Tư vấn hợp đồng học nghề là gì? Đặc điểm của tư vấn hợp đồng học nghề? Các bước tư vấn hợp đồng học nghề? Các lưu ý trong việc tư vấn hợp đồng học nghề?
1. Tư vấn hợp đồng học nghề là gì?
Khái niệm tư vấn hợp đồng học nghề: Như chúng ta đã biết, bất cứ một quan hệ xã hội nào, quan hệ học nghề cũng có sự thống nhất và xung đột về lợi ích giữa các chủ thể trong quan hệ, xung đột lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động, người sử dụng lao động thì muốn người lao động mang lại thật nhiều sản phẩm có chất lượng để tạo ra lợi nhuận, còn người lao động thì muốn người sử dụng lao động trả cho thù lao cao để cải thiện cuộc sống, thêm nữa với sự khó khăn về tìm hiểu pháp luật, thông tin thị trường và đào tạo, nhận thức... nên nhu cầu tư vấn về hợp đồng học nghề là nhu cầu không chỉ riêng có của bên nào trong quan hệ xã hội.
Cũng như các lĩnh vực tư vấn hợp đồng khác, tư vấn hợp đồng học nghề có thể là sự giải đáp pháp | luật liên quan đến việc học nghề... Dựa trên cơ sở nhu cầu của người cần tư vấn, người tư vấn đưa ra các lời khuyên, đề nghị, phương án...Với những căn cứ pháp lý theo quy định và sự lý giải, phân tích cần thiết theo nhu cầu của người cần tư vấn trong sự tương thích với điều kiện, khả năng của phía bên kia để người tư vấn quyết định lựa chọn phương án cho phù hợp.
Hiện nay, quy định pháp luật liên quan đến học nghề là cơ sở pháp lý cho việc tư vấn hợp đồng học nghề, được quy định nhiều ở các văn bản pháp luật khác nhau. Thông qua các văn bản đó, người tư vấn phải chắc chắn một điều là mình đã hiểu rõ, hiểu đầy đủ và hiểu đúng các văn bản quy định của pháp luật có liên quan đến hợp đồng học nghề để tiến hành tư vấn như: điều kiện về chủ thể, hình thức, nội dung của hợp đồng học nghề; các trường hợp chấm dứt hợp đồng học nghề và hậu quả pháp lý, nếu như có tranh chấp xảy ra...Chỉ có như vậy, khách hàng mới có thể tin tưởng đến hiệu quả hoạt động, lợi ích mang lại của người tư vấn.
Từ những phân tích trên có thể đưa ra khái niệm về tư vấn hợp đồng học nghề như sau: “Tư vấn hợp đồng học nghề là hoạt động giải đáp pháp
luật, cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm đưa ra hướng ứng xử thích hợp liên quan đến hợp đồng học nghề trên cơ sở quy định của pháp luật”.
2. Đặc điểm của tư vấn hợp đồng học nghề:
Ngoài những đặc điểm nói chung của tư vấn hợp đồng trong lĩnh vực lao động, tư vấn hợp đồng học nghề có một số đặc trưng sau:
Thứ nhất, đặc điểm về chủ thể có nhu cầu tư vấn khách hàng
Đối với hợp đồng học nghề thì tham gia quan hệ học nghề có rất nhiều chủ thể với những điều kiện khác nhau: Đó có thể là tổ chức doanh nghiệp, cá nhân...trong nước hoặc ngoài nước; Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề để làm việc cho mình thì người học nghề phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu của nghề, trừ một số nghề do Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội quy định; Chính vì vậy, nhà tư vấn cần chú ý đến các điều kiện về chủ thể có nhu cầu tư vấn, đặt biệt là yếu tố đại diện và giám hộ của các chủ thể trong quan hệ tư vấn hợp đồng học nghề, hiện nay không có một văn bản pháp luật nào quy định trực tiếp về vấn đề này. Tuy nhiên, cần lưu ý theo quy định của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, khi tư vấn cho người lao động, các trung tâm tư vấn pháp luật của công đoàn không thu phí của người lao động khi họ có nhu cầu tư vấn nói chung và hợp đồng học nghề nói riêng.
Thứ hai, tính đa dạng về yêu cầu và nội dung tư vấn
Hoạt động học nghề trong thị trường khác với hoạt động giáo dục nói chung đó là học bao giờ cũng gắn liền với thực hành. Tuy nhiên, do tính chất phong phú về chủ thể tham gia và nhu cầu khác nhau của thị trường mà ngay trong quan hệ học nghề cũng tồn tại nhiều loại hình với các trình độ khác nhau: Cơ sở đào tạo có thể của nhà nước, tư nhân, nước ngoài hoặc doanh nghiệp tự đào tạo để sử dụng: trình độ nghề: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, hình thức dạy nghề chính quy (thường được các trung tâm, trường dạy nghề tổ
chức), dạy nghề thường xuyên (thường xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và do doanh nghiệp tổ chức). Đặc biệt là mục đích dạy – học nghề cũng không giống nhau: có thể chỉ như một hoạt động đào tạo gắn với kinh doanh nhằm đáp ứng các nhu cầu của thị trường hoặc cũng có thể chỉ nhằm phục vụ cho nhu cầu của một chủ thể cụ thể; hoặc không chỉ tồn tại mối quan hệ dạy và học nhề thuần túy mà còn gắn liền với vấn đề giải quyết việc làm cho người học nghề...từ đó dẫn đến sự khác biệt nhất định về quyền và nghĩa vụ chủ thể trong mối quan hệ dạy– học nghề cụ thể.
Do vậy, trong tư vấn hợp đồng học nghề cần chú ý đến yêu cầu, mong muốn của người cần tư vấn để đưa ra lời khuyên, gợi ý, chỉ dẫn cho họ lựa chọn quan hệ phù hợp với ý chí và lý trí của họ trên cơ sở quy định pháp luật.
Thứ ba, tư vấn hợp đồng học nghề trong mối liên hệ kế thừa với tư vấn quan hệ lao động
Về bản chất hợp đồng học nghề là hợp đồng song vụ, song không phải hợp đồng học nghề kết thúc sẽ làm chấm dứt hoàn toàn mối liên hệ và quyền, nghĩa vụ pháp lý các bên mà trong nhiều trường hợp việc kết thúc của hợp đồng học nghề là sự tiếp nối của quan hệ lao động và các cam kết trong hợp đồng lại trở thành nghĩa vụ pháp lý của các bên trong quan hệ lao động, mặc dù hợp đồng đã hoàn thành (chẳng hạn: cam kết thời gian làm việc sau đào tạo và nghĩa vụ bồi thường). Hoặc quan hệ học nghề, đào tạo hoàn toàn xuất hiện cùng với sự tồn tại của quan hệ lao động (người lao động đang làm việc được người sử dụng lao động cho đào tạo, học tập bổ túc nghề, nâng cao trình độ với những cam kết về trách nhiệm làm việc). Chính vì vậy, khi tư vấn hợp đồng học nghề mà trong đó có mối liên quan đến quan hệ lao động, nhà tư vấn cần chú ý: Các giải pháp, phương án của hợp đồng cần đặt trong mối liên hệ chặt chẽ về quyền, lợi ích, nghĩa vụ của người cần tư vấn với quan hệ lao động hiện tại hoặc tương lai. Nói cách khác, tư vấn hợp đồng học nghề với tư vấn quan hệ lao động (hợp đồng lao động) luôn có mối quan hệ chặt chẽ mang tính kế thừa.
3. Các bước tư vấn hợp đồng học nghề:
Một là, gặp gỡ, tìm hiểu yêu cầu của khách hàng: Tư vấn viên pháp luật nói chung và người tư vấn pháp luật trong lĩnh vực lao động nói riêng là những cụ thể có những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật, hoạt động tư vấn vì họ mang tính chuyên môn, nghề nghiệp. Do đó, khách hàng là nguồn sống, là đối tác, là bạn của nhà tư vấn. Người làm tư vấn chuyên nghiệp phải có nhiều khách hàng, điều đó chỉ có được bằng năng lực, uy tín và niềm tin. Trong hoạt động tư vấn, khách hàng là người tìm đến và có quyền lựa chọn người tư vấn cũng có quyền lựa chọn khác hàng. Điều đó cho thấy việc gặp gỡ, tiếp xúc, tìm hiểu khách hàng là bước đầu tiên và có ý nghĩa quyết định cho toàn bộ hoạt động tư vấn tiếp theo. Do đó, tiếp xúc khách hàng là một hoạt động mang tính kỹ năng của người tư vấn.
Ví dụ 1: Một doanh nghiệp A. khi sử dụng lao động phải thường xuyên đào tạo và họ muốn người lao động cam kết làm việc không xác định thời hạn cho doanh nghiệp, các khoản bồi thường phải bao gồm cả chi phí cơ hội...Hoặc người lao động tham gia học nghề cam kết làm việc nhưng lại đưa ra các yêu cầu về tiền lương, về việc cam kết ký hợp đồng lao động sau khi đào tạo từ người sử dụng lao động, về điều kiện thăng tiến...
Trên cơ sở yêu cầu nói trên, khi gặp trường hợp mà doanh nghiệp yêu cầu như thế thì người tư vấn cần đánh giá, tìm hiểu thêm thông tin từ phía bên kia, đặc thù nghề nghiệp, quy định pháp luật...Vì thế, không thể ngay trong thời điểm tiếp xúc ban đầu lại có những ý kiến mang tính kết luận pháp lý.
Tóm lại, giai đoạn gặp gỡ, tìm hiểu yêu cầu khách hàng người ta tư vấn không đưa ra các ý kiến mang tính kết luận với yêu cầu của khách hàng. Nhưng cũng nên lưu ý trong giai đoạn này thì người tư vấn bằng thái độ, sự hiểu biết pháp luật tạo niềm tin nội tâm cho khách hàng về những yêu cầu pháp lý của mình sẽ được tư vấn một cách hiệu quả nhất trên cơ sở quy định của pháp luật...
Hai là, thỏa thuận hợp đồng dịch vụ pháp lý: Hợp đồng dịch vụ pháp lý là cơ sở pháp lý để thực hiện hoạt động tư vấn Nội dung của hợp đồng dịch vụ pháp lý trong tư vấn hợp đồng học nghề về cơ bản là theo quy định của Bộ luật dân sự về hợp đồng dịch vụ dân sự. Tuy nhiên, do đặc thù của quan hệ pháp luật tư vấn nên cần lưu ý về thời hạn hoàn thành và phí tư vấn.
Về thời hạn hoàn thành của hợp đồng dịch vụ pháp lý phụ thuộc vào tính phức tạp của vụ việc và yêu cầu của khách hàng là tư vấn một giai đoạn hay tất cả những vấn đề liên quan đến hợp đồng học nghề.
Về phí tư vấn, hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về cách tính phí tư vấn pháp luật nói chung. Tuy nhiên, như trên đã trình bày, việc tính phí tư vấn nói chung và tư vấn hợp đồng học nghề nói riêng được quy định và áp dụng trong thực tế phụ thuộc vào chủ thể tư vấn (là doanh nghiệp hay tổ chức sự nghiệp, tổ chức chính trị– xã hội) và người có nhu cầu tư vấn (là người lao động hay doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức…)
Ba là, xác định vấn đề pháp lý và nguồn luật áp dụng:Trên cơ sở thông tin, tài liệu do khách hàng cung cấp, thông qua việc nghiên cứu, xem xét khách quan vụ việc và đánh giá yêu cầu của khách hàng người tư vấn cần xác định vấn đề pháp lý phải giải quyết một cách độc lập và khách quan, không lệ thuộc vào nhu cầu và ý chí chủ quan của khách hàng. Có thể coi đây là bước xây dựng hồ sơ tư vấn cho khách hàng. Nhìn chung các yêu cầu của khách hàng về học nghề thường là khá rõ ràng và cụ thể, vì vậy việc suy luận pháp | lý phức tạp trong lĩnh vực tư vấn này thường ít xảy ra.
Đối với tư vấn hợp đồng học nghề, vấn đề pháp lý chủ yếu cần xác định thường là quyền và nghĩa vụ của các bên như: Thời gian đào tạo, chi phí đào tạo, cam kết thời hạn làm việc, vấn đề bồi thường.
Khi xác định vấn đề pháp lý của vụ việc, cần đánh giá một cách toàn diện, khách quan, đúng pháp luật nhưng phải đảm bảo thỏa mãn cao nhất nhu cầu của khách hàng. Muốn vậy, người tư vấn ngoài kiến thức pháp luật còn cần có kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn, vì vậy cũng không nên ngần ngại, tự ty khi chia sẽ hiểu biết cũng như tham khảo kinh nghiệm của những người khác.
Ví dụ 2: Khi tư vấn hợp đồng học nghề, doanh nghiệp đưa ra yêu cầu tư vấn là: Doanh nghiệp sẽ đào tạo người lao động liên tục trong quá trình sử dụng lao động nhưng người lao động phải cam kết làm việc lâu dài (ít nhất là 10 năm) nếu không phải bồi thường chi phí đào tạo và thêm khoản tiền chi phí cơ hội (tương đương kinh phí đào tạo). Ngoài ra, để đảm bảo thực cam kết đào tạo, người lao động phải đưa văn bằng, chứng chỉ chuyên môn (bản chính) cho người sử dụng lao động quản lý.[44]
Với tình huống trên đây việc xác định vấn đề pháp lý sẽ bao gồm rất nhiều nội dung: Đánh giá tính pháp lý của yêu cầu, ý chí của người lao động, các quan hệ pháp luật xảy ra...
Trên cơ sở vấn đề pháp lý đã được xác định, người tư vấn xác định nguồn luật áp dụng. Cần lưu ý nguồn luật được sử dụng ở đây là các văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh về học nghề và các văn bản có liên quan (chẳng hạn: giải quyết tranh chấp lao động). Ngoài ra, các văn bản nội bộ như thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác của doanh nghiệp trong đó có nội dung liên quan đến lĩnh vực tư vấn cũng là những căn cứ pháp lý cần chú ý.
Như vậy, việc xác định vấn đề pháp lý tư vấn và nguồn luật áp dụng là kết quả của việc nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ việc một cách khách quan, khoa học, trách nhiệm và độc lập. Trên cơ sở đó, người tư vấn hình thành lên các phương án nhằm phúc đáp một cách hiệu quả nhất mong muốn của khách hàng.
Bốn là, đề xuất giải pháp tư vấn và phương án thực hiện: Giải pháp tư vấn và phương án thực hiện là sản phẩm, kết quả cuối cùng của hoạt động tư vấn, nó phụ thuộc hoàn toàn vào yêu cầu của khách hàng, quy định pháp luật và kỹ năng, kinh nghiệm của người tư vấn. Tùy từng vụ việc cụ thể, mong muốn của khách hàng mà người tư vấn xây dựng một hoặc nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề– chẳng hạn như ví dụ ở tình huống 2 nói trên thì người tự vấn có thể đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện yêu cầu của khách hàng. Người tư vấn cần đưa ra ý kiến phân tích với mỗi giải pháp và phương án thực hiện về những thuận lợi, khó khăn cho khách hàng lựa chọn. Người tư vấn có thể đưa ra lời khuyên cho sự lựa chọn nhưng không được áp đặt, quyền lựa chọn cuối cùng là thuộc về khách hàng nhưng người tư vấn phải chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.
Giải pháp tư vấn thường được thể hiện bằng văn bản, vì vậy cần lưu ý về cả hình thức về nội dung, tâm sinh lý... Rõ ràng nếu khách hàng là doanh nghiệp thì vấn đề họ quan tâm là tính chuyên nghiệp của văn bản tư vấn, việc hiểu nhằm về nội dung pháp lý trong văn bản tư vấn với họ ít xảy ra. Song với người lao động thì người tư vấn cần chú ý tuy từng đối tượng cụ thể mà cần có sự hướng dẫn, giải thích cặn kẽ nội dung tư vấn để tránh những nhằm lẫn đáng tiếc có thể xảy ra. Nhìn chung văn bản tư vấn cần ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu nhưng phải mang tính chuyên nghiệp.