Tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức? Pháp luật lao động Việt Nam về xóa bỏ lao động cưỡng bức? Xóa bỏ lao động cưỡng bức theo 02 Hiệp định CPTPP và EVFTA?
1. Tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức:
Đối với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản khác của ILO thường sẽ có điều khoản linh hoạt hoặc cho phép các nước thành viên đặt ra các lộ trình để thực hiện chuẩn hóa tiêu chuẩn thì với tiêu chuẩn xóa bỏ lao động cưỡng bức, ILO hay Công ước cơ bản của ILO không cho phép điều khoản linh hoạt. Mọi nước thành viên phải cam kết xóa bỏ ngay và toàn bộ lao động cưỡng bức và cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của loại lao động đó.
Ngay tại Điều 1, Công ước số 105 đã khẳng định: “Mọi nước thành viên của ILO cam kết bãi bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, và cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của loại lao động đó”.
Khái niệm “lao động cưỡng bức” được định nghĩa lần đầu tiên trong Công ước số 29 của ILO. Theo đó, lao động cưỡng bức được hiểu là: “Mọi công việc hoặc dịch vụ mà một người bị ép buộc phải làm dưới sự đe dọa của một hình phạt nào đó và bản thân người đó không tự nguyện làm” .
Từ khái niệm trên có thể thấy, đặc điểm của lao động cưỡng bức là phải có hành vi bạo lực hoặc bằng những biện pháp tinh vi hơn như thao túng khoản nợ, giữ giấy tờ nhân thân hoặc đe dọa tố cáo với các cơ quan quản lý di trú khi ép buộc ai đó làm việc; và người làm việc không tự nguyện làm việc.
Tuy nhiên, không phải mọi hành vi ép buộc ai đó làm việc đều bị coi là lao động cưỡng bức. Công ước số 29 đã đưa ra một số ngoại lệ. Theo đó, lao động cưỡng bức không bao gồm những hành vi như: Bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự thuần túy hay nghĩa vụ công dân; buộc phải làm sao có quyết định của tòa án hoặc trong những trường hợp khẩn cấp có chiến tranh, thiên tai, hỏa hoạn, ... hoặc những công việc của và vì lợi ích trực tiếp của cộng đồng .
Ngoài ra, Công ước số 105 đã bổ sung vào khái niệm lao động cưỡng bức một số ngoại lệ mới, là những biện pháp được áp dụng thuộc một trong các trường hợp khi phải xử lý đối với người lao động có hành vi chống đối lại thể chế chính trị, xã hội hoặc kinh tế đã được thiết lập; khi cần phải huy động và sử dụng nhân công vào mục đích phát triển kinh tế; khi xử lý vi phạm kỷ luật lao động hay xử lý đối với hành vi đình công; hoặc thực hiện biện pháp phân biệt đối xử về chủng tộc, xã hội, dân tộc hoặc tôn giáo .
Lao động cưỡng bức xảy ra khi người lao động bị lừa gạt và mắc bẫy trong chính công việc của mình mà không thể thoát ra được. Với việc sử dụng những hành vi bạo lực để ép buộc người khác làm việc, lao động cưỡng bức đại diện cho một hình thức bóc lột lao động hình sự, tước đi quyền tự do của người lao động.
Hậu quả nặng nề của lao động cưỡng bức là làm tổn hại nhân phẩm con người, ngăn cản người lao động quyền được tự do ý chí tìm kiếm sự đầy đủ về vật chất và phát triển tinh thần. Bên cạnh đó, lao động cưỡng bức cũng làm phương hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Những doanh nghiệp thu lợi nhuận bất hợp pháp thông qua việc sử dụng lao động cưỡng bức đã tiếp tay tạo ra một sự cạnh tranh không lành mạnh, gây nên bất công cho những doanh nghiệp tuân thủ tốt. Theo số liệu ước tính của ILO, tính đến tháng 6/2020, trên thế giới có tới 24,9 triệu nạn nhân của lao động cưỡng bức . Do đó, việc xóa bỏ lao động cưỡng bức là vô cùng khẩn thiết.
Đây cũng là lý do mà các nước thành viên từ Hiệp định TPP cho đến Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA đều nhất trí thông qua mục tiêu loại trừ mọi hình thức lao động cưỡng bức là một trong bốn tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản mà tất cả nước thành viên phải cam kết.
Để nhận diện hình thái của lao động cưỡng bức, trong khuôn khổ Chương trình Hành động đặc biệt phòng chống lao động cưỡng bức, ILO đã đưa ra 11 dấu hiệu nhận diện lao động cưỡng bức trong thực tế :
Dấu hiệu 1: Lạm dụng tình trạng khó khăn của người lao động:
Những người hạn chế về ngoại ngữ, kiến thức luật pháp, có ít lựa chọn trong việc mưu sinh, là người dân tộc hoặc tôn giáo thiểu số, bị khuyết tật hoặc có những đặc tính khác dễ bị cô lập khỏi cộng đồng đều là dễ trở thành nạn nhân của cưỡng bức lao động. Lao động cưỡng bức cũng xảy ra khi người lao động bị lệ thuộc vào người sử dụng lao động về công việc, nơi ăn chốn ở hoặc vì việc làm của người thân.
Dấu hiệu 2: Lừa gạt:
Lừa gạt là tình trạng người sử dụng lao động không thực hiện những gì đã hứa với người lao động khi tuyển dụng về: điều kiện làm việc, mức lương bổng, loại hình công việc, điều kiện sinh hoạt và làm việc, tư cách di cư hợp pháp, địa điểm nơi làm việc.
Dấu hiệu 3: Hạn chế đi lại:
Những người bị cưỡng bức lao động có thể bị nhốt hoặc bị giám sát không cho bỏ trốn khỏi nơi làm việc hoặc trong khi chuyển từ nơi này sang nơi khác. Người bị cưỡng bức lao động có thể bị kiểm soát khi đi lại tại nơi làm việc hoặc cả bên ngoài nơi làm việc.
Dấu hiệu 4: Bị cô lập:
Những nạn nhân của lao động cưỡng bức thường bị cô lập ở những nơi xa xôi hẻo lánh, không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Dấu hiệu 5: Bạo lực thân thể và tình dục:
Người bị lao động cưỡng bức, gia đình và bạn bè gần gũi với họ có thể phải chịu đựng tình trạng bạo lực về thân thể hoặc tình dục. Người sử dụng lao động dùng bạo lực để ép buộc người lao động thực hiện những công việc không có trong thỏa thuận ban đầu. Việc bắt cóc, giam giữ để ép buộc người lao động làm việc hay việc sử dụng bạo lực như một hình thức kỷ luật cũng là một dấu hiệu của cưỡng bức lao động.
Dấu hiệu 6: Dọa nạt, đe dọa:
Những sự đe dọa phổ biến đối với người lao động bao gồm việc tố cáo với cơ quan xuất nhập cảnh, đe dọa sa thải người nhà, dọa nạt về điều kiện làm việc tồi tệ hơn hoặc không được hưởng những ưu đãi trong làm việc. Thường xuyên lăng mạ và nói xấu người lao động cũng là một hình thức cưỡng ép về mặt tâm lý của người lao động.
Dấu hiệu 7: Giữ giấy tờ tùy thân:
Việc giữ giấy tờ tùy thân hoặc các tài sản cá nhân có giá trị khác là một dấu hiệu của lao động cưỡng bức nếu người lao động không thể tiếp cận được những tài sản này khi có yêu cầu hoặc họ không thể rời khỏi nơi làm việc nếu không muốn tài sản mình bị mất mát.
Dấu hiệu 8: Giữ tiền lương:
Người lao động có thể buộc phải làm việc để được nhận lương đang bị giữ hoặc khi tiền lương bị giữ một cách có hệ thống và có chủ ý nhằm buộc người lao động phải ở lại mà không thể tìm nơi làm việc mới.
Dấu hiệu 9: Lệ thuộc vì nợ:
Người bị cưỡng bức lao động thường làm việc để trả được hết số tiền nợ từ việc ứng trước tiền lương hoặc tiền vay để trang trải cho cuộc sống hoặc nợ lũy kế. Người sử dụng lao động sẽ làm cho người lao động khó có thể trả hết nợ bằng việc đánh giá thấp kết quả công việc của người lao động hoặc tăng lãi suất hoặc các chi phí ăn ở và sinh hoạt đối với người lao động.
Dấu hiệu 10: Điều kiện sống và làm việc bị lạm dụng:
Nạn nhân của lao động cưỡng bức phải chấp nhận các điều kiện làm việc và sinh hoạt không mong muốn. Họ bị ép phải làm việc trong những điều kiện không đảm bảo, độc hại hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về điều kiện lao động.
Dấu hiệu 11: Làm thêm giờ quá quy định:
Người lao động bị cưỡng bức có thể bị buộc làm việc ngoài giờ liên tục hoặc làm việc nhiều ngày ngoài thời gian theo quy định hoặc thoả thuận lao động mà không được bố trí thời gian nghỉ giải lao, nghỉ trong tuần hoặc phải đảm nhiệm ca kíp và thời gian làm việc của đồng nghiệp khác nghỉ việc, hoặc thường xuyên phải trực 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.
2. Pháp luật lao động Việt Nam về xóa bỏ lao động cưỡng bức:
Đối với tiêu chuẩn xóa bỏ lao động cưỡng bức, trong thời gian qua, hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện góp phần tăng cường và củng cố cơ sở pháp lý để bảo đảm hoàn toàn xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam. Năm 2007, Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 về lao động cưỡng bức. Đến ngày 08/6/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Nội dung của Nghị quyết nêu rõ: Áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Công ước số 105. Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ trách nhiệm tổ chức thực hiện Công ước số 105 . Có thể nói, tiếp nối sau hành động tham gia 02 Hiệp định CPTPP và EVFTA, việc nước ta gia nhập Công ước số 105 đã thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết tiêu chuẩn quốc tế cơ bản về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Để chuẩn bị cho việc thực hiện các cam kết về lao động trong 02 Hiệp định FTA thế hệ mới này cũng như hoàn thiện các điều kiện cần và đủ để gia nhập Công ước số 105, hệ thống pháp luật về lao động nói chung mà đặc biệt là BLLĐ năm 2019 đã được chỉnh sửa, bổ sung và nội luật hóa những quy định cũng như tinh thần, tôn chỉ hành động trong chùm Công ước của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Tại khoản 3 Điều 35 Hiến pháp năm 2013 khẳng định nghiêm cấm cưỡng bức lao động . Như vậy, xóa bỏ lao động cưỡng bức là một quy định mang tính Hiến định.
BLLĐ năm 2019 là văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể nhất về lao động cưỡng bức. Khoản 1 Điều 3 BLLĐ năm 2019 đưa ra định nghĩa về lao động cưỡng bức là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác để ép buộc người lao động phải làm việc trái ý muốn của họ .
Có thể thấy, nội dung của khái niệm lao động cưỡng bức theo pháp luật Việt Nam về cơ bản đã có tham chiếu theo các hướng dẫn của ILO và cặp
Công ước số 29 – số 105. Đặc biệt, 11 dấu hiệu nhận diện lao động cưỡng bức do ILO đưa ra về cơ bản đã được nội luật hóa trong BLLĐ năm 2019:
Thứ nhất, BLLĐ năm 2019 mô tả hành vi cưỡng bức lao động là dấu hiệu nhận biết lao động cưỡng bức thông qua quy định về giải thích từ ngữ tại khoản 7 Điều 3.
Thứ hai, Dấu hiệu nhận biết lao động cưỡng bức được thể hiện thông qua những quy định nghiêm cấm: Ngược đãi người lao động; Quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật; Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật; Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật; Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động; Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động; Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Thứ ba, Dấu hiệu nhận biết lao động cưỡng bức được thể hiện trong quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động.
Thứ tư, Dấu hiệu nhận biết lao động cưỡng bức thể hiện trong quy định riêng đối với nhóm lao động đặc thù: Lao động chưa thành niên, lao động nữ, lao động là người khuyết tật, lao động là người cao tuổi (Quy định về tính chất công việc, điều kiện, môi trường làm việc, sức khỏe, độ tuổi, giới tính).
Kế thừa quy định từ BLLĐ năm 2012, BLLĐ năm 2019 khẳng định cưỡng bức lao động là hành vi bị nghiêm cấm theo pháp luật Việt Nam (Khoản 2 Điều 8). Mặt khác, BLLĐ mới cũng xác định cưỡng bức lao động là một trong những căn cứ để người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Đối với lao động giúp việc gia đình, BLLĐ năm 2019 nghiêm cấm người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động.
Ngoài ra, như đã khẳng định ở trên, lao động cưỡng bức là một hình thức bóc lột lao động hình sự. Do đó, trong pháp luật Việt Nam, hành vi cưỡng bức lao động được quy định là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đó. Điều 297 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội cưỡng bức lao động. Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 đến 12 năm tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm . Bên cạnh đó, hành vi cưỡng bức lao động còn được sử dụng là căn cứ xác định định khung hình phạt. Tại điểm b khoản 1 Điều 105 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hành vi cưỡng bức lao động là định khung hình phạt cho tội mua bán người.
Việc hình sự hóa hành vi cưỡng bức lao động của pháp luật Việt Nam cũng là phù hợp với quy định tại nhiều quốc giá khác. Tại Trung Quốc, Luật hợp đồng lao động nước này có quy định: “việc giữ giấy tờ tùy thân của người lao động sẽ bị phạt từ 500 Nhân dân tệ đến 2000 Nhân dân tệ và phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại gây ra cho người lao động”. Còn tại Ma–lai–xi–a, Luật lao động về trẻ em và thanh niên của nước này quy định rõ: Người nào sử dụng lao động trẻ em trái quy định được xem là tội phạm và phải chịu trách nhiệm về kết án tù có thời hạn. Ở Hàn Quốc, Luật tiêu chuẩn lao động Hàn Quốc quy định người sử dụng lao động sẽ phải chịu hình phạt tù lên đến 05 năm nếu thực hiện các hành vi cưỡng bức, đe dọa hay đánh đập người lao động. Luật việc làm Singapore lại quy định hành vi không trả lương hoặc trả không phù hợp với quy định cũng bị xem là hành vi phạm tội và phải chịu trách nhiệm với hình phạt tiền. Luật pháp của nước này cho phép phạt vi phạm lần đầu có thể lên đến 1000 đô la, nếu vi phạm lần hai thì sẽ bị phạt lên đến 2000 đô la hoặc phạt tù có thời hạn từ 1 năm đến 2 năm .
Như vậy, các quy định của pháp luật Việt Nam đã bảo đảm tính tương thích với các tiêu chuẩn lao động cơ bản trong cam kết về lao động của Hiệp định CPTPP và EVFTA. Tính tương thích này được thể hiện rõ nhất trong báo cáo của Chủ Tịch nước trước Quốc hội ngày 06/6/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã đề nghị được áp dụng trực tiếp toàn bộ và không có đề xuất, kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Công ước số 105.