Khái niệm pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là gì? Đặc điểm pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất?Các nguyên tắc của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất?
1. Khái niệm pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là gì?
Pháp luật là công cụ Nhà nước sử dụng để điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội đi theo một trật tự thống nhất, tạo hành lang pháp lý để mọi người dân thực hiện. Chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội của pháp luật được thực hiện thông qua các hình thức: quy định, cho phép, ngăn cấm, quy định quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật. Theo cách hiểu chung nhất, pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự có tính chất bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước, thể hiện ý chí và là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Pháp luật điều chỉnh mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mỗi một lĩnh vực khác nhau sẽ có các quy định pháp luật khác nhau điều chỉnh. Đối với lĩnh vực đất đai là một lĩnh vực phức tạp, tồn tại nhiều quan hệ pháp luật đan xen lẫn nhau. Chính vì vậy, hệ thống pháp luật đất đai bao gồm rất nhiều các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai: giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển quyền sử dụng đất ...
Pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cưkhi Nhà nước thu hồi đất là một bộ phận quan trọng của hệ thống pháp luật đất đai Việt Nam. Có thể hiểu một cách khái quát, Pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cưkhi Nhà nước thu hồi đất là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất, nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của các chủ thể trong các quan hệ này.
2. Đặc điểm pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
Thứ nhất, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cưkhi Nhà nước thu hồi đất là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật đất đai; do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện bằng quyền lực Nhà nước.
Cơ chế điều chỉnh của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được thể hiện bằng việc Nhà nước thông qua các quy phạm pháp luật để tác động vào hành vi xử sự của các chủ thể trong quan hệ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Cụ thể, đối với những hành vi xử sự của chủ thể phù hợp với các quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì pháp luật sẽ bảo vệ, khuyến khích nó phát triển. Ngược lại, đối với những hành vi xử sự của các chủ thể trái với quy định của pháp luật như áp dụng không đúng giá đất bồi thường, không giải quyết tái định cư cho các trường hợp đủ điều kiện... thì sẽ bị xử lý, ngăn ngừa. Từ đó, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Thứ hai, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm các quy phạm pháp luật liên quan đến: các quy định về nguyên tắc, điều kiện, nội dung và phương thức bồi thường, giá đất để tính giá trị bồi thường; trình tự, thủ tục tiến hành; các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất...
Thứ ba, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được xây dựng dựa trên quan điểm sở hữu toàn dân về đất đai.
Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu trong quản lý đất đai, vì vậy Nhà nước có quyền xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng và phân bổ đất đai cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội; đảm bảo mục tiêu an ninh, quốc phòng. Từ đó, Nhà nước có quyền tiến hành thu hồi đất từ người sử dụng đất này để giao cho người có nhu cầu sử dụng đất khác. Vì vậy, để tránh sự lạm quyền, tùy tiện trong công tác thu hồi đất và giải quyết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải quy định cụ thể về các trường hợp thu hồi đất; điều kiện được bồi thường khi bị thu hồi đất; các chính sách hỗ trợ đối với người bị thu hồi đất; các trường hợp được giải quyết tái định cư; các chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Thứ tư, pháp luật bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được xây dựng nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ về lợi ích giữa các chủ thể trong các quan hệ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
3. Các nguyên tắc của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
Thứ nhất, nguyên tắc công khai, minh bạch.
Hoạt động thu hồi đất và việc giải quyết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là một hoạt động phức tạp, dễ phát sinh hành vi tham nhũng, tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Người dân có đất bị thu hồi luôn phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do hoạt động thu hồi đất gây ra, do đó nếu công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư không được giải quyết một cách có hiệu quả sẽ dẫn đến sự phản đối, không đồng thuận của đa số người dân có đất bị thu hồi.Vì vậy, yêu cầu đặt ra đầu tiên đối với việc xây dựng pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chính là phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.
Tính công khai, minh bạch thể hiện ở việc nội dung pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải quy định cụ thể, rõ ràng các trường hợp Nhà nước tiến hành thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với từng trường hợp cụ thể, các điều kiện để người có đất bị thu hồi được bồi thường hỗ trợ, tái định cư; trình tự, thủ tục tiến hành thu hồi đất và giải quyết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; quy định về giá đất được sử dụng để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; quy định về giải quyết khiếu kiện và xử lý hành vi vi phạm. Việc quy định cụ thể như vậy góp phần tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc, bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật.
Tính công khai, minh bạch còn được thể hiện qua việc các quy định pháp luật cũng như mọi vấn đề có liên quan đến hoạt động thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải được công bố, công khai: kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất; thông báo thu hồi đất; quyết định thu hồi đất; giá đất, giá vật kiến trúc, cây cối, hoa màu... để tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tra cứu, tiếp cận và tìm hiểu. Quyền được tiếp cận thông tin là một trong những quyền công dân và được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam. Quyền tiếp cận thông tin được ghi nhận từ Hiến pháp năm 1992, Điều 69 Hiến pháp năm 1992 đã quy định “Công dân có quyền được thông tin”. Kế thừa quy định này, Điều 25 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” .
Thứ hai, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, công bằng và bảo đảm quyền của người có đất bị thu hồi.
Mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, đều được hưởng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nếu đáp ứng đủ các điều kiện do pháp luật quy định. Đồng thời, cùng một loại đất, ở cùng một vị trí địa lý với căn cứ thu hồi đất giống nhau thì phải được bồi thường với mức tương đương nhau, không được lấy bất cứ lý do nào về sự khác biệt để đối xử không bình đẳng.
Pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất điều chỉnh mối quan hệ giữa ba chủ thể: Nhà nước, người bị thu hồi đất, chủ đầu tư. Trong đó, người bị thu hồi đất luôn là chủ thể gánh chịu những thiệt hại nặng nề do hoạt động thu hồi đất gây ra: mất nơi ở, thiệt hại về tài sản, cây cối, hoa màu trên đất; mất tư liệu sản xuất... từ đó dẫn đến cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn, đặc biệt là những người dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc thu hồi đất của người dân để phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế – xã hội, sẽ làm tăng giá trị của khu đất lên rất nhiều lần.
Vì vậy, việc giải quyết vấn đề bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là rất quan trọng, cần phải đảm bảo giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa các chủ thể. Trong đó đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của người bị thu hồi đất, bên cạnh việc giải quyết bồi thường cho người bị thu hồi đất thì cần phải chú trọng thực hiện những chính sách hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất, người bị mất đất sản xuất nhằm giúp họ nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất. Từ đó, góp phần hạn chế những bức xúc, khiếu kiện từ phía người dân do quyền lợi không được đảm bảo.
Pháp luật cũng cần có những quy định cho người dân được tham gia vào quá trình thu hồi đất và giải quyết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thông qua việc tổ chức các cuộc họp, đối thoại với người dân nhằm tạo điều kiện để họ được bàn bạc, góp ý về phương án bồi thường cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người bị thu hồi đất để từ đó kịp thời điều chỉnh, sửa đổi phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho phù hợp.