Quản lý nhà nước về hội là gì? Đặc điểm của quản lý nhà nước về hội? Các yếu tố tác động đến quản lý nhà nước về hội?
1. Quản lý nhà nước về hội là gì?
Theo một số từ điển, quản lý được hiểu là ... “tổ chức, điều khiển của một đơn vị, một cơ quan...” , “.. làm cho hoạt động tư duy của từng người riêng lẻ, hoạt động của các tổ chức với những cơ chế khoa học, tiến hành phù hợp với mục đích, lợi ích chung nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất, nhiều nhất, ít chi phí nhất trong thời gian nhanh nhất, “ sự tác động có ý thức để chỉ huy, điều hành, hướng dẫn các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người để hướng đến mục đích, đúng ý chí và phù hợp với quy luật khách quan”.
Như vậy, mặc dù có ít nhiều khác nhau, khái niệm quản lý có điểm chung đó là sự tác động có kế hoạch, có tổ chức của chủ thể quản lý để điều khiển đối tượng quản lý nhằm đạt được những mục đích đã đề ra.
Quản lý nhà nước về hội cũng là một dạng quản lý – đó là quản lý về xã hội. Nó có những điểm khác với một số dạng quản lý về kỹ thuật, hay về thiên nhiên, môi trường... xét về chủ thể, và đặc biệt là ở đối tượng quản lý. Trong quản lý nhà nước về hội thì đối tượng quản lý chính là các tổ chức xã hội, còn chủ thể quản lý chủ yếu là bộ máy nhà nước.
Từ những phân tích ở trên, trong phạm vi luận văn này, tác giả xác định khái niệm “quản lý nhà nước về hội và tổ chức phi chính phủ” là “... các phương thức mà Nhà nước tác động vào hội và tổ chức phi chính phủ để định hướng tổ chức, hoạt động của hội và tổ chức phi chính phủ theo mục đích mà nhà nước đặt ra”.
2. Đặc điểm của quản lý nhà nước về hội:
Quản lý nhà nước về hội cũng có những đặc điểm giống như quản lý nhà nước nói chung, đó là tính quyền lực phục tùng, tính tổ chức điều hành, tính khoa học, tính kế hoạch, tính chủ động sáng tạo..., song có những đặc điểm riêng, xuất phát từ đặc trưng của đối tượng quản lý là các tổ chức xã hội, cụ thể như sau:
Thứ nhất, do đối tượng quản lý không phải là một cơ quan nhà nước, nên quản lý nhà nước về hội cần phải đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đối tượng quản lý trong tổ chức và hoạt động. Nhà nước không nên can thiệp sâu vào công việc nội bộ của các hội, mà chỉ là tạo điều kiện mọi mặt cho các hội hoạt động. Nếu Nhà nước can thiệp sâu vào tổ chức và hoạt động của các hội thì vô hình chung đã làm mất đi tính chất tự nguyện, tự quản cùng tác dụng và sự thu hút của hội đối với quần chúng.
Thứ hai, do đối tượng quản lý là những pháp nhân hình thành từ sự tự nguyện của những nhóm công dân cùng chung mục đích, ý nguyện nên quản lý nhà nước về hội phải dựa trên cơ sở tôn trọng và bảo đảm lợi ích chính đáng của đối tượng quản lý. Hội đều có tư cách là một tổ chức của công dân, hoạt động hợp pháp, vì lợi ích tập thể, lợi ích của cộng đồng và của xã hội nên cần được Nhà nước tôn trọng, tạo điều kiện thực hiện hoạt động của mình. Sự tôn trọng của Nhà nước về hội còn xuất phát từ nguồn gốc, bản chất của nhà nước là thiết chế quyền lực công do người dân lập ra, nên phải tôn trọng các thiết chế khác cũng do nhân dân lập ra đó là hội.
Thứ ba, nội dung quản lý nhà nước về hội rất đa dạng. Điều này xuất phát từ tính chất rộng lớn, phong phú trong tổ chức và hoạt động của hội. Xét tổng quát, những nội dung chính của quản lý nhà nước về hội ở Việt Nam bao trùm các vấn đề như:
(i) Quy định về quyền lập hội của công dân;
(ii) Quy định về điều kiện, thủ tục thành lập, hoạt động, quyền và nghĩa vụ của hội;
(iii) Quy định về xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước về hội;
(iv) Quy định về các cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước về hội.
3. Các yếu tố tác động đến quản lý nhà nước về hội:
Như đã đề cập ở trên, quản lý nhà nước về hội là một hoạt động có chủ đích và mang tính quyền lực của cơ quan nhà nước. Vì vậy, cũng như bất kỳ hoạt động nào của nhà nước, quản lý nhà nước về hội chịu sự tác động của nhiều yếu tố. Ở Việt Nam, những yếu tố cơ bản tác động đến cách thức và hiệu quả quản lý nhà nước về hội bao gồm:
Thứ nhất, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản
Đặc thù chính trị xã hội Việt nam là có một đảng duy nhất nắm quyền lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội. Vì vậy, mọi đường lối, chính sách của Đảng đều trở thành nguồn cho hệ thống pháp luật quản lý nhà nước, trong đó có quản lý nhà nước về hội.
Từ ngày thành lập (1930) đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chủ trương dân chủ hóa xã hội, qua đó tạo lập sự đoàn kết và phát huy mọi nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển đất nước theo phương châm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Đặc biệt từ sau khi khi đổi mới và hội nhập, nhận thức của Đảng về tính chất, đặc điểm, vai trò của các hội càng được củng cố, phù hợp hơn với xu thế chung của thời đại.
Ngày 28/5/2013, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI của Đảng đã ban hành Kết luận số 64–KL/TW một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, trong đó nhấn mạnh: “...Quy định chặt chẽ về tổ chức và hoạt động của các hội theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động và tuân thủ pháp luật. Sửa đổi, bổ sung các quy định của Nhà nước về quản lý tổ chức và hoạt động hội phù hợp với tình hình mới...”. Quy định này đã làm rõ quan điểm chỉ đạo về tính chất, tổ chức và hoạt động cũng như sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với các hội ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay.
Bên cạnh đó, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của các hội trong điều kiện mới của đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều đường lối, chủ trương chỉ đạo đổi mới tổ chức và hoạt động của các hội, nhất là đối với các hội có tính chất chính trị – xã hội và chính trị – xã hội – nghề nghiệp, hội có đảng đoàn và hội có tính chất đặc thù khác.
Nhưng mặt khác cũng có thể thấy rằng, nhận thức chính trị của Đảng vẫn còn e dè và cảnh giác với quyền tự do hiệp hội, xuất phát từ tư duy “bao cấp “ về tư tưởng, và tư duy “nhà nước hóa” trong hoạt động của hội. Điều đó thể hiện ở chỗ trong những năm gần đây, vấn đề “xã hội dân sự” không được khuyến khích thảo luận, trao đổi, cho thấy tinh thần quá cảnh giác với âm mưu lợi dụng xã hội dân sự để thực hiện “diễn biến hòa bình”, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong khi đó, theo quan điểm của Mác và Ăng ghen, cũng như theo nhận thức chung của cộng đồng quốc tế, xã hội dân sự là một xu thế phát triển tất yếu, nó tạo ra vốn xã hội để nhân dân mưu cầu hạnh phúc và phát triển thịnh vượng. Đặc biệt, trong thể chế kinh tế thị trường mà Việt Nam đang nỗ lực xây dựng, xã hội dân sự chính là một bộ phận cấu thành của thể chế đó, vì vậy nếu chúng ta quá cảnh giác đến mức cấm đoán sự phát triển của xã hội dân sự thì cũng đồng nghĩa với sự bỏ lỡ một cơ hội phát triển của đất nước.
Khi nói tới hội và quyền tự do hiệp hội, không thể không bàn đến xã hội dân sự, bởi lẽ hạt nhân của xã hội dân sự chính là các hội, và ngược lại, xã hội dân sự là không gian môi trường cho hội phát triển lành mạnh.
Việc có những thế lực lợi dụng diễn đàn xã hội dân sự và quyền tự do lập hội để chống phá Đảng và Nhà nước trên thực tế vẫn diễn ra, nhưng đó là những hành vi vi phạm pháp luật, không nên vì những vi phạm đó để cấm đoán xã hội dân sự. Việc thừa nhận xã hội dân sự và xử lý những vi phạm lợi dụng xã hội dân sự chính là biện pháp thúc đẩy xã hội dân sự phát triển lành mạnh.
Tóm lại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chủ trương tôn trọng các hội và quyền tự do hiệp hội – đó là yếu tố quyết định mang tính xuất phát điểm cho quản lý nhà nước về hội. Tuy nhiên, những ghi nhận đó là cần thiết nhưng chưa đủ để thành quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Quan điểm về hội và tự do hiệp hội của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện vẫn còn e dè, vì thế khi thể chế hoá vào pháp luật, việc quản lý nhà nước về hội hiện mới được tiếp cận dưới góc độ quản lý “cai trị”, “quản lý” hơn là “thúc đẩy”, “hợp tác”.Cách tiếp cận này chưa đáp ứng được với đòi hỏi của cuộc sống hiện nay và gây trở ngại với việc phát huy “vốn xã hội” ở nước ta.
Thứ hai, pháp luật của Nhà nước
Nhà nước và hội là hai chủ thể khác nhau nhưng xét tổng quát lại có cùng một mục đích phát triển xã hội, và mục tiêu phát triển toàn diện con người. Với tư cách là chủ thể của quyền lực công, Nhà nước có nghĩa vụ đảm bảo quyền tự do hiệp hội của công dân và thực hiện việc quản lý các hội bằng pháp luật. Với ý nghĩa đó, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng với sự phát triển của các hội ở mỗi quốc gia.
Trong thực tế ở, pháp luật là phương tiện để Nhà nước quản lý xã hội, ngăn ngừa và xử lý các vi phạm pháp luật của tất các các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các hoạt động xã hội. Mặt khác, pháp luật là công cụ đảm bảo quyền tự do bình đẳng của mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động đó. Đối với quản lý nhà nước về hội ở Việt Nam, pháp luật cần phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:
– Pháp luật về hội phải bảo đảm sự thống nhất giữa sự lãnh đạo của Đảng với sự quản lý của Nhà nước.
– Pháp luật về hội phải phản ánh một cách khách quan những yêu cầu và sự phát triển của đời sống xã hội nói chung, của các hội nói riêng. Những quy phạm pháp luật quy định về hội phải mang tính khách quan.
– Pháp luật về hội phải đảm bảo tính hệ thống và đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật quốc gia.
– Pháp luật về hội phải bảo đảm quyền tự do hiệp hội của công dân mà đã được ghi nhận trong Hiến pháp, bảo đảm mọi hoạt động của hội trong khuôn khổ pháp luật, qua đó góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền và dân chủ hóa xã hội.
– Pháp luật về hội phải phù hợp với các tiêu chuẩn về tự do hiệp hội trong pháp luật quốc tế.
Với tư cách là chủ thể quản lý, để quản lý hội, Nhà nước phải thực hiện hàng loạt nhiệm vụ: từ việc xây dựng, ban hành pháp luật đến việc tổ chức thực hiện pháp luật, đồng thời còn phải thực hiện sự kiểm tra, kiểm soát và tiến hành xử lý những vi phạm pháp luật về hội. Với vai trò đó, nhiệm vụ của Nhà nước là định hướng cho các tổ chức hội hình thành, vận động và phát triển theo một trật tự nhất định.
Với tư cách là đối tượng quản lý, các hội được định hướng hoạt động trên cơ sở các quy định của pháp luật và điều lệ hội và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Với tư cách là công cụ để Nhà nước thực hiện sự quản lý về hội, pháp luật về hội phải được xây dựng trên cơ sở đảm bảo sự chính xác, đầy đủ, thống nhất, là những chuẩn mực để đối tượng quản lý dựa vào đó vận động, phát triển và để chủ thể quản lý thực hiện sự kiểm tra, giám sát đối tượng quản lý.
Pháp luật không chỉ là công cụ quản lý nhà nước về hội, mà còn là phương tiện hữu hiệu và công bằng bảo vệ quyền tự do hiệp hội của công dân. Nếu yếu tố pháp luật không được đề cao sẽ lúng túng trong quản lý nhà nước, quyền tự do hiệp hội của công dân dễ bị xâm phạm. Pháp luật về hội cần phải tôn trọng tính chất đặc điểm dân sự của hiệp hội, không thể can thiệp quá sâu vào tổ chức và hoạt động của hội, gò bó hội theo mẫu hình của cơ quan nhà nước, vì nếu làm như thế, pháp luật về hội sẽ trở thành pháp luật hạn chế quyền tự do hiệp hội.
Thứ ba, bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá của quốc gia
Quản lý nhà nước về hội phải phù hợp với đặc thù chính trị, đặc điểm, điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá của quốc gia. Ở mỗi quốc gia có những đặc thù chính trị, xã hội, văn hoá và điều kiện kinh tế khác nhau, vì thế cách thức quản lý nhà nước về hội có thể ít nhiều khác nhau, mặc dù vẫn phải dựa trên những nguyên tắc chung về bảo đảm tự do hiệp hội.
Về mặt chính trị, ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, Đảng Cộng sản và Nhà nước cũng đã xác định rõ việc quản lý nhà nước về hội cần được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế – xã hội và đặc thù chính trị của đất nước, đó là một chế độ xã hội chủ nghĩa dựa trên sự lãnh đạo tập trung duy nhất của Đảng Cộng sản, đang trong tiến trình hội nhập quốc tế và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tuân thủ các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, việc mở rộng và phát triển khu vực xã hội dân sự nói chung và các tổ chức hội nói riêng đến mức độ nào, trong thời điểm nào sẽ cần được xem xét trong tổng thể mối quan hệ với các yếu tố đặc thù đã nêu. Về nguyên tắc, quản lý nhà nước về hội ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh việc tạo môi trường cho sự phát triển của hội, định hướng cho hội hoạt động đúng mục đích, có hiệu quả nhằm bảo vệ quyền lợi của hội và của hội viên, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thì cần phải tính đến các yêu cầu về giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tránh việc lợi dụng quyền tự do lập hội để gây mất ổn định xã hội.
Để đáp ứng được một cách hài hoà các yếu tố nêu trên đang là một thách thức lớn với việc hoàn thiện pháp luật quản lý nhà nước về hội ở Việt Nam. Điều đó thể hiện qua những khó khăn của việc soạn thảo Luật về Hội. Sau hơn ba thập kỷ (từ giữa thập kỷ 1990) biên soạn nhưng cho đến nay dự thảo luật về hội vẫn chưa nhận được sự thống nhất ý kiến, và vì vậy vẫn chưa được đưa ra Quốc Hội xem xét thông qua.
Đi sâu hơn về mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, quản lý nhà nước về hội ở Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi nhiều đặc thù truyền thống, tiêu biểu như:
– Về kinh tế: Kinh tế xã hội Việt Nam truyền thống là một nền kinh tế tiểu nông khép kín, tự cung tự cấp, thương mại và công nghiệp kém phát triển. Các tổ chức phường, hội, nghề nghiệp, vì thế mang tính nhỏ lẻ, ít tác động đến đời sống chính trị Nhà nước, thiếu sự liên kết. Sau cách mạng tháng 8, chúng ta trải qua một thời gian dài trong nền kinh tế tập trung bao cấp. Ở đó, Nhà nước nắm quyền quản lý đến từng cá nhân, cả dân tộc tập trung vào việc giải phóng đất nước khỏi giặc ngoại xâm; thời kì này hiệp hội không những không phát triển mà còn mất đi nhiều thiết chế xã hội truyền thống. Chính vì vậy, sự phát triển của các hội ở Việt Nam chậm hơn và cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động của các hội không hoàn toàn giống như ở các nước khác trên thế giới. Điều này khiến cho quản lý nhà nước về hội gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là trong việc xây dựng, phát triển, tạo lập sự liên kết trong tổ chức và hoạt động của các hội.
– Về văn hoá: Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc và chế độ quân chủ phong kiến bản địa. Xã hội kiểu thần dân đối lập với xã hội công dân – dân sự đã ngự trị suốt chiều dài lịch sử. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, chúng ta lại trải qua chiến tranh ác liệt, đường lối chiến tranh nhân dân đã huy động cả dân tộc vào tư duy quân sự (đối lập với dân sự).
Truyền thống coi trọng bậc quân vương như cha mẹ, và sau này là sùng bái kính yêu các vị lãnh tụ trong bối cảnh một đảng cầm quyền đã tạo ra tính thụ động, ỷ lại vào Nhà nước của đại đa số người dân, họ quen với việc có người nghĩ thay làm thay, tổ chức thay và nuôi sống mình. Trong bối cảnh như vậy, các đoàn thể xã hội, các tổ chức nghiệp đoàn “phục vụ” Nhà nước nhiều hơn “phục vụ xã hội và trở thành những thiết chế “lưỡng tính”, tính dân sự không được thể hiện rõ ràng. Điều này cũng tạo ra những trở ngại cho quản lý nhà nước về hội, đặc biệt là trong việc phát huy tính chủ động, sáng tạo của các hội.
– Về xã hội: Xã hội Việt Nam truyền thống chủ yếu diễn ra trong các làng quê công xã nông thôn. Trong môi trường như vậy, ý thức cộng đồng nổi trội hơn ý thức cá nhân, con người cá nhân không có cơ hội được tự do thể hiện. Điều này trái ngược với các xã hội đô thị, là nơi tập hợp của những cá nhân tự do, tự nguyện khẳng định cái tôi cá nhân trước các vấn đề xã hội. Một bộ phận ít dân cư sống trong đô thị ở Việt Nam về cơ bản vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, chưa hoàn toàn thoát khỏi văn hóa làng xã, tầng lớp trí thức chưa đủ mạnh để có thể dẫn dắt và ảnh hưởng tư tưởng vào xã hội.
Thời kì sau cách mạng, nông dân sống và làm ăn tập thể trong các hợp tác xã, các bộ làm việc trong các cơ quan Nhà nước có chỉ định về tiêu chuẩn hưởng thụ lương bổng và thu nhập, con người cá nhân càng mất vị thế. Các tổ chức xã hội do Nhà nước lập ra và hoạt động theo sự điều hành và là cánh tay nối dài của Nhà nước, các tổ chức xã hội mang tính dân sự bị mai một. Không gian môi trường xã hội như vậy gây khó khăn cho việc quản lý nhà nước về hội, đặc biệt là trong việc bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của các hội.
Từ những phân tích ở trên, có thể kết luận rằng, với những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội như trên, xã hội Việt Nam thiếu một không gian cần và đủ cho sự phát triển mạnh mẽ và lành mạnh của xã hội dân sự. Mặc dù nhiều yếu tố nêu trên đã được cải thiện trong những năm gần đây, song vẫn còn có tác động lâu dài đến sự phát triển của hội và quản lý nhà nước về hội ở Việt Nam trong những năm tới.