Chậm thi hành án dân sự có phải nộp tiền lãi? Pháp luật ưu tiên thanh toán khoản tiền gốc hay lãi trước? Thời hạn thi hành án dân sự.
Khoản 1 mục III Thông tư liên tịch 01/TTLT hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản quy định:
“Để bảo đảm quyền lợi cho bên được thi hành án, hạn chế việc bên phải thi hành án cố tình dây dưa, không tự nguyện thi hành án, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án, khoản tiền phải nộp để đưa vào ngân sách Nhà nước (tiền tịch thu, tiền truy thu thuế, tiền truy thu do thu lợi bất chính, tiền phạt), toà án phải quyết định rõ trong bản án hoặc quyết định là kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp được hướng dẫn tại khoản 3 phần 1 Thông tư này về các khoản vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng. Khi tính lãi chỉ tính lãi số tiền còn phải thi hành án, mà không tính lãi của số tiền lãi chưa trả trong quá trình thi hành án”.
Thông tư liên tịch này chưa bị văn bản quy phạm pháp luật nào hủy bỏ nên vẫn được áp dụng, trừ những nội dung không còn phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau đó (như: lãi đối với số tiền chậm trả theo “lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố” quy định tại khoản 2 Điều 305 “Bộ luật dân sự 2015” thay cho “lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định” theo quy định tại khoản 2 Điều 313 “Bộ luật dân sự 2015”).
Như vậy, về nguyên tắc, trường hợp bên phải thi hành án chậm thi thi hành án thì hàng tháng họ còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án nhưng chỉ được tính lãi trên số tiền nợ gốc (số tiền phải thi hành án theo quyết định của Bản án, Quyết định của Tòa án) mà không được tính lãi trên số tiền lãi..
Tuy nhiên, Thông tư liên tịch 01/TTLT cũng như quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự 2008 không quy định rõ trong trường hợp này ưu tiên thanh toán khoản tiền gốc hay lãi trước.
Liên quan đến thứ tự thanh toán các khoản tiền trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự là trả tiền, Điều 338 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
“Tiền bán tài sản cầm cố được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ cho bên nhận cầm cố sau khi trừ chi phí bảo quản, bán tài sản và các chi phí cần thiết khác có liên quan để xử lý tài sản cầm cố; trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm là khoản vay thì thanh toán cho bên nhận cầm cố theo thứ tự nợ gốc, lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại nếu có”.
>>> LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
Đồng thời, căn cứ khoản 11 Mục II Thông tư liên tịch 02/2002/TTLT-NHNN-BTP:
“Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm được dùng để thanh toán nợ gốc, lãi, lãi quá hạn cho ngân hàng thương mại, công ty quản lý nợ sau khi trừ đi các chi phí thực tế, hợp lý liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm”.
Theo đó, trong trường hợp Bản án, Quyết định của Tòa án tuyên tính lãi suất chậm thi hành án đối với số tiền thi hành án (trừ trường hợp đương sự thỏa thuận cách thức tính, thanh toán tiền lãi chậm thi hành án và được quyết định trong Bản án, Quyết định của Tòa án) thì khi thu được tiền thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự tiến hành thanh toán tiền nợ gốc (số tiền phải thi hành án được tuyên rõ trong Bản án, Quyết định của Tòa án) trước, sau đó mới thanh toán tiền lãi suất chậm thi hành án tương ứng với thời gian chưa thi hành án.