Phân tích các đặc điểm của ly thân dưới góc độ pháp lý? Ly thân có ý nghĩa không chỉ với mối quan hệ nội tại của vợ chồng mà còn có ý nghĩa cả với xã hội?
1. Đặc điểm của ly thân:
Qua tìm hiểu về khái niệm ly thân, qua nghiên cứu tài liệu và nhìn nhận tình hình ly thân trên thực tế tại Việt Nam hiện nay, có thể khái quát về đặc điểm của ly thân dưới góc độ pháp lý như sau:
Thứ nhất, ly thân là quyền nhân thân của vợ chồng không thể chuyển giao cho người khác . Pháp luật dân sự thừa nhận quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân không thể chuyển dịch cho người khác, trừ một số trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Theo đó, quyền nhân thân của chủ thể nào thì chỉ có chủ thể đó được hưởng mà không thể chuyển giao cho người khác và cũng không ai có thể đại diện cho họ thực hiện thay họ quyền này. Ly thân là quyền nhân thân của vợ chồng và chỉ vợ, chồng mới có quyền quyết định có ly thân hay không. Bởi lẽ, chỉ vợ chồng là chủ thể biết được rõ nhất hôn nhân của mình đang gặp vấn đề gì và làm cách nào để giải quyết tốt nhất. Vì vậy, vợ, chồng là người trực tiếp có quyền yêu cầu, quyết định có ly thân hay không, ly thân như thế nào, trong bao lâu mà không thể chuyển giao hay ủy quyền cho người khác thực hiện thay yêu cầu này.
Thứ hai, ly thân thường phát sinh do giữa vợ chồng có mâu thuẫn sâu sắc về tình cảm nhưng chưa muốn ly hôn. Mâu thuẫn này thường xuất phát từ sự bất đồng trong quan điểm sống hay các hành vi vi phạm nghĩa vụ vợ chồng (như có hành vi bạo lực gia đình, vi phạm chế độ một vợ một chồng, có cách sống tha hóa, không quan tâm, chăm sóc gia đình...) làm cho vợ chồng không muốn sống chung với nhau. Sự mâu thuẫn vợ chồng đã ở mức độ tương đối lớn mà không thể giải quyết trong thời gian ngắn, hơn nữa việc chung sống với nhau đôi khi có tác động xấu đến quá trình hàn gắn làm cho họ quyết định sống xa nhau. Tuy nhiên, ý chí của vợ chồng chưa muốn chính thức chấm dứt hôn nhân mà chỉ muốn chấm dứt nghĩa vụ sống chung nhằm giải quyết mâu thuẫn. Vợ chồng mong muốn sau thời gian không chung sống, đối phương sẽ thay đổi, sửa chữa lỗi lầm để quay trở lại bên nhau hòa hợp hơn.
Thứ ba, ly thân dựa trên cơ sở tự do ý chí, quyền tự định đoạt của vợ chồng. Vợ chồng là hai chủ thể có quyền quyết định cao nhất trong đời sống hôn nhân, từ khi kết hôn, trong quá trình hôn nhân (quyết định các vấn đề con cái, tài sản)... và cách giải quyết các mâu thuẫn nếu có (kể cả việc kết thúc đời sống hôn nhân). Ly thân là phương thức thuộc quyền quyết định của vợ chồng. Vợ chồng có thể chọn ly thân như một cách giải quyết mâu thuẫn mà không bị bất kỳ ai lừa dối, cưỡng ép hay đe dọa và vợ chồng cũng không được quyền lừa dối, cưỡng ép, đe dọa đối phương để ly thân. Việc quyết định này hoàn toàn phải được tự nguyện và thực hiện theo ý chí của vợ chồng. Đặc điểm này của ly thân cho thấy sự sự bình đẳng, tiến bộ của hôn nhân hiện đại và cũng là cơ sở để xây dựng gia đình bền vững.
Thứ tư, căn cứ ly thân gần giống hoặc tương tự căn cứ ly hôn. Hầu hết các quốc gia trên thế giới quy định căn cứ để Tòa án/cơ quan có thẩm quyền khác công nhận hoặc quyết định cho vợ chồng ly thân dựa trên các căn cứ tương tự như căn cứ ly hôn. Tuy nhiên, điểm khác biệt là Tòa án xét thấy những yếu tố này chưa đến mức quá trầm trọng như ly hôn, vợ chồng không muốn kết thúc hôn nhân và có nguyện vọng được ly thân như biện pháp, cách thức giải quyết tình trạng căng thẳng, mâu thuẫn giữa vợ và chồng.
Thứ năm, hệ quả pháp lý của ly thân chỉ làm chấm dứt một số nghĩa vụ nhất định của vợ chồng. Đây là điểm khác biệt căn bản nhất giữa ly thân và ly hôn. Ly hôn là sự kiện pháp lý đánh dấu hai chủ thể không còn là vợ chồng trước pháp luật, đồng nghĩa với việc vợ chồng chấm dứt tất cả các quyền và nghĩa vụ hôn nhân (chỉ còn lại một số nghĩa vụ chung như nghĩa vụ nuôi nấng, chăm sóc, giáo dục con chung hoặc nghĩa vụ trả nợ cho khoản nợ chung). Trong khi đó, ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật, mà chỉ chấm dứt nghĩa vụ sống chung và chế độ cộng đồng tài sản. Vì vậy, vợ chồng vẫn còn đầy đủ các nghĩa vụ với con chung và tài sản chung đã tạo lập trước đó (theo nguyên tắc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, chế độ tài sản riêng có thể được thiết lập nếu vợ chồng có thỏa thuận); phải đóng góp phí tổn vào nhu cầu đời sống chung gia đình; vợ chồng vẫn phải chung thủy với nhau, tức là không được sống chung như vợ chồng hay kết hôn với người khác, nếu vi phạm dẫn đến hậu quả nhất định thì có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ, tính chất của hành vi vi phạm.
2. Ý nghĩa của ly thân:
Ly thân là khoảng thời gian cần thiết để vợ chồng nhìn nhận và tìm cách giải quyết các mâu thuẫn, rạn nứt trong quan hệ hôn nhân. Bởi lẽ, ly thân củng cố hôn nhân hay khuyến khích tư duy nhận thức đổi mới đời sống vợ chồng. Ly thân ra đời trong hoàn cảnh vợ chồng có những trục trặc trong đời sống hôn nhân mà chưa thể tìm thấy ngay lập tức cách giải quyết. Vợ chồng cần một khoảng thời gian nhất định để tìm thấy hướng đi chung nhằm hàn gắn mối quan hệ rạn nứt. Bởi lẽ, khi mâu thuẫn xảy ra không phải trường hợp nào vợ chồng cũng lựa chọn phương thức giải quyết là ly hôn, tức là kết thúc hoàn toàn quan hệ pháp lý vợ chồng. Mà khi đó, hầu hết các cặp vợ chồng đều trải qua giai đoạn “quá độ” là ly thân để tìm cách tháo gỡ, nếu không còn cách nào khác họ mới chọn phương án cuối cùng là ly hôn. Đây chính là khoảng thời gian họ đổi mới tư duy, nhận thức về đối phương và cuộc sống gia đình mà trước đó hay trong lúc mâu thuẫn, tranh cãi họ không nhận ra.
Hiện nay, ở nước ta không công nhận ly thân pháp lý, tuy nhiên trong thực tế, ly thân đã và đang là giải pháp được nhiều vợ chồng lựa chọn khi xảy ra mâu thuẫn mà chưa đến mức phải ly hôn, hoặc như là một cách “ly hôn thử” trước khi cùng nhau đưa ra giải pháp tốt nhất cho cuộc sống hôn nhân. Nhìn chung, ly thân có ý nghĩa không chỉ với mối quan hệ nội tại của vợ chồng mà còn có ý nghĩa cả với xã hội. Cụ thể là:
Đối với vợ chồng, ly thân là khoảng thời gian vợ chồng giãn cách sau khi mâu thuẫn và không tìm được tiếng nói chung. Đây là giai đoạn cả hai người cần khoảng thời gian “tĩnh” để tự bản thân nhìn nhận lại vấn đề, từ đó giúp vợ chồng có thời gian bình tĩnh suy nghĩ lại về cuộc sống hôn nhân, tìm cách giải quyết mâu thuẫn phù hợp nhất. Rất nhiều trường hợp trên thực tế đã cho thấy, sau giai đoạn ly thân, các cặp vợ chồng đã có thể cùng nhau tìm ra giải pháp chung để giải quyết những mâu thuẫn trong mối quan hệ hôn nhân của mình. Những giải pháp có thể mang tính tích cực như là sự hàn gắn, kết nối lại của hai vợ chồng, tìm được sự cảm thông, chia sẻ và hiểu nhau hơn nhưng đôi khi cũng có thể theo chiều hướng tiêu cực đó là ly hôn. Tuy nhiên, việc ly hôn trong những trường hợp trải qua khoảng thời gian ly thân thường không quá phức tạp bởi giữa hai vợ chồng thường đã có sự thỏa thuận, thống nhất về các vấn đề như nuôi con, chia tài sản trong thời gian ly thân. Do đó, việc giải quyết các vụ việc ly hôn khi đã trải qua giai đoạn ly thân thường không phức tạp và nhiều tranh chấp như những vụ việc ly hôn thông thường.
Bên cạnh đó, việc ly thân trong khoảng thời gian mâu thuẫn vợ chồng sẽ giúp cho mối quan hệ vợ chồng giảm thiểu các cuộc xung đột, tranh chấp, đặc biệt là hiện tượng bạo hành trong gia đình. Đã có không ít những bài học đau thương xuất phát từ mâu thuẫn vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và không thể không kể đến những sự việc như bố, mẹ bạo hành con; chồng (vợ) bạo hành vợ (chồng), thậm chí đã có những vụ án mạng liên quan đến mâu thuẫn vợ chồng. Chính vì vậy, ly thân sẽ là một giải pháp thích hợp trong những trường hợp này, đặc biệt trong việc đảm bảo quyền lợi của nhóm người yếu thế (phụ nữ, trẻ em...).
Đặc biệt, với vợ chồng hoặc một bên vợ hoặc chồng theo đạo Công giáo, ly thân là giải pháp duy nhất cho họ khi hôn nhân không thể tiếp tục, bởi giáo lý của đạo Công giáo không cho ly hôn.
Ngoài ra, phong tục, tập quán của người Việt Nam thường rất coi trọng danh dự, uy tín, sĩ diện của gia đình. Do đó, khi mối quan hệ hôn nhân rạn nứt, đổ vỡ thì các cặp vợ chồng (đặc biệt là cặp vợ chồng đã có tuổi) thường tìm những giải pháp phù hợp như ly thân thay vì ly hôn. Đôi khi, ly thân cũng sẽ là một giải pháp thích hợp nhằm giải quyết mâu thuẫn vợ chồng mà vẫn có thể giúp ổn định các mối quan hệ xung quanh (cha mẹ, họ hàng, bạn bè, công việc...), đặc biệt không làm ảnh hưởng đến con chung.
Đối với xã hội, ly thân sẽ là giải pháp giúp các mối quan hệ trong xã hội phần nào ổn định hơn. Trong rất nhiều trường hợp, mâu thuẫn vợ chồng hoàn toàn có thể giải quyết thông qua ly thân mà không cần phải sử dụng đến thủ tục ly hôn, Việc ly hôn sẽ làm cho các quan hệ xã hội thay đổi, từ quan hệ vợ chồng, gia đình tới những quan hệ khác có liên quan cũng buộc phải thay đổi hoặc chấm dứt theo (như các quan hệ tài sản, sở hữu, giao dịch dân sự...).
Như trên đã phân tích, ly thân cũng sẽ giúp cho xã hội giảm thiểu được những hậu quả không đáng có như bạo hành gia đình, ngược đãi phụ nữ, trẻ em hay những vụ án hình sự có liên quan đến mâu thuẫn, tranh chấp giữa vợ chồng. Vì vậy, ly thân cũng góp phần giảm thiểu sự bất ổn xã hội, mất trật tự trị an nơi sinh sống của các cặp vợ chồng có mâu thuẫn sâu sắc trong đời sống gia đình.