Giám đốc công ty thường là người có vai trong việc ký kết các giấy tờ, hợp đồng theo công việc đã được phân công. Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan và chủ quan thì giám đốc công ty không thể trực tiếp ký giấy tờ, ký kết hợp đồng nên phải uỷ quyền cho người khác ký thay.. Dưới đây là Mẫu giấy ủy quyền ký giấy tờ thay, ký hợp đồng thay giám đốc hiện nay.
1. Mẫu giấy ủy quyền ký giấy tờ thay, ký hợp đồng thay giám đốc:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——–o0o——–
GIẤY UỶ QUYỀN
Căn cứ vào Bộ luật dân sự 2015 do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2015 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017;
Căn cứ Luật doanh nghiệp 2020 do Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành ngày 17 tháng 06 năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021;
Căn cứ vào Điều lệ hiện hành của Công ty …………;
Căn cứ Quy chế Tổ chức và hoạt động của Công ty…….….;
Căn cứ Quyết định số … ngày ..…/..…/….. của Tổng Giám đốc/Giám đốc Công ty …….… về việc phân công, ủy quyền cho…… ;
NGƯỜI UỶ QUYỀN (Sau đây gọi tắt là bên A):
Ông/bà:…………………
Chức vụ: Giám đốc
Số Chứng minh thư nhân dân/ Căn cước công dân: ….., ngày cấp ……. nơi cấp …………..
NGƯỜI NHẬN ỦY QUYỀN (Sau đây gọi tắt là bên B):
Ông/bà:………………..
Chức vụ:………………
Số Chứng minh thư nhân dân/ Căn cước công dân: ….., ngày cấp ……. nơi cấp …………..
Bằng giấy ủy quyền này Người nhận uỷ quyền được quyền thay mặt Người ủy quyền thực hiện các công việc sau:
Điều 1: Bên A ủy quyền cho bên B thực hiện những công việc như sau:
– Được quyền quyết định và ký những văn bản quản lý phục vụ hoạt động của Công ty …….. thuộc thẩm quyền quản lý của giám đốc là ông/bà ………;
– Được toàn quyền quyết định và ký kết các hợp đồng dịch vụ đối với các dịch vụ…………;
– Được quyền ký các hợp đồng với cộng tác viên phục vụ hoạt động kinh doanh của ……………theo quy định của Quy chế của công ty;
– Được ký kết các hợp đồng chuyển nhượng ……….. cho Công ty sau khi đã được cấp có thẩm quyền của Công ty chấp thuận;
– Được ký kết hợp đồng lao động với cán bộ quản lý, nhân viên của ……….Đối với những chức danh quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Hội đồng quản trị, Giám đốc ……….. được ký hợp đồng lao động sau khi có quyết định bổ nhiệm.
Điều 2: Thù lao uỷ quyền: Không.
Điều 3: Thời hạn uỷ quyền:
Thời hạn uỷ quyền là …. ngày kể từ ngày ký.
Điều 4: Các trường hợp chấm dứt uỷ quyền khi chưa hết thời hạn uỷ quyền:
Khi chưa hết thời hạn uỷ quyền nhưng văn bản uỷ quyền sẽ chấm dứt khi bên B có quyết định thay thế hoặc bị cách chức, sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc từ chức.
Điều 5: Cam kết của hai bên:
– Hai bên cam kết sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi thông tin ủy quyền ở trên.
– Mọi tranh chấp phát sinh giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền sẽ do hai bên tự giải quyết.
Điều 6: Bên B và các bộ phận liên quan của Công ty………… có trách nhiệm thi hành Giấy uỷ quyền này./.
Giấy ủy quyền này được lập thành 02 bản (mỗi bản gồm:… trang; 01 tờ); giao cho Bên ủy quyền 01 bản; Bên nhận ủy quyền 01 bản.
Nơi nhận:
– Như điều 6; – Lưu: VT. |
GIÁM ĐỐC (Ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên) |
2. Những nội dung thường có trong Giấy uỷ quyền ký thay Giám đốc:
Giấy uỷ quyền ký thay Giám đốc là loại văn bản có giá trị pháp lý thể hiện nội dung uỷ quyền của Giám đốc cho một cá nhân khác có khả năng ký thay mình những giấy tờ, hợp đồng thuộc phạm vi ký kết của mình. Theo đó, Giấy uỷ quyền ký thay Giám đốc thường có những nội dung sau:
– Quốc hiệu, tiêu ngữ;
– Tên văn bản: Giấy uỷ quyền;
– Các căn cứ pháp lý để thực hiện nội dung uỷ quyền;
– Thông tin của bên uỷ quyền: họ và tên, chức vụ, số căn cước công dân;
– Thông tin của bên nhận uỷ quyền: họ và tên, chức vụ, số căn cước công dân;
– Các điều khoản quy định nội dung uỷ quyền như:
+ Các văn bản, giấy tờ, hợp đồng được quyền ký thay;
+ Quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc uỷ quyền;
+ Thời hạn uỷ quyền;
+ Trường hợp chấm dứt việc uỷ quyền;
+ Cam kết về trách nhiệm pháp lý của các bên về nội dung uỷ quyền và cách thức giải quyết việc uỷ quyền;
+ Chữ ký xác nhận của các bên.
3. Thế nào là giấy uỷ quyền ký giấy tờ thay, ký hợp đồng thay?
Uỷ quyền là một trong những hoạt động pháp lý trong dân sự. Theo đó, uỷ quyền được hiểu là một cá nhân hay tổ chức cho phép một cá nhân hay tổ chức khác có quyền thay mình thực hiện hay quyết định một vấn đề pháp lý nào đó và người được uỷ quyền phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động trong phạm vi đại diện theo uỷ quyền của mình.
Theo đó, giấy uỷ quyền được hiểu là một loại văn bản thể hiện nội dung uỷ quyền của một cá nhân hay tổ chức về một vấn đề nào đó cho cá nhân, tổ chức khác.
Trong trường hợp cụ thể trong bài viết này thì ký thay được hiểu là việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký văn bản giao cho cấp phó ký thay trong một số văn bản nhất định. Các trường hợp ký thay hiện nay:
– Người đứng đầu có thẩm quyền ký giao cho cấp phó ký thay các văn bản của cơ quan, tổ chức thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách và một số văn bản thuộc thẩm quyền của người đứng đầu;
– Đối với trường hợp những công việc mà cấp phó được phân công phụ trách thì việc thực hiện ký như cấp phó ký thay cấp trưởng.
Chú ý: Khi ký thay người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì phải ghi chữ viết tắt “KT.” vào trước chức vụ của người đứng đầu.
Như vậy, việc uỷ quyền cho cá nhân khác ký giấy tờ thay, ký hợp đồng thay Giám đốc là việc Giám đốc phân công, uỷ quyền cho bất kỳ cá nhân khác thực hiện việc ký giấy tờ, ký kết các hợp đồng. Trong trường hợp này thì cả hai bên phải cùng chịu trách nhiệm cho chữ ký của mình nếu phát sinh các vấn đề có liên quan.
4. Trường hợp nào thì Giám đốc làm giấy uỷ quyền cho người khác ký thay giấy tờ, ký thay hợp đồng?
Vì lý do khách quan, chủ quan hoặc để giảm thiểu số lượng công việc thì Giám đốc công ty có thể uỷ quyền cho người khác thực hiện công việc ký giấy tờ, ký hợp đồng thay mình. Cụ thể các trường hợp mà Giám đốc có thể uỷ quyền ký thay như sau:
Giám tốc phải đi công tác theo lịch trình của công ty hay vì một số lý do khách quan, chủ quan mà phải nghỉ làm và không thể trực tiếp ký giấy tờ, ký kết hợp đồng;
Giám đốc uỷ quyền người khác ký thay mình vì để giảm thiểu số lượng công việc nhưng vẫn bảo đảm sự giám sát và hỗ trợ cho người được uỷ quyền ký thay mình.
Thông thường, tại các công ty, doanh nghiệp, Giám đốc sẽ uỷ quyền cho những cá nhân có chức vụ dưới mình để ký thay mình những nội dung công việc phù hợp với chức vụ, khả năng của người đó như Phó Giám đốc, Trưởng phòng/ ban, Kế toán trưởng…Theo đó, người đại diện sẽ thực hiện việc ký các giấy tờ, văn bản, chứng từ, hợp đồng theo nội dung được uỷ quyền.
5. Phó giám đốc có được ký thay hợp đồng cho Giám đốc không?
Phó Giám đốc hoàn toàn có thể thay giám đốc ký các hợp đồng nếu đây là công việc được nêu ra trong giấy uỷ quyền công việc ký thay giữa Giám đốc và Phó giám đốc. Theo đó, bên nhận uỷ quyền là Phó Giám đốc có nghĩa vụ thực hiện công việc được uỷ quyền theo quy định tại Điều 565 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể như sau:
– Thực hiện công việc theo nội dung uỷ quyền trong giấy uỷ quyền và báo cho Giám đốc về việc thực hiện công việc ký thay đó;
– Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền;
– Bảo quản, giữ gìn tài liệu như giấy uỷ quyền, giấy tờ, hợp đồng được ký thay và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền;
– Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền;
– Giao lại cho Giám đốc đã uỷ quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật;
– Khi có vi phạm xảy ra và gây ra thiệt hại do việc thực hiện phạm vi uỷ quyền gây nên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Như vậy, Phó Giám đốc được quyền ký thay hợp đồng cho Giám đốc khi có sự ủy quyền từ giám đốc bằng văn bản. Nếu nội dung văn bản ủy quyền có điều khoản quy định phó giám đốc được ký thay hợp đồng cho giám đốc thì trong trường hợp giám đốc không thể thực hiện việc ký hợp đồng, phó giám đốc có thể sử dụng văn bản ủy quyền của giám đốc để tham gia giao kết hợp đồng với tư cách được ủy quyền của giám đốc.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Bộ luật Dân sự năm 2015.