Ý nghĩa và lịch sử phát triển quy định về bản án hình sự sơ thẩm

Ý nghĩa bản án hình sự sơ thẩm trên phương diện pháp lý, chính trị – xã hội? Lịch sử hình thành và phát triển các quy định về bản án hình sự sơ thẩm?

1. Ý nghĩa bản án hình sự sơ thẩm:

1.1. Về phương diện pháp lý:

Điều 102 Hiến pháp năm 2013 xác định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tự pháp…Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Chức năng chính của Tòa án nhân dân là xét xử và việc xét xử thường được kết thúc bằng việc Toà án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra bản án để thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính trị quan trọng được pháp luật quy định.

Hoạt động xét xử, mà kết quả là việc Hội đồng xét xử ra bản án để xác định một người có tội hay không có tội, phải chịu hay không phải chịu hình phạt. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm. Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai.

Bản án hình sự là một loại văn bản tố tụng đặc biệt do Toà án nhân danh Nhà nước ban hành bởi tập thể Hội đồng xét xử sau khi kết thúc hoạt động xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm một vụ án cụ thể. Bản án thể hiện đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, tranh tụng tại phiên tòa chứng minh người bị buộc tội có tội hay không có tội, xác định trách nhiệm pháp lý của bị cáo với Nhà nước cụ thể hoá bằng hình phạt quy định trong Bộ luật Hình sự, xác định trách nhiệm của bị cáo với bị hại (nếu có) và các thành phần khác cụ thể hoá bằng mức bồi thường thiệt hại quy định trong Bộ luật Dân sự.

Mỗi bản án hình sự là một hồ sơ thu nhỏ bảo đảm cho việc kiểm tra, giám sát hoạt động xét xử của Tòa án nói chung và Thẩm phán, Hội đồng xét xử nói riêng. Bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan nghiêm chỉnh chấp hành. Bản án hình sự khi được ban hành và có hiệu lực pháp luật thì những quyết định trong bản án đưa đến những hậu quả pháp lý rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của người bị buộc tội và chủ thể khác liên quan.

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, bản án hình sự sơ thẩm là cơ sở cho việc xét xử ở cấp phúc thẩm hay việc xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục tái thẩm, giám đốc thẩm. Nhằm bảo đảm tính thận trọng, chính xác, khách quan của việc xét xử, bản án hình sự sơ thẩm có thể xét xử theo thủ tục phúc thẩm khi có kháng cáo của các đương sự, kháng nghị của Viện kiểm sát. Xét xử phúc thẩm diễn ra khi có kháng cáo, kháng nghị về bản án đã tuyên ở phiên tòa sơ thẩm và chỉ xem xét nội dung bị kháng cáo, kháng nghị.

Khi việc giải quyết ở phiên tòa sơ thẩm hoàn toàn đúng đắn thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải giữ nguyên bản án sơ thẩm, nếu xét xử sơ thẩm có sai sót, vi phạm thì tùy trường hợp cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, đặc biệt có thể hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại. Thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là việc xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị do phát hiện có sai lầm, vi phạm pháp luật trong việc giải quyết tại cấp sơ thẩm, cũng như phúc thẩm, có thể giữ nguyên bản án đã tuyên hoặc hủy bản án xét xử sơ thẩm lại.

Trên cơ sở đó, phán quyết của Tòa án đưa ra sẽ bảo đảm độ chính xác cao hơn. Từ đó giúp tìm ra các giải pháp thích hợp để sửa chữa, khắc phục về lập pháp cũng như hướng dẫn áp dụng pháp luật, tổ chức các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là hoàn thiện tổ chức Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

1.2. Về phương diện chính trị – xã hội:

Kết quả của phiên tòa hình sự sơ thẩm là bản án, ảnh hưởng đến quyền con người về số phận pháp lý, sinh mạng chính trị, quyền lợi của bị cáo và những người khác có liên quan, góp phần bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm trật tự xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa án. Bên cạnh đó bản án thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm; thể hiện quyền lực và thái độ của Nhà nước đối với hành vi phạm tội, người phạm tội.

Bản án là kết quả hoạt động của Tòa án áp dụng các quy định cụ thể của pháp luật đối với người phạm tội nhưng không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; có tác dụng răn đe giáo dục đối với người phạm tội, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật và đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm. Ngoài ra, bản án hình sự là kết quả của việc thực hiện pháp chế xã hội chủ nghĩa nói chung và hoạt động tố tụng hình sự nói riêng, góp phần | bảo đảm mọi hành vi phạm tội phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, trong bản án xác định hành vi là nguy hiểm cho xã hội được xác định là tội phạm, buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm pháp lý với hành vi đó, từ đó giúp bị cáo nhận thức được tội lỗi của mình cũng như các công dân tham dự phiên tòa nhận thức được điều này. Qua đó góp phần không nhỏ tạo nên ý thức pháp luật trong quản lý xã hội, quản lý Nhà nước, giáo dục công dân tôn trọng, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật cũng như các quy tắc ứng xử trong xã hội đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

2. Lịch sử phát triển quy định về bản án hình sự sơ thẩm:

2.1. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1988:

Ngay những ngày đầu khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhân dân ta phải đối mặt với tình thế cấp bách, khó khăn đặt ra về mọi mặt, khi vừa phải đấu tranh giữ chính quyền vừa phải xây dựng đất nước từ một nước phong kiến nửa thuộc địa nghèo nàn, lạc hậu. Ngay lúc này, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật như: Sắc lệnh số 33c ngày 13/9/1945, Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946, Sắc lệnh số 51 ngày 17/4/1946 … thiết lập Tòa án Quân sự và thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự . Thuật ngữ “bản án” được sử dụng lần đầu tiên tại Điều thứ 31, Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946.

Ngày 09/11/1946, Hiến pháp đầu tiên của nước ta được thông qua (Hiến pháp năm 1946), ghi nhận nhiều nguyên tắc cơ bản như nguyên tắc có phụ thẩm nhân dân tham gia, các phiên tòa phải công khai, về quyền tự bào chữa hoặc mượn LVN Group. Trong khi xét xử, Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp. Đây là những quy định nền tảng đầu tiên cho việc phát triển pháp luật tố tụng hình sự. Có thể thấy, các quy định ban hành đã hoàn toàn bãi bỏ Tòa án của chế độ thực dân phong kiến, thiết lập những Tòa án nhân dân mới.

Điều này tiếp tục được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1959 và tại Điều 1 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 quy định “Các Toà án nhân dân là những cơ quan xét xử của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”. Đến Hiến pháp năm 1980 đã khẳng định: “Các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân tôn trọng, những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành” (Điều 137).

Trong giai đoạn từ năm 1945 đến trước khi có ban hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự ở giai đoạn này chưa đầy đủ, cụ thể, chính xác nhưng đã góp phần bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hình sự chính xác, bảo đảm nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

2.2. Giai đoạn từ năm 1988 đến năm 2003:

Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, ngày 28/6/1988 đã thông qua Bộ luật tố tụng hình sự. Đây là Bộ luật tố tụng hình sự đầu tiên của nước ta quy định về trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự được quy định một cách hệ thống và có hiệu lực cao nhất. Ngay tại Điều 10 khẳng định “Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt, khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” từ đó thấy được bản án của Tòa án có vai trò và ý nghĩa quan trọng đến số phận pháp lý sinh mạng chính trị, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Với ý nghĩa quan trọng như vậy thì Điều 198 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 quy định về nội dung bản án. Với quy định này, Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 đã xây dựng được nội dung của một bản án nói chung, cũng như bản án hình sự sơ thẩm nói riêng. Điều này là sự thống nhất để áp dụng pháp luật xét xử vụ án hình sự.

Về hình thức bản án, Điều 198 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 có thể chia bản án làm 3 phần chính: mở đầu, nội dung vụ án và nhận định, quyết định. Tuy nhiên về mặt hình thức của bản án thì còn nhiều cách hiểu, cách trình bày riêng. Thực tế, trong quá trình viết bản án mỗi Thẩm phán chủ tọa phiên tòa lại có nhiều cách ghi khác nhau như: “Hôm nay, ngày… tháng… năm… tại trụ sở tòa án… xét xử công khai về hình sự với bị cáo”. Có bản án lại viết rằng: “họp phiên tòa công khai ngày.” hay “mở phiên tòa công khai ngày…”. Còn một cách khác là: “Tiến hành xét xử sơ thẩm công khai ngày…”. Trong phần lý lịch bị cáo, đa số các bản án đều viết nghề nghiệp trước, rồi trình độ văn hóa. Nhưng có trường hợp lại trình bày ngược lại. Về phần tên bố mẹ bị cáo, tại các bản án cũng đa dạng về cách thể hiện. Chẳng hạn như viết: “bố là…; mẹ là…”, hay “con ông…; con bà…”; hoặc “bố…; mę…”.

Theo quy định, trong phần nội dung vụ án phải nêu tóm tắt nội dung vụ án theo bản cáo trạng, rồi đến diễn biến phiên tòa. Nhìn chung các bản án đều thực hiện đúng trình tự trên. Cá biệt có bản án lại không phản ánh đầy đủ diễn biến quá trình xét xử mà chỉ nói chung rằng tại phiên tòa bị cáo nhận tội, không nêu người bị hại khai thế nào, Viện kiểm sát đề nghị xử lý vụ án ra sao, dẫn đến bản án khi tuyên đọc không có kết cấu chặt chẽ, không có sự logic giữa các phần trong bản án hình sự, thường có sự mâu thuẫn giữa phần xét thấy với phần nhận thấy hoặc mâu thuẫn giữa phần xét thấy với phần quyết định.

Để xảy ra tình trạng không thống nhất về hình thức bản án như trên là do 2 nguyên nhân. Trước hết, trách nhiệm thuộc về Thẩm phán chủ tọa phiên tòa – người được giao viết bản án. Các Thẩm phán viết theo thói quen, tùy tiện, ngẫu hứng không theo hướng dẫn. Họ chưa nhận thức đầy đủ được trách nhiệm, cũng như tầm quan trọng của việc ra bản án nhân danh Nhà nước. Nguyên nhân thứ hai là do quá lâu không có hướng dẫn mới về cách viết bản án của các cấp có thẩm quyền, cũng như quy định nội dung bản án tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 lại quá ngắn gọn, đơn giản.

2.3. Giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2015:

Với tinh thần các nghị quyết của Đảng, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 được Quốc hội khoá XI tại kì họp thứ tư thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 01/7/2004. Bộ luật Tố tụng Hình sự có 346 điều quy định trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, của các cơ quan, tổ chức và công dân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 một lần nữa khẳng định ý nghĩa của bản án của Tòa án là “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” (Điều 9) và được Nhà nước bảo đảm “Bản án và quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được các cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi trách nhiệm của mình phải chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Toà án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành đó”(Điều 22).

Về nội dung bản án được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định tại Điều 224. So với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 thì nội dung bản án của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 tương đối giống nhau. Tuy nhiên Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có bổ sung một số điểm mới sau: Về cách ghi tên và chức danh của những người tiến hành tố tụng khác: đối với Thư ký phiên tòa, ngoài việc ghi rõ, đầy đủ họ tên thì phải ghi thêm ngạch chức danh Thư ký Tòa án; Bổ sung thành phần về tiền sự của bị cáo. Sửa đổi “người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án” thành “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án”. Sửa đổi cụm từ “chứng cứ xác định vô tội” thành “chứng cứ xác định không có tội”. Bổ sung “tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” trong khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chỉ ghi là “tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ”.

Về hình thức bản án, sau khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có hiệu lực pháp luật, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành một số Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, trong đó có Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11-2004 hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Kèm theo Nghị quyết này, Hội đồng Thẩm phán còn ban hành các mẫu và cách viết một số văn bản, trong đó có mẫu bản án hình sự sơ thẩm.

Từ đó nâng cao chất lượng viết bản án từ bố cục đến nội dung trình bày. Các lỗi ngữ pháp, lỗi chính tả đều được khắc phục, hạn chế, đúng văn phạm pháp lý. Đa phần các bản án hình sự sơ thẩm đã đáp ứng được cả về nội dung và hình thức của một bản án hình sự như sau: Các quyết định của bản án hình sự sơ thẩm khi viện dẫn đa phần đều chính xác điểm, khoản, Điều của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự.

Các bản án hình sự sơ thẩm rõ ràng, đúng chính tả, đồng thời thể hiện được không gian, thời gian, địa điểm xét xử, tên Tòa án xét xử, thành phần Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng khác như Viện kiểm sát, Thư ký phiên tòa cùng những người tham gia tố tụng. Việc phân tích, đánh giá trong các phần của bản án hình sự sơ thẩm bảo đảm tính thống nhất, không mâu thuẫn, có kết cấu chặt chẽ. Khi kết luận bị cáo phạm tội, Hội đồng xét xử đã viện dẫn các căn cứ buộc tội bị cáo, dựa vào các căn cứ đó để áp dụng xử phạt bị cáo với những mức hình phạt tương ứng. Ngược lại, nếu tuyên bố bị cáo không phạm tội thì các bản án hình sự sơ thẩm cũng đưa ra chứng cứ, căn cứ để không chấp nhận việc truy tố của Viện kiểm sát..

Mặc dù đa phần các Thẩm phán đều nghiên cứu và vận dụng đầy đủ và đúng các hướng dẫn của Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11 2004 và cuốn sổ tay viết bản án do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức biên soạn với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp của Jica. Tuy nhiên, các Thẩm phán khi viết bản án vẫn còn nhiều vấn đề chưa thống nhất trong cách trình bày cả về hình thức và nội dung như:

Về phần mở đầu của Bản án vẫn có sự không thống nhất về phần lý lịch của bị cáo. Trong phần Nhận Thấy của Bản án, cũng có nhiều cách trình bày khác nhau. Có Thẩm phán trình bày tóm tắt nội dung của bản Cáo trạng, có Thẩm phán vẫn đưa nguyên văn nội dung của bản Cáo trạng vào trong phần nhận thấy, thậm chí ghi cả những hành vi mà bản Cáo trạng có mô tả, song không truy tố, hoặc những vấn đề xử lý vật chứng, của Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra và truy tố cũng ghi cả vào trong phần nhận thấy, dẫn đến trong phần xét thấy, khi đánh giá về vấn đề xử lý các vật chứng của vụ án, các Thẩm phán lại nêu lại làm bản án rất dài và thừa.

Về diễn biến phiên tòa, có Thẩm phán ghi tóm tắt lời khai của bị cáo cũng như những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa, có Thẩm phán lại không ghi mà chỉ ghi “Tại phiên tòa hôm nay bị cáo (các bị cáo) nhận tội như Cáo trạng của Viện kiểm sát đã quy kết”. Có Thẩm phán ghi ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa, có Thẩm phán không ghi ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên. Đặc biệt ý kiến của người bào chữa, bị cáo và của những người tham gia tố tụng khác khi tranh luận với bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát cũng như về phần đối đáp thì đa số các Thẩm phán đều không thể hiện trong bản án…

Trong phần Xét Thấy của Bản án, cũng có nhiều quan điểm khác nhau như: Có Thẩm phán ghi tóm tắt lời khai của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa rồi đi vào phân tích đánh giá những vấn đề tranh tụng tại phiên tòa, xác định các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, đánh giá bị cáo có phạm tội không và phạm tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự, phân tích mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, đánh giá vai trò nhân thân của bị cáo (từng bị cáo), xác định thiệt hại, xử lý vật chứng…

Có Thẩm phán lại đi thẳng vào phân tích đánh giá những vấn đề tranh tụng tại phiên tòa, xác định các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, đánh giá bị cáo có phạm tội không và phạm tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự, phân tích mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, đánh giá vai trò nhân thân của bị cáo (từng bị cáo), xác định thiệt hại, xử lý vật chứng… chứ không ghi lại lời trình bày của bị cáo hoặc người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa hoặc ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên.

Trong phần Quyết Định của Bản án, cũng có nhiều quan điểm khác nhau, có Thẩm phán ghi mức hình phạt với từng bị cáo và thời gian chấp hành hình phạt mà không ghi cụ thể tội danh, có Thẩm phán lại ghi cụ thể về tội danh, trong vụ án có nhiều bị cáo thì có Thẩm phán liệt kê các điều luật của nhiều bị cáo giống nhau để ghi mức hình phạt, có Thẩm phán lại liệt kê các điều luật áp dụng cho từng bị cáo để ghi mức hình phạt…

Để khắc phục những hạn chế trên, cần phải có những hướng dẫn cụ thể, thống nhất để các Thẩm phán khi ban hành một Bản án phải làm sao bảo đảm chính xác và có tính thuyết phục. Tính chính xác của bản án được thể hiện ở chỗ Bản án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật tức là việc áp dụng pháp luật đúng đắn, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, được dư luận đồng tình và đó cũng là tính thuyết phục cao của bản án. Tính thuyết phục của bản án còn thể hiện ở việc bản án phân tích sâu sắc, đầy đủ, hoàn thiện diễn biến và nội dung của vụ án, đánh giá đúng tính chất, mức độ, áp dụng đúng pháp luật để có quyết định hình phạt chính xác, bảo đảm nguyên tắc giáo dục và trừng trị.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com