Khái niệm quyền của phụ nữ là gì? Phân tích quyền của phụ nữ trên cơ sở quyền con người? Tại sao phải quan tâm và đảm bảo quyền của phụ nữ?
1. Khái niệm quyền của phụ nữ là gì?
Trên cơ sở khái niệm quyền con người, khái niệm quyền phụ nữ phải được nghiên cứu trong mối quan hệ khăng khít với con người. Quyền phụ nữ là khái niệm dùng để chỉ quyền con người của phụ nữ. Đó là những quyền tất yếu, không bị tước bỏ bởi bất cứ ai, bất cứ chính thể nào. Là quyền con người cụ thể, quyền phụ nữ cũng hàm chứa những đặc tính cơ bản của quyền con người đó là tính phổ quát, tính đặc thù và tính giai cấp. Tuy nhiên, người phụ nữ với những đặc điểm gắn liền với giới tính tự nhiên thì ngoài quyền con người nói chung, họ còn có những quyền gắn liền với thiên chức của mình như quyền làm mẹ, quyền được bảo vệ với tư cách là nhóm người dễ bị tổn thương. Do đó việc xác định và ghi nhận các quyền con người cho họ đặc biệt và bảo đảm trên cơ sở tiêu chí bình đẳng cần thiết. Dưới góc độ pháp lý, quyền phụ nữ còn được hiểu là: tập hợp những khả năng pháp luật mỗi quốc gia công nhận cho người phụ nữ được hưởng, được làm và được đòi hỏi.
Khi tiếp cận khái niệm quyền của phụ nữ, quyền con người được hiểu theo nghĩa xác định hơn, nó phản ánh những quyền cụ thể của một đối tượng cụ thể. Quyền của phụ nữ được quy định trong pháp luật luôn có sự xem xét những yếu tố về tâm sinh lý của giới nữ, quan điểm về thuần phong mỹ tục, về văn hoá của một dân tộc để xây dựng nên một khung quy tắc về hành vi ứng xử quan hệ giao tiếp giữa người nam và nữ, sao cho vừa thể hiện lối sống bình đẳng, văn minh đẳng văn minh đồng thời vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, tránh xảy ra sự xung đột và biến đổi xã hội gay gắt. Do đó quyền của phụ nữ không chỉ được hiểu đơn thuần như quyền con người nhưng cũng không thể tách rời quyền con người.
Xuất phát từ thực tế thực hiện các quyền của phụ nữ hiện nay mà cuộc đấu tranh cho quyền con người nói chung còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự phát huy sức mạnh và sự phối hợp trách nhiệm của cả cộng đồng. Đã có nhiều văn kiện quốc tế về quyền con người nhưng quyền của phụ nữ vẫn là mục tiêu phấn đấu của không chỉ mỗi quốc gia mà còn của cả nhân loại. Mỗi quốc gia sẽ xây dựng những quy phạm pháp luật riêng để bảo vệ quyền cho phụ nữ. Có như vậy người phụ nữ mới thực sự được bình đẳng, được bảo vệ và có điều kiện phát triển.
2. Tại sao phải quan tâm và đảm bảo quyền của phụ nữ?
Phụ nữ thuộc nhóm yếu thế trong xã hội và cần được bảo vệ. Hiện nay, nước ta, phụ nữ chiếm 51,8 % dân số và 52% lực lượng lao động, ở nông thôn họ là lực lượng lao động chủ yếu chiếm khoảng 70% và làm ra 60% sản phẩm nông nghiệp.
Tính ưu việt sinh học ở nữ thường chiếm 51% so với 49% ở nam giới, cơ thể nữ giới có sự bền vững về sinh học hơn nam giới . Trong 30 điểm khác nhau giữa hai giới, có những điểm phụ nữ có ưu thế hơn nam giới như: bé gái sinh ra thường khoẻ mạnh và có sức đề kháng hơn bé trai, tuổi thọ trung bình của nam ít hơn nữ từ 4–10 năm, cơ thể nữ sản sinh nhiều kháng thể hơn nam nên ít bị bệnh do vi trùng, vi khuẩn gây nên. Tuy vậy, cũng về mặt sinh học, phụ nữ lại có những mặt không thuận lợi, như chiều cao trung bình 150,9 cm so với nam là 160,8cm, sức khoẻ yếu hơn, tỷ lệ phụ nữ mắc một số bệnh nhiều hơn nam giới.
Cũng từ góc độ sinh học, phụ nữ chịu những tác động của môi trường nhiều hơn so với nam giới. Phụ nữ dễ bộc lộ tình cảm âu lo hơn gấp hai lần. Tỷ lệ nhiễm HIV giữa nam và nữ cũng cho thấy: xu hướng nam giảm, nữ tăng, do cấu tạo sinh học, nguy cơ bị nhiễm ở nữ cũng cao hơn nam giới. Một khi HIV đã xâm nhập vào gia đình thì người phụ nữ bị tổn thương, khổ cực và tai tiếng nhất. Thiên chức sinh đẻ, nuôi dưỡng, giáo dục con cái, bảo tồn và phát triển nòi giống vừa là nhiệm vụ cực nhọc song lại là nguồn hạnh phúc của người phụ nữ. Đức hy sinh, khiêm tốn, bao dung là một trong những thuộc tính của phụ nữ. Đức hy sinh đó đôi khi cũng làm hạn chế khả năng sáng tạo của phụ nữ, họ sẵn sàng lùi bước cho nam giới. Họ bị ràng buộc bởi bổn phận với chồng, con cái đến mức khó có lý do để nổi nóng hơn gấp ba lần nam giới.
Suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, vị thế, vai trò của phụ nữ Việt Nam ngày càng được cải thiện, nâng cao. Hệ thống pháp luật quốc gia với rất nhiều nỗ lực, song vẫn chưa đủ khả năng để hạn chế, khắc phục những khó khăn, vất vả đời thường và những vi phạm, mặc cảm đối với phụ nữ. Tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng dẫn đến sự tự ti an phận của phụ nữ và trở thành những vật cản trên bước đường phấn đấu của họ. An phận vốn là một tâm lý tích tụ, làm cản trở sự tiến bộ của phụ nữ, kể cả ở nữ trí thức với những biểu hiện như: tâm lý ngại sự thay đổi, ngại phấn đấu, bằng | lòng với những gì đang có. Vì thế người phụ nữ vốn được xác lập trong thời kỳ mẫu hệ. Khi những điều kiện kinh tế thay đổi, vai trò của người đàn ông được đề cao, chế độ mẫu hệ tan rã.
Trong cuộc chiến giành quyền giữa hai giới, đàn ông luôn luôn chiếm ưu thế hơn, họ được chở che bởi hàng rào tập tục, tôn giáo và pháp luật. Qua nhiều thế kỷ phụ nữ hầu như hoàn toàn lệ thuộc vào đàn ông, là tài sản của người chồng. Tuy nhiên, dường như vầng hào quang của các vị nữ thần thuở xa xưa chưa tắt hẳn, và lịch sử cũng đã và đang ghi nhận vai trò lãnh đạo quốc gia của nhiều lãnh tụ nữ có tên tuổi khắp các châu lục. Từ cuối thế kỷ XIX, phụ nữ cùng với những cuộc cách mạng xã hội mới dần dần xác lập được vị thế của mình. Sự nhìn nhận về phụ nữ, về vị thế, vai trò của họ cũng đã được thay đổi. Một trong những đặc điểm chính trị lớn nhất của thế kỷ XX là sự quan tâm của giới chính trị về giới và sự tôn trọng quyền phụ nữ và trẻ em trong các quyền con người.
Ở Việt Nam, trong xã hội phong kiến, thân phận phụ nữ vô cùng thấp kém, thiệt thòi trong vòng cương tỏa của đạo lý, lễ nghi nho giáo, gia đình, dòng họ. Sự tồn tại của phụ nữ như vô nghĩa “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, số phận của họ tất cả đều tùy thuộc vào sự rủi may. Nguyên tắc bất bình đẳng nam nữ là cơ sở của điều chỉnh pháp luật về các quan hệ hôn nhân và gia đình trong quan hệ giữa vợ chồng, con trai, con gái trong gia đình, suy cho cùng cũng nằm trong tổng thể tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Trong Bộ luật nhà Lê Quốc triều hình luật, cùng với việc thừa nhận chế độ đa thê, Bộ luật còn quy định người vợ phải thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu vợ hành hung chồng thì sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc hơn so với hình phạt đối với người chồng đánh vợ.
Pháp luật phong kiến Việt Nam còn quy định rất bất cân xứng về nguyên cớ ly hôn, theo đó, người đàn ông có quyền bỏ vợ khi vợ phạm phải một trong bảy điều (thất xuất) như: không con, dâm đãng, không thờ cha mẹ, ... Tuy vậy, Bộ luật nhà Lê thời ấy liên quan tới hình phạt cũng đã ghi nhận cho người phụ nữ một số ưu ái giàu tính nhân văn, tiến bộ. Đó là những quy định: đàn bà phải tội tử hình nếu đang có thai thì phải để sinh đẻ sau 100 ngày mới đem hành hình, hoặc liên quan tới tài sản: khi bán tài sản phải có đủ chữ ký của cả vợ và chồng, vợ có quyền có tài sản riêng. Đây là những chế định dân sự mang bản sắc riêng Việt Nam, kết hợp giữa đạo luật hướng Nhà và phong tục, tập quán dân tộc bản địa. Luật còn quy định mức xử phạt nặng đối với tội cưỡng ép, hiếp dâm đàn bà, con gái.
Xã hội Việt Nam từ cổ chí kim đã ghi nhận vai trò của phụ nữ. Điều này xuất phát từ đặc trưng của phương thức sản xuất với nền nông nghiệp lúa nước có sự hợp tác của lao động nam nữ, với những cuộc chiến tranh liên miên đã huy động toàn bộ lực lượng lao động và sức mạnh của dân tộc; trong đó phụ nữ nước ta đã nổi tiếng về truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Đằng sau bề dày vị thế ngày nay có cả một chặng đường dài thách thức thân phận của người phụ nữ trên đất Việt. Trên quan điểm bình đẳng nam nữ là một cuộc cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về quyền bình đẳng nam nữ, quyền lợi và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Qua hơn một thập kỷ đổi mới, các quyền phụ nữ đã ngày càng được bảo đảm thực hiện tốt hơn, phụ nữ có nhiều cơ hội, điều kiện tự bảo vệ mình. Quyền bình đẳng nam nữ trong lĩnh vực lao động đã được Hiến pháp ghi nhận. Bộ luật Lao động 1994 đã có một chương riêng về lao động nữ [9]. Ngoài việc tạo vị thế và bảo đảm quyền bình đẳng giới, pháp luật còn có những quy định hạn chế những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và chức năng làm mẹ, nuôi dạy con cái của phụ nữ, như quy định khi mang thai, sinh đẻ. Nhà nước có chính sách ưu đãi, xét giảm thuế đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Bộ luật Dân sự năm 1995 xác lập về nguyên tắc quyền bình đẳng nam nữ về quyền tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử, phân biệt về giới tính, về sở hữu chung của vợ chồng, quyền bình đẳng trong việc thừa kế, quyền ly hôn ... Bộ luật Hình sự năm 2000 đã có nhiều bổ sung, sửa đổi liên quan đến bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em.
Đó là những quy định về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự liên quan tới phụ nữ và trẻ em, chống bạo lực và các tệ nạn xã hội đối với phụ nữ. Tội phá thai trái phép lần đầu tiên được đề cập tại điều 243 Bộ luật Hình sự. Chương XV Bộ luật Hình sự mới quy định về các tội xâm phạm: quyền bình đẳng cản trở sự tiến bộ của phụ nữ; chế độ hôn nhân và gia đình như: cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tiến bộ, tự nguyện, tội vi phạm chế độ một vợ một chồng; tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, người có công nuôi dưỡng mình và tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng v.v...
Phải nói rằng Việt Nam đã có một hệ thống các quy định pháp luật về phụ nữ tương đối hoàn thiện với nhiều cơ hội để bảo vệ người phụ nữ và vì sự tiến bộ của họ. Riêng trong lĩnh vực pháp luật lao động, các chuyên gia nước ngoài đã phải thừa nhận rằng luật pháp về lao động nữ của Việt Nam rất đầy đủ. Song, thực tế rất khó thực hiện. Trước hết đó là do tình trạng luật quy định quá chung chung, khó áp dụng hoặc áp dụng không thống nhất. Những vụ vi phạm pháp luật liên quan đến phụ nữ lại xử lý không kịp thời, làm giảm tính uy nghiêm của pháp luật. Một lý do nữa là các chính sách được ban hành nhưng chưa đủ điều kiện thực thi. Do “nhà nước thì ban hành chính sách về quyền lao động nữ, còn các doanh nghiệp thì phải bỏ tiền ra để thực hiện nên chưa hấp dẫn đối với các doanh nghiệp”.
Nữ tham gia lực lượng lao động xã hội nhiều hơn nhưng thu nhập bình quân chỉ bằng 70% so với lao động nam. Bất bình đẳng giới trong khu vực lao động không trả lương ở nông thôn nặng nề hơn ở thành thị. Các quy định ưu đãi lao động nữ nhìn từ góc độ kinh tế, đã góp phần làm cho chi phí thuê lao động nữ trở nên đắt hơn so với thuê lao động nam. Chẳng mấy doanh nghiệp nào muốn tiếp nhận nhiều lao động nữ để phải tăng chi phí. Đây cũng là một nguyên nhân làm giảm khả năng cạnh tranh của lao động là nữ đã liên tục tăng ca từ 7h sáng đến 21h30 khiến nhiều công nhân nữ bị ngất xỉu.
Nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động nữ vào những công việc nặng nhọc, độc hại, nhiều doanh nghiệp không ký kết hợp đồng cho lao động nữ hoặc ký kết với những điều khoản bất lợi. Tình hình ô nhiễm môi trường lao động đã ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và khả năng lao động của lao động nữ. Bên cạnh lý do thiếu cơ chế hữu hiệu thực thi luật, còn nguyên nhân do những tư tưởng Nho giáo, trọng nam khinh nữ. Thêm vào đấy là những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường làm cho các tệ nạn xã hội như mại dâm, bạo lực trong gia đình đang tăng lên, làm nhức nhối dư luận xã hội, xói mòn đạo đức xã hội, xâm phạm đến nhân phẩm, sức khoẻ và tính mạng, hạnh phúc gia đình.
Sự đổ vỡ quan hệ gia đình trước hết đổ xuống đầu trẻ em và phụ nữ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Cơ chế thị trường, một mặt đã làm cho phụ nữ trở nên năng động hơn, xuất hiện nhiều nữ giám đốc công ty, xí nghiệp làm ăn có hiệu quả, mặt khác cũng gây khó khăn hơn cho phụ nữ trong việc tìm kiếm công ăn việc làm do sức ép của dân số, do tác động của giảm biên chế và do thế cạnh tranh thấp hơn so với lao động nam giới. Từ phương diện gia đình, cùng một lúc có cả những thuận lợi và những khó khăn đối với phụ nữ. Gia đình ở Việt Nam hiện nay có cơ cấu chủ hộ theo truyền thống là nam giới, mặc dù phụ nữ nắm giữ tay hòm chìa khóa. Phụ nữ làm chủ hộ chỉ chiếm 25%.
Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, tỷ lệ nữ có bằng cao đẳng, đại học, nữ công nhân được đào tạo chuyên môn tăng lên rõ rệt. Tuy vậy, không phải mọi đối tượng đều được tiếp cận. Tỷ lệ phụ nữ mù chữ vẫn còn cao hơn nam giới. Xét từ góc độ vi phạm pháp luật, nhiều người phụ nữ vừa là nạn nhân của những hành vi vi phạm pháp luật, và trong nhiều trường hợp, vừa là chủ thể của các hành vi vi phạm pháp luật, từ trộm cắp, đánh người, lừa đảo đến môi giới, buôn bán người qua biên giới. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng phụ nữ phạm tội, phạm phải các tệ nạn xã hội là do học vấn thấp, không có công ăn việc làm. 40% nữ phạm tội do thất nghiệp.
Về chăm sóc sức khoẻ, tuy đã có nhiều chương trình, văn bản luật, song còn quá nhiều yếu tố ảnh hưởng xấu như trẻ em lao động sớm, trẻ em lang thang, trẻ em gái bị lạm dụng tình dục. Công tác vận động sinh đẻ kế hoạch đã tập trung quá nhiều và quá lâu vào đối tượng phụ nữ mà xem nhẹ vai trò nam giới. Phụ nữ còn phải chịu sức ép về sinh con trai, ở nhiều địa phương, có 30 % các bà mẹ có con thứ ba trở lên. Tình trạng ly hôn gia tăng, các cuộc hôn nhân thử nghiệm” và hậu quả rất nặng nề từ đó. Tỷ lệ ly hôn của nữ cao gấp 4 lần nam giới. Theo dự báo thì sau 15 đến 20 năm nữa, tỷ lệ ly hôn ở những cặp vợ chồng trẻ Việt Nam sẽ tăng lên bằng với tỷ lệ ly hôn ở phương Tây. Sau ly hôn phụ nữ lại chịu thêm điều tiếng khắt khe theo quan niệm cũ.
Về phụ nữ nói chung cũng như về những ưu ái hay những thiệt thòi đối với họ do tạo hoá hay hoàn cảnh xã hội thì quả là còn nhiều điều phải nói và | bàn luận tới. Đó cũng chính là một trong những biểu hiện của xã hội văn minh, tiến bộ mà các quyền con người nói chung và quyền của phụ nữ nói riêng phải được bảo vệ và đề cao đúng mức.