Nội dung, phương thức bảo đảm quyền con người với người dưới 18 tuổi phạm tội 

Phân tích nội dung và các phương pháp bảo đảm quyền con người trong quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

1. Nội dung bảo đảm quyền con người trong quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội:

Trong quá trình xét xử vụ án hình sự, bị cáo là người dưới 18 tuổi sẽ có một số quyền năng nhất định theo quy định của pháp luật Tố tụng hình sự để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình. Nội dung bảo đảm quyền con người trong quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được hiểu là hệ thống các quy định của pháp luật về quyền năng pháp lý của người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng và có đầy đủ cơ hội thực hiện được trên thực tế trong quá trình tham gia tố tụng. Đây là hoạt động có mục đích nhằm làm cho các quy định của pháp luật đi vào thực tiễn, hình thành những hành vi xử sự thực tế của các chủ thể trong quá trình tố tụng hình sự.

Quá trình xét xử vụ án có bị cáo là người dưới 18 tuổi, ngoài việc bảo đảm cho người dưới 18 tuổi được hưởng và thực hiện đầy đủ các quyền của bị cáo là người thành niên, Viện kiểm sát và Tòa án trong quá trình xét xử phải bảo đảm cho bị cáo là người dưới 18 tuổi được hưởng và thực đầy đủ các quyền của họ được quy định tại Điều 423 – BLTTHS năm 2015, đó là:

(1) Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi. (2) Trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì Tòa án có thể quyết định xét xử kín. (3) Phiên tòa xét xử bị cáo là người dưới 18 tuổi phải có mặt người đại diện của bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt, trừ trường hợp những người này vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan. (4) Việc xét hỏi, tranh luận với bị cáo, bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của họ. Phòng xử án được bố trí thân thiện, phù hợp với người dưới 18 tuổi. (5) Đối với vụ án có bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi, Hội đồng xét xử phải hạn chế việc tiếp xúc giữa bị hại, người làm chứng với bị cáo khi bị hại, người làm chứng trình bày lời khai tại phiên tòa. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể yêu cầu người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích | hợp pháp hỏi bị hại, người làm chứng. (6) Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải quyết định hình phạt đối với bị cáo thì Hội đồng xét xử áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì đã có những thay đổi, bổ sung về trách nhiệm hình sự của người dưới 18 tuổi phạm tội, theo đó thu hẹp phạm vi các tội phạm mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời quy định về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo những quy định của Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em đó là thực hiện nguyên tắc đảm bảo “những lợi ích tốt nhất cho trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu”. Với những định hướng đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi các quy định về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như: tăng cường áp dụng các chế tài không tước quyền tự do; thay đổi cách thức tính khi quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, tổng hợp hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Cụ thể như sau:

– Về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Tại Khoản 1, Điều 91- BLHS năm 2015 quy định: “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội” [40]. Bên cạnh đó, việc chọn lựa áp dụng miễn trách nhiệm hình sự và sau đó áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục như khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn … phải được lựa chọn trước tiên khi xét thấy các biện pháp giám sát, giáo dục không đảm bảo hiệu quả giáo dục phòng ngừa thì mới áp dụng hình phạt.

– Về hình phạt và quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

+ Đối với hình phạt chính là phạt tiền được quy định tại khoản 1, Điều 35 – BLHS áp dụng đối với trường hợp người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm do BLHS quy định.

+ Đối với hình phạt cải tạo không giam giữ được quy định tại điều 100 – BLHS thì người dưới 18 tuổi phạm tội được áp dụng khi: Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì loại tội phạm mà họ vi phạm là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng với lỗi vô ý; Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì loại tội phạm mà họ vi phạm là tội rất nghiêm trọng. Hình phạt cải tạo không giam giữ không chỉ áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà còn áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

+ Đối với hình phạt tù có thời hạn. Theo quy định tại Khoản 6, điều 91 – BLHS năm 2015 thì “Khi xử tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời gian thích ứng ngắn nhất” [40], đồng thời tại Khoản 2, điều 38 BLHS năm 2015 cũng quy định “không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người phạm tội lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do lỗi vô ý và có nơi cư trú rõ ràng” [40]. Đây là những quy định mới của BLHS năm 2015 về nguyên tắc xử phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, do đó xác định phạm vi áp hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi đã được thu hẹp so với trước.

+ Về quyết định hình phạt trong trường hợp “chuẩn bị phạm tội” được quy định mức hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thấp hơn so với BLHS năm 1999 và được phân hóa theo từng độ tuổi. Theo quy định tại khoản 2, Điều 102 – BLHS năm 2015 thì:

Mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội không quá 1 phần 3 mức hình phạt quy định trong khung hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội trong điều luật được áp dụng. Mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chuẩn bị phạm tội không quá 1 phần 2 mức hình phạt quy định trong khung hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội trong điều luật được áp dụng.

+ Về quyết định hình phạt trong trường hợp “phạm tội chưa đạt” được quy định mức hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tại Khoản 3, Điều 102 – BLHS năm 2015 quy định:

Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt không quá 1 phần 3 mức hình phạt quy định tại điều 100 và 101 của Bộ luật này. Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt không quá 1 phần 2 mức hình phạt quy định quy định tại điều 99, 100 và 101 của Bộ luật này.

+ Về quyết định hình phạt trong trường hợp người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội, tại Khoản 1, Điều 103 – BLHS năm 2015 quy định:

Nếu hình phạt chung là cải tạo không giam giữ: mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3 năm. Nếu hình phạt chung là tù có thời hạn: mức hình phạt cao nhất được áp dụng không vượt quá 18 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội và 12 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội.

Ngoài ra tại Khoản 2, Điều 103 – BLHS năm 2015 đã phân hóa mức hình phạt theo từng độ tuổi khi phạm tội, theo đó:

Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện trước khi người đó đủ 16 tuổi nặng hơn hoặc bằng mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện sau khi đủ 16 tuổi thì hình phạt chung không vượt quá

mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều này; Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện sau khi người đó đủ 16 tuổi nặng hơn mức hình phạt đã | tuyên đối với tội được thực hiện trước khi đủ 16 tuổi thì hình phạt chung không vượt quá mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều này.

+ Đối với người phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 18 tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt áp dụng theo quy định tại Khoản 3, Điều 103 – BLHS năm 2015, đó là:

Nếu mức hình phạt Tòa án tuyên đối với tội được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi nặng hơn hoặc bằng mức hình phạt áp dụng đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại khoản 1 Điều này; Nếu mức hình phạt Tòa án tuyên đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi nặng hơn mức hình phạt áp dụng đối với tôi thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội.

+ Về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tại điều 104 BLHS năm 2015 quy định:

Việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này, được thực hiện theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Bộ luật này. Hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 103 của Bộ luật này.

Như vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã thu hẹp phạm vi tội phạm đối với những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo quy định của BLHS năm 2015 người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thuộc 28 tội danh được liệt kê tại Khoản 2, Điều 12 – BLHS năm 2015. Đối với những trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng chỉ nên áp dụng các biện pháp xử lý như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hòa giải tại cộng đồng, khiển trách; xử lý hành chính giúp cho các em có điều kiện tiếp tục học tập, rèn luyện.

2. Phương thức bảo đảm quyền con người trong quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội:

Theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền con người nói chung, quyền con người trong quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nói riêng, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thể sử dụng các phương thức, biện pháp cụ thể trong quá trình tố tụng để góp phần phát hiện, phòng ngừa và khắc phục những sai lầm trong quyết định hình phạt đối với người phạm tội, bảo đảm các quyền và lợi ích của người phạm tội.

Đối với người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên có sự phát triển chưa đầy đủ về thể chất và tinh thần, được xếp vào một trong các nhóm đối tượng dễ tổn thương về quyền con người, đó là các cộng đồng, nhóm người có vị thế về chính trị, kinh tế, xã hội thấp hơn đa số, khiến họ có nguy cơ cao hơn bị bỏ quên hay bị vi phạm quyền. Bởi vậy, họ cần được chú ý bảo vệ đặc biệt so với những nhóm, cộng đồng người khác. Trong số các nhóm dễ bị tổn thương gồm có: Người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ, người lao động di trú, người thiểu số.

Vì vậy, các đối tượng này cần được Nhà nước bảo hộ và xã hội đặc biệt quan tâm kể cả với hai tư cách có thể là chủ thể của tội phạm hay là đối tượng tác động của tội phạm. Với tư cách là chủ thể của tội phạm, họ vẫn không tránh khỏi việc phải chịu trách nhiệm hình sự và bị trừng phạt của pháp luật về tội mà người đó đã phạm trên cơ sở quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do tính chất dễ tổn thương về quyền con người của chủ thể này nên trong trường hợp nếu họ bị áp dụng chế tài hình sự sẽ chịu thiệt hại và gánh chịu hậu quả khắc nghiệt hơn so với người thành niên trong những trường hợp tương tự.

Cho nên, pháp luật quốc tế và pháp luật ở các quốc gia đặt ra nhiều yêu cầu, chuẩn mực riêng trong việc bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng đối với người dưới 18 tuổi nói chung, việc quyết định hình phạt đối với chủ thể này nói riêng. Bởi vì, khi họ đã phạm tội, phải chịu trách nhiệm hình sự thì việc bảo đảm cho đối tượng này được hưởng chính sách hình sự nhân đạo, khoan hồng và đặc thù cũng như cơ chế bảo đảm quyền con người trong việc quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là cần thiết, đồng thời có ý nghĩa giáo dục, phòng ngừa là chính.

Trước hết, để bảo đảm quyền con người trong quyết định hình phạt đối với dưới 18 tuổi người phạm tội, Việt Nam có chính sách hình sự áp dụng riêng với chủ thể này, chứa đựng các quy định đặc biệt khoan hồng và có hiệu lực ưu tiên. Sự thể hiện chính sách hình sự tại Chương XII – BLHS năm 2015 áp dụng đối với người đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội. Phạm vi đối tượng này bao gồm những người tại thời điểm phạm tội chưa đủ 18 tuổi nhưng đã đủ 16 tuổi trở lên hoặc dưới 16 tuổi nhưng đủ 14 tuổi trở lên mà phạm phải tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được liệt kê tại Điều 12 – BLHS năm 2015. Cần lưu ý rằng lứa tuổi của người phạm tội được tính tại thời điểm thực hiện tội phạm nên cho dù khi bị kết tội và quyết định hình phạt người đó đã hơn 18 tuổi vẫn được áp dụng chính sách này.

Tại Khoản 1, Điều 91 – BLHS năm 2015 đã khẳng định nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất đối với người dưới 18 tuổi trong việc xử lý hình sự đó là: “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội” [40]. Theo đó, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội không những phải đảm bảo lợi ích tốt nhất mà còn phải hướng tới mục đích chủ yếu là giáo dục, hướng thiện đối với họ.

Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 cũng ghi nhận đặc điểm nhân thân và hoàn cảnh, nguyên nhân, điều kiện phạm tội là những căn cứ bắt buộc trong khi xem xét trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tại Khoản 1, Điều 91 – BLHS năm 2015 quy định:

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi | phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm [40]; Tại Khoản 3, Điều 91 quy định:

Việc truy cứu TNHS người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

Đặc biệt, việc xử lý chuyển hướng, không truy cứu TNHS, không áp dụng | hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được BLHS đề xuất là biện pháp ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Cụ thể, khoản 2 Điều, 91 – BLHS năm 2015 đã xác định những điều kiện để miễn TNHS cho người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả của tội phạm và tội mà họ phạm phải không thuộc loại rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, không thuộc các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác, tội hiếp dâm, tội phạm về ma túy hoặc họ là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án thì sẽ được miễn TNHS. Đặc biệt, trong trường hợp miễn TNHS cho người dưới 18 tuổi phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng quyết định áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục như: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Việc áp dụng một trong các biện pháp này phải được sự đồng ý của dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

Trong trường hợp xét thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người dưới 18 tuổi phạm tội mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ thì Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trong thời hạn từ 01 đến 02 năm đối với họ. Biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng tách người dưới 18 tuổi phạm tội ra khỏi môi trường sống bình thường của họ, buộc họ phải học tập, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục có kỷ luật chặt chẽ của nhà trường. Tòa án sẽ chỉ áp dụng hình phạt đối với những người này trong trường hợp việc áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục nêu trên không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa tội phạm.

Tuy nhiên, trong trường hợp phải áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, BLHS năm 2015 loại bỏ các hình phạt đặc biệt hà khắc, hạn chế áp dụng hình phạt tù và áp dụng mức phạt thấp hơn so với người thành niên phạm tội. Điều 91 – BLHS năm 2015 quy định hình phạt tử hình và tù chung thân không được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Điều 98 – BLHS năm 2015 quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, chỉ được áp dụng một trong các hình phạt bao gồm cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Trong đó, các hình phạt không tước đoạt tự do như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ được ưu tiên áp dụng hơn hình phạt tù có thời hạn bởi quy định tại nguyên tắc thứ 6

trong các nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội ở Điều 91 – BLHS năm 2015, theo đó: “Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa” [40]. Nguyên tắc này cũng đồng thời xác định: nếu việc áp dụng hình phạt tù là nhất thiết thì người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người thành niên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Như vậy, tất cả các hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong BLHS năm 2015 đều phải có mức nhẹ hơn áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng và đặt ra giới hạn cụ thể của mức nhẹ hơn đó. Theo Điều 99 và Điều 100 – BLHS năm 2015, khi áp dụng các hình phạt phạt tiền, cải tạo không giam giữ, Tòa án chỉ được quyết định một mức phạt, thời hạn phạt không quá một phần hai so với mức, thời hạn quy định đối với tội phạm đó (mức, thời hạn áp dụng cho người đã thành niên phạm tội). Việc áp dụng mức hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi được phân hóa TNHS theo hai lứa tuổi như sau:

(1) Đối với người phạm tội đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà phạm phải tội được quy định là có hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng cho người đó không quá 18 năm tù. Nếu hình phạt được quy định đối với tội họ phạm phải là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. (2) Đối với người phạm tội đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi mà phạm phải tội được quy định là có hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng cho người đó không quá 12 năm tù. Nếu hình phạt được quy định đối với tội họ phạm phải là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Ngoài ra, việc quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong một số trường hợp đặc biệt cũng được giảm nhẹ đặc biệt như: quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt; tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội… Theo đó, những quy định giảm nhẹ đã được cụ thể hóa trong các điều 102, 103 và 104 trong BLHS năm 2015.

Tóm lại, các quy định áp dụng riêng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong BLHS Việt Nam hiện nay thể hiện quan điểm đối xử đặc biệt khoan hồng với chủ thể này và hoàn toàn đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền trong việc xử lý về hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, trong đó có việc quyết định hình phạt. Hiệu lực áp dụng ưu tiên đó đã được quy định tại Điều 90 – BLHS năm 2015: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này (Chương XII); theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này” [40]. Vì vậy, để bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi phạm tội trong việc quyết định hình phạt đối với họ, chính sách hình sự riêng tại Chương XII BLHS năm 2015 hiện hành là căn cứ trực tiếp để quyết định hình phạt đối với họ, các quy định khác của BLHS chỉ được áp dụng trên cơ sở không trái với các quy định của chương này.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com