Lợi ích của hoạt động cho vay ngang hàng? Rủi ro của hoạt động cho vay ngang hàng? Lợi ích, rủi ro của hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending)?
1. Lợi ích của hoạt động cho vay ngang hàng:
Thứ nhất, mô hình cho vay ngang hàng góp phần hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn một cách dễ dàng, nhất là những cá nhân và doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng và không có tài sản bảo đảm thế chấp, tạo thêm kênh cung ứng vốn đa dạng với thủ tục dễ dàng, thuận tiện cùng với mức lãi suất cạnh tranh hơn so với các hình thức cho vay truyền thống.
Những tiến bộ nhanh chóng của khoa học công nghệ, internet, thiết bị di động, đặc biệt là dữ liệu lớn đã khuyến khích sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các sàn cho vay ngang hàng giúp người đi vay dễ tiếp cận hơn so với khoản vay thông thường với thời gian giải quyết nhanh hơn, thủ tục, qui trình đơn giản. Người đi vay được trực tiếp thỏa thuận về lãi suất, thỏa thuận vay. Thủ tục, quy trình cho vay, giải ngân tối giản, nên thời gian cung cấp dịch vụ nhanh chóng và hiệu quả hơn. Việc vay ngang hàng theo kiểu thuận mua vừa bán, giúp người đi vay ra quyết định nhanh hơn, hiệu quả hơn thông qua việc sử dụng công nghệ, thay vì phải ký tá hàng loạt thủ tục hành chính rườm rà.
Điều này còn cho thấy ưu điểm của hình thức cho vay ngang hàng trong khi các ngân hàng và công ty tài chính có quá trình xét duyệt phức tạp và yêu cầu khắt khe thì người tham gia vay P2P lending được đơn giản hoá thủ tục, thời gian xét duyệt cho vay nhanh, giao dịch trực tuyến dễ dàng. Hơn thế nữa, mức lãi suất cạnh tranh hơn so với các hình thức cho vay truyền thống do cắt giảm được tối đa các chi phí từ cơ sở hạ tầng, dịch vụ, chi phí cho xây dựng mạng lưới phân phối và hoạt động so với các kênh truyền thống và vận hành qua môi trường trực tuyến nên người vay vốn khi vay ngang hàng sẽ được giảm chi phí lãi suất. Nhờ có hình thức vay tiền tiện lợi này mà người đi vay có thể bù đắp khoản thiếu hụt tiền trong thời gian ngắn để đáp ứng được các nhu cầu về chi tiêu, giải quyết các tình trạng khó khăn về tài chính.
Thứ hai, nhà đầu tư có thể đầu tư cho vay từ số vốn nhỏ, đa dạng hóa danh mục đầu tư và có thể đạt được lợi nhuận cao hơn so với các hình thức đầu tư khác. Nhờ việc áp dụng công nghệ hiện đại và các tính năng hữu ích đã giúp P2P Lending rút ngắn thời gian của quy trình cũng như hồ sơ, thủ tục đầu tư và vay vốn. Khác với những kênh đầu tư tài chính truyền thống, P2P lending được thực hiện trên nền tảng số, giúp tối ưu thời gian và các chi phí phát sinh của nhà đầu tư. Sau khi điền đầy đủ thông tin cần thiết trên ứng dụng app hoặc phần mềm giao dịch trên website.
Nhà đầu tư sẽ không phải mất nhiều công sức để nghiên cứu hay tính toán, cũng như ngày đêm theo dõi các thông tin và chỉ số của thị trường. Thay vào đó, nhà đầu tư chỉ cần chọn lựa cơ hội đầu tư từ các gói sản phẩm có sẵn trên sàn P2P lending. Nhà đầu tư có quyền lựa chọn đối tác muốn vay trên nền tảng cho vay ngang hàng. Đây được coi là điểm khác so với hình thức tín dụng truyền thống của ngân hàng. Việc quản lý, cập nhật thông tin, báo cáo về tình hình các khoản đầu tư sẽ được cập nhật thường xuyên giúp nhà đầu tư chủ động hơn. Việc này giúp cho các nhà đầu tư mới cũng dễ dàng tham gia vào mô hình này từ số vốn nhỏ.
Các nhà đầu tư có cơ hội đa dạng hóa và quản lý rủi ro tốt hơn vì có thể cho vay nhiều món với thời hạn khác nhau. Hoàn toàn không có rủi ro về khe hở kỳ hạn bởi kỳ hạn cho vay và đi vay được khớp với nhau một cách tuyệt đối. Các nhà đầu tư sẽ được cung cấp dịch vụ tư vấn đa dạng, trong nhiều trường hợp, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ đóng vai trò như một đơn vị ủy quyền thu nợ cho nhà đầu tư.
Đối với nhà đầu tư, lợi nhuận cho vay không có trần hay sàn, mà điều chỉnh theo rủi ro nên chủ động trong quyết định của mình. Việc tham gia mạng lưới P2P là cơ hội để tiếp cận kênh đầu tư lợi tức cao, và được minh bạch, tự chủ trong việc lựa chọn các khoản vay để đầu tư. Cho phép nhà đầu tư có được mức lãi suất ưu đãi hơn so với mức lãi suất gửi tiền tiết kiệm ngân hàng. Xét tính tương đối giữa lợi nhuận và rủi ro, rõ ràng P2P lending đang mang đến mức lợi nhuận hấp dẫn hơn nhiều so với rủi ro khi đầu tư vào mô hình này.
– Thứ ba, hoạt động chủ yếu dựa vào nền tảng công nghệ nên không cần chi phí đầu tư lớn cho trụ sở, trang thiết bị và số lượng nhân viên, thích hợp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính. Hệ thống chấm điểm tín dụng được tích hợp bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Đây là thành tựu của CMCN 4.0 kết hợp được khả năng phân tích, tự học hỏi của trí tuệ nhân tạo dựa trên cơ sở dữ liệu người dùng ngày càng được bổ sung đa dạng, giúp cho các công ty cho vay ngang hàng có thể đánh giá và chấm điểm tín dụng chính xác, nâng cao uy tín của công ty. Hơn nữa, dưới thành tựu của khoa học công nghệ tính minh bạch và bảo mật thông tin ở mức độ cao.
Người cho vay trực tiếp được tham chiếu những thông tin liên quan đến người đi vay (kể cả trước khi cho vay), đồng thời, người cho vay có thể giám sát mục đích sử dụng tiền vay của người đi vay. Việc vay vốn cũng trở nên minh bạch hơn thông qua các điều khoản cho vay được công khai rõ ràng. Mặt khác, mức độ bảo mật thông tin cũng cao hơn so với các kênh truyền thống bởi P2P lending sử dụng công nghệ Block Chain để mã hóa thông tin cả hai phía người đi vay và người cho vay. Các công ty cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng sẽ chịu trách nhiệm bảo mật thông tin cho cả nhà đầu tư và người đi vay.
Thứ tư, hoạt động cho vay ngang hàng mang lại lợi ích cho nền kinh tế và quốc gia. Một trong những lợi ích nổi bật của P2P lending là khả năng hỗ trợ thúc đẩy phổ cập tài chính, đưa dịch vụ tài chính có kiểm soát đến gần hơn với cộng đồng thuộc vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, trong chừng mực nhất định, nếu được kiểm soát hiệu quả, P2P lending giúp phân bổ nguồn lực tài chính hiệu quả hơn thông qua việc kết nối các nhà đầu tư thừa vốn với cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần vốn mà không thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng truyền thống, hỗ trợ phát triển tài chính toàn diện. Bên cạnh đó, việc giảm chi phí cho người đi vay và tăng thu nhập cho người cho vay, đã ngày càng thu hút người tham gia vào mô hình này, nếu tuân thủ pháp luật, có thể giảm tình trạng tín dụng đen. Nhờ đó mà góp phần vào giảm thiểu hành vi cho vay trái pháp luật gây mất ổn định thị trường tài chính.
2. Rủi ro của hoạt động cho vay ngang hàng:
Thứ nhất, nhà đầu tư có thể mất tiền trong trường hợp người đi vay mất khả năng thanh toán cao hơn cho các hình thức cho vay truyền thống. Để phát triển, P2P lending mở rộng cho vay đối với những người vay có rủi ro cao hơn, đặc biệt nếu cho vay P2P lending cung cấp các khoản vay cho những người vay đã bị từ chối tín dụng ngân hàng. Các khoản vay không được bảo đảm bởi bất kỳ tài sản thế chấp | hoặc được bảo đảm bởi bất kỳ bên thứ ba.
Do đó, khi người đi vay rơi vào tình trạng không thể hoàn trả được tiền vay vì những lý do khách quan và chủ quan khác nhau thì nhà đầu tư có thể mất vốn hoàn toàn hoặc một phần. Trong khi đó, nhà cung cấp dịch vụ lại không có trách nhiệm phải đảm bảo hoàn trả tiền vay cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các khoản vay chỉ có thể được hoàn trả khi đến hạn chứ không thể hủy ngang hợp đồng, thị trường thứ cấp về các khoản vay ngang hàng hiện vẫn chưa phát triển nên việc chiết khấu hoặc bán lại khoản đầu tư thường không dễ dàng như các công cụ đầu tư truyền thống.
Thứ hai, nền tảng hoạt động của cho vay ngang hàng là sự phát triển công nghệ, khi phần mềm bị lỗi hoặc ngừng hoạt động (hoặc đơn giản là nhà cung cấp dịch vụ rút khỏi thị trường) thì rủi ro tất sẽ xảy ra. Khi đó, mọi dữ liệu của khách hàng cùng với điều kiện để dịch vụ được cung cấp liên tục đều sẽ bị ảnh hưởng. P2P lending phải đối mặt với các rủi ro thất bại nền tảng P2P lending, do nhu cầu phát triển hệ thống cho khách hàng mới, nhưng khả năng tồn tại của nền tảng phụ thuộc vào việc đạt được quy mô đủ để trang trải chi phí hoạt động cố định.
Một số nền tảng P2P lending không đạt được đủ quy mô và việc cho vay trên nền tảng P2P lending phải ngừng, dẫn đến thiệt hại trong P2P lending. Việc xếp hạng tín dụng trên nền tảng P2P lending có thể không dự đoán chính xác cách thức các khoản vay sẽ hoạt động vì các nền tảng P2P lending có số lượng dữ liệu lịch sử cho vay hạn chế dẫn đến thiệt hại cho cả người đi vay và người cho vay khi hệ thống chấm điểm tín dụng không chính xác, không đạt hiệu quả.
Thứ ba, cho vay P2P tuy có chi phí giao dịch giảm nhưng thông tin bất đối xứng trở thành vấn đề nghiêm trọng. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư về vai trò của công ty cho vay ngang hàng, một số công ty sử dụng những thông tin thổi phồng để thu hút khách hàng, công ty P2P lending đưa quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao. Bản thân nhà đầu tư có thể không biết thông tin về người đi vay một cách cụ thể đủ để đánh giá rủi ro, dẫn đến tỷ lệ mất vốn cao hơn so với các khoản vay ngân hàng.
Thông tin được cung cấp bởi người vay thường không được xác minh và khi thông tin được xác minh, nó lại thường không chính xác, người cho vay gặp khó khăn trong việc xác định mức độ tin cậy thực tế của người vay nên khó khăn trong kiểm tra giám sát các khoản cho vay. Hơn thế nữa, Nguy cơ bị tấn công mạng, đánh cắp thông tin, tài khoản trên nền tảng P2P lending có thể gây thiệt hại cho các bên tham gia. Hacker tấn công sập sàn, trục trặc kỹ thuật, dữ liệu bị mất hết hay thông tin cá nhân bị lợi dụng chia sẻ và việc rao bán sản phẩm tín dụng không đúng theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, P2P lending tiềm ẩn rủi ro có thể tác động bất lợi đến an ninh kinh tế và ổn định xã hội. Thỏa thuận giữa các bên tham gia mô hình P2P lending thiếu rõ ràng, thiếu ràng buộc có tính pháp lý, cũng như chưa có cơ chế giám sát, hậu kiểm đối với việc sử dụng, quản lý vốn vay đúng mục đích của người đi vay nên quyền lợi của nhà đầu tư sẽ không được đảm bảo khi xảy ra tranh chấp. Mô hình P2P lending dễ trở thành công cụ cho một số đối tượng tiến hành trốn thuế, rửa tiền hoặc tài trợ các hành vi bất hợp pháp hành trốn thuế, rửa tiền hoặc tài trợ các hành vi bất hợp pháp.
Một số công ty P2P lợi dụng mô hình này để hoạt động tín dụng đen trá hình hoặc lừa đảo, dùng tiền đầu tư sai mục đích, huy động vốn đa cấp, quản lý kém hoặc phá sản, thông đồng với người đi vay lập hồ sơ giả; sử dụng tiền của nhà đầu tư không đúng với mục đích vay ban đầu; tạo ra khe hở kỳ hạn bằng cách khớp nối kỳ hạn của khoản vay không đúng nguyên tắc; ngầm bắt tay với các kênh tín dụng chính thức nhằm đầu tư mạo hiểm vào thị trường cho vay ngang hàng để ăn chênh lệch. Những biến tướng của hình thức cho vay này dẫn đến rối loạn thị trường tài chính và bất ổn xã hội.