Một người có thể làm đại diện của 2 chi nhánh được không?

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp. Vậy một người có thể làm đại diện của 2 chi nhánh được không?

1. Quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp:

Điều 12 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như sau:

– Khoản 1 Điều luật này đã nêu ra khái niệm về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Theo đó, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

– Về số lượng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, thì Khoản 2 quy định rõ: Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.

– Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

Từ quy định tại Điều 12 Luật doanh nghiệp 2020, có thể hiểu, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp luật. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Đồng thời, doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam.

2. Quy định của pháp luật về chi nhánh của doanh nghiệp:

– Điều 84 Bộ luật dân sự 2015 quy định cụ thể và rõ ràng về chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp có các đặc điểm như sau:

+ Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.

+ Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân.

+ Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân.

+ Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai.

+ Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.

+ Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.

– Điều 44 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về đặc điểm của chi nhánh của doanh nghiệp như sau:

 Về khái niệm, chi nhánh của doanh nghiệp là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Như vậy, chi nhánh của doanh nghiệp được hiểu là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, nó có chức năng thực hiện các nhiệm vụ của doanh nghiệp mình. Một doanh nghiệp có thể có nhiều chi nhánh khác nhau.

3. Một người có thể làm đại diện của 2 chi nhánh được không?

Tình huống: Anh Nguyễn Văn A là người đại diện theo pháp luật của chi nhánh công ty Cổ phần  Minh An (chi nhánh tại Cần Thơ) từ năm 2017. Đến đầu năm 2022, Công ty mở thêm chi nhánh tại Long An. Do công ty không tìm được người có đầy đủ năng lực chuyên môn để điều hành chi nhánh mới nên muốn để anh A đồng thời làm người đại diện theo pháp luật của cả hai chi nhánh tại Cần Thơ và Long An luôn. Vậy theo quy định của pháp luật, anh A có thể đồng thời làm người đại diện theo pháp luật của cả hai chi nhánh được hay không?

Như đã phân tích ở phần mục trên, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến số lượng người đại diện theo pháp luật, Khoản 2 Điều 12 Luật doanh nghiệp 2020 cũng đã quy định rõ, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Từ những phân tích trên có thể thấy, hiện nay, pháp luật Việt Nam chỉ quy định về vấn đề doanh nghiệp có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật, mà không có quy định cấm việc một người có thể đại diện cho hai chi nhánh. Hay nói cách khác, pháp luật hiện hành chỉ quy định một công ty có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật mà không quy định cụ thể một cá nhân có thể là người đại diện theo pháp luật của nhiều chi nhánh hay không. Ngoài ra, pháp luật cũng không có quy định gì thêm về việc một cá nhân đồng thời làm người đại diện theo pháp luật của nhiều chi nhánh. Do đó, ta có thể hiểu, một cá nhân có thể làm người đại diện theo pháp luật của hai chi nhánh.

4. Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp:

Người đại diện theo pháp luật là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp luật. Đối với các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật cũng đảm nhận trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Trong quá trình vận hành, các doanh nghiệp thường thực hiện các giao dịch thương mại nhằm thu về lợi nhuận. Các giao dịch thương mại này được điều chỉnh bởi các chế tài của pháp luật, do đó, chúng đòi hỏi phải được diễn ra theo đúng tiến trình của pháp luật. Người đại diện theo pháp luật sẽ là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các giao dịch này.

Cụ thể, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:

+ Các chủ thể này có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

+ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải trung thành với lợi ích của doanh nghiệp. Đồng thời, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

+ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải thực hiện thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.

Đây là những trách nhiệm cơ bản nhất mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện. Hay nói cách khác, để đảm bảo hoàn thành tốt quyền và nghĩa vụ của mình, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm liên quan ở trên. Các quy định mà Nhà nước đưa ra giúp định hướng nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, để họ biết, hiểu và nghiêm chỉnh thực hiện. Sâu xa hơn, nó góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của doanh nghiệp, tiến tới sự đi lên mạnh của nền kinh tế Việt Nam.

Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Luật doanh nghiệp 2020

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com