Phân tích biện pháp trừ vào thu nhập của người phải thi hành án trong Luật thi hành án dân sự.
I. Cơ sở pháp lý:
– Luật thi hành án dân sự 2008.
II. LVN Group tư vấn:
Biện pháp trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được quy định tại Điều 78 Luật thi hành án dân sự 2008 như sau:
“1. Thu nhập của người phải thi hành án gồm tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác.
2. Việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Theo thỏa thuận của đương sự;
b) Bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;
c) Thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.
3. Chấp hành viên ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.
4. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.”
1. Về điều kiện áp dụng biện pháp trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
Để áp dụng biện pháp cưỡng chế này cần phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Thứ nhất, người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ trả tiền (không phải trả vật trừ trường hợp người phải thi hành án, người được thi hành án có thỏa thuận khác theo Điều 114, Luật thi hành án dân sự). Nghĩa vụ trả tiền của người phải thi hành án chình là nghĩa vụ theo bản án, quyết định của Tòa án người phải thi hành án trả một khoản tiền nào đó cho người được thi hành án trong các trường hợp như: bồi thường, trả nợ, cấp dưỡng, thanh toán theo hợp đồng, tiền chênh lệch giá trị tài sản khi chia tài sản, di sản và án phí, phí thi hành án…
– Thứ hai, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án, tức là người phải thi hành án có thu nhập tương đối ổn định. Để đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người phải thi hành án và những người theo quy định pháp luật người phải thi hành án có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng thì khi thực hiện trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Khi đó, người phải thi hành án phải có khoản tiền tương đối ổn định được nhận hàng tháng như tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và căn cứ vào thu nhập mất sức thực tế hàng tháng của người phải thi hành án. Trên cơ sở đó, Chấp hành viên sẽ quyết định mức khấu trừ phù hợp với thu nhập của người phải thi hành án.
– Thứ ba, việc cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án chỉ được áp dụng trong trường hợp pháp luật có quy định. Theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Luật thi hành án dân sự, biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án có thể áp dụng một cách độc lập:
“Theo thỏa thuận của đương sự; Bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; Thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án”
hoặc có thể được áp dụng biện pháp kê biên hoặc đã áp dụng biện pháp kê biên nhưng tài sản của người thi hành án không đủ để thi hành.
2. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp trừ vào thu nhập của người phải thi hành án
a. Về việc xác minh điều kiện thi hành án
Để trừ vào thu nhập của người phải thi hành án với các điều kiện như đã phân tích, Chấp hành viên phải xác minh, thu thập của người phải thi hành án có phải là thu nhập hợp pháp không, nguồn nhập có từ đâu, mức thu nhập là bao nhiêu, có ổn định không, cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lí thu nhập của người phải thi hành án…
– Đối với trường hợp thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc theo thỏa thuận của các đương sự hoặc bản án, quyết định đã được ấn trừ vào thu nhập hoặc tài sản của người phải thi hành án không lớn thi Chấp hành viên chỉ cần tiến hành xác minh người phải thi hành án co thu nhập thường xuyên hay không. Trong trường hợp người phải thi hành án vừa có thu nhập thường xuyên vừa có các tài sản khác, thì Chấp hành viên được ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án khi người này không tự nguyện thi hành.
– Đối với trường hợp thi hành nghĩa vụ khác, nội dụng xác minh điều kiện thi hành của người phải thi hành án gồm có hai nội dung: người phải thi hành án không có tài sản nào để thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản đó có giá trị nhỏ, không đủ để thi hành án và người phải thi hành án có thu nhập thường xuyên.
Để áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải trực tiếp tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Khi xác minh về thu nhập của người phải thi hành án, Chấp hành viên cần tập trung vào xác định: tổng số tiền thu nhập hàng tháng là bao nhiêu, trong đó xác định tiền lương, tiền công, tiền lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động là bao nhiêu, và khoản thu nhập hợp pháp khác nếu có; đồng thời xác minh ai là người đang trực tiếp quản lí các nguồn thu nhập đó; thời gian người phải thi hành án nhận được các khoản thu nhập trên.
Việc xác minh thu nhập của người phải thi hành án thương do Chấp hành viên tiến hành trực tiếp tại nơi người phải thi hành án làm việc (cơ quan, tổ chức, xí nghiệp…) hoặc nơi sinh sống, cư trú, nơi đang kí hộ khẩu thường trú của người phải thi hành án đã nghỉ hưu hay mất sức lao động. Chấp hành viên cũng có thể xác minh bằng hình thức gửi văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lí thu nhập của người phải thi hành án cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến thu nhập đảm bảo thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Trong trường hợp người phải thi hành án có mức lương hoặc mức thu nhập thấp chỉ để bảo đảm cuộc sống tối thiểu của người phải thi hành án và gia đình; không có tài sản nào khác tại thời điểm xác minh hoặc tuy có tài sản nhưng tìa sản có giá trị nhỏ không đủ để thi hành án, thì Chấp hành viên đề nghị với trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án theo Điều 51 Luật thi hành án dân sự 2008 hoặc ra quyết định hoãn thi hành án theo điểm c Khoản 1 Điều 48.
b. Ra quyết định và thi hành quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án
Quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 71 Luật thi hành án dân sự 2008. Thực hiện quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án là việc tổ chức giao quyết định cưỡng chế cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lí thu nhập của người phải thi hành án thực hiện quyết định khấu trừ tiền của người phải thi hành án để thi hành án. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, cơ quan BHXH nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác khi nhận được quyết định cưỡng chế trừ vào thu nhập phải có nhiệm vụ thực hiện quyết định đó theo đúng nội dung đã quyết định.
Sau khi khấu trừ thu nhập, cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu trên có nghĩa vụ chuyển cho cơ quant hi hành án dân sự số tiền đã khấu trừ để chi trả cho người được thi hành án. Khi có thay đổi về nơi trả thu nhập và mức thu nhập của người phải thi hành án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đang thực hiện quyết định trừ thu nhập người đó phải thông báo ngay cho cơ quan thi hành án dân sự được biết. Sau khi xác minh được nơi trả thu nhập mới của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định khác về việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật thi hành án dân sự qua tổng đài: 1900.0191
3. Về thu nhập bị khấu trừ và mức khấu trừ vào thu nhập của người phải thi hành án
Khấu trừ vào thu nhập của người phải thi hành án là một trong bốn biện pháp cưỡng chế thi hành nghĩa vụ trả tiền được quy định tại khoản 2 Điều 71 và Điều 78 Luật thi hành án dân sự 2008 yêu cầu cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, bảo hểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và các thu nhập hợp pháp khác chuyển cho cơ quan thi hành án hoặc người được thi hành án một phần hay toàn bộ thu nhập của người phải thi hành án để thi hành nghĩa vụ trả tiền theo bản án, quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. Các thu nhập của người phải thi hành án được xác định như sau:
Tiền lương là khoản thu nhập cho cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – tổ chức chính trị xã hội, được trả từ hệ thống kế toán tài vụ của cơ quan, từ ngân sách nhà nước, tổ chức nơi cán bộ, công chức đang làm việc, công tác. Ngoài mức lương chính cán bộ, công chức còn có thể có phụ cấp như phụ cấp chức vụ, phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp vùng miền…
Tiền lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động là khoản tiền cho cán bộ, công chức đã làm việc trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị – chính trị xã hội sau khi đã có đủ năm công tác và đã đủ tuổi nghỉ hưu hoặc theo quy định của pháp luật hộ được hưởng chế độ hưu trí hoặc mất sức lao động. Khoản tiền này được nhận từ ngân sách nhà nước. Thông thường khoản tiền này do cơ quan bảo hiểm xã hội quản lí và chi trả cho người nghỉ hưu, mất sức lao động.
Tiền công là khoản tiền người sử dụng lao động trả cho người lao động theo sự thỏa thuận hoặc theo hợp đồng lao động. Khái niệm tiền công có nội hàm rộng hơn và bao hàm cả tiền lương.
Các thu nhập hợp pháp khác của người phải thi hành án ở đây được hiểu theo nghĩa hẹp, đó là khoản thu nhập của người phải thi hành án ngoài khoản tiền lương, do các cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức đang quản lí thu nhập chi trả thêm cho người lao động như tiền thưởng hàng tháng, phụ cấp chức vụ, phụ cấp độc hại, phụ cấp vùng – miền… Riêng những thu nhập của người phải thi hành án được coi là hợp pháp như tài sản được tặng cho, tài sản có do thừa kế hoặc do trúng xổ số kiến thiết, hứa thưởng… thì Chấp hành viên không được áp dụng biện pháp trừ vào thu nhập của người phải thi hành án mà phải lựa chọn biện pháp thu hồi tiền để thi hành án vì đó là những khoản thu nhập hợp pháp nhưng không thường xuyên của người phải thi hành án.
Để đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người phải thi hành án và những người phụ thuộc của người phải thi hành án theo quy định pháp luật thì mức trừ vào thu nhập của người phải thi hành án phải phù hợp với tỉ lệ pháp luật có quy định. Cụ thể:
– Mức trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động quy định mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Theo đó, khi áp dụng biện pháp trừ vào thu nhập của người phải thi hành án khi họ phải có thu nhập tương đối ổn định được nhận hàng tháng, từ đó Chấp hành viên sẽ tính toán và quyết định trừ nhưng không quá 30% tổng số tiền người phải thi hành án được nhận hàng tháng.
– Mức trừ vào thu nhập hợp pháp khác: Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật. Như vậy, đối với những khoản thu nhập khác không phải là tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động thì mức khấu trừ không bắt buộc phải thấp hơn hoặc bằng 30% tổng số tiền thu nhập được nhận hàng tháng. Theo đó, mức khấu trừ trong trường hợp này phụ thuộc vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án. Mức trừ này có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với mức trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động của người phải thi hành án.