Quy định về Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn

Quy định về Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn như thế nào? Dưới đây là bài phân tích làm rõ.

1. Thế nào là Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật số 10/2022/QH15 về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn gồm các thành viên được bầu từ các thôn, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã. Số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân tương ứng số lượng thôn, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã nhưng không ít hơn 05 người. Như vậy, có thể hiểu, ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn là một bộ phận được tổ chức bởi chính quyền địa phương xã, phường, thị trấn đó.

Điều 38  Luật số 10/2022/QH15 quy định Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn được thành lập lên để thực hiện những công việc, nhiệm vụ nhất định. Cụ thể như sau:

– Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện các quyết định đã được Nhân dân bàn và quyết định. Đồng thời, tổ chức này còn có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã.

– Trong một số trường hợp cụ thể, Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn còn có nhiệm vụ kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

– Yêu cầu chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan để phục vụ việc xác minh, kiểm tra, giám sát vừa là quyền, vừa là nhiệm vụ của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, tổ chức này còn có nhiệm vụ xem xét, xác minh vụ việc cụ thể theo kiến nghị của công dân, cộng đồng dân cư.

– Trong trường hợp phát hiện những thiếu sót, hạn chế xảy ra, Ban thanh tra nhân dân ở xã phường, thị trấn có quyền kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố nhằm khắc phục.

– Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp có nội dung liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân; thực hiện tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của công dân, cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến phạm vi kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân.

2. Quy định về Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn:

Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở địa phương đó, cũng như quản lý hoạt động của người dân. Do đó, Nhà nước đã đưa ra những quy định cụ thể về rõ ràng về tổ chức này. Cụ thể như sau:

– Về tiêu chuẩn thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn. Theo quy định tại Điều 37  Luật số 10/2022/QH15, thành viên Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn phải đảm bảo những tiêu chuẩn sau đây:

+ Để tham gia ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, các chủ thể tham gia phải đảm bảo điều kiện là công dân thường trú trên địa bàn và không đồng thời là cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

+ Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn phải có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ.

+ Ban thanh tra phải có hiểu biết về chính sách, pháp luật và tự nguyện tham gia Ban Thanh tra nhân dân.

– Về hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn. Theo quy định tại Điều 39  Luật số 10/2022/QH15, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn cụ thể như sau:

+ Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động. Tức mọi hoạt động của Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn nằm dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

+ Ban Thanh tra nhân dân xây dựng phương hướng, nội dung kế hoạch hoạt động của mình theo từng quý, 06 tháng và hằng năm căn cứ vào chương trình hành động và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

+ Mọi hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân phải được báo cáo cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã. Hay nói cách khác, Ban thanh tra có trách nhiệm định kỳ báo cáo hoặc báo cáo khi có yêu cầu về hoạt động của mình với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã. Bên cạnh đó, Ban Thanh tra nhân dân được mời tham dự cuộc họp của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có nội dung liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân.

– Về nhiệm kỳ của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn:

+ Theo quy định tại Điều 36  Luật số 10/2022/QH15, nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân theo nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố trên cùng địa bàn.

+ Trong nhiệm kỳ, nếu thành viên Ban Thanh tra nhân dân không hoàn thành nhiệm vụ, không còn được tín nhiệm hoặc xin thôi làm nhiệm vụ thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã đề nghị thôn, tổ dân phố đã bầu thành viên đó xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ.

+ Đối với trường hợp khuyết thành viên Ban Thanh tra nhân dân trong nhiệm kỳ và thời gian còn lại của nhiệm kỳ là từ 06 tháng trở lên thì Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức việc bầu bổ sung thành viên Ban Thanh tra nhân dân theo hướng dẫn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

3. Trách nhiệm của cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc đảm bảo hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn:

Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ, trách nhiệm khá quan trọng trong việc bảo đảm duy trì hoạt động pháp luật của chính quyền địa, phương, người dân. Do đó, cơ quan chức năng có thẩm quyền ở từng địa phương phải có trách nhiệm nhất định trong việc đảm bảo hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn. Cụ thể, Điều 40  Luật số 10/2022/QH15 quy định về vấn đề này như sau:

– Về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc bảo đảm hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn:

+ Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo cho Ban Thanh tra nhân dân về những chính sách, pháp luật chủ yếu liên quan đến tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã; các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội hằng năm của địa phương;

+ Ủy ban nhân dân cấp xã phải thực hiện cung cấp thông tin hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết theo yêu cầu của Ban Thanh tra nhân dân.

+ Trong trường hợp Ban thanh tra nhân dân đưa ra các kiến nghị, Ủy ban nhân dân cấp xã phải xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân, thông báo kết quả giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị;

+ Đối với việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bản cấp xã, Ủy ban nhân dân xã phải thông báo cho Ban Thanh tra nhân dân kết quả của quá trình giải quyết.

+ Ủy ban nhân dân cấp xã phải có trách nhiệm xử lý người có hành vi cản trở hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, người có hành vi trả thù, trù dập thành viên Ban Thanh tra nhân dân theo quy định của pháp luật.

– Về trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã:

+ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có trách nhiệm hướng dẫn việc tổ chức hội nghị của cộng đồng dân cư ở thôn, tổ dân phố để bầu hoặc cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân.

+ Công nhận kết quả bầu thành viên Ban Thanh tra nhân dân; tổ chức cuộc họp của Ban Thanh tra nhân dân để bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; thông báo kết quả bầu và thành phần Ban Thanh tra nhân dân đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp và Nhân dân ở địa phương cũng là những nhiệm vụ, trách nhiệm mà Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phải thực hiện.

+ Đối với việc xây dựng chương trình, kế hoạch,  nội dung công tác; xem xét báo cáo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; tham gia hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân khi xét thấy cần thiết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phải tiến hành hướng dẫn Ban Thanh tra nhân dân.

+ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có trách nhiệm xác nhận biên bản, kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân; đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân; động viên Nhân dân ở địa phương ủng hộ, phối hợp, tích cực hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân;

+ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân từ nguồn ngân sách nhà nước theo dự toán, kế hoạch hằng năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, do ngân sách nhà nước cấp xã bảo đảm.

Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Luật số 10/2022/QH15 thực hiện dân chủ ở cơ sở.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com