Thực thi pháp luật thuế TTĐB có thể được hiểu là hoạt động có mục đích nhằm hiện thực hóa các quy định của pháp luật thuế TTĐB để những quy định này đi vào cuộc sống.
Thực thi pháp luật thuế TTĐB có thể được hiểu là hoạt động có mục đích nhằm hiện thực hóa các quy định của pháp luật thuế TTĐB để những quy định này đi vào cuộc sống và trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật. Trong quá trình thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt có một số yếu tố khách quan có ảnh hưởng nhất định tới hiệu quả thực thi.
1. Yếu tố kinh tế
Pháp luật thuế TTĐB của nước ta xuất hiện khá muộn, Luật Thuế TTĐB được Quốc hội khóa IX thông qua và có hiệu lực ngày 1/10/1990 và được sửa đổi vào các năm 1998, 2003, 2005. Mới đây nhất, năm 2008, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) vào tháng 11/2008 và có hiệu lực 1/4/2009.
Trước đây, khi nền kinh tế Việt Nam còn mang tính bao cấp, những hình thức kinh doanh ngoài Nhà nước đều không được khuyến khích đã đề cập đến thuế hàng hóa (được coi là tiền thân của thuế TTĐB) tại Quyết định 487-NQ/QHK4, tuy nhiên, quy định còn mang tính liệt kê, đánh cả vào những hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng. Đến khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta mới nhận thức rõ hơn về thuế tiêu thụ đặc biệt nên chỉ đánh thuế này đối với những mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng. Sự thay đổi các yếu tố về kinh tế dẫn đến thay đổi việc thực thi pháp luật thuế TTĐB. Thay vì sử dụng những mặt hàng mà pháp luật quy định là đối tượng chịu thuế TTĐB, các chủ thể có thể sử dụng hoặc sản xuất hoặc cung ứng những hàng hóa, dịch vụ tương tự những loại bị đánh thuế nhưng pháp luật chưa quy định. Đây thường là cách mà các doanh nghiệp sử dụng để trốn nghĩa vụ nộp thuế TTĐB. Ngược lại, khi đời sống kinh tế tăng lên, các điều kiện vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng được nâng lên thì có thể một số mặt hàng sẽ không còn bị coi là xa xỉ và sẽ không còn là đối tượng chịu thuế của thuế TTĐB nữa, chẳng hạn như xe ô tô dưới 24 chỗ, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3
2. Yếu tố văn hóa – giáo dục
Mỗi quốc gia trên thế giới đều tồn tại một nền văn hóa khác nhau, trong đó bao gồm cả văn hóa thực thi pháp luật. Văn hóa này cần phải xuất phát từ mỗi cá nhân trong xã hội để đảm bảo việc thực thi pháp luật đúng đắn, giúp cho các cơ quan công quyền thực hiện tốt nhiệm vụ của mình là đảm bảo tính pháp chế trong hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật thuế TTĐB nói riêng. Tuy nhiên, nếu như văn hóa, ý thức thực thi pháp luật chỉ xuất phát từ một phía của các chủ thể được Nhà nước trao quyền lực còn các chủ thể phải nộp thuế lại coi trọng lợi nhuận thu được hơn là việc tôn trọng văn hóa thực thi pháp luật rất dễ dẫn tới hành vi trốn thuế, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo ra tâm lý coi thường pháp luật trong người dân.
Để văn hóa thực thi pháp luật được phổ biến và phát huy tác dụng hơn nữa, cần xuất phát từ vấn đề giáo dục trong các môi trường như gia đình, nhà trường và cả xã hội. Đối với những chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế, cần giáo dục cho họ có ý thức tôn trọng pháp luật, hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân để họ hiểu đúng về trách nhiệm của mình đối với xã hội. Đối với chủ thể mang quyền lực thì việc giáo dục để họ hiểu rõ hơn nhiệm vụ của bản thân trong các công tác tổ chức thu nộp thuế TTĐB cũng như quản lý có hiệu quả trên thực tế là cần thiết.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
3. Yếu tố hội nhập quốc tế
Trong thời đại hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, Việt Nam cũng tham gia rất nhiều tổ chức khu vực cũng như quốc tế. Việc Việt Nam là thành viên của tổ chức thương mại quốc tế WTO đã tạo ra cho chúng ta nhiều cơ hội hợp tác, giao lưu với các quốc gia phát triển hơn, được đối xử bình đẳng như với các nước lớn, được bảo vệ quyền lợi khi lợi ích bị xâm hại. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn khi thực thi pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt nên đã có được những hoạt động cụ thể sau:
+ Quy định lộ trình tăng thuế đối với một số mặt hàng cụ thể: ô tô sản xuất lắp ráp trong nước (2004 -2005), thuốc lá, bia hơi (2006 – 2007). Điều này không những tránh tình trạng phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu theo đúng nguyên tắc của WTO; đồng thời, hạn chế những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng thuốc lá, bia hơi khi bắt buộc phải thực hiện các cam kết hội nhập, từ đó giúp các doanh nghiệp có thời gian phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh.
+ Đối với mặt hàng rượu: theo cam kết, trong vòng 3 năm kể từ ngày gia nhập WTO (tức là từ năm 2010), tại Việt Nam tất cả các loại rượu chưng cất có nồng độ từ 20 độ cồn trở lên sẽ áp dụng một mức thuế tuyệt đối tính theo lít rượu cồn nguyên chất hoặc một mức thuế phần trăm.
+ Đối với mặt hàng bia: theo cam kết, trong vòng 3 năm kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ áp dụng một mức thuế suất phần trăm (%) chung đối với các loại bia, không phân biệt hình thức đóng gói bao bì.
Sau khi Việt Nam tham gia các tổ chức khu vực cũng như quốc tế, một số quy định về thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2005 không còn phù hợp nữa. Chính vì thế, để tương thích với các quy định quốc tế, Việt Nam đã có những điều chỉnh cần thiết để việc thực thi luật thuế tiêu thụ đặc biệt không vấp phải sự phản đối của thế giới bằng cách sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 để phù hợp với hoàn cảnh mới, đảm bảo thực thi diễn ra phù hợp trong sân chơi chung toàn thế giới.