Lịch sử xây dựng, phát triển các quy định về khởi kiện vụ án dân sự

Lịch sử xây dựng, phát triển các quy định về khởi kiện vụ án dân sự? Các quy định về khởi kiện dân sự ở Việt Nam được xây dựng và phát triển qua các thời kỳ thế nào?

1. Quy định về khởi kiện vụ án dân sự thời kỳ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945:

Không phải đến pháp luật hiện hành mới có các quy định về khởi kiện vụ án dân sự. Cổ luật Việt Nam đã có những quy định về khởi kiện cũng như thủ tục thực hiện quyền khởi kiện trong Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long. Cổ luật Việt Nam không phân biệt các vụ kiện về dân sự hay hình sự, tất cả các hành vi vi phạm pháp luật đều bị các chế tài về hình sự kể cả những vụ việc mà ngày nay chúng ta coi chỉ có tính chất dân sự. Cổ luật không có những quy định trực tiếp về quyền khởi kiện. Tuy nhiên, từ những quy định về luật hình thức và thủ tục thực hiện đơn kiện và đơn tố cáo có thể cho chúng ta biết Cổ luật Việt Nam đã có những quy định về quyền khởi kiện.

Căn cứ để khởi kiện là các hành vi phạm tội được ghi nhận trong luật Hồng Đức và Luật Gia Long. Người đứng đơn khởi kiện được gọi là nguyên cáo, là người có quyền lợi bị xâm phạm phải chứng minh được quyền khởi kiện của mình bằng việc đưa ra những bằng chứng và chứng cứ để chứng minh về cơ sở của việc kiện. Chẳng hạn, khởi kiện về điền thổ phải có văn tự, về tài sản phải có chức thư, về nợ phải có giấy tờ ghi nhận nợ.

Người bị nguyên cáo kiện được gọi là bị cáo, cũng có quyền phản đối yêu cầu của nguyên cáo bằng hình thức tương tự, đưa ra bằng chứng chứng minh làm cơ sở cho việc phản đối nộp cho nha môn. Như vậy, Cổ luật Việt Nam đã có những quy định cơ bản về điều kiện khởi kiện. Tuy nhiên, Cổ luật cũng có những quy định hạn chế quyền khởi kiện của các thành viên trong gia đình. Cụ thể là cấm con cháu kiện ông bà, cha mẹ, ông bà ngoại, ông bà cha mẹ chồng (Điều 511 Luật Hồng Đức, Điều 306 Luật Gia Long); con cháu cũng không được tố cáo ông bà cha mẹ, ông bà ngoại, ông bà cha mẹ chồng (Điều 104 Bộ Luật Hồng Đức, Điều 304 Bộ luật Gia Long)…v.. Chính các quy định này đã hạn chế quyền khởi kiện của công dân.

Trong thời kỳ Pháp thuộc thì các Bộ luật dân sự được áp dụng riêng rẽ cho ba kỳ. Các bộ luật quan trọng ta phải kể đến đến đó là Bộ Luật Dân sự Nam Kỳ giản yếu ra đời năm 1883, Bộ dân luật Bắc Kỳ ra đời năm 1931 và Bộ dân luật Trung Kỳ (Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật) ra đời năm 1936. Các Bộ luật trên đều ghi nhận quyền công dân trong lĩnh vực dân sự.

2. Quy định về khởi kiện vụ án dân sự thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1959:

Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, Nhà nước dân chủ cộng hòa ra đời. Ngay sau đó Nhà nước ta đã ban hành sắc lệnh 47/SL ngày 10/10/1945 cho giữ tạm thời những luật lệ hiện hành của chế độ cũ. Nhà nước đã ban hành hàng loạt các sắc lệnh trong đó cho phép Tòa án áp dụng thủ tục tố tụng để giải quyết tranh chấp dân sự như: Sắc lệnh 13/SL ngày 24/01/1946 về tổ chức các Tòa án và ngạch Thẩm phán; Sắc lệnh 52/SL ngày 17/04/1946 quy định thẩm quyền của các Tòa án; Sắc lệnh 112/SL ngày 28/06/1946 bổ sung Sắc lệnh 51; Sắc lệnh 130/SL ngày 19/07/1946 quy định về thể thức thi hành án; Sắc lệnh 85/SL ngày 22/05/1950 cải cách bộ máy tư pháp và tố tụng; Sắc lệnh 159/SL ngày 07/11/1950 quy định về vấn đề ly hôn. Tuy nhiên, trong điều kiện kháng chiến từ năm 1945 đến năm 1954 các Sắc lệnh do Nhà nước ban hành chủ yếu quy định chung về thủ tục tố tụng mà không có quy định cụ thể về quyền khởi kiện và đảm bảo quyền khởi kiện.

3. Quy định về khởi kiện vụ án dân sự thời kỳ từ năm 1960 đến năm 1989:

Ngay sau khi kháng chiến thắng lợi Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định các nguyên tắc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, Điều 22 Hiến pháp năm 1959 đã ghi nhận nguyên tắc “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bình đằng trước pháp luật”, trên tinh thần đó Luật Tổ chức Tòa án, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát đã ghi nhận và đảm bảo đầy đủ nguyên tắc đó.

Để cụ thể hóa nguyên tắc trên Tòa án nhân dân tối cao cũng đã có hướng dẫn về khởi kiện vụ án dân sự tạo cơ sở cho việc áp dụng trên thực tế quyền này của công dân. Qua nghiên cứu cho thấy một số văn bản tố tụng quan trọng trong thời kỳ này trực tiếp hoặc gián tiếp quy định về khởi kiện vụ án dân sự. Đó là công văn số 1111/NCLP ngày 13/07/1963 của Tòa án nhân dân tối cao về thủ tục xử chia tài sản ly hôn đối với người mất trí; công văn số 05/NCLP ngày 29/06/1966 của Tòa án nhân dân tối cao về tư cách bị đơn; Thông tư số 39/NCLP ngày 21/01/1972 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về thụ lý, xếp và tạm xếp những việc kiện về hôn nhân và gia đình và tranh chấp dân sự; Công văn số 96/NCLP ngày 08/02/1977 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn trình tự xét xử sơ thẩm về dân sự. Sau này Công văn số 546/DS ngày 07/07/1989 về quyền khởi kiện của cá nhân, tổ chức vì lợi ích của Nhà nước có quy định khi Viện kiểm sát khởi tố vụ kiện thì cần đưa cơ quan Nhà nước hoặc hợp tác đứng vào vai trò nguyên đơn trong vụ kiện vì họ là đương sự chính trong vụ kiện. Tiếp đến là công văn số 05/NCLP ngày 29/06/1986 của Tòa án nhân dân tối cao về tư cách của bị đơn trong vụ kiện dân sự; Nghị quyết 01/NQ/H ĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 20/01/1988.

Có thể nhận xét trong giai đoạn từ năm 1960 đến 1989, vấn đề khởi kiện tiếp tục được ghi nhận và củng cố. Tuy nhiên để xác định chủ thể có quyền khởi kiện thì cần phải căn cứ vào pháp luật nội dung, trong đó sẽ xác định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia các quan hệ cụ thể, từ đó mới xác định được chủ thể mang quyền và chủ thể có nghĩa vụ. Các văn bản này cũng đề cập đến việc thực hiện quyền khởi kiện và bảo đảm quyền khởi kiện. Theo đó, nguyên đơn có đủ tư cách để đi kiện phải là người có năng lực hành vi dân sự và có quyền lợi bị xâm phạm. Nguyên đơn có thể ủy quyền bằng văn bản có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã cho người có năng lực hành vi thay mặt mình trong việc kiện.

4. Quy định về khởi kiện vụ án dân sự thời kỳ từ năm 1989 đến năm 2004:

Kế thừa và phát triển các quy định về tố tụng dân sự của giai đoạn trước đó, Nhà nước ta đã ban hành ba Pháp lệnh về thủ tục tố tụng. Đó là Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (PLTTGQCVADS) ngày 29/11/1989, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế (PLTTGQCVAKT) ngày 06/03/1994, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động (PLTTGQCTCLĐ) ngày 11/04/1996. Đây là những văn bản pháp luật quan trọng về tố tụng dân sự, trong đó có những quy định liên quan đến quyền khởi kiện và bảo đảm quyền khởi kiện.

PLTTGQCVADS năm 1989 ra đời đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc thực thi quyền khởi kiện của công dân trên thực tế. Điều 1 Pháp lệnh này quy định: “Công dân, pháp nhân theo thủ tục do pháp luật quy định, có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án nhân dân bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”. Điều 34 quy định về phạm vi khởi kiện, theo đó một người có thể khởi kiện đối với một người về một hoặc nhiều yêu cầu khác nhau, một người có thể khởi kiện đối với nhiều người hoặc nhiều người có thể khởi kiện một người về cùng một quan hệ pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định của Pháp lệnh năm 1989, trình tự thủ tục giải quyết những vụ việc phát sinh tranh chấp và không phát sinh tranh chấp đều được giải quyết theo một thủ tục chung.

PLTTGQCVAKT năm 1994 và PLTTGQTCLĐ năm 1996 đã tách hai mảng kinh tế và lao động ra khỏi trình tự thủ tục giải quyết các vụ án dân sự theo quy định của PLTTQGCVADS năm 1989. Hai Pháp lệnh này về cơ bản được xây dựng trên cơ sở PLTTGQCVADS năm 1989 nên các quy định về quyền khởi kiện về cơ bản tương tự như trong PLTTGQCVADS. PLTTQGCVAKT năm 1994 không quy định quyền khởi tố vụ án kinh tế của Viện kiểm sát nhân dân. Tuy nhiên, theo Điều 28 PLTTQGCTCLĐ năm 1996 thì “đối với những vi phạm pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động là người chưa thành niên, người tàn tật và các vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác, nếu không có ai khởi kiện thì Viện kiểm sát có quyền khởi tố”.

Có thể nói pháp luật tố tụng thời gian này với ba pháp lệnh riêng rẽ với các thủ tục khác nhau, đã gây rất nhiều khó khăn cho các chủ thể khi thực hiện việc khởi kiện vụ án dân sự bởi người dân vốn hạn chế về kiến thức pháp luật này lại phải chịu sự phức tạp của các quy định nên việc khởi kiện hạn chế. Mặt khác, trong khoảng thời gian này pháp luật cũng chưa quan tâm nhiều đến các cơ chế bảo đảm quyền khởi kiện.

5. Quy định về khởi kiện vụ án dân sự thời kỳ từ năm 2005 đến năm 2015:

BLTTDS năm 2004 có hiệu lực từ ngày 1/1/2005 đã thay thế ba pháp lệnh PLTTGQCVADS. PLTTQGCVAKT, PLTTGQCTCLĐ và ghi nhận quyền khởi kiện của các tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, thương mại và lao động và có các cơ chế bảo đảm quyền khởi kiện như cơ chế hỗ trợ của Tòa án, Viện kiểm sát, các cơ quan và tổ chức xã hội…v.v. Bộ luật này đã quy định về hai trình tự khác nhau là trình tự thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và trình tự thủ tục giải quyết các việc dân sự không có tranh chấp. Theo đó các quy định về quyền khởi kiện, quyền yêu cầu và cơ chế bảo đảm quyền khởi kiện cũng có nhiều thay đổi.

Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn các quy định của BLTTDS. Cụ thể là Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS; Nghị quyết số 04/2005/NQ HĐTP ngày 17-9-2005 hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về “Chứng minh và chứng cứ”; Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS; Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP ngày 04-8-2006 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “Thủ tục giải quyết các vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của BLTTDS; Thông tư liên tịch số 03/2005/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01-9-2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự và sự tham gia của Kiểm sát viên trong việc giải quyết các vụ việc dân sự; Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28-12-2007 Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Các văn bản trên đóng vai trò quan trọng trong việc cụ thể hoá BLTTDS, hướng dẫn áp dụng thống nhất BLTTDS trên phạm vi toàn quốc, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm quyền khởi kiện trên thực tế.

6. Quy định về khởi kiện vụ án dân sự thời kỳ từ năm 2015 đến nay:

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 48-NQ/TW; Nghị quyết số 49 NQ/TW; Kết luận số 79-KL/TW; Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI; hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người; thực hiện mô hình tố tụng “xét hỏi kết hợp với tranh tụng”; xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; thực hiện tốt việc tranh tụng xem đó là khâu đột phá của hoạt động xét xử; tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định; khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài, Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó.

Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tự pháp; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tóm lại, qua việc nghiên cứu khái quát về quá trình hình thành và phát triển của các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về khởi kiện vụ án dân sự thấy rằng mặc dù trước đó Cổ luật Việt Nam đã có những ghi nhận ban đầu về quyền khởi kiện. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước được độc lập, các quy định của pháp luật về quyền khởi kiện và bảo đảm quyền khởi kiện ngày càng được quan tâm chú trọng. BLTTDS năm 2004 ra đời đã đánh dấu một bước phát triển và ngày càng hoàn thiện các quy định pháp luật tố tụng dân sự về khởi kiện vụ án dân sự.

Theo dõi chúng tôi trên
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com