Yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động định tội danh các tội phạm về ma túy: Năng lực chuyên môn của chủ thể định tội danh; Đạo đức nghề nghiệp của chủ thể định tội danh; Sự minh bạch và tính chính xác của hệ thống pháp luật hình sự.
1. Năng lực chuyên môn của chủ thể định tội danh:
Thẩm phán, Kiểm sát viên và Điều tra viên là những người được Nhà nước trao thẩm quyền để giải quyết các vụ án ma túy hay nói cách khác họ là những người tìm ra tội danh đối với những tên tội phạm ma túy. Họ được tuyển chọn khắt khe qua các kỳ bổ nhiệm. Theo Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân năm năm 2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011), Pháp lệnh Kiểm sát viên năm 2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2013 thì năng lực chuyên môn là một trong những tiêu chí quan trọng để bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên và Điều tra viên.
Đối với Thẩm phán, năng lực chuyên môn là khả năng thực hiện công tác xét xử các vụ việc, vụ án nói chung và vụ án hình sự nói riêng theo thẩm quyền được pháp luật quy định. Đối với Kiểm sát viên, năng lực chuyên môn là khả năng trong việc thực hành quyền công tố và quyền kiểm sát các hoạt động tư pháp theo thẩm quyền của mình. Đối với Điều tra viên, năng lực chuyên môn là khả năng được thể hiện trong quá trình điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền được trao.
Nói tóm lại, điều kiện quan trọng hàng đầu đảm bảo cho việc định tội danh đối với các tội phạm về ma túy đúng người, đúng tội và đúng quy định pháp luật phụ thuộc chủ yếu vào năng lực chuyên môn của người định tội danh. Người định tội danh khi tiến hành hoạt động định tội danh sẽ có đủ sự tự tin trong hoạt động nghề nghiệp của mình chỉ khi họ có năng lực chuyên môn vững vàng. Để có năng lực chuyên môn vững vàng, người định tội danh trước hết phải là người nắm chắc những kiến thức được giảng dạy ở trường đại học, các cơ sở đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Hơn thế nữa, người định tội danh phải thường xuyên trau dồi chuyên môn, thường xuyên cập nhật quy định trong các văn bản pháp luật mới về ma túy, chịu khó học hỏi, lĩnh hội kinh nghiệm của những thế hệ đi trước.
Trước thực trạng các vụ án ma túy xảy ra ngày càng phức tạp, đa dạng và thường có nhiều đối tượng. Mỗi vụ án ma túy lại xảy ra rất khác nhau, mỗi vụ án lại có những tình tiết, chứng cứ phức tạp, đặc thù và có những vụ án đối tượng phạm tội không chỉ là một nhóm người mà bao gồm cả một đường dây với quy mô lên đến vài chục người. Do đó, khi đảm bảo được khả năng chuyên môn vững vàng, người định tội danh mới có thể xem xét cân nhắc, cũng như đánh giá toàn bộ các tình tiết của vụ án dựa trên các chứng cứ xác thực, đối chiếu hành vi đã thực hiện với quy định trong BLHS và cụ thể là các quy định tại Chương Các tội phạm về ma túy để từ đó xác định hành vi đó phạm tội gì tương ứng với điều luật nào BLHS.
Năng lực chuyên môn chính là yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động định tội danh. Trong Chương Các tội phạm về ma túy của BLHS nói riêng hay các quy định của pháp luật đòi hỏi người định tội danh phải biết vận dụng pháp luật hình sự một cách linh hoạt nhất để đảm bảo được tính đúng đắn và phát huy tính khả năng sáng tạo của mình trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật hình sự của Nhà nước trong hoạt động nghề nghiệp.
2. Đạo đức nghề nghiệp của chủ thể định tội danh:
Theo Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân năm năm 2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011), Pháp lệnh Kiểm sát viên năm 2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2013 thì tiêu chuẩn chung để bổ nhiệm Thẩm phải, Kiểm sát viên và Điều tra viên là “Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, ..” .
Phẩm chất đạo đức ở đây bao gồm không chỉ phẩm chất đạo đức xã hội mà còn cả phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp được coi là điều kiện hàng đầu, không thể thiếu, đảm bảo cho việc định tội danh đối với tội phạm ma túy chính xác, đúng đắn. Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người định tội danh thể hiện ở chỗ: “là người có ý thức tuân thủ pháp luật cũng như gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, là người có trách nhiệm và lương tâm trong hoạt động nghề nghiệp, là người chiến sỹ kiên cường, dũng cảm trên mặt trận chống tội phạm, bảo vệ công bằng xã hội và là người có thái độ làm việc khách quan, và vô tư trong công việc nhằm bảo vệ công lý” .
Yếu tố đạo đức đòi hỏi người định tội danh đối với tội phạm về ma túy phải có ý thức tuân thủ pháp luật, luôn gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật dù trong hoạt động nghề nghiệp và ngay cả trong cuộc sống hàng ngày. Lương tâm và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp là điều vô cùng quan trọng trong phẩm chất đạo đức của người định tội danh đối với tội phạm về ma túy. Người định tội danh đối với tội phạm về ma túy là người nhân danh Nhà nước để xác định một người có tội hay không, trong trường hợp có tội thì đó là tội gì, và căn cứ theo điều khoản nào của Chương Các tội phạm về ma túy trong BLHS.
Trong quá trình định tội danh đối với tội phạm về ma túy, người định tội danh cần phải cẩn trọng, nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Nếu người định tội danh có thái độ thờ ơ, không quan tâm đến chất lượng của công việc mình đang làm, đến số phận của người phạm tội hoặc có thái độ làm việc nhũng nhiễu, thiếu khách quan cũng có thể đưa đến hậu quả xử lý oan sai. Trong trường hợp người định tội danh thiếu sự cẩn trọng cần thiết, làm việc đại khái, qua loa sẽ dẫn đến hệ quả là bỏ sót một hoặc nhiều tình tiết nào đó, từ đó sẽ dẫn đến định tội danh sai.
3. Sự minh bạch và tính chính xác của hệ thống pháp luật hình sự:
Trong quá trình lập pháp, BLHS năm 1985, sau ba lần sửa đổi, bổ sung (12/1989, 8/1991 và 12/1992) đã có 2 điều luật quy định các tội phạm về ma túy. Một là Điều 96a quy định tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy và hai là Điều 203 quy định tội tổ chức dùng chất ma túy. Trong lần sửa đổi, bổ sung lần thứ tư (5/1997), Bộ luật này đã được bổ sung một chương quy định các tội phạm về ma túy để thay thế cho Điều 96a và Điều 203. Cụ thể, đó là Chương VIIA trong Phần các tội phạm của BLHS Chương này gồm 14 điều, quy định 13 tội danh.
Trong BLHS năm 1999, các tội phạm về ma túy được quy định tại Chương XVIII. Khi ban hành, Bộ luật có 10 điều luật (từ Điều 192 đến Điều 201) quy định về 10 tội danh khác nhau. Sau khi được sửa đổi, bổ sung (6/ 2009), Bộ luật còn 9 điều luật, quy định 9 tội danh (Điều 199 quy định “Tội sử dụng trái phép chất ma túy” đã được bãi bỏ).
Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn tiếp tục dành một chương quy định các tội phạm về ma túy. Đó là Chương XX: “Các tội phạm về ma túy”, bao gồm 13 điều luật (từ Điều 247 đến Điều 259) quy định 13 tội danh tương ứng với 9 tội danh được quy định trong BLHS năm 1999. Trong đó, “tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy” (Điều 194 BLHS năm 1999) được tách thành bốn tội danh (Điều 249 đến Điều 252 BLHS năm 2015); tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy” (Điều 200 BLHS năm 1999) được tách thành hai tội danh (Điều 257 và Điều 258 BLHS năm 2015).
Với việc tách tội danh như vậy, BLHS năm 2015 có điều kiện mô tả cụ thể hơn các hành vi phạm tội, thể hiện rõ hơn sự phân hoá TNHS cũng như giảm bớt số tội phạm về ma túy có hình phạt tử hình được quy định. Theo BLHS năm 1999, hình phạt tử hình được quy định đối với bốn loại hành vi phạm tội (Điều 194), còn theo BLHS năm 2015, hình phạt tử hình chỉ được quy định đối với hai loại hành vi phạm tội tương ứng với hai tội danh là tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250) và tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251).
Bộ luật Hình sự hiện hành quy định 13 tội danh thuộc các tội phạm về ma túy từ Điều 247 đến Điều 259.
Có thể thấy hệ thống pháp luật hình sự hoàn chỉnh là yếu tố quan trọng để đảm bảo hoạt động định tội danh đối với tội phạm về ma túy được hiệu quả. Dựa trên cơ sở hệ thống pháp luật mà trước tiên là hệ thống pháp luật hình sự hoàn chỉnh, đặc biệt là Chương XX BLHS năm 2015 người tiến hành định tội danh mới có thể có đủ điều kiện phát huy được khả năng làm việc của mình trong quá trình giải quyết án ma túy.