Chuyển tiền mua máy móc đầu tư lấy lợi nhuận. Đầu tư góp vốn vào công ty cổ phần, khấu hao tài sản và xử lý tài sản góp vốn kinh doanh.
Chuyển tiền mua máy móc đầu tư lấy lợi nhuận. Đầu tư góp vốn vào công ty cổ phần, khấu hao tài sản và xử lý tài sản góp vốn kinh doanh.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi LVN Group ! Em có vấn đề đang thắc mắc kính mong LVN Group giải đáp dùm em như sau : Công ty em làm là công ty cổ phần . Có cá nhân A muốn hợp tác đầu tư và chuyển tiền mặt vào tài khoản công ty. Công ty lấy tiền đó mua tài sản cố định là máy móc để sử dụng. Công ty em hàng tháng thanh toán 1 phần lợi nhuận cho ông A. Thì phần thanh toán cho ông A có hợp lý không. Còn tài sản cố định đã mang tên Chủ sở hữu là công ty thì công ty vẫn trích khấu hao bình thường phải không ạ. Nếu đến một thời gian sau ông A không muốn hợp tác nữa thì khoản tiền ông A đóng góp vào cty sẽ được giải quyết thế nào cho hợp lý. Kính mong LVN Group giải đáp dùm em . Em xin cảm ơn!
LVN Group tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT LVN. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT LVN xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
* Cơ sở pháp luật:
– Luật doanh nghiệp 2014;
– Luật đầu tư 2014;
– Thông tư 45/2013/TT-BTC chế độ quản lý sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
* Nội dung:
Vì thông tin bạn đưa ra không rõ ràng nên cần phải xác định rõ việc cá nhân A góp tiền vào công ty bạn là thành viên góp vốn vào công ty Cổ phần hay giữa cá nhân A và công ty ký hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh BCC nên cần phải chia hai trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Nếu việc cá nhân A đầu tư một khoản tiền vào công ty bạn là hình thức hợp tác đầu tư kinh doanh BCC được điều chỉnh theo Luật đầu tư 2014.
Khoản 9 Điều 3 Luật đầu tư 2014 giải thích như sau: “Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.”
Điều 28 Luật đầu tư 2014 quy định đầu tư theo hình thức hợp đồng BBC như sau:
“1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
2. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37 của Luật này.
3. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.”
Hợp đồng hoạt động đầu tư được thiết lập trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các nhà đầu tư nhưng không thành lập pháp nhân mới, quyền và nghĩa vụ các bên chỉ ràng buộc với nhau bởi hợp đồng. Hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh bao gồm các thỏa thuận cùng góp vốn kinh doanh, cùng phân chia lợi nhuận và cùng chịu rủi ro.
Theo Điều 29 Luật đầu tư 2014 quy định nội dung hợp đồng BBC như sau:
“1. Hợp đồng BCC gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án;
b) Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
c) Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
d) Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
e) Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
g) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
2. Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
3. Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.”
Do vậy, hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh được ký kết dựa trên sự thỏa thuận giữa hai bên, nên trong trường hợp này, việc chia lợi nhuận cho cá nhân A hay cả việc sau này cá nhân A không muốn hợp tác nữa thì về khoản tiền sẽ được giải quyết theo nội dung thỏa thuận của hợp đồng.
Trường hợp 2: Nếu cá nhân A góp vốn vào công ty bạn dưới hình thức là thành viên góp vốn.
Thứ nhất, về việc công ty bạn thanh toán lợi nhuận hàng tháng cho ông A trên cơ sở phần vốn góp của ông A là hợp lý nếu điều lệ công ty có quy định. Cụ thể, Điều 132 Luật doanh nghiệp 2014 về trả cổ tức quy định:
“1. Cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi được thực hiện theo các điều kiện áp dụng riêng cho mỗi loại cổ phần ưu đãi.
2. Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
b) Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;
c) Ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
3. Cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty. Nếu chi trả bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng Đồng Việt Nam và có thể được chi trả bằng séc, chuyển khoản hoặc lệnh trả tiền gửi bằng bưu điện đến địa chỉ thường trú hoặc địa chỉ liên lạc của cổ đông.
4. Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Hội đồng quản trị lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức. Thông báo về trả cổ tức được gửi bằng phương thức bảo đảm đến cổ đông theo địa chỉ đăng ký trong sổ đăng ký cổ đông chậm nhất 15 ngày trước khi thực hiện trả cổ tức. Thông báo phải có các nội dung sau đây:
a) Tên công ty và địa chỉ trụ sở chính của công ty;
b) Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông là cá nhân;
c) Tên, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông là tổ chức;
d) Số lượng cổ phần từng loại của cổ đông; mức cổ tức đối với từng cổ phần và tổng số cổ tức mà cổ đông đó được nhận;
đ) Thời điểm và phương thức trả cổ tức;
e) Họ, tên, chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty.
5. Trường hợp cổ đông chuyển nhượng cổ phần của mình trong thời gian giữa thời điểm kết thúc lập danh sách cổ đông và thời điểm trả cổ tức thì người chuyển nhượng là người nhận cổ tức từ công ty.
6. Trường hợp chi trả cổ tức bằng cổ phần, công ty không phải làm thủ tục chào bán cổ phần theo quy định tại các điều 122, 123 và 124 của Luật này. Công ty phải đăng ký tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phần dùng để chi trả cổ tức trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán cổ tức.”
Theo đó, pháp luật không quy định cụ thể về việc sau bao lâu công ty cổ phần thực hiện việc trả cổ tức cho cổ đông của mình một lần mà lấy căn cứ cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên để làm mốc tính thời hạn cho việc trả cổ tức ( 06 tháng sau ngày kết thúc cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên). Như vậy, nếu Điều lệ công ty bạn quy định họp Đại hội đồng cổ đông thường niên được tiến hành hàng tháng thì việc chi trả cổ tức cho ông A hàng tháng là điều hoàn toàn hợp lý. Như vậy, nếu không thỏa mãn tiêu chí trên thì việc thanh toán cổ tức hàng tháng cho một cổ đông như ông A là trái pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các cổ đông khác.
Thứ hai, về việc tính khấu hao đối với thiết bị được mua từ khoản vốn góp của ông A vào công ty. Đối với loại hình doanh nghiệp công ty cổ phần như công ty của bạn, việc góp vốn được thực hiện qua việc các cá nhân, tổ chức chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho công ty và nhận lại quyền sở hữu số lượng cổ phần tương ứng với giá trị tài sản góp vốn. Trong trường hợp này, ông A đã chuyển giao số tiền góp vốn cho công ty, công ty chính là chủ sở hữu hợp pháp đối với số tiền đó vậy nên số máy móc được mua bằng số tiền đó cũng đương nhiên thuộc toàn quyền sở hữu của công ty. Do đó, khấu hao phát sinh trong quá trình số máy móc đó hoạt động hoàn toàn do phía công ty bạn phải chịu với tư cách là chủ sở hữu và khoản khấu hao này được coi như là một chi phí cho hoạt động sản xuất thông thường tuy nhiên cần lưu ý một số vấn đề theo Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định chế độ quản lý sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định như sau:
“Điều 9 Nguyên tắc trích khấu hao tài sản cố định:
1. Tất cả TSCĐ hiện có của doanh nghiệp đều phải trích khấu hao, trừ những TSCĐ sau đây:
– TSCĐ đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn đang sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
– TSCĐ khấu hao chưa hết bị mất.
– TSCĐ khác do doanh nghiệp quản lý mà không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ TSCĐ thuê tài chính).
– TSCĐ không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp.
– TSCĐ sử dụng trong các hoạt động phúc lợi phục vụ người lao động của doanh nghiệp (trừ các TSCĐ phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch, nhà để xe, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, xe đưa đón người lao động, cơ sở đào tạo, dạy nghề, nhà ở cho người lao động do doanh nghiệp đầu tư xây dựng).
– TSCĐ từ nguồn viện trợ không hoàn lại sau khi được cơ quan có thẩm quyền bàn giao cho doanh nghiệp để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
– TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất lâu dài có thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâu dài hợp pháp.
2. Các khoản chi phí khấu hao tài sản cố định được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
3. Trường hợp TSCĐ sử dụng trong các hoạt động phúc lợi phục vụ cho người lao động của doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này có tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp căn cứ vào thời gian và tính chất sử dụng các tài sản cố định này để thực hiện tính và trích khấu hao vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý để theo dõi, quản lý.
4. TSCĐ chưa khấu hao hết bị mất, bị hư hỏng mà không thể sửa chữa, khắc phục được, doanh nghiệp xác định nguyên nhân, trách nhiệm bồi thường của tập thể, cá nhân gây ra. Chênh lệch giữa giá trị còn lại của tài sản với tiền bồi thường của tổ chức, cá nhân gây ra, tiền bồi thường của cơ quan bảo hiểm và giá trị thu hồi được (nếu có), doanh nghiệp dùng Quỹ dự phòng tài chính để bù đắp. Trường hợp Quỹ dự phòng tài chính không đủ bù đắp, thì phần chênh lệch thiếu doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.
5. Doanh nghiệp cho thuê TSCĐ hoạt động phải trích khấu hao đối với TSCĐ cho thuê.
6. Doanh nghiệp thuê TSCĐ theo hình thức thuê tài chính (gọi tắt là TSCĐ thuê tài chính) phải trích khấu hao TSCĐ đi thuê như TSCĐ thuộc sở hữu của doanh nghiệp theo quy định hiện hành. Trường hợp ngay tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, doanh nghiệp thuê TSCĐ thuê tài chính cam kết không mua lại tài sản thuê trong hợp đồng thuê tài chính, thì doanh nghiệp đi thuê được trích khấu hao TSCĐ thuê tài chính theo thời hạn thuê trong hợp đồng.
7. Trường hợp đánh giá lại giá trị TSCĐ đã hết khấu hao để góp vốn, điều chuyển khi chia tách, hợp nhất, sáp nhập thì các TSCĐ này phải được các tổ chức định giá chuyên nghiệp xác định giá trị nhưng không thấp hơn 20% nguyên giá tài sản đó. Thời điểm trích khấu hao đối với những tài sản này là thời điểm doanh nghiệp chính thức nhận bàn giao đưa tài sản vào sử dụng và thời gian trích khấu hao từ 3 đến 5 năm. Thời gian cụ thể do doanh nghiệp quyết định nhưng phải thông báo với cơ quan thuế trước khi thực hiện.
Đối với các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thời điểm trích khấu hao của các TSCĐ nói trên là thời điểm doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chuyển thành công ty cổ phần.
8. Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu (DCF) thì phần chênh lệch tăng của vốn nhà nước giữa giá trị thực tế và giá trị ghi trên sổ sách kế toán không được ghi nhận là TSCĐ vô hình và được phân bổ dần vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thời gian không quá 10 năm. Thời điểm bắt đầu phân bổ vào chi phí là thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần (có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).
9. Việc trích hoặc thôi trích khấu hao TSCĐ được thực hiện bắt đầu từ ngày (theo số ngày của tháng) mà TSCĐ tăng hoặc giảm. Doanh nghiệp thực hiện hạch toán tăng, giảm TSCĐ theo quy định hiện hành về chế độ kế toán doanh nghiệp.
10. Đối với các công trình xây dựng cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, doanh nghiệp đã hạch toán tăng TSCĐ theo giá tạm tính do chưa thực hiện quyết toán. Khi quyết toán công trình xây dựng cơ bản hoàn thành có sự chênh lệch giữa giá trị tạm tính và giá trị quyết toán, doanh nghiệp phải điều chỉnh lại nguyên giá tài sản cố định theo giá trị quyết toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Doanh nghiệp không phải điều chỉnh lại mức chi phí khấu hao đã trích kể từ thời điểm tài sản cố định hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đến thời điểm quyết toán được phê duyệt. Chi phí khấu hao sau thời điểm quyết toán được xác định trên cơ sở lấy giá trị quyết toán tài sản cố định được phê duyệt trừ (-) số đã trích khấu hao đến thời điểm phê duyệt quyết toán tài sản cố định chia (:) thời gian trích khấu hao còn lại của tài sản cố định theo quy định.
11. Đối với các tài sản cố định doanh nghiệp đang theo dõi, quản lý và trích khấu hao theo Thông tư số 203/2009/TT-BTC nay không đủ tiêu chuẩn về nguyên giá tài sản cố định theo quy định tại Điều 2 của Thông tư này thì giá trị còn lại của các tài sản này được phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian phân bổ không quá 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành của Thông tư này.”
>>> LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
Thứ ba, về việc ông A muốn lấy lại phần vốn đã góp vào công ty. Theo Điều 113 Luật doanh nghiệp 2014 thì công ty cổ phần có hai loại cổ phần bao gồm: cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi: cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và những cổ phần ưu đãi khác do điều lệ công ty quy định. Trước tiên, cần phải xác định số cổ phần mà ông A sở hữu là loại cổ phần nào bởi mỗi loại cổ phần lại đem đến cho chủ sở hữu số cổ phần đó quyền và nghĩa vụ riêng. Việc rút vốn ra khỏi công ty cổ phần chỉ có thể thực hiện dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần cho người khác hoặc công ty mua lại số cổ phần đó.
+ Trường hợp 1: Ông A chuyển nhượng số cổ phần mình sở hữu cho người khác.
Khoản 1 Điều 126 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.”
Theo đó, về nguyên tắc, ông A có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần mình sở hữu cho người khác để rút vốn trừ các trường hợp sau:
+ Nếu ông A sở hữu cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập – loại cổ phần phổ thông do các cổ đông sáng lập cùng nhau mua tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp. Khoản 3, khoản 4 Điều 119 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:
“Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.
4. Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty.”
Như vậy, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Công ty được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp thì quyền chuyển nhượng của ông A bị hạn chế bởi chỉ có thể chuyển nhượng số phần này cho những cổ đông sáng lập khác hoặc người khác không phải cổ đông sáng lập nếu được Đại hội đồng cổ đông đồng ý. Sau khi thời hạn 03 năm kết thúc, ông A có quyền tự do chuyển nhượng số cổ phần trên như cổ phần phổ thông thông thường.
+ Nếu ông A sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết – cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông. Theo quy định tại khoản 3 Điều 116 Luật doanh nghiệp 2014 thì ông A sẽ không có quyền chuyển nhượng số cổ phần loại này cho bất kì ai.
Ngoài ra, những hạn chế khác đối với việc chuyển nhượng cổ phần của ông A nếu những hạn chế đó được Điều lệ công ty quy định thì phải được ghi rõ trong cổ phiếu của loại cổ phần đó.
Đồng thời, ông A cũng cần lưu ý thủ tục, cách thức chuyển nhượng cổ phần được nêu tại khoản 2 Điều 126 Luật Doanh nghiệp 2014:
“2. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký. Trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán, trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.”
+Trường hợp 2: công ty mua lại cổ phần theo yêu cầu của ông A hoặc theo quyết định của phía công ty.
Điều 129 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:
“1. Cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này.
2. Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông quy định tại khoản 1 Điều này với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.”
Như vậy, ông A chỉ có thể sử dụng quy định này nếu nắm giữ cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi biểu quyết vì những loại cổ phần này cho ông A quyền biểu quyết. Theo đó, chỉ cần biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty thì ông A có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình và công ty buộc phải thự hiện việc mua lại đó.
Cổ phần của ông A cũng có thể được phía công ty mua lại theo quy đinh tại Điều 130 Luật doanh nghiệp 2014:
“Điều 130. Mua lại cổ phần theo quyết định của công ty
Công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán theo quy định sau đây:
1. Hội đồng quản trị có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã được chào bán trong 12 tháng. Trường hợp khác, việc mua lại cổ phần do Đại hội đồng cổ đông quyết định;
2. Hội đồng quản trị quyết định giá mua lại cổ phần. Đối với cổ phần phổ thông, giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Đối với cổ phần loại khác, nếu Điều lệ công ty không quy định hoặc công ty và cổ đông có liên quan không có thỏa thuận khác thì giá mua lại không được thấp hơn giá thị trường;
3. Công ty có thể mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty. Trường hợp này, quyết định mua lại cổ phần của công ty phải được thông báo bằng phương thức bảo đảm đến được tất cả cổ đông trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định đó được thông qua. Thông báo phải có tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty, tổng số cổ phần và loại cổ phần được mua lại, giá mua lại hoặc nguyên tắc định giá mua lại, thủ tục và thời hạn thanh toán, thủ tục và thời hạn để cổ đông chào bán cổ phần của họ cho công ty.
Cổ đông đồng ý bán lại cổ phần phải gửi chào bán cổ phần của mình bằng phương thức bảo đảm đến được công ty trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo. Chào bán phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông là tổ chức; số cổ phần sở hữu và số cổ phần chào bán; phương thức thanh toán; chữ ký của cổ đông hoặc người đại diện theo pháp luật của cổ đông. Công ty chỉ mua lại cổ phần được chào bán trong thời hạn nói trên.”
Như vậy, tùy vào loại cổ phần sở hữu và điều kiện thực tế mà ông A có thể chọn cách thức phù hợp nhất để rút vốn khỏi công ty trên cơ sở những cách thức đã trình bày ở trên.