Tự do hiệp hội là gì? Ý nghĩa của tự do hiệp hội? Nội hàm của tự do hiệp hội trong luật nhân quyền quốc tế? Các tiêu chuẩn quốc tế về tự do hiệp hội?
1. Tự do hiệp hội là gì?
Tự do hiệp hội (hay “quyền tự do hiệp hội” – freedom of association) là một trong những quyền con người cơ bản được thừa nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc tế và hiến pháp của hầu hết quốc gia. Nội hàm cơ bản của tự do hiệp hội được đề cập trong Điều 20 UDHR, theo đó, mọi người đều có quyền hội họp hòa bình và tự do hiệp hội; không ai bị ép buộc phải tham gia vào bất cứ hiệp hội nào.
Nguyên tắc cơ bản đó của tự do hiệp hội đã tiếp tục được khẳng định trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế sau này.
Tự do hiệp hội được ghi nhận và bảo vệ trong rất nhiều văn kiện quốc tế về nhân quyền, cụ thể như sau:
– Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (UDHR 1948 – Điều 20); – Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR 1966 – Điều 22);
– Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR 1966 – Điều 8);
– Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc (ICERD 1965 – Điều 5(ix);
– Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW 1979 – Điều 7);
– Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC 1989 – Điều 15);
– Công ước quốc tế về bảo vệ các quyền của tất cả người lao động di trú và các thành viên gia đình họ (ICRMW 1990 – Điều 26)
– Công ước quốc tế về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị đưa đi mất tích (ICPPED 2006);
– Công ước về quyền của người khuyết tật (ICRPD 2006 – Điều 29);
– Tuyên ngôn về những người bảo vệ nhân quyền (Tuyên ngôn về quyền và trách nhiệm của các cá nhân, các nhóm, các tổ chức trong xã hội nhằm thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và tự do cơ bản đã được toàn thế giới công nhận, 1998 – Điều 5);
– Công ước ILO số 87 về Tự do hiệp hội và Bảo vệ quyền được tổ chức C.087, 1948 – các điều 1–11);
– Công ước ILO số 98 về Quyền tổ chức và đàm phán tập thể (C.098, 1949 – các điều 1–6);
– Công ước ILO số 135 về những đại diện của người lao động (C.135, 1971).
Ngoài ra, tự do hiệp hội còn được quy định trong những văn kiện pháp lý quan trọng của các cơ chế nhân quyền khu vực, ví dụ:
– Tuyên ngôn châu Mỹ về các quyền và nghĩa vụ của con người (1948 – Điều 22); – Công ước nhân quyền châu Mỹ (ACHR 1969 – Điều 16);
– Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền của các dân tộc (AfCHPR 1981 – Điều 10);
– Hiến chương châu Phi về quyền và phúc lợi của trẻ em (ACRWC 1990 – Điều 8);
– Công ước nhân quyền châu Âu (ECHR 1950 – Điều 11); – Hiến chương Xã hội châu Âu (ESC 1961 – Phần 1 mục 5);
– Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu (CFREU 2000 – Điều 12);
– Công ước khung về bảo vệ các nhóm thiểu số quốc gia của Hội đồng châu Âu (CFNM 1995 – Điều 7 và 8);
– Hiến chương Ả Rập về quyền con người (ACHR 2004 – Điều 24);
2. Ý nghĩa của tự do hiệp hội:
Trong luật nhân quyền quốc tế, tự do hiệp hội có ý nghĩa rất to lớn và về nhiều mặt, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tự do hiệp hội là một trong những yếu tố nền tảng cho một xã hội dân chủ
Theo luật nhân quyền quốc tế, quyền tự do trong việc liên kết thành các nhóm theo lựa chọn của cá nhân để theo đuổi các mục tiêu và quyền lợi chung của họ là đặc điểm cần thiết trong một xã hội dân chủ. Tự do hiệp hội công nhận các nguồn đa dạng về tổ chức, bao gồm các đảng phái chính trị, các NGOs, các tổ chức tôn giáo, các nghiệp đoàn và các tổ chức khác. Vai trò quan trọng của các tổ chức này trong nền dân chủ đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế. Chẳng hạn, Văn kiện Copenhagen 1990 (Văn kiện của Hội nghị Copenhagen về các chiều hướng phát triển con người của Ủy ban Hợp tác và An ninh châu Âu – OSCE), đoạn 26, đã nêu rõ, nền dân chủ mạnh mẽ phụ thuộc vào sự tồn tại, như một phần không thể thiếu trong đời sống quốc gia, của các giá trị và thực tiễn dân chủ, cũng như sự đa dạng của các thể chế dân chủ.
Theo Tòa án Nhân quyền châu Âu, tình trạng dân chủ của một quốc gia có thể được đánh giá theo cách thức mà tự do hiệp hội được bảo đảm theo luật pháp của quốc gia đó và cách thức mà chính quyền áp dụng quyền này trên thực tế. Trong khi đó, Ủy ban Venice cũng cho rằng cách thức mà pháp luật quốc gia quy định về tự do hiệp hội và việc áp dụng quyền này trên thực tế của các nhà chức trách phản ánh tình trạng dân chủ trong quốc gia đó .
Thứ hai, tự do hiệp hội là phương tiện quan trọng để thực thi các quyền con người khác
Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về quyền và trách nhiệm của các cá nhân, nhóm, tổ chức trong xã hội trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và tự do cơ bản đã được công nhận toàn cầu (hay còn gọi là Tuyên bố về những người bảo vệ nhân quyền, 1999) khẳng định: để thúc đẩy vào bảo vệ các quyền con người và tự do cơ bản, mọi người phải có tự do hiệp hội ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế.
Đó là bởi thông qua việc thành lập và hoạt động của các hội, các cá nhân có thể liên kết lại để thực hành và bảo vệ các quyền cơ bản như: quyền sống, quyền an toàn về thân thể, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do đi lại... Việc tham gia các hội nghề nghiệp cũng như các tổ chức cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, các tổ chức từ thiện góp phần thúc đẩy và thực hiện các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa ...
Việc tham gia thành lập hoặc gia nhập các tổ chức công đoàn giúp người lao động có cơ hội tốt hơn trong việc bảo vệ các quyền lao động cơ bản, chẳng hạn, quyền có việc làm chính đáng, quyền làm việc trong môi trường an toàn, cơ hội bình đẳng về phúc lợi và khả năng phát triển, cải thiện điều kiện làm việc, tiền lương, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi... Tự do hiệp hội cũng giúp các cá nhân thực hành các quyền chính trị cơ bản như quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia vào các hoạt động công. Tự do hiệp hội đặc biệt càng có ý nghĩa đối với các nhóm thiểu số về dân tộc, sắc tộc, ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo và các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người sống chung với HIV/AIDS, các nhóm LGBT, lao động nhập cư...) nhằm giúp họ chống lại sự phân biệt đối xử hoặc kỳ thị, hoặc để thực hành và bảo vệ các quyền của mình trong bối cảnh tiếng nói và vị thế bất lợi của họ dễ bị khiến cho các quyền của họ bị xâm phạm nhiều nhất.
Thứ ba, tự do hiệp hội có tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau với các quyền khác
Các quyền con người mang tính phổ quát, không thể chuyển nhượng, không thể phân chia và có tính liên hệ, phụ thuộc lẫn nhau. Do đó, tự do hiệp hội có mối quan hệ mật thiết với rất nhiều quyền, trong đó có thể kể đến: quyền tự do biểu đạt và ngôn luận, quyền tự do hội họp hòa bình, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền không bị phân biệt đối xử, quyền về tài sản, quyền có biện pháp khắc phục hiệu quả, quyền được xét xử công bằng, quyền tự do đi lại và quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu, quyền cho các thành viên công đoàn được đình công.
Trong số các quyền và tự do nêu trên, tự do hiệp hội có mối quan hệ mật thiết nhất với tự do hội họp và tự do ngôn luận. Không thể có tự do hội họp và hiệp hội nếu không có tự do ngôn luận. Ngược lại, tự do ngôn luận sẽ được đảm bảo một cách hiệu quả thông qua việc thực thi tự do hội họp và hiệp hội. Ngoài ra, theo Ủy | ban Venice, tự do hiệp hội còn gắn kết với các quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo, ngôn luận và biểu đạt. Người ta sẽ không thể bảo vệ các quyền cá nhân nếu công dân không thể tổ chức tập hợp dựa trên các nhu cầu và lợi ích chung và lên tiếng cho các vấn đề đó một cách công khai.
OSCE/ODIHR và Ủy ban Venice nhấn mạnh, tự do hiệp hội phải được ghi nhận như một công cụ để đảm bảo rằng tất cả mọi công dân có thể được thụ hưởng đầy đủ quyền tự do biểu đạt và tự do ngôn luận của mình, bất kể là họ thực hành quyền đó một cách riêng lẻ hay qua hành động tập thể. Cách tiếp cận này cũng được Tòa án nhân quyền liên châu Mỹ ủng hộ, thể hiện qua các phán quyết của tòa trong các vụ kiện liên quan đến các chính phủ quốc gia châu Mỹ, chẳng hạn vụ Garcia và các thành viên gia đình kiện Guatemala (2012).
3. Nội hàm của tự do hiệp hội trong luật nhân quyền quốc tế:
Điều 22 ICCPR tái khẳng định và cụ thể hóa quy định về tự do hiệp hội trong Điều 20 UDHR, trong đó nêu rõ: Mọi người có tự do hiệp hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình. Như vậy, có thể thấy tự do hiệp hội bao gồm hai khía cạnh chính: (i) Thành lập các hội mới, hoặc gia nhập các hội sẵn có; (ii) tự do hoạt động, điều hành hội, bao gồm việc tìm kiếm, huy động các nguồn lực để thực hiện các mục đích đã đặt ra.
3.1. Quyền thành lập và gia nhập hội:
Nội dung chủ yếu của tự do hiệp hội là quyền thành lập và gia nhập các hội, tức là quyền tự do nói chung của cá nhân trong việc liên kết với các nhóm theo lựa chọn. Các quyền này được ghi nhận trong cả hai công ước nhân quyền quốc tế quan trọng nhất là ICCPR (Điều 22) và ICESCR (Điều 8), bao gồm cả quyền thành lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của bản thân với tư cách là người lao động hoặc người sử dụng lao động. Ngoài ra, Công ước quốc tế về tự do hiệp hội và bảo vệ quyền tổ chức của Tổ chức Lao động Quốc tế 1948 (Công ước ILO 87) cũng xác định mọi người lao động và người sử dụng lao động đều có quyền thành lập và gia nhập các tổ chức do họ tự lựa chọn mà không phải xin phép trước.
Về chủ thể của quyền, Điều 22 ICCPR ghi nhận tất cả mọi người đều được hưởng tự do hiệp hội. Điều đó có nghĩa là chủ thể của quyền này không bị giới hạn công dân, mà còn bao gồm cả người nước ngoài và người không quốc tịch đang sinh sống hợp pháp ở một quốc gia . Cách hiểu này tương thích với quy định của Điều 2 ICCPR về không phân biệt đối xử và các Nghị quyết 15/21, 21/16, 24/5 của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.
Ví dụ, Nghị quyết 24/5 nhắc nhở các quốc gia về nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ các quyền của tất cả cá nhân được tụ họp ôn hòa và liên kết tự do trên mạng Internet cũng như ngoài đời thực, kể cả trong các bối cảnh bầu cử, bao gồm những người có quan điểm hoặc niềm tin thuộc nhóm thiểu số hoặc bất đồng đang tìm cách thực hành hoặc thúc đẩy các quyền đó. Các báo cáo của chuyên gia Liên Hợp Quốc nêu rõ: luật pháp của các quốc gia không nên áp đặt bất cứ giới hạn cụ thể nào đối với các cá nhân, bao gồm trẻ em, người nước ngoài, các nhóm thiểu số về ngôn ngữ hoặc sắc tộc, các cá nhân đồng giới, song giới, chuyển giới, lưỡng giới, phụ nữ trong việc thụ hưởng các quyền tự do hội họp và tự do hiệp hội . Ngoài ra, tự do hiệp hội cũng mở rộng cho chính bản thân các tổ chức hợp pháp, ví dụ, hai hội quyết định lập thành một tổ chức.
Theo luật nhân quyền quốc tế, quyền thành lập và gia nhập hội bao hàm cả quyền thành lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của người lao động (Điều 22 ICCPR, Điều 8 ICESCR). Mọi người lao động và người sử dụng lao động đều có quyền thành lập và gia nhập các tổ chức do họ tự lựa chọn mà không phải xin phép trước (Điều 2 Công ước ILO số 87 về tự do hiệp hội và bảo vệ quyền tổ chức, 1948).
Về thủ tục thành lập hội, tự do hiệp hội bảo vệ các hội một cách công bằng, không phân biệt hội có đăng ký và không đăng ký. Các cá nhân tham gia các hội không đăng ký cũng được tự do tiến hành bất cứ hoạt động hợp pháp nào, bao gồm quyền tổ chức và tham gia vào các cuộc tập hợp/tụ họp một cách ôn hòa, và không bị coi là những hành vi phạm tội theo pháp luật hình sự.
Theo luật nhân quyền quốc tế, việc các chính phủ đòi hỏi một số loại thủ tục đăng ký nhất định để thành lập một hội có tư cách pháp nhân là chấp nhận được, nhưng quan trọng là các nhân viên nhà nước phải hành động một cách thiện chí, nhanh chóng kịp thời và không phân biệt đối xử. Về vấn đề này, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc cho rằng, các thủ tục đăng ký thành lập hội phải đơn giản, không quan tư pháp để xem xét hành động của một cơ quan nhà nước mà từ chối cho phép phiền hà, và thậm chí là miễn phí. Một số ví dụ tốt về thủ tục đăng ký lập hội có thể kế đến như Bulgary (không mất phí), Nhật Bản (thủ tục nhanh chóng, nộp qua mạng Internet). Chuyên gia LHQ cũng đề xuất việc đăng ký không nên được xem là hoạt động xin cấp phép, nói cách khác, nên áp dụng “thủ tục thông báo” hơn là “thủ tục cho phép trước” để thành lập một tổ chức .
Với thủ tục thông báo, các hội sẽ tự động được trao tư cách pháp nhân khi nhà chức trách nhận được thông báo từ các sáng lập viên về việc hội đó đã được thành lập. Tuy nhiên, việc thông báo không phải là điều kiện bắt buộc cho sự tồn tại của một hội . Nói cách khác, những hội không đăng ký hoặc thông báo thì vẫn có quyền hoạt động, chỉ có điều là không có tư cách pháp nhân. Việc thông báo là để các cơ quan thống kê có thông tin về hội. Hệ thống thông báo này được áp dụng nhiều quốc gia như Djibouti, Maroc, Bồ Đào Nha, Senegal, Thụy Sĩ, Uruguay... Ngoài ra, khi có luật mới được thông qua thì không nên yêu cầu các hội đã đăng ký trước đó phải đăng ký lại .
Các thủ tục đăng ký hoặc thông báo đều cần phải thực hiện nhanh chóng. Pháp luật cần đặt ra giới hạn thời gian ngắn cho việc phúc đáp hồ sơ đăng ký, buộc các cơ quan phụ trách việc đăng ký phải hành động, không thể trì hoãn việc đăng ký hội vô thời hạn hoặc từ chối không nêu lý do. Trong thời gian này, các hội được giả định là sẽ được hoạt động hợp pháp trừ phi có chứng minh điều ngược lại. Việc không đưa ra phúc đáp trong một giới hạn thời gian ngắn đã được quy định đồng nghĩa với giả định rằng hội đang hoạt động hợp pháp . Quyết định từ chối việc đăng ký cần phải có nêu rõ lý do và thông báo rõ bằng văn bản. Các hội bị từ chốiđơn có thể khiếu nại, khiếu kiện trước một tòa án độc lập, không thiên vị. Ủy ban về tự do hiệp hội của ILO cho rằng việc không thể đưa ra trước cơ thành lập một công đoàn là vi phạm các nguyên tắc tự do hiệp hội .
Theo Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, các quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ đầy đủ quyền hiệp hội cả trong đời sống thực cũng như trên mạng trực tuyến (Nghị quyết 24/5). Mạng Internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội, các công nghệ thông tin và truyền thông khác là những công cụ quan trọng hỗ trợ tự do hiệp hội trong đời sống thực, và mọi người đều có quyền liên kết trong các không gian ảo, tập hợp trong môi trường mạng trực tuyến để bày tỏ ý kiến của mình (Nghị quyết 21/16). Tất cả các quốc gia cần đảm bảo việc tiếp cận Internet được duy trì mọi lúc, kể cả khi có bất ổn chính trị. Mọi ý định chặn nội dung trực tuyến cần phải được tiến hành bởi cơ quan tư pháp có thẩm quyền, hoặc một cơ quan độc lập với bất cứ ảnh hưởng chính trị, thương mại nào hoặc các ảnh hưởng không thích đáng nào khác .
Đồng thời với việc thành lập, cá nhân có quyền gia nhập và rút lui khỏi các hội. Tương tự, các hội có quyền ngừng hoạt động và tự giải tán. Tuy nhiên, việc cơ quan nhà nước đình chỉ hoạt động hoặc giải tán hội cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của luật.
3.2. Quyền hoạt động tự do và được bảo vệ khỏi sự can thiệp phi lý:
Quyền hoạt động tự do của các hội tương ứng với nghĩa vụ của các nhà nước trong việc tôn trọng, thực thi và bảo vệ tự do hiệp hội. Luật nhân quyền quốc tế đòi hỏi các nhà nước có nghĩa vụ thực thi các biện pháp chủ động và thụ động nhằm đảm bảo các quyền tự do căn bản, trong đó có tự do hiệp hội.
Theo Điều 17 ICCPR, các nhà nước có nghĩa vụ kiềm chế, không can thiệp vào công việc nội bộ của hội và tôn trọng quyền riêng tư của hội. Cụ thể, các nhà chức trách không được đặt điều kiện cho các quyết định và những hoạt động của hội; đảo ngược kết quả bầu cử thành viên ban lãnh đạo; đặt điều kiện trong ban lãnh đạo của hội phải có sự hiện diện của đại diện chính phủ; yêu cầu các hội nộp báo cáo (kiểm duyệt) trước khi xuất bản; hoặc yêu cầu nộp kế hoạch hoạt động để thông qua trước. Các cơ quan độc lập có quyền xem xét các báo cáo của hội như là một cơ chế đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhưng một thủ tục như vậy không được tùy tiện và phải tôn trọng nguyên tắc không phân biệt đối xử và quyền riêng tư .
Luật nhân quyền quốc tế cũng ấn định nghĩa vụ của Nhà nước trong việc thúc đẩy tự do hiệp hội thông qua việc tiến hành các biện pháp tích cực để thiết lập và duy trì môi trường thuận lợi cho hoạt động của các hội. Thành viên của hội cần phải được thực hành tự do hiệp hội của họ mà không sợ rằng họ có thể bị đe dọa, bị bạo lực, bao gồm việc quấy rối, xử tử vắn tắt hoặc tùy tiện, bắt giữ hoặc giam giữ tùy tiện, tra tấn, các chiến dịch truyền thông bôi nhọ, hoặc cấm đi lại. Các quốc gia cũng có nghĩa vụ không cản trở trái pháp luật việc thực hành tự do hiệp hội. Thành viên các hội cần phải được tự do xác định điều lệ, cơ cấu tổ chức, hoạt động của hội và đưa ra các quyết định mà không có sự can thiệp của nhà nước. Bên cạnh những quyền khác, các hội cần được hưởng quyền thể hiện chính kiến, truyền bá thông tin, lôi kéo sự tham gia của công chúng, vận động các chính phủ và các cơ quan quốc tế về nhân quyền .
Nghĩa vụ nêu trên đòi hỏi các nhà nước phải tạo điều kiện cho các hội tiếp cận các nguồn lực để duy trì hoạt động và phát triển. Khả năng các hội có thể tìm kiếm, tiếp cận và sử dụng các nguồn lực trong nước, ngoài nước và quốc tế là một phần quan trọng và không thể tách rời của tự do hiệp hội . Thuật ngữ “các nguồn lực” dùng để chỉ các nguồn tài chính được chuyển giao, các đóng góp phi tài chính, các nguồn lực vật chất, nguồn nhân lực, vv... . Việc tiếp nhận nguồn tài chính trong và ngoài nước không nên bị yêu cầu phải được nhà chức trách cấp phép. Các hội có đăng ký và không đăng ký đều cần có quyền tự do tìm kiếm và đảm bảo nguồn tài chính và các nguồn lực từ các chủ thể trong nước, ngoài nước và quốc tế.
3.3. Giới hạn chính đáng đối với tự do hiệp hội:
Theo luật nhân quyền quốc tế, tự do hiệp hội không phải là một quyền tuyệt đối, tương tự như đối với một số quyền chính trị khác như tự do ngôn luận, tự do hội họp hòa bình. Các quốc gia có thể đưa ra những hạn chế trong việc thực hiện quyền này dựa trên những quy định của luật quốc tế. Điều 29 UDHR và Điều 22 ICCPR quy định việc thực hiện tự do hiệp hội không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và sự hạn chế đó là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng, hay các quyền và tự do của người khác.
Mặc dù tự do hiệp hội thuộc về mọi cá nhân, không phân biệt tuổi tác, quốc tịch, nơi cư trú..., ICCPR cho phép giới hạn quyền này đối với những người làm việc trong các lực lượng vũ trang và cảnh sát. Theo đó, các quốc gia có thể đặt ra những hạn chế hợp pháp về quyền này đối với những người thuộc các lực lượng vũ trang và cảnh sát (Khoản 2 Điều 22 ICCPR).
Lý do của những hạn chế đó là bởi các lực lượng này đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng và an ninh, duy trì trật tự xã hội, do đó họ cần có sự trung lập, không nên bị lôi cuốn vào các xung đột mang tính phe nhóm hoặc bị chi phối bởi các quan điểm chính trị do tham gia vào các hội, bao gồm cả các đảng chính trị (theo quy định luật nhân quyền quốc tế); ngoài ra, quân nhân tại ngũ tham gia các hội nhóm nghề nghiệp không tương hợp với các nguyên tắc về kỷ luật quân đội (đây là lý do mà một số quốc gia hạn chế cả quyền bầu cử, ứng cử của thành viên lực lượng vũ trang). Sự hạn chế này được coi là phỏng theo khoản 2 Điều 11 Công ước Nhân quyền châu Âu 1950.
Nghị quyết 15/21 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tái xác định nội dung của điều 21 và 22 ICCPR về việc quyền tự do hội họp hòa bình và tự do hiệp hội không phải là các quyền tuyệt đối, đồng thời khẳng định rõ các quyền này “có thể phải chịu những giới hạn được luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ vì lợi ích của an ninh quốc gia hoặc an toàn, trật tự công cộng, bảo vệ sức khỏe và đạo đức công cộng, hoặc bảo vệ các quyền và tự do của người khác.”
Để hạn chế sự lạm dụng tùy tiện của các quốc gia trong việc viện dẫn những lý do nhằm hạn chế tự do hiệp hội, Liên Hợp Quốc và các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã thông qua một số văn kiện để xác định nội hàm của các khái niệm được coi là lý do để đặt ra giới hạn chính đáng đối với tự do hiệp hội. Cụ thể, Đoạn 29 của Các nguyên tắc Siracusa về Giới hạn và đình chỉ các điều khoản trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1984 xác định: chỉ có thể viện dẫn lý do “an ninh quốc gia” để giới hạn một số quyền khi điều đó là cần thiết để bảo vệ sự tồn tại của quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc sự độc lập chính trị của quốc gia trước việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực từ bên ngoài.”
Nguyên tắc 2 của Các nguyên tắc Johannesburg về An ninh quốc gia, tự do biểu đạt và tiếp cận thông tin 1995 khẳng định: “hạn chế được biện minh với lý do an ninh quốc gia là không chính đáng nếu mục đích thực chất hoặc hiệu quả có thể thấy được là để bảo vệ lợi ích không liên quan đến an ninh quốc gia, bao gồm, ví dụ, để bảo vệ một chính phủ khỏi xấu hổ hay khỏi phải phô bày những hành động sai trái”. .
Báo cáo của Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp quốc về tự do hội họp và tự do hiệp hội (A/HRC/23/39) tháng 5/2014 về quyền của các tổ chức xã hội trong việc tìm kiếm, tiếp nhận và sử dụng các nguồn nhân lực, vật lực và tài chính cho thấy các chính phủ sử dụng kênh tài chính để làm rào cản hạn chế tự do hiệp hội của các tổ chức này.
Báo cáo ghi nhận vai trò và thành tựu to lớn của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ các quyền dân sự, chính trị, trong đó có tự do hội họp và hiệp hội; đồng thời kêu gọi các chính phủ có biện pháp tích cực để tạo điều kiện cho sự phát triển của các tổ chức xã hội. Xu hướng tăng cường kiểm duyệt, siết chặt hoạt động của các tổ chức xã hội ở tất cả các châu lục là cảm nhận chung của cộng đồng quốc tế. Đây là mối đe dọa hiện hữu đối với việc thực thi và bảo đảm các quyền về tự do hiệp hội và hội họp hòa bình của người dân.
Quy định về việc chống áp dụng các hạn chế quyền một cách tùy tiện còn thể hiện ở chỗ các chính phủ không thể biện minh bằng việc lấy lý do “vì những mục đích hợp pháp khác”. Chẳng hạn, theo luật nhân quyền quốc tế, việc chống tội phạm và bản thân việc chống tội phạm không phải là lý do hợp pháp để hạn chế tự do hiệp hội. Ví dụ, việc chống gian lận, biển thủ công quỹ, rửa tiền và các tội phạm khác là mối quan tâm hợp pháp của nhà nước, những việc đơn thuần theo đuổi mối quan tâm hợp pháp không phải là lý do phù hợp để hạn chế tự do hiệp hội. Các giới hạn áp đặt với quyền này phải được quy định rõ trong luật và chứng minh được “là sự cần thiết” trong một xã hội dân chủ. Các giới hạn phải có mức độ tương xứng đối với lợi ích cần được bảo vệ (Điều 12 ICCPR) và cần phải là cách thức can thiệp tối thiểu để đạt được mục tiêu mong muốn là bảo vệ lợi ích đó .
Theo luật nhân quyền quốc tế, các nhà nước không được thiết lập các giới hạn đặc biệt cho tự do hiệp hội trong giai đoạn bầu cử, bởi đây là thời điểm đặc biệt trong đời sống chính trị quốc gia, gắn liền với việc thực thi (để khẳng định, thậm chí tăng cường, các nguyên tắc dân chủ. Trong thời gian diễn ra bầu cử, các điều kiện đặt ra với việc hạn chế quyền cần quy định chặt chẽ hơn, ở mức độ cao hơn so với bối cảnh bình thường . Các cuộc bầu cử đích thực có thể không đạt được nếu tự do hiệp hội bị hạn chế. Tất cả các hội đều có quyền tự do tham gia các hoạt động liên quan tới tiến trình bầu cử, dù họ có ủng hộ chính phủ hay không .
Về việc đình chỉ hoạt động của hội, các hội không thể bị đình chỉ hoặc giải thể chỉ vì không hoàn thành nghĩa vụ báo cáo hoặc vì một vi phạm pháp luật nhỏ. Nếu không hoàn thành nghĩa vụ báo cáo thì vi phạm nhỏ đó không thể dẫn đến việc đóng cửa hoặc truy tố hình sự đại diện của hội; thay vào đó, các hội nên được yêu cầu nhanh chóng khắc phục thiếu sót trong hoạt động. Việc đình chỉ hoặc buộc giải thể chỉ nên thực hiện hội có những vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc gia, tạo ra mối nguy hiểm rõ ràng, sắp xảy ra, với những lợi ích được bảo vệ phù hợp với quy định của luật nhân quyền quốc tế. Những biện pháp quyết liệt như vậy cần có sự phù hợp tương xứng với mục đích hợp pháp, chỉ được sử dụng khi các biện pháp nhẹ nhàng hơn sẽ không có hiệu quả , và chỉ có thể được thực hiện bởi các tòa án độc lập và không thiên vị .
Ở cấp độ khu vực, trong phán quyết ngày 13/02/2003 về vụ Đảng Phồn vinh Refah Partisi và những người khác kiện Thổ Nhĩ Kỳ, Tòa án Nhân quyền châu Âu khẳng định: khả năng hạn chế tự do hiệp hội từ phía nhà chức trách chỉ là hãn hữu. Theo đó, việc từ chối đăng ký hay giải tán một đảng chính trị là “ngoại lệ của nguyên tắc tự do hiệp hội”, chỉ được áp dụng một cách đích xác vì lý do kích động bạo lực, hằn thù, hay phủ nhận các nguyên tắc căn bản của xã hội dân chủ.
Chẳng hạn, Tòa án nhân quyền châu Âu cho rằng từ chối việc đăng ký một đảng chính trị chỉ dựa duy nhất vào chương trình hành động của đảng này bị xem là “bất cân xứng” (Phán quyết ngày 09/4/2002 trong vụ Yasas, Karatas, Aksoy và Đảng Lao động của Nhân dân kiện Thổ Nhĩ Kỳ); và việc giải tán một đảng phái ủng hộ khủng bố đã được chấp nhận với lý do giữ gìn và bảo vệ các nguyên tắc của một xã hội dân chủ (Phán quyết ngày 30/6/2009 trong vụ Herri Batasuna và Batasuna kiện Tây Ban Nha) .