Thực trạng thực hiện chăm sóc thay thế trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội? Việc thực hiện hoạt động chăm sóc thay thế tại các cơ sở trợ giúp xã hội?
Theo báo cáo của Unicef năm 2016 nước ta có hơn 170.000 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa với hơn 22.000 trẻ em đang được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội tuy nhiên thông tin chi tiết về tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái ở từng nhóm tuổi trong các gia đình, được nhận làm con nuôi hay được chăm sóc tập trung tại các cơ sở trợ giúp xã hội vẫn chưa đầy đủ. Theo các chuyên gia, việc nhận con nuôi đang được thực hiện trên quy mô nhỏ và cần được mở rộng từ hình thức chăm sóc tạm thời đến chăm sóc dài hạn nhằm mang lại những lợi ích tốt nhất cho trẻ. Bên cạnh đó, Cục Bảo trợ xã hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức đánh giá hiện trạng hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn trước và nghiên cứu, xây dựng dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội.
– Số lượng các cơ sở bảo trợ xã hội đã tăng nhanh với sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân tạo ra sự đa dạng các mô hình chăm sóc tại cộng đồng cho trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, đến năm 2020 cả nước đã thành lập được tổng số 425 cơ sở trợ giúp xã hội. Số cơ sở trợ giúp xã hội công lập là 191 cơ sở chiếm 45%, trong khi đó số cơ sở trợ giúp ngoài công lập là 234 cơ sở, chiếm 55% trên tổng số cơ sở trợ giúp xã hội trên cả nước. Với sự tham gia đông đảo của các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước đã góp phần không nhỏ trong việc giảm bớt gánh nặng về sự quá tải, thiếu cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng cần được bảo trợ, đặc biệt là những trẻ em cần được chăm sóc thay thế. Trong tổng số quản lý nhà nước về cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt hiện nay, toàn quốc có khoảng 146 cơ sở chăm sóc trẻ em chuyên biệt (trong tổng số 425 cơ sở trợ giúp xã hội).
– Thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội, tính đến tháng 12 năm 2020, cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 3.149.226 người, trong đó: 51.229 trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng; 1.812.372 người cao tuổi; 1.096.027 người khuyết tật và 189.598 đối tượng bảo trợ xã hội khác với tổng kinh phí hơn 18,050 nghìn tỷ đồng, bao gồm chi trợ cấp xã hội hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế.
– Tỷ lệ trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp chỉ chiếm 2% trên tổng số, vẫn còn rất thấp so với các đối tượng khác, cần phải rà soát thực tiễn để đảm bảo tất cả các trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác được hưởng trợ cấp theo quy định của nhà nước. Các chính sách bảo trợ xã hội thông thường đã góp phần đáng kể giúp ổn định cuộc sống của những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được chăm sóc thay thế. Nhà nước cũng có các chính sách tiếp tục khuyến khích việc chăm sóc tại cộng đồng.
Hầu hết các trẻ em sống trong trung tâm bảo trợ xã hội được trung tâm chăm sóc và cho đi học trường công lập. Tuy vậy, gần đây các mối lo ngại về điều kiện sống thiếu thốn, chất lượng chăm sóc không đảm bảo, thiếu quan tâm đến sự phát triển toàn diện của các em và nguy cơ cao tiếp xúc với bạo lực và xâm hại trẻ em tại các trung tâm bảo trợ ngày một tăng lên. Nguyên nhân chính là do thiếu sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương cùng với sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng dân cư trong quá trình chăm sóc thay thế cho trẻ em.
Nhằm đảm bảo quyền của trẻ em nói chung và quyền chăm sóc thay thế nói riêng thì hệ thống bảo vệ trẻ em được triển khai với mục đích cung cấp những dịch vụ bảo vệ trẻ em khi cần. Hệ thống dịch vụ ba cấp bao gồm phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp . Dịch vụ cấp phòng ngừa là dịch vụ hướng tới tất cả các trẻ em và gia đình nhằm ngăn chặn các vấn đề liên quan đến bạo lực, xâm hại tình dục, bóc lột và bỏ rơi trẻ em.
Dịch vụ hỗ trợ nhằm mục đích làm giảm nguy hại đối với những trẻ em dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ bị tổn thương thông qua việc cảnh báo nguy cơ bị lạm dụng, cung cấp thông tin bảo vệ trẻ em, tư vấn và hỗ trợ xã hội cũng như những biện pháp khác giúp cải thiện điều kiện sống của các em. Dịch vụ can thiệp hướng tới những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình của các em, giúp những em từng bị lạm dụng hoặc bóc lột có thể phục hồi thể chất, tâm lý để tái hòa nhập xã hội thông qua các biện pháp như chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý, chăm sóc thay thế tạm thời và dài hạn, tìm kiếm và đoàn tụ gia đình, giáo dục cha mẹ và tư vấn pháp lý.
Khi trẻ em được chăm sóc thay thế thì đồng nghĩa với việc trẻ em đang được bảo vệ ở cấp độ cao nhất là “can thiệp”. Dịch vụ can thiệp khẩn cấp bao gồm các dịch vụ và các hoạt động khẩn cấp cho gia đình và trẻ em có tiền sử bị lạm dụng tình dục, bóc lột, bỏ rơi bao gồm gồm việc phát hiện, điều tra và giám sát những đối tượng bị hại và cũng có thể liên quan đến sự can thiệp pháp lý cũng như việc cách ly trẻ em khỏi gia đình.
Cùng với hệ thống bảo vệ trẻ em, các chính sách của nhà nước về khuyến khích thành lập các cơ sở bảo vệ trẻ em ngoài công lập nhằm bảo vệ trẻ em tốt hơn trong tương lai đã huy động được sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước thành lập các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tư nhân có xu hướng tăng mạnh góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm quyền của trẻ em, phát hiện can thiệp kịp thời đối với các ca khẩn cấp.
Theo số liệu trình bày tại bảng số 2.1 và biểu đồ số 2.7, số cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ công lập là 125 cơ sở chiếm 29% so với cơ sở cung cấp dịch vụ ngoài công lập là 71%, tuy nhiên, số lượng trẻ em mà các cơ sở công lập đã cung cấp dịch vụ, quản lý theo dõi là 17.168 trẻ, nhiều gấp 2 lần so với cơ sở ngoài công lập. Qua đó để thấy một số vấn đề còn tồn tại là i) có sự bất cập trong việc cân đối các đối tượng cần cung cấp dịch vụ bảo vệ giữa công lập và ngoài công lập; ii) sự tin tưởng của các trẻ em cần được bảo vệ hay gia đình các trẻ đối với các cơ sở tư nhân là chưa cao dẫn tới sự chênh lệch quá lớn giữa cơ sở công và cơ sở tư; iii) sự quá tải hoạt động của các cơ sở công trong quá trình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Bên cạnh đó, từ năm 2004 Việt Nam đã thành lập Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em miễn phí với đầu số là 18001567 (nay là Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em – 111). Tổng đài thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận thông tin, tư vấn và kết nối dịch vụ qua điện thoại để trợ giúp trẻ em và gia đình trẻ em. Tổng đài đã góp phần can thiệp, trợ giúp cho nhiều đối tượng trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại, bạo lực, nhiều trẻ em đã được cách ly tạm thời ra khỏi cha mẹ, người chăm sóc trẻ và được áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế bảo đảm cho trẻ em sớm phục hồi và ổn định cuộc sống. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 394.458 cuộc gọi đến (tăng 183.226 cuộc so với cùng kỳ năm 2019), trong đó có 14.403 ca tư vấn và 407 ca hỗ trợ, can thiệp .