Việc thực thi thuế tiêu thụ đặc biệt có đạt được hiệu quả tốt hay không phụ thuộc nhiều vào hoạt động đưa ra các chủ trương, phương hướng và quản lý trên thực tế.
Việc thực thi thuế tiêu thụ đặc biệt có đạt được hiệu quả tốt hay không phụ thuộc nhiều vào hoạt động đưa ra các chủ trương, phương hướng và quản lý trên thực tế các quy định của pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt.
1. Đối tượng chịu thuế
Theo Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, đối tượng chịu thuế được quy định gồm 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ. Con số này đã tăng lên so với quy định trước đó tại Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 2005 (sửa đổi, bổ sung) khi chỉ quy định 8 nhóm hàng hóa và 5 nhóm dịch vụ. Cụ thể quy định hiện hành về đối tượng chịu thuế bao gồm:
“1. Hàng hóa:
a) Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm;
b) Rượu;
c) Bia;
d) Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng;
đ) Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3;
e) Tàu bay, du thuyền;
g) Xăng các loại, nap-ta (naphtha), chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác để pha chế xăng;
h) Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống;
i) Bài lá;
k) Vàng mã, hàng mã.
2. Dịch vụ:
a) Kinh doanh vũ trường;
b) Kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke);
c) Kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự;
d) Kinh doanh đặt cược;
đ) Kinh doanh gôn (golf) bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn;
e) Kinh doanh xổ số”.
Bất kể chủ thể nào có sản xuất hoặc nhập khẩu các mặt hàng hoặc kinh doanh các dịch vụ nói trên đều có nghĩa vụ nộp thuế TTĐB. Luật Thuế TTĐB 2008 đã thêm một số hàng hóa và dịch vụ vào diện đối tượng chịu thuế TTĐB để đảm bảo sắc thuế này bao quát được việc tiêu dùng hầu hết các sản phẩm và dịch vụ cần điều tiết mạnh vào ngân sách nhà nước. Các mặt hàng đó là: Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3, xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng và ô tô chạy bằng điện, bằng năng lượng điện hoặc năng lượng sinh học; tàu bay, du thuyền và các chế phẩm khác từ thuốc lá. Dịch vụ mới bao gồm trò chơi điện tử có thưởng bằng máy slot và các loại máy tương tự. Các mặt hàng này đều là những mặt hàng cao cấp, thường chỉ các đối tượng có thu nhập cao và rất cao trong xã hội sử dụng. Do đó, việc đưa thêm các mặt hàng này vào diện chịu thuế TTĐB giúp định hướng tiêu dùng, khuyến khích sử dụng năng lượng có hiệu quả, tiết kiệm, bảo vệ môi trường và điều tiết lại một phần thu nhập của những người có thu nhập cao trong xã hội.
Các loại hàng hóa, dịch vụ tương tự cũng được đề cập đến, tránh những bất hợp lý xảy ra trong quá trình thực thi thuế TTĐB, tạo ra lòng tin cho xã hội về tính công bằng trong chính sách thuế nói chung và thuế TTĐB nói riêng.
2. Thuế suất
Trong khoảng một thập kỷ gần đây, thuế suất thuế TTĐB được sửa đổi theo hướng giảm dần và từng bước xóa bỏ phân biệt về thuế suất áp dụng đối với hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu. Theo biểu thuế suất hiện hành, thuế suất thuế TTĐB là thuế suất tỉ lệ gồm nhiều bậc, áp dụng cho từng nhóm mặt hàng, dịch vụ chịu thuế, với mức thuế cao nhất là 70% và thấp nhất là 10%. Trong đó mặt hàng bị đánh thuế cao nhất là vàng mã, hàng mã 70%. Trước đây mức thuế xuất cao nhất 100%năm 1998, 80% năm 2003, 75% năm 2005. Các quy định về thuế suất như vậy giúp Việt Nam thực hiện các cam kết với quốc tế theo lộ trình hội nhập. Mặt khác, nó cũng nhận được ủng hộ của các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài, từ đó pháp luật được tôn trọng hơn, góp phần hình thành ý thức tuân theo pháp luật thuế TTĐB, giúp việc thực thi thuế TTĐB diễn ra nhanh chóng và hạn chế được hành vi trốn thuế. Tuy nhiên dù có giảm bớt nhưng mức thuế suất vẫn phải đảm bảo được mục đích hướng dẫn tiêu dùng mà Nhà nước đã đề ra, giúp cân bằng lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân.
3. Phương pháp tính thuế
Phương pháp tính thuế TTĐB 2008 được quy định tại Điều 6 Luật thuế TTĐB :
“Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi hoặc tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng cho là giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.
Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều này bao gồm cả khoản thu thêm, được thu (nếu có) mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
Giá tính thuế được tính bằng Đồng Việt Nam. Trường hợp người nộp thuế có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu để xác định giá tính thuế.
Chính phủ quy định cụ thể Điều này.”
Nghị định 26/2009/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2009 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế TTĐB quy định chi tiết việc tính thuế TTĐB như sau:
“1.Đối với hàng hoá sản xuất trong nước, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định như sau:
Giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng
Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt = ___________________________________
1 + thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt
Trong đó, giá bán chưa có thuế GTGT được xác định theo quy định của pháp luật về thuế GTGT…
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
2. Đối với hàng nhập khẩu, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định như sau:
Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt = Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu….
3. Đối với hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, giá tính thuế không loại trừ giá trị vỏ bao bì, vỏ chai….
4. Đối với hàng hoá gia công thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán hàng hoá của cơ sở giao gia công bán ra hoặc giá bán của sản phẩm cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm bán.
5. Đối với hàng hoá sản xuất dưới hình thức hợp tác kinh doanh giữa cơ sở sản xuất và cơ sở sở hữu thương hiệu (nhãn hiệu) hàng hoá, công nghệ sản xuất thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán ra của cơ sở sở hữu thương hiệu hàng hoá, công nghệ sản xuất.
6. Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của hàng hóa bán theo phương thức trả tiền một lần, không bao gồm khoản lãi trả góp, lãi trả chậm.
7. Đối với dịch vụ, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá cung ứng dịch vụ của cơ sở kinh doanh dịch vụ bán ra…
8. Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho, khuyến mại giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh hoạt động trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, khuyến mại các hàng hoá, dịch vụ này.
9. Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều này bao gồm cả khoản thu thêm tính ngoài giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ (nếu có) mà cơ sở sản xuất, kinh doanh được hưởng…”
Quy định này thể hiện sự tiến bộ của luật thuế TTĐB 2008, được xem là hành lang pháp lý quan trọng nhất để tiến hành việc thực thi pháp luật thuế TTĐB. Các cơ quan quyền lực sẽ dựa vào các quy định này để thực thi luật chính xác, tránh việc bỏ sót các trường hợp hoặc việc không tuân thủ của các doanh nghiệp và người tiêu dùng vì lý do không quy định cụ thể nên có cách áp dụng khác nhau.
4. Chế độ hoàn thuế, giảm thuế, khấu trừ thuế TTĐB
Hoàn thuế là việc trả lại cho người nộp thuế một phần hoặc toàn bộ số thuế mà người nộp thuế đã nộp vào ngân sách nhà nước.
Khấu trừ thuế TTĐB chỉ được thực hiện trong trường hợp người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB bằng chính nguyên liệu chịu thuế TTĐB và chỉ khi người nộp thuế có chứng từ hợp pháp. Đây không phải là hoạt động bây giờ mới áp dụng vì đây là nguyên tắc “đánh thuế phải đảm bảo không xảy ra tình trạng một đối tượng tính thuế phải chịu một loại thuế nhiều lần”. Hoàn thuế cũng để đảm bảo nguyên tắc này nhưng phần lớn đối với hàng xuất khẩu hoặc khi chia cắt, giải thể, phá sản… Tuy nhiên, như vậy tức là chưa tính tới các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa TTĐB trong nước, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này có thêm vốn để sản xuất, kinh doanh.
Trước đây, để giảm bớt những khó khăn mà các doanh nghiệp có thể gặp phải, pháp luật có quy định các trường hợp được miễn, giảm thuế TTĐB. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các trường hợp được miễn, giảm thu hẹp dần. Đến nay, khái niệm miễn thuế đã không còn tồn tại. Điều này cũng hợp lý bởi lẽ khi họ đã chấp nhận sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải chịu thuế TTĐB( là những hàng hóa Nhà nước không khuyến khích và không thiết yếu trong cuộc sống) là họ đã chấp nhận và có khả năng bỏ ra khoản thuế TTĐB vì vậy việc miễn thuế TTĐB là không cần thiết.
5. Chế độ hóa đơn chứng từ
Hóa đơn, chứng từ mua bán, nhập khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ là những yếu tố có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với cơ sở kinh doanh trong hoạt động kế toán, kiểm toán mà còn đối với cả Nhà nước trong việc xác định đúng, đủ nghĩa vụ thuế của cơ sở sản xuất kinh doanh đối với ngân sách nhà nước. Quản lý hóa đơn, chứng từ tạo cơ sở để xác định chính xác giá bán hàng hóa, dịch vụ; số lượng, trọng lượng hàng hóa đã tiêu thụ, từ đó xác định được số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp cũng như tạo điều kiện thực hiện tốt việc khấu trừ thuế; giúp cơ quan thuế kịp thời phát hiện những đối tượng nộp thuế không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ để có biện pháp xử lí tránh thất thu cho ngân sách nhà nước; giúp xác định chính xác tính không chịu thuế của hàng hóa, từ đó loại trừ nghĩa vụ nộp thuế của cơ sở sản xuất hàng hóa đó.