Phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt siêu hay.

Tràng là một trong ba nhân vật trung tâm trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Đây là tác phẩm quan trọng trong chương trình học lớp 12. Ở bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức cơ bản về tác giả Kim Lân và nhân vật Tràng trong tác phẩm.

1. Tóm tắt nội dung truyện ngắn “Vợ nhặt”:

Năm 1945, nạn đói khủng khiếp xảy ra khắp nơi trên cả nước, người chết như rạ, “người sống cũng dật dờ như những bóng ma”. Tràng là một người đàn ông nghèo khổ, luống tuổi, thô kệch, lại dở hơi, cơ cực ở xóm ngụ cư. Giữa nạn đói khủng khiếp, anh phải làm nghề kéo xe thóc thuê lên tỉnh để lấy tiền trang trải qua ngày. Ở đây, qua vài câu nói bông đùa và bốn bát bánh đúc, anh đã “nhặt” được vợ – một cô gái đanh đá, đói rách lại chẳng hề duyên dáng. Khi Tràng dẫn vợ về, bà cụ Tứ (mẹ Tràng) không chỉ không khinh khi, dè bỉu người phụ nữ đã theo không con mình về làm vợ mà còn đón nhận người con dâu. Lúc này, tâm trạng của bà vừa buồn vừa mừng, vừa lo âu, vừa hy vọng. Gạt đi những giọt nước mắt, bà động viên các con yêu thương nhau và hướng về tương lai tươi sáng phía trước. Cuộc sống từ khi có nàng dâu thay đổi hoàn toàn: Tràng có sự thay đổi tích cực, căn nhà từ bừa bộn đã được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, tươm tất. Buổi sáng đầu tiên, hai mẹ con Tràng và Thị (người đàn bà) cùng nhau ăn nồi cháo cám. Tuy bà cụ Tứ cảm thấy nghẹn lòng nhưng vẫn tỏ ra vui vẻ, còn gọi đùa rằng đó là chè khoán. Trong lúc ngồi bên mâm cơm, Thị có nhắc tới chuyện Việt Minh phá kho thóc Nhật, và lúc này trong đầu Tràng hiện lên hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới.

2. Ý nghĩa nhan đề và cốt truyện “Vợ nhặt”:

2.1. Ý nghĩa nhan đề:

Nhan đề Vợ nhặt thâu tóm giá trị nội dung tư tưởng tác phẩm. Người ta thường nói “nhặt” được đồ vật nào đó, chứ không ai nhặt được một con người về làm vợ bao giờ cả bởi từ “nhặt” thường gắn liền với những thứ rẻ rúng, không có giá trị gì. Ngược lại, “vợ” lại mang ý nghĩa thiêng liêng, bao hàm sự trân trọng bởi người vợ có vị trí quan trọng trong gia đình, xây dựng tổ ấm. Người ta hỏi vợ, cưới vợ, còn ở đây Tràng “nhặt” vợ. Điều đó thể hiện sự khốn cùng của con người trong hoàn cảnh nạn đói năm 1945.

2.2. Ý nghĩa cốt truyện “Vợ nhặt”:

Sự thành công của mỗi truyện ngắn được xây dựng bởi rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố đóng vai trò chủ đạo là: tình huống, nhân vật và cách trần thuật. Mỗi nhà văn đều có những điểm mạnh của mình để tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm. Tình huống truyện là hoàn cảnh của sự việc, sự phức tạp của chị tiết; là cái mà ta không thể ngờ đến ở đời. Sự việc trong tác phẩm “xảy ra như thế mà ta cứ ngỡ không phải thế”. Tình huống càng độc lạ, càng mới mẻ bao nhiêu thì truyện càng hấp dẫn người đọc bấy nhiêu. Tình huống vừa mới vừa độc khi người thô kệch, nghèo nàn lại là dân xóm ngụ cư như Tràng mà lại lấy được một người vợ chấp nhận theo không mình về nhà. Hơn nữa, thời buổi đói khát kinh khủng như thế này, người như Tràng nuôi thân chẳng xong mà còn dám “nhặt” về một người vợ. Vì thế chẳng có gì kì lạ việc Tràng có vợ đã tạo ra sự ngạc nhiên với tất cả mọi người trong xóm ngụ cư và mọi người đều nghĩ rằng anh chàng thật khó hiểu, lạ kì; thậm chí với bà cụ Tứ và đôi khi là cả Tràng cũng chẳng thể tin vào sự thật đó. Tóm lại, qua tình huống truyện, giá trị của con người trở nên rẻ mạt, không đáng một đồng. Song song với đó cũng cho thấy trong hoàn cảnh nghiệt ngã, con người ta vẫn luôn khát khao được sống hạnh phúc với niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng hơn. Bên cạnh đó, thông qua tình huống truyện, tác giả đã tố cáo chế độ thực dân (Pháp), phát xít (Nhật) đã đẩy con người vào hoàn cảnh khó khăn cùng cực.

3. Phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt siêu hay:

Tràng là một trong ba nhận vật trung tâm trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Qua tác phẩm “Vợ nhặt”, người đọc có thể thấy được Tràng là một người đàn ông nghèo khổ, bất hạnh nhưng giàu tình người và khát vọng hạnh phúc.

Khái quát chung về nhân vật Tràng: 

– Xuất thân: Tràng là con nhà nghèo, nhà chỉ có hai mẹ con, lại là dân xóm ngụ cư, làm nghề kéo xe thuê để kiếm sống qua ngày.

– Ngoại hình: “đầu cao, lưng to bè, hai con mắt nhỏ tí, ngà ngà đắm vào bóng chiều, 2 bên quai hàm bạnh ra”,… Tràng là người có vẻ ngoài thô kệch, không ưa nhìn. Không chỉ vậy, Tràng còn là người ngờ nghệch, ngớ ngẩn và vụng về.

– Ngôn ngữ: cộc cằn, dân dã “rích bố cu”, “làm đếch gì có vợ,…”

Vẻ đẹp tâm hồn (Tâm trạng và hành động):

– Tràng là một người có tâm hồn hiền hậu, lành tính, thật thà, chân chất. Điều này được thể hiện qua chi tiết trẻ con trong xóm ai cũng thích chơi đùa với anh,…

– Tâm hồn lạc quan, yêu đời: vừa lao động vừa hò hát (chi tiết vừa kéo xe vừa hò bài hát tìm vợ), hay đùa vui với trẻ con.

– Tấm lòng nhân hậu: giữa lúc nạn đói khủng khiếp 1945, Tràng sẵn sàng cứu vớt một cuộc đời, sẵn sàng cho người đàn bà xa lạ ăn (chi tiết 4 bát bánh đúc), thậm chí không nỡ phản đối khi người đàn bà theo về. Tấm lòng nhân hậu ấy chủ yếu được thể hiện thông qua diễn biến tâm trạng của Tràng khi nhặt được vợ. Cụ thể:

+ Gặp Thị và quyết định “nhặt” Thị về làm vợ:

+) Lần gặp đầu tiên: lời hò của Tràng chỉ như một cách để anh để giải tỏa căng thẳng khi lao động vất vả chứ không có ý gì với cô gái chạy lại đẩy xe cùng mình.

+) Lần gặp thứ hai: Khi Thị mắng xa xả vào anh, anh Tràng chỉ toét miệng cười và mời cô ăn dù bản thân cũng không có mấy tiền. Hành động đó đã thể hiện đức tính hiền lành tốt bụng của anh nông dân nghèo. Đến khi người đàn bà muốn theo không anh về nhà: Tràng đã trộm nghĩ về việc vất vả khi phải đèo bòng thêm miệng ăn, nhưng rồi lại tặc lưỡi “chậc, kệ”. Có thể thấy, đây không phải quyết định bồng bột trong phút chốc, quyết định đưa ra trong nhất thời mà là thái độ dũng cảm, chấp nhận đối mặt với hoàn cảnh khó khăn, khát khao hạnh phúc mãnh liệt và sự cảm thông với người cùng cảnh ngộ trong nạn đói của Tràng.

+ Khi về đến nhà:

+) Nhanh chóng bước vào dọn dẹp sơ qua và tìm lí do để thanh minh về sự bừa bộn. Hành động ngượng nghịu nhưng chân thành, mộc mạc, giản dị. Tràng không hề qua loa với người vợ mà mình nhặt được.

+) Khi bà cụ Tứ chưa về, Tràng thấy “sờ sợ”, có lẽ anh lo lắng rằng, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nghèo khổ, vợ sẽ bỏ đi. Anh sợ đánh mất hạnh phúc đang ở trước mắt.

+) Tràng là đứa con hiếu thảo, thấu hiểu lễ nghĩa khi anh sốt ruột chờ mong mẹ mình (bà cụ Tứ) về để thưa chuyện. Dù trong cảnh nào đi nữa anh vẫn nghĩ đến quyết định của mẹ, vẫn mong được sự chấp thuận của bà…

+ Khi bà cụ Tứ về đến nhà: bằng một cách trịnh trọng Tràng nói chuyện, lấy lý do gặp và lấy Thị là “phải duyên”, căng thẳng mong mẹ vun đắp. Khi bà cụ Tứ tỏ ý bằng lòng thì Tràng “thở phào nhẹ nhõm, ngực nhẹ hẳn đi”.

+ Sáng hôm sau, khi Tràng thức giấc:

+) Tràng nhận thấy rất nhiều sự thay đổi của ngôi nhà (sân vườn, quần áo,…). Tràng nhận ra vai trò và vị trí của người phụ nữ trong việc vun đắp, xây dựng tổ ấm gia đình. Hơn thế nữa, anh cũng cảm thấy mình trưởng thành hơn.

+) Lúc ăn cơm, qua lời kể của Thị, trong suy nghĩ của Tràng hiện lên hình ảnh đám người đói phá kho thóc Nhật và lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong gió. Và đó cũng là hình ảnh báo hiệu sự đổi đời, con đường đi mới, báo hiệu tương lai tươi sáng hơn.

Như vậy, ta có thể thấy được kể từ khi “nhặt” được vợ, nhân vật Tràng đã có sự thay đổi theo hướng tốt đẹp, tích cực hơn. Thông qua việc khắc hoạ sự thay đổi tích cực của Tràng, Kim Lân đã ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của con người trong nạn đói khủng khiếp 1945.

Ở phần kết bài, các bạn có thể nêu thêm về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của truyện ngắn mà nhà văn Kim Lân thổi vào trong tác phẩm để khắc hoạ nhân vật Tràng nói riêng và xây dựng nên giá trị lâu dài của tác phẩm “Vợ nhặt” nói chung.

5. Một số nhận định hay về tác phẩm Vợ nhặt:

“Nhà văn dùng Vợ nhặt để làm cái đòn bẩy để nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện Vợ nhặt đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã lóe lên những tia sáng ấm lòng” – Hoài Việt (trích Nhà văn trong nhà trường: Kim Lân, NXB Giáo dục, 1999, tr.39)

“Chỉ với ba truyện Vợ Nhặt, Làng, Con chó xấu xí… Kim Lân đã có thể đàng hoàng ngồi vào chiếu trên trong làng văn Việt Nam”.

“Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hy vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”. – Nhà văn Kim Lân“Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với “đất” với “người” với “thuần hậu nguyên thuỷ” của cuộc sống nông thôn.”

6. Một số câu hỏi thường gặp:

Câu 1: Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân.

Câu 2: Cảm nhận về hình tượng người “vợ nhặt” (“Vợ nhặt” – Kim Lân, SGK Ngữ văn 12, tập 2). Qua đó, hãy làm rõ tư tưởng nhân đạo của nhà văn trong cách xây dựng nhân vật?

Câu 3: Hãy phân tích diễn biến tâm lí nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com