Các hình thức kỷ luật công chức địa chính xã. Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với công chức cấp xã khi nào?
Các hình thức kỷ luật công chức địa chính xã. Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với công chức cấp xã khi nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin phép được LVN Group tư vấn: Tôi hiện là công chức địa chính xã, từ năm 2013 tôi có làm thủ tục chuyển nhượng đất cho một hộ gia đình, sau khi làm xong các thủ tục tại xã, tôi giao hồ sơ cho gia đình đi làm các bước tiếp theo tại cơ quan huyện, khi đó gia đình có nhờ tôi đi làm giúp và có đưa cho tôi số tiền 10.000.000 đồng để nộp thuế chuyển quyền, số tiền đó là đúng tiền thuế theo quy định. nhưng do điều kiện gia đình tôi, tôi đã tiêu số tiền đó và chưa làm được giấy CN QSDĐ cho công dân, đến tháng 7/2016 gia đình có đơn kiện tôi xuống UBND Huyện,và tôi đã khắc phục hậu quả ngay sau khi có kiến nghị của công dân, nay công dân đó đã có Giấy CNQSDĐ.nay UBND xã tiến hành các biện pháp để đề nghị xử lý kỷ luật. như vây đúng hay sai, nếu đúng thị tôi ở mức nào, kính mong được tư vần chi tiết các thủ tụcở cấp xã để tiến hành xem xét hình thức kỷ luật?
LVN Group tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT LVN. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT LVN xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Nghị định 112/2011/NĐ-CP
– Nghị định 34/2011/NĐ-CP
2. Giải quyết vấn đề:
Theo trình bày của bạn thì năm 2013 bạn có nhận chuyển nhượng đất cho một hộ dân và có nhận số tiền 10.000.000 đồng để nộp thuế chuyển quyền, số tiền đó là đúng tiền thuế theo quy định nhưng do điều kiện gia đình mà bạn đã tiêu số tiền đó và chưa làm được giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đai cho công dân, Như vậy, việc bạn sử dụng số tiền 10.000.000 đồng để giải quyết việc cá nhân có thể xem xét về hành vi lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi; hoặc Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Và khi có đơn khiếu kiện của dân, bạn có nghĩa vụ hoàn thành việc đóng thuế chuyển nhượng do việc đã nhận số tiền kể trên đồng thời chịu sự kỷ luật của phía cơ quan.
Các hành vi trên, mặc dù đã khắc phục được sự việc, người dân đã có Giáy chứng nhận quyền sử dụng đất đai nhưng căn cứ Nghị định 112/2011/NĐ-CP về công chức xã – phường- thị trấn thì các hình thức kỷ luật áp dụng với công chức địa chính xã bao gồm:
“Điều 33: Các hình thức kỷ luật:
1. Áp dụng đối với các công chức Văn phòng – thống kê, Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã), Tài chính – kế toán, Tư pháp – hộ tịch, Văn hóa – xã hội:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Buộc thôi việc.”
Ngoài ra, đối với hành vi của bạn, có thể căn cứ theo Nghị định 112/2011/NĐ-CP Khoản 7, Điều 34 Khiển trách như sau:
“Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với công chức cấp xã có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
7. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức”
Theo Nghị định 112/2011/NĐ-CP Khoản 8,Điều 35. Cảnh cáo
“Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với công chức cấp xã có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
8. Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật, có thể khắc phục được hậu quả.”
Theo Nghị định 112/2011/NĐ-CP 2, Điều 36. Hạ bậc lương
“Hình thức kỷ luật hạ bậc lương áp dụng đối với công chức cấp xã có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
2. Lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi;”
Do dó, bạn có thể phải nhận hình thức kỷ luật là khiển trách hoặc cảnh cáo hoặc hạ bậc lương. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức cuộc họp để công chức có hành vi vi phạm pháp luật tự kiểm điểm và nhận hình thức kỷ luật để xem xét về hành vi và mức độ vi phạm để áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp. Nội dung các cuộc họp kiểm điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật quy định phải được lập thành biên bản theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP như sau:
“Điều 16. Tổ chức họp kiểm điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật
1. Người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức chịu trách nhiệm tổ chức cuộc họp để công chức có hành vi vi phạm pháp luật tự kiểm điểm và nhận hình thức kỷ luật. Việc tổ chức cuộc họp kiểm điểm được tiến hành đối với các trường hợp có thành lập Hội đồng kỷ luật và không thành lập Hội đồng kỷ luật quy định tại Điều 17 Nghị định này.
Việc tổ chức cuộc họp kiểm điểm được tiến hành như sau:
a) Trường hợp cơ quan sử dụng công chức có đơn vị công tác cấu thành thì tổ chức cuộc họp kiểm điểm với thành phần dự họp là toàn thể công chức của đơn vị công tác cấu thành. Biên bản cuộc họp kiểm điểm ở đơn vị công tác cấu thành được gửi đến người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức. Cuộc họp kiểm điểm của cơ quan sử dụng công chức có hành vi vi phạm pháp luật được tổ chức với thành phần dự họp là đại diện lãnh đạo chính quyền, cấp ủy và công đoàn của cơ quan sử dụng công chức;
b) Trường hợp cơ quan sử dụng công chức không có đơn vị công tác cấu thành thì tổ chức cuộc họp kiểm điểm với thành phần dự họp là toàn thể công chức của cơ quan sử dụng công chức.
2. Đối với người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu có hành vi vi phạm pháp luật thì người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm tổ chức họp kiểm điểm và quyết định thành phần dự họp.
3. Công chức có hành vi vi phạm pháp luật phải làm bản tự kiểm điểm, trong đó có tự nhận hình thức kỷ luật. Trường hợp công chức có hành vi vi phạm pháp luật không làm bản kiểm điểm hoặc vắng mặt sau 02 lần gửi giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng, đến lần thứ 03 sau khi đã gửi giấy triệu tập, nếu công chức vẫn vắng mặt thì cuộc họp kiểm điểm vẫn được tiến hành.
4. Nội dung các cuộc họp kiểm điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều này phải được lập thành biên bản. Biên bản các cuộc họp kiểm điểm phải có kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật đối với công chức có hành vi vi phạm pháp luật. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp kiểm điểm, biên bản cuộc họp kiểm điểm của cơ quan sử dụng công chức được gửi đến Chủ tịch Hội đồng kỷ luật trong trường hợp thành lập Hội đồng kỷ luật hoặc người có thẩm quyền xử lý kỷ luật trong trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét theo thẩm quyền quy định tại Nghị định này.”
>>> LVN Group tư vấn xử lý kỷ luật cán bộ địa chính xã: 1900.0191
Viêc ra quyết định kỷ luật được quy định tại Điều 20 Nghị định 34/2011/NĐ-CP như sau:
“1. Trình tự ra quyết định kỷ luật:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp, Hội đồng kỷ luật phải có kiến nghị việc xử lý kỷ luật bằng văn bản (kèm theo biên bản họp Hội đồng kỷ luật và hồ sơ xử lý kỷ luật) gửi người có thẩm quyền xử lý kỷ luật quy định tại Điều 15 Nghị định này;
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Hội đồng kỷ luật trong trường hợp thành lập Hội đồng kỷ luật hoặc biên bản cuộc họp kiểm điểm của cơ quan, tổ chức quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 16 Nghị định này trong trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật thì người có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật hoặc kết luận công chức không vi phạm pháp luật;
c) Trường hợp có tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền xử lý kỷ luật quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định này và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
2. Quyết định kỷ luật phải ghi rõ thời điểm có hiệu lực thi hành.
3. Sau 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực, nếu công chức không tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.
4. Các tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ công chức. Hình thức kỷ luật phải ghi vào lý lịch của công chức.”