên được chấp nhận. Người phối ngẫu có lỗi trong việc ly thân phải chịu các án phí về sự hoán cải; nếu cả hai bên đều có lỗi, mỗi bên phải chịu một nửa án phí. Đơn xin hoán cải được thẩm xét theo thủ tục thường tụng”.
– Về hậu quả pháp lý:
+ Về chăm sóc, nuôi dưỡng con chung: Theo Điều 198 Bộ luật Dân sự năm 1972 thì “Theo nguyên tắc, các con sẽ thuộc quyền giảm thủ của người phối ngẫu không phạm lỗi. Tuy nhiên, nếu không có lý do gì cản trở, những đứa con còn thơ ấu cần sự chăm sóc của người mẹ sẽ được giao cho người này và những đứa trẻ đã đủ 16 tuổi sẽ được giao cho cha hoặc mẹ tùy theo ý muốn của chúng. Tòa án cũng có thể giao một hay nhiều đứa trẻ cho những thân thuộc khác coi giữ. Trong mọi trường hợp, cha hay mẹ không được giảm thủ có quyền thăm viếng các con tùy theo sự thỏa thuận của hai bên hay do sự ấn định của Tòa án”.
+ Về phân chia tài sản: Điều 199 đến Điều 201 Bộ luật Dân sự năm 1972 quy định tài sản được phân chia giữa vợ chồng như hôn ước đã định, nếu có. Thành phần khối tài sản là thành phần hiện hữu vào ngày khởi tố, người phối ngẫu có lỗi sẽ mất hết những biệt lợi mà người kia dành cho mình do hôn ước hoặc từ ngày kết hôn, người phối ngẫu không phạm lỗi giữ nguyên những biệt lợi mà người kia dành cho, kể cả những biệt lợi được ứng thuận với điều kiện hỗ tương, nếu không có hôn ước thì ngoại trừ tài sản riêng của hai người, tài sản chung sẽ chia đôi.
+ Về cấp dưỡng giữa vợ, chồng: Theo Điều 201 Bộ luật Dân sự năm 1972 thì: “Nếu không có hôn ước thì ngoại trừ tài sản riêng của hai người, tài sản chung sẽ chia đôi. Phần của mỗi người sẽ bị khấu trừ số tiền cấp dưỡng mà người này đã được hưởng trong thời gian thủ tục ly hôn tiến hành; nhưng nếu phần này ít hơn số tiền cấp dưỡng, bên kia sẽ không được đòi lại số sai biệt”.
Trong khi đó miền Bắc và miền Trung không thừa nhận chế định ly thân, tuy nhiên, chế định ly thân vẫn được thừa nhận bằng cách xác lập qua các án lệ. Trong bản án ngày 28/5/1935, Tòa thượng thẩm Hà Nội lập luận:
“Chiểu chi đành rằng, sự ly thân không có trong luật Việt Nam và người vợ trong suốt thời gian hôn thú, phải cư ngụ tại cơ sở của người chồng nhưng người vợ có quyền xin Tòa án ấn định một nơi ở riêng biệt trong trường hợp bị người chồng đuổi ra khỏi cơ sở hôn nhân hoặc người chồng làm cho sự sống chung không thể tồn tại do sự ngược đãi hay do việc ép buộc người vợ phải sống chung đụng tại cơ sở hôn nhân với một người tình nhân hay một người vợ thứ mà người vợ không chấp nhận chiểu chi người vợ bị đối xử tàn tệ như vậy mà không thể sống chung với chồng, không bắt buộc phải xin ly hôn với hy vọng người chồng có thể thay đổi tính tình làm cho người vợ tránh một sự đoạn tuyệt vĩnh viễn”. Theo án lệ này, tại miền Bắc và miền Trung, người vợ không có quyền yêu cầu ly thân nhưng có thể yêu cầu Tòa án cho phép có nơi ở riêng nếu bị chồng đối xử tàn tệ, việc này thực chất là tạm thời chấm dứt nghĩa vụ sống chung của vợ chồng.
Sự khác biệt giữa ba miền Bắc Kì, Trung Kì và Nam Kì trong việc điều chỉnh về ly thân bắt nguồn từ chế độ chính trị, bộ máy hành chính và hệ thống luật pháp tại mỗi vùng trong từng giai đoạn khác nhau (xứ thuộc địa Nam Kỳ và hai xứ bảo hộ Bắc và Trung Ki). Do đó, miền Nam Việt Nam bị chế độ thực dân Pháp can thiệp và áp đặt nặng nề, bao gồm kiến trúc thượng tầng về xu hướng tư duy xã hội, pháp luật, trong đó các quy phạm luật dân sự lệ thuộc nhiều vào Bộ luật Dân sự Pháp. Miền Bắc và miền Trung bị áp đặt ít nặng nề hơn, người vợ chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán và sự điều chỉnh của giáo lý đạo Nho theo thuyết tam tòng nên xã hội và pháp luật không chấp nhận việc ly thân giữa vợ và chồng.
2. Vấn đề ly thân theo pháp luật Việt Nam từ năm 1975 đến nay:
Sau khi thống nhất hai miền Nam – Bắc vào năm 1975, Luật HNGĐ năm 1959 được áp dụng trên cả nước từ ngày 25/3/1977 theo Nghị quyết số 76/NQ–CP về áp dụng pháp luật thống nhất trong cả nước. Để đáp ứng những yêu cầu của những thay đổi về kinh tế – xã hội và các quan hệ HNGĐ, Quốc hội đã thông qua Luật HNGĐ năm 1986 và Luật HNGĐ năm 2000. Cả hai văn bản luật này đều không quy định về ly thân. Vì vậy, ly thân không được thừa nhận về mặt pháp lý, mặc dù trên thực tế hiện tượng này xảy ra rất phổ biến. Bởi lẽ, văn hóa Việt Nam khi đó còn mang đậm tính truyền thống, không muốn thừa nhận những sự việc đi ngược lại với thuần phong mỹ tục đã tồn tại từ thời xưa. Hơn nữa, một phần lý do của việc này là bởi khi đó nước ta mới giành độc lập nên không quá cởi mở với những tư tưởng từ Tây phương (Cộng hòa Pháp), từ đó cho rằng quy định ly thân đã từng được kế thừa từ Bộ luật Dân sự Pháp trong những sắc luật miền Nam cộng hòa là đi ngược lại với những giá trị truyền thống về gia đình của người Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng chế định chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân trong Luật HNGĐ năm 1986 và Luật HNGĐ năm 2000 đã gián tiếp thừa nhận ly thân, bởi các chế định này đã tạo tiền đề cho việc tách bạch tài sản, phân định rõ quyền và nghĩa vụ về tài sản giữa vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân, tạo thuận lợi cho vợ chồng “ở riêng”. Các quy định này như sau:
– Điều 18 Luật HNGĐ năm 1986 quy định: “Khi hôn nhân tồn tại, nếu một bên yêu cầu và có lý do chính đáng, thì có thể chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định ở Điều 42 của Luật này”, theo đó Điều 42 nêu rằng: “...việc chia tài sản do hai bên thỏa thuận, và phải được Tòa án nhân dân công nhận. Nếu hai bên không thoả thuận được với nhau thì Toà án nhân dân quyết định”.
– Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng ban hành Nghị quyết số 01/NQ–HĐTP ngày 20/01/1988 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HNGĐ, trong đó hướng dẫn áp dụng Điều 18 Luật HNGĐ năm 1986 như sau: “Trong khi hôn nhân còn tồn tại, Điều 18 cho phép chia tài sản của vợ chồng nếu có lý do chính đáng (như: Vợ chồng tính tình không hợp nhưng con cái đã lớn nên không muốn ly hôn mà chỉ muốn ở riêng, do đó, một bên hoặc cả hai bên xin chia tài sản thì tài sản được chia như khi xử về ly hôn)”. Với quy định này có thể thấy, Nghị quyết cố ý tránh dùng từ “ly thân” mà dùng từ “ở riêng” và mô tả hoàn cảnh để áp dụng chế định chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (tính tình vợ chồng không hòa hợp, con đã lớn, không muốn ly hôn...). Nội dung quy định này chính là sự mô tả về ly thân, tuy nhiên pháp luật thời kỳ này không công nhận ly thân pháp lý nên Tòa án nhân dân tối cao phải dùng cách thức gián tiếp để chỉ việc ly thân. Điều này tạo nên sự mâu thuẫn giữa pháp luật và thực tế, bởi chủ trương không công nhận ly thân pháp lý không phản ánh được thực tiễn ly thân vẫn diễn ra giữa nhiều cặp vợ chồng trong xã hội.
– Luật HNGĐ năm 2000 tiếp tục quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân tại Điều 29. Theo đó, khi hôn nhân tồn tại, nếu vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung, nếu không thoả thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận. Nghị định số 70/2001/NĐ–CP ngày 3/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật HNGĐ năm 2000 đã hướng dẫn chi tiết chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995, Tòa án nhân dân tối cao đã có kết luận: “Luật HNGĐ không quy định Tòa án thụ lý và giải quyết yêu cầu ly thân, nhưng Điều 18 Luật HNGĐ quy định, khi hôn nhân tồn tại, nếu một hoặc các bên yêu cầu và có lý do chính đáng thì có thể chia tài sản chung vợ chồng. Trong trường hợp này thông thường quan hệ vợ chồng đã rạn nứt, các đương sự thực tế đã ly thân. Khi chia tài sản nếu họ đặt vấn đề Tòa án xác nhận tình trạng ly thân thì Tòa án có thể xác nhận. Nếu các đương sự chỉ đơn thuần xin ly thân thì Tòa án giải thích cho họ tự định đoạt mà không thụ lýgiải quyết cho ly thân hay không”. Như vậy, vấn đề ly thân đã được Tòa án nhân dân tối cao nhắc đến và hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp thực hiện ở những năm trước khi chưa có Luật HNGĐ năm 2000. Đến năm 2000, Chính phủ khi thực hiện dự án sửa đổi Luật HNGĐ năm 1986 đã đưa chế định ly thân vào dự thảo Luật nhưng chưa được Quốc hội chấp thuận.
Ý kiến cho rằng “chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân” trong Luật HNGĐ năm 1986 và Luật HNGĐ năm 2000 đã gián tiếp thừa nhận ly thân là hoàn toàn sai lầm. Mặc dù giữa “ly thân” và “chia tài sản chung vợ chồng” có những điểm tương đồng như không chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng hay vợ hoặc chồng không được kết hôn với người khác, song về bản chất, hai khái niệm này lại hoàn toàn khác nhau vì những lý do sau:
Thứ nhất, mục đích của “ly thân” là một giải pháp tạm thời để giải quyết phương diện tình cảm, giải tỏa xung đột vợ chồng, tạo cho họ có một khoảng thời gian cần thiết để cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định có ly hôn hay không. Còn “chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân” là nhằm giải quyết vấn đề tài sản để ổn định quan hệ hôn nhân, đảm bảo lợi ích về tài sản của vợ chồng và các thành viên gia đình do đặc thù yêu cầu công việc, công tác, kinh doanh riêng... mà không nhất thiết vợ chồng phải có mâu thuẫn trong thời kỳ hôn nhân.
Thứ hai, hậu quả pháp lý của ly thân bao gồm cả về nhân thân và tài sản của vợ chồng (mà quan trọng nhất là chấm dứt nghĩa vụ sống chung); còn chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân chỉ dẫn đến hậu quả pháp lý về tài sản. Theo quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, chỉ những phần tài sản đã chia là thuộc tài sản riêng của vợ chồng, những tài sản còn lại không chia thì vẫn nằm trong khối tài sản chung. Như vậy, chế độ tài sản chung của vợ chồng vẫn tồn tại. Còn đối với quy định về “ly thân” thì “cộng đồng tài sản sẽ chấm dứt vì án ly thân hay biệt sản” (Điều 168 Bộ Dân luật Sài Gòn năm 1972), tức là chấm dứt chế độ tài sản chung vợ chồng. Vì thế, không thể đồng nhất quy định “chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân” là một hình thức gián tiếp của “ly thân”.
Trong quá trình xây dựng Luật HNGĐ năm 2014, từng có những đề xuất bổ sung “chế định ly thân” trong Luật hôn nhân và gia đình với lý do là để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em tốt hơn trong thời gian này . Dự thảo Luật HNGĐ năm 2014 quy định ly thân về các vấn đề: Giải quyết yêu cầu ly thân của vợ chồng (đưa ra 02 phương án: Vợ chồng hoặc vợ, chồng có quyền yêu cầu ly thân; Vợ chồng có quyền yêu cầu ly thân theo thỏa thuận); Hiệu lực của ly thân (quy định về chấm dứt nghĩa vụ sống chung; quyền của cha mẹ đối với con chung, tài sản vợ chồng trong thời gian ly thân; cấp dưỡng, thừa kế giữa vợ chồng; quyền, nghĩa vụ tài sản với người thứ ba); Chấm dứt ly thân (theo thỏa thuận); Giải quyết yêu cầu ly hôn trong thời gian vợ chồng ly thân.
Tuy nhiên, đề xuất đưa “chế định ly thân” vào Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã bị Quốc hội Việt Nam bác bỏ do vấp phải nhiều phản đối bởi những hệ lụy xấu mà chế định này có thể gây ra cho xã hội. Theo những ý kiến này thì tuy rằng một số quốc gia đã quy định về “chế định ly thân” trong luật pháp, nhưng đối với đặc thù văn hóa – xã hội – gia đình của một nước Á đông như Việt Nam, việc tạo ra chế định này sẽ gây ra tác hại nhiều hơn là lợi ích. Cuối cùng, Quốc hội đã thông qua Luật HNGĐ năm 2014 mà không có chế định ly thân.