Tại sao lại nói phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm đặc biệt? Phạm tội có tổ chức – Hình thức đồng phạm đặc biệt nguy hiểm theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015?
Từ trước đến nay, phạm tội có tổ chức hay đồng phạm có tổ chức đã được các nhà khoa học luật hình sự nghiên cứu riêng trên phương diện một chế định của tội phạm hoặc một chế định nhỏ thuộc đồng phạm với nhiều ý kiến khác nhau về bản chất pháp lý.
Quan điểm thứ nhất, phạm tội có tổ chức chỉ có thể là hình thức đồng phạm phức tạp, trong đó có sự phân công vai trò giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Thực tiễn cho thấy, sự phân công vai trò giữa những người cùng thực hiện tội phạm là một dấu hiệu phổ biến ở hình thức phạm tội này. Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu bắt buộc, duy nhất. Bởi vì có những trường hợp những người đồng phạm có sự cấu kết, phối kết hợp chặt chẽ về mặt ý thức phạm tội cũng như khi thực hiện hành vi. Nhưng khi phạm tội, mỗi người trong vụ án có đồng phạm đó đều là người thực hành mà không phân công vai trò rõ ràng thành người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức.
Quan điểm thứ hai, ở hình thức phạm tội có tổ chức, những người đồng phạm phạm một hoặc nhiều tội nhưng phạm tội nhiều lần và có sự cấu kết chặt chẽ với nhau trong một thời gian dài. Nếu hiểu theo quan điểm như vậy sẽ thu hẹp giới hạn, phạm vi của phạm tội có tổ chức. Nhiều trường hợp phạm tội có tính chất, mức độ nguy hiểm cao cho xã hội, là hình thức đồng phạm đặc biệt nhưng vẫn không thoả mãn được điều kiện nêu trên. Nếu quy định phạm tội có tổ chức như vậy sẽ bỏ lọt tội phạm hoặc khi xem xét TNHS của tội phạm sẽ không hợp lý, không tương xứng với tính chất, mức độ của tội phạm đó.
Quan điểm thứ ba, phạm tội có tổ chức phải là hình thức đồng phạm có thông mưu trước, trong đó gồm một nhóm có từ hai người trở lên liên kết với nhau trước khi thực hiện hành vi phạm tội. Phạm vi quan niệm như vậy là quá rộng đối với phạm tội có tổ chức, không có sự phân biệt giữa đồng phạm thường và đồng phạm đặc biệt. Điều này sẽ dẫn đến xử lý nghiêm khắc thái quá những người đồng phạm. Phạm vi điều chỉnh của hai khái niệm pháp lý này là không giống nhau. Nội hàm của phạm tội có tổ chức bao gồm dấu hiệu của đồng phạm có thông mưu trước nhưng còn có thêm những dấu hiệu cá biệt khác.
Phạm tội có tổ chức phân biệt với hình thức đồng phạm thường là ở dấu hiệu có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cố ý cùng tham gia thực hiện một tội phạm. Phạm tội có tổ chức có tính câu kết chặt chẽ hơn và cũng có tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn. Đặc điểm có sự câu kết chặt chẽ của đồng phạm có tổ chức vừa thể hiện mức độ liên kết về mặt chủ quan vừa thể hiện mức độ phân chia vai trò, nhiệm vụ cụ thể về mặt khách quan của những người đồng phạm.
Sự liên kết chặt chẽ này thể hiện ở sự bàn bạc thỏa thuận trước với nhau về kế hoạch thực hiện tội phạm, che giấu tội phạm, có việc tạo ra những điều kiện, vật chất và tinh thần cho những người phạm tội, sự hợp tác, nỗ lực thực hiện tội phạm của tất cả những người tham gia … Vì vậy tính chất của tội phạm là rất nguy hiểm, tinh vi, thủ đoạn, liều lĩnh hơn tội phạm thường, gây khó khăn trong công tác phát hiện, phòng và đấu tranh chống tội phạm.
Sau ba lần pháp điển hoá, BLHS hiện hành vẫn giữ nguyên định nghĩa: “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”. Có thể thấy để xây dựng được một định nghĩa như vậy về phạm tội có tổ chức thể hiện thái độ nghiêm khắc trong việc đấu tranh với hình thức đồng phạm đặc biệt này của Đảng và Nhà nước ta. Qua thực tế thi hành và áp dụng pháp luật đã xảy ra tình trạng không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong nhận định về cụm từ “câu kết chặt chẽ”, định nghĩa vẫn còn trừu tượng, chung chung, không có cách hiểu thống nhất thế nào là “câu kết chặt chẽ” giữa những người đồng phạm.
Trước tình hình như vậy, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao họp ngày 16 tháng 11 năm 1988, với sự tham gia của đại diện Bộ Tư pháp và VKSND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02-/HĐTP/NQ hướng dẫn bổ sung Nghị quyết số 02 HĐTP–TANDTC/QĐ ngày 05/01/1986 đặc biệt về vấn đề phạm tội có tổ chức. Theo nội dung Nghị quyếtsự “cấu kết chặt chẽ” thể hiện ở các dạng sau đây:
1 – Những người đồng phạm tham gia một tổ chức phạm tội như: đảng phái, hội, đoàn phản động, băng, ổ trộm, cướp... có những cá nhân là chỉ huy, cầm đầu. Tuy nhiên, cũng có khi tổ chức phạm tội không có người chỉ huy, cầm đầu mà chỉ là sự tập hợp những đối tượng phạm tội chuyên nghiệp đã thống nhất cùng nhau hoạt động phạm tội. Ví dụ: sau khi chấp hành xong án phạt tù, một số đối tượng chuyên mua bán trái phép chất ma tuý đã tập hợp nhau lại và thống nhất cùng nhau tiếp tục hoạt động phạm tội.
2 – Những người đồng phạm cùng nhau phạm tội nhiều lần theo một kế hoạch đã thống nhất trước. Ví dụ: một số cán bộ, công chức nhà nước đã thông đồng với nhau tham ô nhiều lần; một số tên chuyên cùng nhau đi trộm cắp; một số đối tượng hoạt động đầu cơ, buôn lậu có tổ chức thành đường dây hoạt động chuyên nghiệp,...
3 – Những người đồng phạm chỉ thực hiện tội phạm một lần, nhưng đã tổ chức thực hiện tội phạm theo một kế hoạch được tính toán kỹ càng, chu đáo, có chuẩn bị phương tiện hoạt động và có khi còn chuẩn bị cả kế hoạch che giấu tội phạm. Ví dụ: Trong các trường hợp trộm cắp, cướp tài sản mà có sự phân công điều tra, thám thính trước về nơi ở, quy luật sinh hoạt của bị hại, phân công chuẩn bị phương tiện và hoạt động của mỗi người đồng phạm;...
Với hướng dẫn của Nghị quyết nêu trên, vấn đề mâu thuẫn trong cách hiểu về phạm tội có tổ chức đã được giải quyết một phần, tuy nhiên hướng dẫn này vẫn chưa đưa ra được cách hiểu khái quát, chưa kết luận được các dấu hiệu chung của phạm tội có tổ chức trong mọi trường hợp. Cho đến nay, khái niệm phạm tội có tổ chức vẫn chưa được giải thích bằng một văn bản chính thức nào khác. Học viên chỉ có thể tạm đưa ra hai đặc điểm chung nhất của phạm tội có tổ chức như sau:
– Nhóm đồng phạm được hình thành với phương hướng hoạt động có tính lâu dài, bền vững. Mỗi người đồng phạm đều chịu sự điều khiển chung thống nhất, đều sử dụng và coi hình thức đồng phạm là công cụ sức mạnh trong hoạt động phạm tội của mình. Cũng có thể nói rằng, trong nhóm tồn tại quan hệ chỉ huy – phục tùng.
– Trong hoạt động, nhóm phạm tội có sự chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ từ việc thực hiện tội phạm đến việc che giấu tội phạm với phương pháp, thủ đoạn thường tinh vi, xảo quyệt v, v..
Với đặc điểm như vậy, trong phạm tội có tổ chức thường xảy ra việc phạm tội liên tục, nhiều lần, gây ra hậu quả lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn. TSKS.GS Lê Văn Cảm đã làm rõ nội hàm hình thức đồng phạm đặc biệt này bao gồm những đặc điểm riêng về mặt khách quan và chủ quan với các dấu hiệu cơ bản như sau:
Về mặt khách quan, các dấu hiệu đặc trưng của phạm tội có tổ chức là: (1) Trước khi phạm tội thường đã hình thành một tổ chức tội phạm với các quy mô khác nhau (lớn, nhỏ) của những người đồng phạm; (2) Tổ chức tội phạm đó thường tồn tại một khoảng thời gian dài nhằm thực hiện nhiều tội phạm hay phạm tội nhiều lần và là các tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; (3) Có sự thỏa thuận kỹ và bàn bạc trước về kế hoạch thực hiện tội phạm, đồng thời giữa những người đồng phạm có sự phân công vai trò tỉ mỉ, cụ thể thậm chí rất chi tiết.
Về mặt chủ quan, các dấu hiệu đặc trưng chung của phạm tội có tổ chức là: (1) Sự cố ý cùng liên kết về mặt ý thức của những người phạm tội có tổ chức khi thỏa thuận, bàn bạc kế hoạch và phân công vai trò đã hình thành nên mối quan hệ và sự thống nhất hành động của họ chặt chẽ và bền vững hoặc rất chặt chẽ và rất bền vững; (2) Nói chung, tổ chức tội phạm (với cơ cấu như băng, nhóm, hội...) là một dạng điển hình của hình thức phạm tội có tổ chức nên nó cũng đều có tất cả các dấu hiệu đặc trưng khách quan và chủ quan riêng của đồng phạm đặc biệt đã được phân tích ở đây.
TS Trần Quang Tiệp trong các nghiên cứu của mình đã kết luận rằng: Đồng phạm có tổ chức là hình thức phạm tội có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng tham gia vào việc thực hiện tội phạm. Phạm tội có tổ chức là hình thức đặc biệt của đồng phạm nên nhiều nhà khoa học gọi tên là đồng phạm có tổ chức. Đồng phạm có tổ chức có những đặc trưng cơ bản sau đây:
– Nhóm tội phạm trước hết phải có thông mưu trước, nhưng ngoài sự bàn bạc, thỏa thuận trước về việc cùng thực hiện tội phạm, những người đồng phạm thường chuẩn bị thực hiện và che giấu tội phạm một cách kỹ lưỡng với phương pháp, thủ đoạn thường tinh vi, xảo quyệt.
– Nhóm tội phạm được hình thành với phương hướng hoạt động có tính chất lâu dài, bền vững, thường có sự phân công vai trò thực hiện tội phạm khác nhau giữa những người đồng phạm nhằm thực hiện nhiều tội, phạm tội nhiều lần.
– Nhóm tội phạm ngoài ý đồ phạm tội thống nhất, phải có sự phối hợp hoạt động giữa các thành viên trong nhóm. Mỗi thành viên trong nhóm chịu sự điều hành chung thống nhất, đều thừa nhận và sử dụng nhóm phạm tội như là một công cụ trong hoạt động phạm tội của mình.
Tóm lại, căn cứ và tham khảo các phân tích nêu trên, học viên có quan điểm: Phạm tội có tổ chức là một dạng đồng phạm đặc biệt, thể hiện sự nguy hiểm cao bởi một nhóm người có sự cầu kết chặt chẽ thông qua chính cơ cấu tổ chức (băng, nhóm, tổ chức, liên minh ...) và sự bàn bạc, tính toán, phân công, lên kế hoạch nhằm thực hiện tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Ví dụ: Tại Vụ án “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Đánh bạc”, “Tổ chức đánh bạc”, “Rửa tiền”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là vụ án có quy mô rộng, số lượng bị cáo lớn, mang tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có cả các bị cáo công tác trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật ... xảy ra tại tỉnh Phú Thọ, một số thành phố lớn và nhiều tỉnh thành trên phạm vi cả nước.
Đối với hành vi “Tổ chức đánh bạc”: Vụ án “Tổ chức đánh bạc” do Nguyễn Văn Dương là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, hiện nay đưa ra xét xử gồm 38 bị cáo. Hành vi tổ chức đánh bạc của các bị cáo không giống như các hành vi tổ chức đánh bạc truyền thống mà là loại hình tổ chức đánh bạc sử dụng công nghệ cao. Đây là trường hợp vụ án có đồng phạm, không phải đồng phạm giản đơn mà là trường hợp “phạm tội có tổ chức”, là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
Các đồng phạm này đã tiếp nhận ý chí của nhau, câu kết chặt chẽ, phân công nhiệm vụ cụ thể nhằm mục đích cùng thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng thuộc nhóm chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy là Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và Hoàng Thành Trung, trong đó, Nguyễn Văn Dương đóng vai trò quan trọng nhất. Nhóm đồng phạm có vai trò người thực hành tiếp nhận ý chí của nhóm cầm đầu, chủ mưu (thuộc 03 công ty: CNC, Nam Việt, VTC Online) trực tiếp thực hiện một trong các hành vi liên quan đến Rikvip/Tip.club bao gồm Nguyễn Quốc Tuấn, Phạm Tuấn Anh, Đoàn Thị Thu Hà, Kim Thanh Thủy, Phạm Trọng Tài. Đối tượng có vai trò giúp sức trong vụ án là Đỗ Bích Thủy (giám đốc Công ty Nam Việt). Các đại lý cấp 1 (18 đại lý) có vai trò giúp sức tích cực, tiếp nhận ý chí và bàn bạc, thỏa thuận với Hoàng Thành Trung lập các đại lý cấp 1 trên cả nước để phát triển mạng lưới, quy mô của game Rikvip/Tip.Cub, 23Zdo, Zon/Pen; tích cực lôi kéo, mở rộng, phát triển hệ thống đại lý cấp 2 và lập các trang mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu về các hình thức đánh bạc, mua bán tiền ảo (Rik, Zdo, Zon) ... Qua đó, lôi kéo được số lượng rất lớn người chơi bạc và số lượng tiền tham gia đánh bạc; thu lợi bất chính với số tiền đặc biệt lớn (đều trên 50.000.000đ). Do đó, các đồng phạm này đều bị xét xử về tội “Tổ chức đánh bạc” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 248 BLHS năm 1999 và đều bị áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS “Phạm tội có tổ chức” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 BLHS năm 1999.
Trong vụ án, có một số bị cáo thuộc các trung gian thanh toán cũng bị xét xử về tội Tổ chức đánh bạc quy định tại điểm b khoản 2 Điều 248 BLHS năm 1999 với vai trò người giúp sức nhưng không phải chịu tình tiết tăng nặng “Phạm tội có tổ chức” gồm: Lê Thị Lan Thanh (Công ty GTS), Phạm Quang Minh (Công ty Epay), Nguyễn Hoàng Linh, Trương Đức Đô (Công ty Homedirect); Nguyễn Ngọc Thịnh (Công ty CNC). Sở dĩ như vậy là do các đối tượng này chỉ tiếp nhận ý chí của Nguyễn Quốc Tuấn, Phạm Tuấn Anh (công ty CNC– người thực hành) trong việc kết nối trung gian thanh toán để chạy sản lượng gạch thẻ cho game bài hoặc cho mượn tài khoản để Tuấn chuyển tiền doanh thu từ tổ chức đánh bạc và được chia lợi nhuận Nguyễn Ngọc Thịnh); tham gia thực hiện hành vi giúp sức tách rời, không tiếp nhận ý chí của nhóm chủ mưu, cầm đầu, không bàn bạc, câu kết với các đối tượng phạm tội khác trong đường dây tổ chức đánh bạc.
Đối tượng có vai trò giúp sức trong vụ án là Lưu Thị Hồng (giám đốc Công ty CNC): Hồng mặc dù là người ký kết hợp đồng Hợp đồng số 010/HĐKT/CNC VTCO; Hợp đồng thuê tin nhắn thương hiệu “Rikvip “và tham gia ký đối soát doanh thu tổ chức đánh bạc trong 04 tháng khi game bài bắt đầu vận hành. Tuy nhiên, trong suốt quá trình tiếp sau đó, mặc dù không có gì ngăn cản nhưng Hồng không tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Dương xác nhận Hồng thực hiện nhiệm vụ Dương giao là ký kết các hợp đồng theo sự chỉ đạo chứ không có sự bàn bạc và không được hưởng lợi gì. Do đó, không áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội có tổ chức” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 BLHS năm 1999 đối với Hồng là phù hợp. Đối với 06 đại lý cấp 2 bị đưa ra xét xử lần này cũng phạm tội “Tổ chức đánh bạc” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 248 BLHS năm 1999 nhưng không phải chịu tình tiết tăng nặng “Phạm tội có tổ chức” do các đại lý cấp 2 chữ tiếp nhận ý chí của đại lý cấp 1 thực hiện mua bán rik ăn chênh lệch và tỷ lệ % do đại lý cấp 1 chuyển về mà không tiếp nhận ý chí và không biết về hành vi phạm tội của các đối tượng khác thuộc nhóm cấp trên.