Quy định về mô hình cho vay ngang hàng? Quy định về chủ thể tham gia mô hình cho vay ngang hàng? Quy định về trình tự thủ tục cho vay ngang hàng?
1. Quy định về mô hình cho vay ngang hàng:
Căn cứ quy định Luật doanh nghiệp hiện hành, một doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, miễn là phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh mà pháp luật có quy định. Cụ thể khoản 1 và khoản 3 Điều 7 quy định về quyền của doanh nghiệp như sau: “Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn” và khoản 1 Điều 8 quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp: “Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh”.
Theo Luật Đầu tư Việt Nam 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) không có các quy định về hoạt động cho vay ngang hàng trong danh mục các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh hay trong danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy, theo nguyên tắc chung, cho vay P2P lending không phải là ngành, nghề bị cấm và không phải là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Đây có lẽ là cơ sở pháp lý thuận lợi nhất để mô hình cho vay P2P được tiến hành tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Trong hệ thống các ngành nghề kinh tế Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 27/2018/QĐ–TTg ngày 6 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, P2P lending chưa được thừa nhận là một ngành nghề kinh doanh riêng biệt, do đó cũng không có cơ sở để ràng buộc tổ chức vận hành P2P lending. Hiện nay, P2P lending
vẫn đang hoạt động không có sự kiểm soát của pháp luật và không thể xác định các đơn vị này đang thuộc ngành nghề, lĩnh vực nào, không có căn cứ pháp lý để điều chỉnh đối với hoạt động của đa phần các công ty trong lĩnh vực cho vay ngang hàng.
Theo Dự thảo báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế của Bộ KH–ĐT gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ KH–ĐT cho biết, các loại hình P2P lending, Fintech đang phát triển nhanh tại Việt Nam trong khi khuôn khổ luật pháp về ngành, nghề đăng ký kinh doanh và hoạt động kinh doanh đối với loại hình P2P lending còn thiếu.Cuối năm 2018, Lãnh đạo các Bộ gồm Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Tư pháp đều cho rằng pháp luật Việt Nam chưa quy định và cũng không cấm P2P lending tuy nhiên phải có khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý và đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan Nhà nước cấp phép. Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan điểm đối với P2P lending hoặc cấm hoặc hợp thức hóa bằng khung pháp lý.
Trước tình hình đó, chính phủ đã giao cho NHNN là đầu mối nghiên cứu, và NHNN cũng đã tham khảo kinh nghiệm của các nước, đề xuất cho thực hiện thí điểm mô hình P2P là ngành kinh doanh có điều kiện. Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đang xây dựng phương án cho phép một số công ty có năng lực tài chính tốt triển khai thí điểm cho vay kinh doanh P2P. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước có thể bổ sung cho vay P2P vào nhóm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để siết chặt quản lý.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí, có bốn cách tiếp cận cơ bản đối với hoạt động cho vay P2P lending ở Việt Nam. Đầu tiên công ty đứng giữa, sử dụng công nghệ để kết nối các nhà đầu tư và các bên tìm kiếm nguồn vốn. Thứ hai, các công ty thẩm định những người tìm kiếm quỹ và giới thiệu họ với những người cung cấp vốn. Thứ ba, các công ty thẩm định tỷ lệ, điều khoản và phương thức trả nợ. Và cuối cùng, các công ty không chỉ kết nối mà còn hoạt động như một ngân hàng để huy động vốn và cung cấp vốn.
Điều này gợi ý một số phân loại ngành tiềm năng cho các mô hình cho vay P2P khác nhau ở Việt Nam. Nếu chỉ cung cấp một thị trường cho người đi vay và người cho vay kết nối mà không cung cấp bất kỳ dịch vụ thẩm định hoặc huy động vốn nào thì công ty chỉ cung cấp giải pháp kỹ thuật số hoặc trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, nếu công ty đi xa hơn và cung cấp đánh giá các đơn xin vay, tỷ lệ điều khoản và các khía cạnh khác của quảng cáo tìm kiếm người vay tiềm năng thì tức là họ hoạt động trong lĩnh vực đánh giá và thẩm định tín dụng. Cuối cùng, nếu công ty huy động và cung cấp tiền, khi tiến hành cung cấp các khoản vay thì các công ty sẽ giữ vai trò là người cho vay.
Trên thực tế hiện nay tại Việt Nam, cho vay P2P mới xuất hiện từ cuối 2016 nhưng đến nay đã phát triển nhanh chóng, tuy nhiên cho vay P2P vẫn chưa được chính thức cấp phép hoạt động, do các công ty cho vay P2P và tất cả các công ty khác tại Việt Nam phải đăng ký hoạt động kinh doanh theo Luật doanh nghiệp 2020 và nghị định 01/2021/NĐ–CP về đăng ký kinh doanh nên các công ty hoạt động trong lĩnh này phải đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, môi giới tài chính, dịch vụ tra cứu thông tin qua hợp đồng, dịch vụ hỗ trợ tư vấn tài chính ... cung cấp các dịch vụ kết nối bên cho vay và bên đi vay trên nền tảng giao dịch trực tuyến.
Các công ty P2P lending ở Việt Nam hiện nay, mặc dù đăng ký hoạt động ở các ngành nghề như vậy nhưng vẫn thực hiện rất nhiều hoạt động tín dụng đa dạng và không chỉ giới hạn ở vai trò trung gian thông tin tài chính cho bên vay và bên đi vay. Ngoài ra, còn thực hiện các hoạt động như cho vay trực tiếp đối với người cho vay và người đi vay trên hệ thống P2P Platform của công ty, cung cấp mô hình định giá lãi suất khoản vay, định giá tài sản đảm bảo để người cho vay quyết định, trung gian thanh toán, mua/bán nợ trên thị trường thứ cấp (trên cơ sở người cho vay bán lại khoản vay), thu hồi nợ, bảo lãnh khoản vay.
Tuy nhiên, theo quy định pháp luật ở Việt Nam hiện hành, cho vay là một trong các hoạt động cốt lõi của ngân hàng, được cấp phép và quản lý hoạt động bởi Ngân hàng Nhà nước. Tất cả các cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng đều không được phép thực hiện các hoạt động ngân hàng.
Theo điều 8 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, được bổ sung, sửa đổi năm 2017 quy định: “1. Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. 2. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”.
Như vậy, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng các nền tảng P2P lending để thực hiện một trong các hoạt động ngân hàng mà không được NHNN cấp phép là vi phạm pháp luật . Nhìn chung, các công ty cho vay P2P lending không được trực tiếp thực hiện các hoạt động ngân hàng như huy động vốn và cho vay theo quy định của pháp luật. Các công ty cho vay ngang hàng chỉ được thực hiện nhiệm vụ liên kết trung gian.
Đối với quan hệ cho vay trực tiếp không phải hoạt động kinh doanh giữa các tổ chức, cá nhân (không được thực hiện bởi các TCTD) thông qua việc sử dụng kết nối dựa trên ứng dụng Internet như một số hoạt động P2P lending có thể coi là các giao dịch dân sự và chịu sự điều chỉnh của Luật dân sự. Bên cạnh đó, các công ty muốn cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam phải đăng ký cung cấp dịch vụ phù hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương và phải thông báo cho Bộ Công Thương trước khi xuất bản trang web thương mại điện tử.
Các công ty tuân theo quyền riêng tư dữ liệu và các quy định về an ninh mạng. Tùy thuộc vào cách các khoản tiền được chuyển từ nhà đầu tư sang người vay, ví dụ bằng cách sử dụng ví điện tử thì cũng có thể phải đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán và xin giấy phép hoạt động của ngân hàng nhà nước. Để có thể cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, nền tảng này sẽ cần phải có giấy phép xếp hạng tín nhiệm từ Bộ Tài chính, điều này cũng đòi hỏi sự tham vấn của ngân hàng nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Công ty phải có vốn đăng ký và vốn góp tối thiểu là 15 tỷ đồng Việt Nam và có ít nhất năm người được đánh giá tín nhiệm đủ tiêu chuẩn trong nhân viên. Công ty cũng phải tuân theo các yêu cầu bổ sung về trách nhiệm tài chính và an toàn.
Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về cho vay ngang hàng ngày 6/3/2019, Lãnh đạo các bộ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Tư pháp cho rằng, cần nhanh chóng tiếp cận và sớm quản lý các dạng thức của P2P lending, đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ nghiên cứu để cho phép cả các công ty tài chính cũng có thể tham gia mô hình này.
Tuy nhiên theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, trước mắt nên quản lý trong phạm vi P2P lending kết nối trực tiếp người vay với người cho vay như phần lớn các công ty đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay, và chưa mở rộng cho sự tham gia của các tổ chức tài chính, đồng thời không cho phép các công ty P2P lending được quyền huy động vốn để cho vay [50]. Kết thúc buổi họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với kiến nghị của các bộ, ngành, cho rằng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng cần quy định về phương thức hoạt động truyền thống của P2P lending, kết nối trực tiếp người vay với người cho vay, đồng thời xem xét việc mở rộng sự tham gia của các tổ chức tài chính.
2. Quy định về chủ thể tham gia mô hình cho vay ngang hàng:
Cho vay P2P lending là giao dịch dân sự giữa bên cho vay và bên vay, được thực hiện theo quy định chung của hợp đồng cho vay tài sản trong Bộ luật dân sự 2015. Tuy nhiên Bộ luật dân sự chỉ điều chỉnh mối quan hệ giữa người đi vay và người cho vay nhưng không đề cập đến công ty P2P lending – một yếu tố quan trọng trong mô hình cho vay P2P lending. Các quy định của pháp luật dân sự còn chung chung, chưa tương thích hoàn toàn với mô hình cho vay P2P cụ thể.
Như đã phân tích ở phần 2.2.1, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các công ty cho vay ngang hàng chỉ được thực hiện nhiệm vụ liên kết trung gian, điều phối tài chính bởi vì họ hoàn toàn không hề đầu tư góp vốn vào bất cứ khoản cho vay nào trên nền tảng của họ. Chính vì vậy, mặc dù cũng thực hiện công tác phân tích tín dụng nhưng các công ty cho vay ngang hàng lại không phải đối mặt với rủi ro tài chính.
Trong mô hình cho vay ngang hàng chủ động, các nhà đầu tư trực tiếp lựa chọn khoản cho vay để tài trợ từ một nhóm các đối tượng đi vay được liệt kê trên các nền tảng P2P lending. Nhà đầu tư được trực tiếp lựa chọn khoản vay thông qua việc tiếp cận các thông tin liên quan đến mức độ tín nhiệm của người vay như thu nhập hàng năm, mức độ sở hữu tài sản, mục đích sử dụng tiền vay …
Những thông tin này được đính kèm với món vay (không nhất thiết phải gắn đích danh với chủ khoản vay). Mô hình cho vay ngang hàng bị động thì ngược lại, nhà đầu tư trong mô hình này không được chọn nhu cầu vay cụ thể mà chỉ trực tiếp chọn loại rủi ro, thời hạn và kỳ hạn cho vay mà họ sẵn sàng tài trợ. Nhà đầu tư chỉ việc đưa một số tiêu chí cho nhà cung cấp dịch vụ như mức độ rủi ro có thể chấp nhận được, thời hạn của khoản vay, mức lãi suất tối thiểu ... và nhà cung cấp dịch vụ sẽ tự động gắn với các món vay đáp ứng các tiêu chí đặt ra. Nhà đầu tư chỉ quan tâm đến một số yêu cầu chung mà không nhất thiết phải tìm hiểu rõ đặc điểm cụ thể của người vay. Từ đó, các nền tảng vay ngang hàng sẽ khớp các yêu cầu đó với những đề nghị vay vốn từ người vay phù hợp.
Cơ chế khớp nối lãi suất giữa người cho vay và người đi vay sẽ được thực hiện trên cơ sở các thuật toán phù hợp. Đến hết thời hạn, nếu không có đủ các nhà đầu tư tài trợ cho một khoản vay cụ thể, khoản vay đó sẽ được hủy và người cho vay có thể lựa chọn các món vay khác phù hợp hơn. Thông thường, việc cân bằng giữa số lượng người vay và cho vay thường mất thời gian nhưng mô hình với sự áp dụng những thuật toán công nghệ hiện đại và phức tạp có thể khắc phục và nhanh chóng kết nối người đi vay và nhà đầu tư .
Sau khi được kết nối thành công, hợp đồng cho vay sẽ được xác lập dựa trên thông tin mà bên đi vay và nhà đầu tư cung cấp cho công ty P2P lending và được ký bởi cả bên vay và bên cho vay. Hợp đồng cho vay được ký kết phải tuân thủ các nguyên tắc của Bộ luật dân sự nói chung và tuân thủ các quy định về hợp đồng cho vay tài sản nói riêng. Về nguyên tắc, việc thực hiện ký kết hợp đồng cho vay và chuyển và nhận tiền cho vay được thực hiện chủ động bởi người cho vay và người vay.
Tuy nhiên, trên thực tế, khi đầu tư cho vay ngang hàng, nhà đầu tư phải chuyển tiền của mình vào tài khoản của công ty sau đó mới thực hiện lệnh đầu tư trên ứng dụng. Trong trường hợp công ty cho vay ngang hàng phá sản, hoạt động vi phạm pháp luật bị tước giấy phép hoạt động thì coi như toàn bộ khoản tiền đầu tư của nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng. Chính vì vậy mà việc lựa chọn nền tảng tham gia đầu tư trở nên rất quan trọng với mỗi người.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng gần đây cũng đưa ra khuyến cáo đối với người tiêu dùng, cần cân nhắc kỹ càng trước khi cung cấp các thông tin cá nhân để thực hiện đăng ký khoản vay, nghiên cứu kỹ các mục đích sử dụng thông tin cá nhân khi thực hiện giao dịch cũng như nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng trước khi ký.
3. Quy định về trình tự thủ tục cho vay ngang hàng:
Các nền tảng P2P lending cho phép các cá nhân tra cứu thông tin và thực hiện giao dịch vay tiền qua nhiều kênh như website, ứng dụng di động, facebook, zalo hoặc đường dây nóng mà không cần đến văn phòng để ký kết giấy tờ. Quyết định cho vay sẽ được phản hồi rất nhanh trong ngày hoặc tối đa là một tuần.
Quy định về trình tự thủ tục cho vay ngang hàng cho vay ngang hàng có thể thay đổi theo cơ chế hoạt động của từng công ty nhưng thông thường sẽ bao gồm những bước cơ bản sau:
Bước 1: Đầu tiên, dù là nhà đầu tư hay bên đi vay, cần lựa chọn một sàn cho vay ngang hàng để tham gia. Việc này rất quan trọng vì nếu lựa chọn được sàn giao dịch uy tín sẽ đảm bảo sự an toàn cho các hoạt động đầu tư và đi vay. Sau đó các bên tham gia giao dịch đăng nhập vào nền tảng CVNH và hoàn thành đơn đăng ký trực tuyến trên nền tảng cho vay ngang hàng
Bước 2: Người đi vay đặt một hoặc nhiều hồ sơ dự thầu với mức lãi suất, kỳ hạn và số tiền muốn vay. Người vay đưa ra đề xuất nhu cầu vay vốn: quy mô, thời hạn, lãi suất. Nhà đầu tư chuyển một số tiền đầu tư đặt cọc vào tài khoản cùng với đó đưa ra đưa ra số tiền cho vay, lãi suất và kỳ hạn cho vay mong muốn.
Bước 3: Các công ty P2P lending sẽ tiến hành đánh giá và chấm điểm tín dụng.
Cả bên cho vay và bên đi vay đều phải trải qua quy trình kiểm tra tín dụng, chấm điểm tín dụng và đánh giá tài sản. Các công ty P2P lending sẽ cân nhắc, đánh giá cho điểm tín dụng dựa trên những thông tin do người vay cung cấp và các nguồn thông tin tích hợp có sẵn và xác định mức lãi suất tương ứng với mức độ rủi ro của khoản vay và đăng tải lên trang web của nhà cung cấp.
Bước 4: Các công ty P2P lending gắn kết người cho vay hoặc người cần đầu tư với người cho vay hoặc nhà đầu tư qua thông số được cung cấp dựa trên đấu giá hoặc dựa trên thuật toán. Với hình thức cho vay ngang hàng đấu giá, sự kết nối giữa người đi vay và người cho vay dựa trên số tiền lãi lớn nhất mà người cho vay được hưởng, hoặc lợi ích ròng lớn nhất sẽ đến với cả hai bên so với lãi suất hiện tại, hoặc theo các quy chuẩn khác phụ thuộc vào cơ chế của từng nền tảng. Đối với hình thức cho vay ngang hàng dựa trên thuật toán, nền tảng sẽ sử dụng thuật toán so sánh các hồ sơ dự thầu với tập hợp yêu cầu của nhà đầu tư, sau đó lựa chọn ra tập hợp người cho vay phù hợp với các hồ sơ dự thầu của người đi vay. Sau đó, dựa trên mức rủi ro từ phần xếp hạng điểm tín dụng của bên đi vay và bên cho vay, sử dụng thuật toán để đánh giá rủi ro để tính toán và đưa ra lãi suất.
Bước 5: Nhà đầu tư lựa chọn và quyết định cho vay
Từ danh mục được cung cấp bởi nền tảng P2P lending, Nhà đầu tư sẽ đưa ra quyết định tài trợ cho một khoản vay cụ thể hoặc một loại nhu cầu vốn nào đó dựa vào mức độ chấp nhận rủi ro của họ, đồng thời bên bảo lãnh khoản vay (thường là các ngân hàng) phê duyệt khoản vay (nếu có). Trong cho vay ngang hàng, các nhà đầu tư được khuyến khích việc chia nhỏ số tiền và tài trợ vào nhiều nhu cầu vay vốn hơn là việc dồn toàn bộ nguồn vốn tài trợ cho một khoản vay đơn lẻ. Tùy theo nhà cung cấp, nền tảng P2P lending thường cho phép nhà đầu tư có quyền truy cập thông tin để quản lý và lựa chọn danh mục đầu tư phù hợp.
Bước 6: Giao kết hợp đồng
Hệ thống tạo ra một hợp đồng dựa trên thông tin mà bên đi vay và bên cho vay cung cấp và hợp đồng được ký bởi cả bên vay và bên cho vay. Giao dịch hoàn thành và chi phí giao dịch được thanh toán cho công ty P2P lending.
Bước 7: Giải ngân khoản vay
Sau khi tiến hành ký kết hợp đồng người đi vay sẽ được giải ngân khoản vay. Tiền vay được chuyển cho người vay thông qua nền tảng điện tử. Tài khoản điện tử của người cho vay được ghi nợ số tiền cho vay. Các nhà điều hành vay ngang hàng sẽ thực hiện việc giám sát và quản lý bên đi vay thay cho nhà đầu tư trong việc thu hồi nợ gốc và lãi. Người vay có trách nhiệm thanh toán tiền lãi định kỳ (thường là hàng tháng) và hoàn trả số tiền gốc khi đáo hạn. Các hoạt động đầu tư sẽ được sàn P2P lending kiểm soát, ghi nhận, và thông báo tới khách hàng định kỳ. Nhà đầu tư chỉ cần chờ đợi đến thời gian đáo hạn, nhận lãi gốc và có thể tái đầu tư.
Bước 8: Chấm dứt hợp đồng vay Sau khi kết thúc giao dịch, các bên tham gia giao dịch (bên đi vay và bên cho vay) chấm điểm cho đối tác sau quá trình giao dịch. Hệ thống xác minh và được quyền điều chỉnh điểm xếp hạng dựa trên sự thể hiện của các bên trong quá trình giao dịch và thông tin phản hồi do khách hàng cung cấp. Hợp đồng giao dịch bị hủy bỏ, tuy nhiên lịch sử giao dịch được lưu trữ trong lịch sử của khách hàng để làm cơ sở đánh giá cho các giao dịch tiếp theo.
Như sơ đồ trên, có thể thấy rằng P2P lending được vận hành theo cơ chế với các cấu phần bao gồm nhà đầu tư hoặc người cho vay, nền tảng P2P lending và người vay. Cơ chế vận hành cho vay ngang hàng được vận hành dựa trên nền tảng trực tuyến để trực tiếp khớp những nhà đầu tư và các bên đi vay.