Ô nhiễm môi trường biển là gì? Hợp tác bảo vệ môi trường biển?

Khái niệm ô nhiễm môi trường biển là gì theo khía cạnh pháp luật quốc tế? Sự cần thiết của việc hợp tác quốc tế trong bảo vệ ô nhiễm môi trường biển?

1. Ô nhiễm môi trường biển là gì?

Dưới góc độ pháp luật quốc tế, có ba định nghĩa tiêu biểu về ô nhiễm môi trường biển:

Thứ nhất, định nghĩa được Nhóm chuyên gia về các khía cạnh khoa học của ô nhiễm biển (Joint Group of Experts on the Scientific Aspects of Marine Pollution – GESAMP) đưa ra định nghĩa về ô nhiễm môi trường biển, “ô nhiễm môi trường biển là việc con người, trực tiếp hoặc gián tiếp, đưa các chất độc hại vào môi trường biển (bao gồm cả cửa sông) ảnh hưởng đến tài nguyên sinh vật, gây ra mối nguy hại đối với sức khoẻ con người, gây cản trở cho các hoạt động trên biển bao gồm đánh bắt hải sản, suy giảm chất lượng sử dụng nước biển và các hoạt động khác” [53, tr.5]. Đây được xem là định nghĩa đầu tiên trên thế giới về ô nhiễm môi trường biển.

Thứ hai, Theo khoản 4 Điều 1 UNCLOS, “Ô nhiễm môi trường biển là việc con người trực tiếp hoặc gián tiếp đưa các chất liệu hoặc năng lượng vào môi trường biển, bao gồm cả các cửa sông, khi việc đó gây ra hoặc có thể gây ra những tác hại như gây tổn hại đến nguồn lợi sinh vật, và đến hệ động vật và hệ thực vật biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, gây trở ngại cho các hoạt động ở biển, kể cả việc đánh bắt hải sản và các việc sử dụng biện một cách hợp pháp khác, làm biến đổi chất lượng nước biển về phương diện sử dụng nó và làm giảm sút các giá trị mĩ cảm của biển”

Thứ ba, thuật ngữ ô nhiễm môi trường biển còn được giải nghĩa trong Tuyên bố Putrajaya về hợp tác khu vực cho sự phát triển bền vững các biển Đông Á năm 2003 – PEMSEA có giải nghĩa “ô nhiễm môi trường biển là việc con người trực tiếp hay gián tiếp đưa các chất hoặc năng lượng vào môi trường biển, kể cả các cửa sông, dẫn đến những ảnh hưởng có hại cho các tài nguyên hữu sinh, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, cản trở các hoạt động trên biển kể cả khai thác thủy sản, suy giảm chất lượng và lợi ích của nước biển”

Mặc dù được cho là có bước phát triển lớn về mặt học thuật, song các định nghĩa về ô nhiễm môi trường biển nêu trên hiện vẫn đang nhận được nhiều tranh luận. Cụ thể là:

Thứ nhất, các định nghĩa về ô nhiễm môi trường biển nêu trên mới chỉ ra được nguyên nhân duy nhất gây ô nhiễm môi trường biển là do con người mà chưa chỉ ra các nguyên nhân khác. Trên thực tế nguyên nhân gây ô nhiễm biển còn có thể do chính động vật, thực vật biển gây nên, cũng như do sự vận động, sự biến đổi bất thường của tự nhiên. Bên cạnh các nguồn ô nhiễm nhân sinh, biển còn có thể bị ô nhiễm từ các sự cố, tai họa thiên nhiên như núi lửa phun, rò rỉ khoáng chất, bão lụt…

Thứ hai, mặc dù các định nghĩa đã liệt kê được khá đầy đủ những hậu quả từ ô nhiễm môi trường biển, song chúng chưa được sắp xếp một cách thực sự khoa học.

Thứ ba, các định nghĩa về ô nhiễm môi trường biển nêu trên mới chỉ ra được khu vực tiến hành các hoạt động gây ô nhiễm là ở biển và cửa sông. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều khu vực mà ở đó tiến hành các hoạt động của con người có thể gây ô nhiễm môi trường biển, như hoạt động từ đất liền, trên không trung hay dưới đáy biển…

Tại Khoản 12, Điều 3 Luật bảo vệ môi trường của Việt Nam năm 2020 có định nghĩa: “Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên”.

Như vậy, từ những phân tích trên có thể đưa ra một định nghĩa đầy đủ hơn về ô nhiễm môi trường biển như sau: “Ô nhiễm môi trường biển là sự biến đổi thành phần môi trường biển, có nguyên nhân từ những biến đổi bất thường của tự nhiên hoặc/và từ việc con người trực tiếp hoặc gián tiếp đưa các chất liệu và/hoặc năng lượng vào môi trường biển, bao gồm từ các cửa sông, đất liền, trên không trung, đáy biển, từ đó gây ra hoặc có thể gây ra những tác hại như suy giảm chức năng và tính hữu ích của môi trường biển, gây tổn hại đến nguồn lợi sinh vật, và đến hệ động vật và hệ thực vật biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, gây trở ngại cho các hoạt động ở biển, kể cả việc đánh bắt thuỷ sản và các việc sử dụng biển một cách hợp pháp khác, làm biến đổi chất lượng nước biển về phương diện sử dụng nó, làm suy giảm các giá trị mĩ cảm và lợi ích của biển”.

2. Bảo vệ môi trường biển:

Trong các thành phần của môi trường, môi trường biển đóng một vai trò quan trọng vì hơn 70% bề mặt của Trái đất được bao phủ bởi nước. Trong đó 97% lượng nước trên thế giới thuộc về đại dương. Xu hướng phát triển hướng ra biển ngày càng tăng khiến cho biển cũng đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng của nạn ô nhiễm. Do vậy, bảo vệ môi trường biển cũng chính là một phần quan trọng trong chiến lược bảo vệ môi trường chung của nhân loại.

Những quy định đầu tiên về BVMT biển xuất hiện trong các quy phạm tập quán quốc tế. Các nguyên tắc hình thành trên cơ sở tập quán quốc tế điển hình như: Không quốc gia nào có quyền sử dụng hoặc cho phép sử dụng lãnh thổ của họ để gây thiệt hại cho lãnh thổ của quốc gia khác, nguyên tắc đường biên giới hữu hảo… Sau đó, các quy định liên quan đến BVMT biển dần được hình thành trong các quy phạm điều ước, các tuyên bố, nghị quyết của các tổ chức quốc tế. LHQ đóng vai trò chính trong BVMT biển thông qua việc hình thành các uỷ ban và công ước trong lĩnh vực này. Các quy định quan trọng liên quan đến môi trường được ra đời trong khuôn khổ của LHQ: Các Công ước Geneva năm 1958, UNCLOS 1982, Công ước về đa dạng sinh học và công ước khung về biến đổi khí hậu năm 1992. Bên cạnh đó là các Hội nghị quan trọng của LHQ liên quan đến môi trường biển, đặc biệt là Hội nghị LHQ về Môi trường con người năm 1972 UNHCE và Hội nghị LHQ về Môi trường và phát triển UNCED năm 1992.

Môi trường biển định nghĩa theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 được hiểu bao gồm các tài nguyên sinh vật, các hệ sinh thái biển và chất lượng nước biển, cảnh quan biển. Phân tích định nghĩa ta thấy, môi trường biển là vùng tại đó con người khai thác các tài nguyên sinh vật và không sinh vật, là nơi được sử dụng để giao tiếp, nghỉ ngơi giải trí và trút bỏ chất thải và đó là nơi đóng một vai trò cơ bản trong việc duy trì các điều kiện sống trên Trái đất.

Định nghĩa môi trường biển ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với nhận thức của con người. Theo định nghĩa tại Chương 17 trong Chương trình nghị sự 21 của LHQ về sự phát triển bền vững: “Môi trường biển là vùng bao gồm các đại dương và các biển và các vùng ven biển tạo thành một tổng thể, một thành phần cơ bản của hệ thống duy trì cuộc sống toàn cầu và là tài sản hữu ích tạo cơ hội cho sự phát triển bền vững”. Chương 17 quy định về việc Bảo vệ đại dương, xác định rõ tầm quan trọng của các đại dương với tư cách là một hệ thống hỗ trợ sự sống toàn cầu. Một số nội dung đề cập đến mối nguy hại của các hoạt động dầu khí ngoài khơi đối với môi trường biển và sự cần thiết phải ngăn chặn ô nhiễm biển từ các tàu bao gồm cả nhận chìm bất hợp pháp và ô nhiễm do tàu ở các khu vực đặc biệt nhạy cảm. Chương trình Nghị sự 21 không thiết lập một khung pháp lý mới về quản trị đại dương, nhưng đã khẳng định tầm quan trọng và vai trò cơ bản của UNCLOS trong việc bảo vệ và phát triển bền vững môi trường biển.

Dựa trên quan điểm Bảo vệ và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường biển là việc ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của các hoạt động của con người và của tự nhiên đến môi trường biển, làm ô nhiễm và suy thoái môi trường biển. BVMT biển bao gồm 3 nhóm lĩnh vực chính là:

– Bảo vệ các hệ sinh thái, bao gồm rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, bãi triều, cửa sông, đầm phá, vùng vịnh, đất ngập nước ven biển…;

– Bảo vệ tài nguyên sinh vật biển, chống khai thác quá mức; – Bảo vệ chất lượng biển; môi trường biển, chống ô nhiễm.

Từ những phân tích trên ta có thể định nghĩa BVMT biển từ góc độ hành vi theo pháp luật quốc tế là hoạt động của chủ thể của Luật quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc và quy phạm Luật quốc tế, thông qua phương thức riêng lẻ hoặc tập thể, sử dụng các công cụ, biện pháp để bảo tồn và phát triển các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật, hệ sinh thái, bảo vệ cảnh quan và chất lượng nước khỏi các nguồn ô nhiễm môi trường biển do con người trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra nhằm mục đích phát triển bền vững vì lợi ích của mỗi quốc gia, khu vực và cộng đồng.

3. Hợp tác quốc tế bảo vệ môi trường biển:

Khi nhận thức của con người về tầm quan trọng của biển cả và tác hại của các hoạt động của con người lên môi trường biển được tăng lên, đó chính là thời điểm con người ý thức được rằng môi trường biển cần phải được kiểm soát và một trong những biện pháp kiểm soát hữu hiệu đặt ra những yêu cầu của pháp luật. Chế độ pháp lý về BVMT biển có những đặc thù riêng so với chế độ pháp lý về BVMT trên đất liền. Ở Biển các Quốc gia không được tự do thực hiện các biện pháp bảo vệ như trên đất liền, họ phải hành động theo các quy tắc tài phán quốc tế của luật biển. Những quy tắc này đặt ra một số những hạn chế về năng lực của các quốc gia ven biển trong việc đơn phương kiểm soát môi trường tác động của các hoạt động trên biển và kêu gọi các giải pháp đa phương và thống nhất. Phần lớn không gian đại dương nằm ngoài khu vực tài phán quốc gia và hầu hết các nguồn tài nguyên sinh vật biển di chuyển giữa các vùng biển khác nhau. Do đặc điểm vật lý của môi trường biển, ảnh hưởng do các hoạt động của con người (ví dụ như vận chuyển) và khai thác (ví dụ đánh bắt cá) có thể lan rộng vượt ra ngoài quyền tài phán quốc gia và ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia khác. Do đó BVMT biển đòi hỏi mức độ hợp tác cao so với vấn đề môi trường trên đất liền.

Những quy định đầu tiên về BVMT biển xuất hiện trong các quy phạm tập quán pháp quốc tế. Các nguyên tắc hình thành trên cơ sở tập quán pháp quốc tế điển hình như: Không quốc gia nào có quyền sử dụng hoặc cho phép sử dụng lãnh thổ của họ để gây thiệt hại cho lãnh thổ của quốc gia khác, nguyên tắc đường biên giới hữu hảo… Sau đó các quy định liên quan đến BVMT biển dần được hình thành trong các quy phạm điều ước, tuyên bố, nghị quyết của tổ chức quốc tế.

Hợp tác giữa các quốc gia là con đường không thể thiếu để ngăn chặn nguy cơ xuống cấp của môi trường đang đe doạ nhân loại. Hợp tác để cùng đối phó với những nguy cơ đang đe doạ là phản ứng tự nhiên của xã hội.

Các quốc gia ngày càng nhận thức được rằng không thể chia nhỏ môi trường sinh học thành các “tài sản sở hữu quốc gia”. Các quốc gia không thể hành động chỉ vì các lợi ích quốc gia riêng lẻ mà không tính đến cái chung trong vấn đề môi trường toàn cầu, đặc biệt là môi trường biển. Do đó các quốc gia không thể tự mình đơn độc ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường biển nếu không có sự phối hợp đồng bộ, chung tay cùng hợp tác với nhau để bảo vệ môi trường biển. Một quốc gia hoạt động đơn lẻ không thể giải quyết đúng đắn tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến môi trường biển của quốc gia mình. Do đó, hợp tác làm việc với các quốc gia láng giềng là cần thiết cho nhiều vấn đề, chẳng hạn như giải quyết ô nhiễm, đảm bảo tính bền vững của đánh bắt cá hoặc bảo tồn các sinh vật biển có giá trị.

Cho đến nay, môi trường đã được coi là lợi ích quốc gia và hợp tác giữa các quốc gia được coi là phương thức thiết yếu để giải quyết vấn đề đó. Môi trường trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình nghị sự toàn cầu. Vì vậy vấn đề môi trường trở thành một động lực cho hợp tác quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

4. Sự cần thiết phải hợp tác quốc tế để bảo vệ môi trường biển:

Môi trường biển bao gồm nước của biển và cửa sông, đáy biển và lòng đất biển, và tất cả các động vật hoang dã biển và các sinh cảnh biển và ven biển của biển. Nó là một tài sản quý giá; một di sản cần được bảo vệ, bảo tồn và định giá đúng mức.

Mục đích cuối cùng là giữ cho các đại dương và biển của chúng ta đa dạng và năng động về mặt sinh học, đồng thời cũng an toàn, sạch sẽ, lành mạnh và hiệu quả. Môi trường biển là tài nguyên quan trọng đối với sự sống trên Trái đất. Các hệ sinh thái biển thực hiện một số chức năng môi trường chính – chúng điều hòa khí hậu, chống xói mòn, tích lũy và phân phối năng lượng mặt trời, hấp thụ carbon dioxide và duy trì kiểm soát sinh học. Biển và đại dương là nguồn đa dạng sinh học lớn nhất của chúng ta. Chúng bao phủ 70% bề mặt Trái đất và chúng chứa 90% sinh quyển. Môi trường biển cũng là một yếu tố đóng góp to lớn vào sự thịnh vượng kinh tế, xã hội và chất lượng cuộc sống. Nó tạo thành một quỹ tài nguyên có thể được sử dụng để đạt được tiềm năng kinh tế lớn hơn, vì vậy việc bảo vệ nó là rất quan trọng tại thời điểm này.

Chức năng của môi trường biển

– Bảo đảm điều kiện sống của con người.

– Cung cấp tài nguyên.

– Bảo đảm những tiện nghi sinh hoạt cho con người (như du lịch, thể thao, nghỉ ngơi …)

– Môi trường giao thông.

–  Hấp thụ, đồng hoá các chất thải có nguồn gốc từ đất liền.

Môi trường biển đang phải đối mặt với một số mối đe dọa ngày càng lớn. Chúng bao gồm mất hoặc suy thoái đa dạng sinh học và thay đổi cấu trúc của nó, mất môi trường sống, ô nhiễm từ các chất nguy hiểm và tác động của biến đổi khí hậu. Các sinh cảnh biển đang bị phá hủy, suy thoái và xáo trộn. Những mối đe dọa này gây ra bởi áp lực từ các hoạt động khác nhau trên biển như thăm dò dầu khí, nạo vét và khai thác cát sỏi, vận tải biển, thủy sản thương mại và du lịch. Trong khi đó, các hoạt động trên đất liền (nông nghiệp và công nghiệp nói chung) chiếm 80% ô nhiễm môi trường biển. Những áp lực này càng trầm trọng hơn do tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Ví dụ, các loài cá thương mại yêu cầu vùng nước lạnh hơn hiện đang được chuyển hướng lên phía bắc khi nhiệt độ nước biển tăng lên. Cần có những nỗ lực khẩn cấp để bảo vệ các biển và đại dương của các quốc gia trên thế giới. Mục đích là để bảo vệ năng suất lâu dài của các hoạt động kinh tế và xã hội như ngư nghiệp, vận tải biển, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và phát triển vùng ven biển và khu vực.

BVMT biển đang trở thành một nhiệm vụ bức thiệt. Con người đã nhận thức được tầm quan trọng của các thảm hoạ môi trường. Ví dụ điển hình là vụ ô nhiễm Minamata năm 1953 và vụ Torrey Canon năm 1967: 

 Vụ ô nhiễm Minamata năm 1953

Tập đoàn Chisso có một nhà máy giấy nhựa tại Minamata. Chất thải của nhà máy này có chứa thuỷ ngân đã được đưa thẳng vào Vịnh, từ đó nhiễm vào cá. Người ăn phải cá bị nhiễm độc có chứa thuỷ ngân dẫn đến tê liệt thần kinh trung ương. Theo thống kê đã có khoảng 13.000 nạn nhân, 70% số đó thuộc cá gia đình ngư dân. Năm 1995, Chính phủ Nhật đã phải bỏ ra 1,5 tỷ yên để giúp tập toàn Chisso bồi thường cho các nạn nhân. Sau gần 50 năm, chính phủ Nhật và tập đoàn Chisso dường như đã tìm ra một giải pháp chính trị-kinh tế dung hoà cho các nạn nhân, nhưng tác hại của vụ ô nhiễm này vẫn chưa chấm dứt.

Vụ Torrey Canon 1967

Ngày 18/3/19167, tàu chở dàu Torrey Canon bị tai nạn chìm tại eo biển Manche giữa Cornwall (Anh) và Bretagne (Pháp), đỏ 120.000 tấn dầu ra biển, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Các nỗ lực của chính quyền và nhân dân sở tại cùng 12 tấn chất phân huỷ rải từ máy bay xuống không đủ để ngăn chặn cơn “thuỷ triều đen”. Tổn hại trực tiếp của nước Pháp là 41 triệu Phrăng, của Anh là 2,3 triệu bảng.

Về bản chất, môi trường biển là một vấn đề xuyên biên giới và vì vậy phải được quản lý thông qua hợp tác và theo các nguyên tắc chung. Hợp tác quốc tế BVMT biển có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các nước đang phát triển có thể tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, sáng tạo và các nguồn lực tài chính cần thiết từ các nước phát triển trên thế giới để biến các lĩnh vực mới nổi về môi trường biển thành chất xúc tác cho sự phát triển lâu dài, bao trùm và bền vững.

Nguyên tắc Hợp tác quốc tế có tầm quan trọng lớn trong Luật môi trường quốc tế với tư cách là một trong những ngành luật quốc tế công cộng. Vì mục tiêu này, việc sử dụng công bằng và hợp lý lãnh thổ và quản lý các nguồn tài nguyên chung như tài nguyên nước xuyên biên giới và tài nguyên biển quốc tế đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế [57].

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Hợp tác quốc tế trong vấn đề BVMT, Liên hợp quốc đã thành lập Chương trình Môi trường – UNEP từ năm 1974. UNEP là cơ quan môi trường toàn cầu hàng đầu đặt ra chương trình nghị sự về môi trường toàn cầu thúc đẩy việc thực hiện nhất quán khía cạnh môi trường của phát triển bền vững trong hệ thống Liên hợp quốc và đóng vai trò là tổ chức ủng hộ có thẩm quyền cho môi trường toàn cầu. Từ Tuyên bố Stockholm 1972 đến Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, hợp tác quốc tế đang trở thành một phần quan trọng của quan hệ quốc tế về bảo vệ môi trường. Lý do chính của cách tiếp cận này trong luật quốc tế là dựa trên thực tế các vấn đề môi trường cần được giải quyết trên phạm vi quốc tế, cả về môi trường và chính trị.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com