Phân tích các yếu tố chi phối đến việc ly thân tại Việt Nam: Kinh tế, xã hội, tôn giáo, chính trị, khu vực sinh sống, độ tuổi, dân tộc, trình độ học vấn, tình trạng việc làm của vợ chồng…
Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng, trong đó quan hệ tình giao giữa hai người có ý nghĩa quan trọng, nhưng không ở đâu, bất kỳ quốc gia nào, dù là khác nhau về chế độ chính trị xã hội, lại đồng nhất hôn nhân với quan hệ tính giao. Hôn nhân chỉ tồn tại trong xã hội loài người, thể hiện văn hóa, ý thức của con người trong quan hệ tình giao, vừa thể hiện tính tự nhiên, vừa mang những đặc điểm xã hội – kinh tế sâu sắc của mỗi giai đoạn lịch sử. Tùy thuộc vào điều kiện xã hội và những yếu tố văn hóa tộc người mà hôn nhân diễn ra theo nhiều hình thái khác nhau, vừa phản ánh quy luật chung nhất sự phát triển của xã hội loài người qua các giai đoạn lịch sử, vừa mang những đặc thù văn hóa tộc người .
Có rất nhiều yếu tố chi phối đến tình trạng ly thân của vợ chồng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ly thân nói riêng và tình trạng hôn nhân nói chung chủ yếu bị chi phối bởi các yếu tố như: Kinh tế, xã hội, tôn giáo, chính trị, khu vực sinh sống, độ tuổi, dân tộc, trình độ học vấn, tình trạng việc làm của vợ chồng... Các yếu tố này có thể được chia thành 02 nhóm là yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan.
Số liệu thống kê từ cuộc tổng điều tra dân số năm 2009 của Tổng cục thống kê – Bộ kế hoạch và đầu tư đã chỉ ra một số yếu tố tác động đến tình trạng ly thân tại Việt Nam. Các số liệu này có biến số phụ thuộc là tình trạng ly hôn/ly thân các cá nhân (ly hôn hoặc ly thân=1, đang có vợ/chồng=0). Riêng với mô hình cho phụ nữ thì bổ sung thêm chỉ báo về tình trạng đã từng sinh con. Kết quả ước lượng biến số phụ thuộc từ mô hình hồi quy tuy được gọi là xác suất ly hôn/ly thân, nhưng thực chất là xác suất tình trạng ly hôn/ly thân (chứ không phải xác suất trở thành người ly hôn/ly thân). Kết quả cho thấy, không như trong mô hình hồi quy về tình trạng kết hôn sớm, các biến số độc lập trong mô hình này chỉ giải thích được phần khá nhỏ sự biến thiên của biến số phụ thuộc. Nguyên nhân là ly hôn/ly thân là hiện tượng xã hội còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác không có trong mô hình. Sau đây là phân tích mối liên hệ của từng biến số độc lập đến xác suất ly hôn/ly thân trong dân số ở độ tuổi từ 15–69 tuổi đã từng kết hôn mà không bị góa.
Dựa vào số liệu được khảo sát từ Báo cáo cấu trúc tuổi – giới tính và tình trạng hôn nhân của dân số Việt Nam năm 2009 của Tổng cục thống kê – Bộ kế hoạch và đầu tư ở trên, ta có thể khái quát các yếu tố ảnh hưởng đến ly thân tại Việt Nam như sau:
Thứ nhất, các yếu tố chủ quan chi phối đến việc ly thân của vợ chồng là điều kiện kinh tế gia đình, độ tuổi, trình độ học vấn, tình trạng việc làm, tình trạng khuyết tật, tình trạng con cái của vợ chồng.
Các số liệu thống kê cho thấy, gia đình có điều kiện kinh tế tốt có tỷ lệ ly thân thấp hơn gia đình có kinh tế khó khăn. Điều này có thể được lý giải bởi vợ chồng có kinh tế từ mức trung bình khá của xã hội sẽ ít xảy ra mâu thuẫn hơn; ngược lại, hoàn cảnh kinh tế khó khăn thường tạo ra những nguy cơ xảy ra mâu thuẫn, cãi vã giữa vợ chồng, làm cho tình cảm giữa vợ chồng bị ảnh hưởng xấu. Điều này cũng có thể nhìn thấy ở số liệu tỷ lệ ly thân theo vùng kinh tế – xã hội, đó là trong cùng điều kiện xác định bởi các biến số độc lập khác trong mô hình, Trung du và miền núi phía Bắc có xác suất ly hôn/ly thân cao hơn ở các vùng Đồng bằng Sông Hồng, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, nhưng thấp hơn vùng Đông Nam Bộ. Điều đó cho thấy những vùng có kinh tế khó khăn ly thân cao hơn vùng có kinh tế khá. Tuy nhiên, yếu tố vùng kinh tế không ảnh hưởng quá nhiều đến tình trạng ly thân, mà cần nói rõ hơn là tình trạng kinh tế của gia đình mới ảnh hưởng trực tiếp đến ly thân, bởi vùng Đông Nam Bộ có điều kiện kinh tế vùng tốt hơn khu vực miền Trung, Tây Nguyên nhưng lại có tỷ lệ ly thân cao hơn.
Về độ tuổi, đối với phụ nữ đã từng kết hôn, xác suất ly thân thấp nhất độ tuổi 15–19, sau đó tăng dần và đạt mức cao nhất ở độ tuổi 40–49, rồi lại giảm dần ở nhóm 50–59 và 60–69 tuổi. Xác suất ly thân của nam cũng tăng dần và đạt mức cao nhất ở nhóm 30–39 tuổi, sau đó giảm dần khi tuổi tăng lên và đến độ tuổi 60–69 thì còn thấp hơn cả ở nhóm 15–19 tuổi. Như vậy, mối tương quan giữa xác suất ly thân với tuổi của cả nam và nữ đều có dạng hình chuông với đỉnh là độ tuổi 30–39 cho nam và 40–49 cho nữ. Điều này cho thấy nhóm tuổi trung niên ly thân cao nhất, bởi độ tuổi này thường có đời sống hôn nhân nhàm chán sau nhiều năm kết hôn, không còn mặn nồng, dễ xảy ra cãi vã và con cái đã trưởng thành, vì vậy vợ chồng thường bất mãn nên dễ dẫn đến quyết định ly thân.
Về trình độ học vấn của vợ chồng, với cả nam và nữ thì trình độ học vấn càng cao tương ứng với xác suất ly thân càng thấp và sự khác biệt của xác suất ly thân theo trình độ học vấn ở nam giới rõ hơn là ở phụ nữ. Điều này cũng đồng nhất với kết quả điều tra về gia đình Việt Nam năm 2006. Thông thường, xã hội hiện đại hóa, công nghiệp hóa hơn, có trình độ học vấn cao hơn và tình trạng ly thân cũng thường phổ biến hơn so với trong xã hội truyền thống, chậm phát triển. Tuy nhiên theo kết quả hồi quy thì trình độ học vấn cao không dẫn đến tăng ly thân mà có lẽ là ngược lại. Ngoài ra, có một điểm cũng đáng chú ý là không thấy có sự khác biệt về xác suất ly thân của phụ nữ giữa nhóm có trình độ dưới tiểu học và đã tốt nghiệp tiểu học. Điều đó cho thấy, nếu chỉ xét riêng yếu tố trình độ học vấn thì sẽ không thể kết luận được tác động của nó tới ly thân, mà phải xét trình độ học vấn gắn với điều kiện kinh tế–xã hội, xu hướng tư duy cộng đồng mới có thể kết luận được vấn đề này.
Về tình trạng việc làm, mối liên hệ giữa xác suất ly thân với tình trạng việc làm lại theo chiều hướng trái ngược nhau giữa nam và nữ. Nam giới đang có việc làm có xác suất ly thân thấp hơn so với nam giới không làm việc, nhưng phụ nữ đang làm việc lại có xác suất ly thân cao hơn phụ nữ không làm việc. Lý do có thể là kiểu gia đình “chồng làm việc – Vợ nội trợ còn khá phổ biến và nếu vợ chồng như vậy ly thân thì người phụ nữ buộc phải đi làm. Một cách giải thích khác là đa số những trường hợp ly thân ở Việt Nam là do phụ nữ chủ động (UNICEF, 2008) khi mà vị thế trong gia đình của họ không thấp hơn của nam giới.
Vì vậy, khi phụ nữ có việc làm hoặc nam giới không làm việc thì vị thế của phụ nữ tăng lên và do đó, khả năng ly thân cũng tăng. Các nhà nghiên cứu cũng lập luận rằng, việc phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động gia tăng là yếu tố quan trọng làm tăng tỷ suất ly thân. Cơ chế của mối liên hệ này là phụ nữ có việc làm sẽ có thu nhập và do đó, tăng khả năng tham gia vào công việc xã hội, công việc ngoài gia đình và phần nào tăng sự giao tiếp với người khác giới ở nơi làm việc, phụ nữ sẽ tự tin hơn, độc lập hơn, ít phụ thuộc vào người chồng hơn và không sợ bị ảnh hưởng tiêu cực của việc ly thân... sẽ dẫn đến khả năng ly thân cao hơn.
Cũng có ý kiến cho rằng tỷ lệ ly thân tăng do vai trò truyền thống trở thành gánh nặng cho phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động ở Việt Nam. Tuy nhiên, điểm tương đồng là gia đình có cả vợ và chồng có việc làm thì tỷ lệ ly thân thấp hơn gia đình có cả vợ và chồng không có việc làm. Số liệu này phù hợp với cách lý giải về số liệu của tình trạng kinh tế gia đình như đã giải thích ở trên. Hay nói cách khác, có thể kết luận về cả hai yếu tố kinh tế gia đình và tình trạng việc làm của vợ chồng là: Gia đình có vợ và chồng đều có việc làm và có điều kiện kinh tế khá thì có tỷ lệ ly thân thấp hơn gia đình chỉ vợ hoặc chồng có việc làm và kinh tế gia đình khó khăn.
Về tình trạng khuyết tật, kết quả rõ nhất và có thể dự báo trước là người bị khuyết tật về tâm trí thì có xác suất ly thân cao hơn nhiều so với người không khuyết tật và sự khác biệt này ở nam giới rõ hơn ở phụ nữ. Phụ nữ bị khuyết tật vận động hay khuyết tật thị giác cũng có xác suất ly thân cao hơn so với phụ nữ không khuyết tật. Trong khi đó, có lẽ do bao gồm cả không ít trường hợp bị cận thị nặng (thường có trình độ học vấn trung bình hoặc cao), nam giới khiếm thị có xác suất ly thân không khác ở nam giới không bị khuyết tật này. Kết quả có vẻ khó hiểu là nam giới bị khiếm thính hay đi lại khó khăn lại có xác suất ly thân thấp hơn so với nam giới không khuyết tật.
Chắc hẳn đây không phải là dạng khuyết tật khó được phụ nữ chấp nhận như rối nhiễu tâm trí. Theo Điều tra gia đình Việt Nam năm 2006 (UNICEF, 2008) thì trong số các vụ ly hôn có tới gần 28% do mâu thuẫn về lối sống và 26% là do ngoại tình, nhưng chỉ có 2,2% là do sức khỏe. Vì vậy, ít có khả năng sức khỏe là vấn đề ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc gia đình của nam giới. Nếu như hai nguyên nhân chủ yếu của ly thân (mâu thuẫn lối sống và ngoại tình) ít xảy ra ở nhóm nam giới thì việc gia đình họ có thể bền vững hơn so với các gia đình khác là điều hợp lý. Tuy nhiên, đây chỉ là giả thiết cần được nghiên cứu sâu hơn.
Về tình trạng đã sinh con, khi đã có gia đình thì phụ nữ có con sẽ có xác suất ly thân thấp hơn phụ nữ chưa có con. Rõ ràng là trong xã hội Việt Nam, những đứa con luôn là mối ràng buộc rất quan trọng của hôn nhân. Nếu nhiều cặp vợ chồng đã phải ly thân, thậm chí ly hôn vì không có con thì cũng không ít cặp rất mâu thuẫn nhưng không thể ly thân hay ly hôn vì nghĩ đến con cái. Rất nhiều vợ chồng, đặc biệt là người vợ, phải chịu đựng cuộc hôn nhân không hạnh phúc suốt thời gian dài chỉ vì lý do “muốn con lớn lên có đủ bố mẹ”, không loại trừ việc xảy ra bạo lực gia đình (chủ yếu là chồng gây ra cho vợ).
Bởi lẽ, phụ nữ Việt Nam thường có tư tưởng sống vì con, khi đã có con mà ly thân thì con sẽ thiệt thòi, hoặc nếu ly hôn thì rất khó tạo lập cuộc hôn nhân mới với người khác. Điều này đúng với vợ chồng ở tất cả các độ tuổi, từ thanh niên, trung niên đến sau trung niên và đúng với cả nam và nữ, khi họ đã có con thì kể cả cuộc hôn nhân không còn tình yêu họ vẫn sẽ cố gắng sống chung với nhau vì trách nhiệm. Nhất là với xã hội truyền thống trước đây, tinh thần trách nhiệm nuôi dạy con cái, cho con có gia đình hoàn chỉnh có đầy đủ các thành viên luôn được đề cao.
Thứ hai, các yếu tố khách quan chi phối đến việc ly thân của vợ chồng phải kể đến là tình hình kinh tế – chính trị – xã hội, tình trạng nhập cư, tôn giáo, dân tộc, khu vực sinh sống, xu hướng tư duy của cộng đồng.
Về tình hình kinh tế–chính trị-xã hội, đây là yếu tố cốt lõi trong sự phát triển ổn định của một quốc gia. Một quốc gia có tình hình kinh tế – chính trị – xã hội tốt đồng nghĩa với việc cuộc sống của dân cư tại quốc gia đó sẽ ổn định, không bị xáo trộn bởi những biến cố như bạo loạn, khủng bố, khủng hoảng kinh tế... Khi cuộc sống của người dân không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố về bất ổn chính trị thì họ sẽ có thời gian chăm lo cho gia đình, cuộc sống hôn nhân vợ chồng ngày càng được vun vén hơn. Chính vì vậy, có thể thấy rằng tình hình kinh tế – chính trị – xã hội sẽ là một trong những yếu tố tác động không nhỏ tới đời sống HNGĐ của vợ chồng
Về tình trạng nhập cư, theo số liệu ở bảng trên cho thấy, người nhập cư có xác suất ly thân thấp hơn người bản địa. Lý do có thể là đa số người di cư là từ nơi có điều kiện sống thấp sang nơi có điều kiện sống cao hơn và họ vẫn còn chịu ảnh hưởng lối sống, văn hóa và định hướng giá trị truyền thống nhiều hơn người bản địa. Sự khác biệt này ở nam giới lớn hơn ở nữ giới. Tại Việt Nam, người dân từ vùng nông thôn, miền núi thường di cư đến những vùng đồng bằng hoặc vùng có cơ hội kinh tế, việc làm tốt hơn (ví dụ như người dân ở các tỉnh miền núi thường di cư đến Hà Nội hay người dân miền Tây đồng bằng Sông Cửu Long thường di cư đến thành phố Hồ Chí Minh). Tỷ lệ này ở nam giới cao hơn bởi với tư duy truyền thống của người Á Đông, trong đó có Việt Nam, nam giới thường bị đặt nặng về vai trò trụ cột, đồng nghĩa với việc họ là người chăm lo chính về kinh tế trong gia đình.
Về dân tộc, người dân tộc thiểu số có xác suất ly thân thấp hơn đáng kể so với người Kinh và hệ số hồi quy cho biến số này không khác biệt đáng kể giữa mô hình cho nam và cho nữ. Điều này cũng phù hợp với lý thuyết về tác động của điều kiện sống đến hôn nhân, bởi hầu hết các nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam đều sống ở nơi mang tính xã hội truyền thống hơn và điều kiện sống thấp hơn so với nơi người Kinh sống. Người dân tộc thiểu số thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng gia trưởng, một số nơi còn tồn tại nhiều hủ tục.
Người dân tộc thiểu số cũng có niềm tin vào thánh thần, họ cho rằng khi đã tiến hành nghi thức cưới hỏi, trao lễ vật, tạo lập lời thề trước bàn thờ tế lễ thánh thần và ban thờ gia tiên thì họ sẽ “ăn đời ở kiếp” với nhau. Ví dụ như: Luật tục dân tộc Xê Đăng quy định nếu khi vợ chồng ly hôn thì cả hai người đều bị phạt và nếu người chồng mà bỏ vợ dẫn đến vợ chồng ly hôn thì sau 06 năm người chồng đó mới được lấy vợ khác, hoặc khi vợ hoặc chồng có người chết trước thì người còn lại sau 03 năm mới được kết hôn .
Về tôn giáo, xác suất ly thân trong nhóm phụ nữ có tôn giáo cao hơn so với nhóm phụ nữ không theo tôn giáo, bởi một số tôn giáo không cho phép ly hôn nên các tín đồ sẽ lựa chọn ly thân thay vì ly hôn khi đời sống vợ chồng mâu thuẫn. Kết quả hồi quy không cho thấy sự khác biệt này ở nam giới. Mặc dù vậy, chưa thể kết luận về sự liên quan giữa tôn giáo và ly thân, nhất là đối với phụ nữ, bởi theo đạo có thể làm giảm khả năng ly hôn hay ly thân nhưng khi đã ly hôn hay ly thân thì lại làm tăng khả năng theo đạo trong khi số liệu từ Báo cáo tổng điều tra dân số ở trên chỉ là kết quả tổng hợp của chúng được thể hiện trên mô hình hồi quy này. T
heo giáo lý của đạo Phật hay Công giáo, vợ chồng kết hôn với nhau đều do có duyên phận và không thể dễ dàng phá bỏ mối liên hệ đó. Đạo Phật coi vấn đề ly thân hay ly hôn có phần “thoáng” hơn Công giáo. Việc ly hôn hay ly thân không bị cấm đoán trong đạo Phật. Đạo Phật đề cao đời sống chung thủy một vợ một chồng và sự kiêng cữ phạm giới tà dâm không có nghĩa là cấm việc ly hôn, vợ chồng đều có quyền tự do thực hiện việc ly hôn hay ly thân nếu đời sống quan hệ vợ chồng của hai người đã và đang không mang lại hạnh phúc mà chỉ làm cho hai người càng thêm bất hạnh. Ngược lại, Công giáo cấm ly hôn, vì vậy khi hôn nhân bế tắc, vợ chồng chỉ còn cách ly thân.
Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, 26.4% dân số được xếp vào các tín đồ tôn giáo, trong đó, 14.91% là tín đồ đạo Phật, 7.35% là tín đồ Công giáo La Mã, 1.09% là tín đồ đạo Tin lành, 1.16% là tín đồ đạo Cao Đài, và 1.47% là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Như vậy, có thể thấy đạo Phật chiếm tỷ lệ cao nhất trong dân số Việt Nam; cùng với giáo lý không cấm ly hôn hay ly thân của đạo Phật đã làm cho số liệu thống kê mối liên hệ giữa tôn giáo và vấn đề ly thân không phản ánh hoàn toàn thực trạng sự ảnh hưởng của tôn giáo lên đời sống hôn nhân hiện nay. Hay nói cách khác, tại Việt Nam chỉ có một phần trăm dân số rất nhỏ (là người theo đạo Công giáo) bị ảnh hưởng tư tưởng bởi tôn giáo (cấm ly hôn) khi quyết định vấn đề ly thân hay ly hôn.
Về khu vực sinh sống, đây là nơi mà mối quan hệ HNGĐ giữa vợ chồng hình thành và phát triển. Do vậy, yếu tố này có tác động trực tiếp tới quan hệ nội tại của vợ chồng. Tại khu vực sinh sống có rất nhiều yếu tố tác động như: Đặc điểm văn hóa vùng miền, phong tục tập quán địa phương, lễ tiết tác phong... Những yếu tố này sẽ gây ảnh hưởng tới nhận thức, tư duy, thái độ của vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân, đặc biệt là vấn đề ly hôn hoặc ly thân.
Rất nhiều trường hợp đã chứng minh rằng chính những tập quán, phong tục địa phương, thậm chí gia phong của một họ cũng sẽ là yếu tố tác động lớn tới cách suy nghĩ và ra quyết định của vợ, chồng trong vấn đề ly thân. Đôi khi chính vì phong tục, tập quán địa phương hay lễ tiết, tác phong của một gia đình là rào cản trong quyết định ly thân của vợ chồng. Có thể về mặt lý trí, vợ và chồng đã mong muốn ly thân, tuy nhiên do ảnh hưởng từ những nhận thức về thuần phong, mỹ tục, về nét văn hóa vùng miền, nơi sinh sống mà vợ chồng rút lại quyết định ly thân mà tiếp tục chung sống hoặc ngược lại, họ cũng có thể tiến tới tình trạng ly thân mà không thực hiện việc ly hôn mặc dù đã có những mâu thuẫn không thể điều hòa.
Về xu hướng tư duy của cộng đồng, đây có thể hiểu là việc đại bộ phận cư dân trong cộng đồng cùng có cách nhận thức và giải quyết về một vấn đề giống nhau. Xu hướng này sẽ là yếu tố tác động rất lớn tới tâm lý của người dân sinh sống trong cộng đồng đó trong việc giải quyết một vấn đề, cụ thể như trong ly thân. Điển hình như tại khu vực nông thôn, vợ chồng khi xảy ra mâu thuẫn thường có xu hướng “đóng cửa bảo nhau” để tránh dèm pha, dị nghị, ảnh hưởng tới thể diện, hình ảnh của gia đình. Đây là điều dễ hiểu bởi tại nông thôn, người dân vẫn giữ được lối sống làng xóm, láng giềng, lễ giáo truyền thống và họ rất sợ tiếng xấu. Vì vậy, vợ chồng tại khu vực này thường chọn giải pháp ly thân thay vì ly hôn.
Ở trường hợp ngược lại, tại cộng đồng dân cư khu vực thành thị thường có xu hướng tư duy lựa chọn ly hôn nhiều hơn bởi sự tiếp nhận văn hóa phương tây cũng như lối sống thông thoáng hơn rất nhiều so với khu vực nông thôn. Khi cộng đồng hình thành một lối tư duy chung, điều này sẽ tạo ra một giải pháp mang tính “tập quán” trong việc giải quyết mâu thuẫn vợ chồng, có thể là ly hôn và cũng có thể là ly thân.