Đặc điểm phân biệt có liên hệ trực tiếp đến độ mạnh và phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu. Tùy theo mức độ phân biệt, nhãn hiệu được phân thành 4 nhóm nhãn hiệu khác nhau.
Nhãn hiệu (trademark) là các dấu hiệu nhìn thấy được dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể khác nhau. Đặc điểm phân biệt (distinctiveness) của nhãn hiệu có sự liên hệ trực tiếp đến độ mạnh và phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu (phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu được xác định một cách đầy đủ bằng mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ đăng ký sử dụng nhãn hiệu).
Tùy theo mức độ phân biệt, nhãn hiệu được phân thành 4 nhóm nhãn hiệu khác nhau, được sắp xếp theo trình tự có mức độ phân biệt giảm dần, bao gồm: nhãn hiệu tự tạo (coined mark), nhãn hiệu bất kỳ (arbitrary mark), nhãn hiệu có tính gợi nhớ (suggestive mark) và nhãn hiệu có tính mô tả (descriptive mark). Các dấu hiệu (chữ hay hình) không có khả năng phân biệt được gọi là các dấu hiệu “chung” và không thể đăng ký dùng làm nhãn hiệu.
Nhãn hiệu tự tạo (Coined Mark)
Nhãn hiệu tự tạo là loại nhãn hiệu có mức độ phân biệt cao nhất trong số các loại nhãn hiệu, được tạo thành bởi các dấu hiệu chữ hay hay dấu hiệu hình “tự tạo” không mang một ý nghĩa nào ngoại trừ sự liên hệ giữa nó và hàng hóa hay dịch vụ gắn với nó.
Ví dụ: XEROX cho máy photocopy, GOOGLE cho dịch vụ web hay KODAK cho phim chụp ảnh…
Nhãn hiệu bất kỳ (Arbitrary Mark)
Nhãn hiệu bất kỳ là loại nhãn hiệu có mức độ phân biệt đứng sau nhãn hiệu tự tạo. Nhãn hiệu bất kỳ được cấu thành bởi các dấu hiệu chữ là một từ có nghĩa trong từ điển, nhưng nghĩa của từ không có bất kỳ sự liên hệ nào đối với sản phẩm hay dịch vụ gắn với nó. APPLE hay Canon là những ví dụ điển hình của loại nhãn hiệu này.
Nhãn hiệu có tính gợi nhớ (Suggestive Mark)
Mặc dù có khả năng phân biệt thấp hơn nhãn hiệu tự tạo và nhãn hiệu bất kỳ, nhưng nhãn hiệu có tính gợi nhớ cũng là cơ sở tốt để xây dựng một nhãn hiệu mạnh. Nhãn hiệu thuộc loại này có tính gợi nhớ đến chức năng hay tính chất của hàng hóa hay dịch vụ gắn với nó, nhưng không trực tiếp mô tả hàng hóa hay dịch vụ đó. Khách hàng cần phải có sự tư duy trừu tượng nhất định để có thể xác định chính xác bản chất của hàng hóa hay dịch vụ tương ứng. Nhãn hiệu có tính mô tả thường là các từ mang hàm ý về chất lượng kỳ vọng hoặc đặc trưng của sản phẩm mang nhãn hiệu, như hiệu quả, tốc độ, sự chính xác, sự tiện nghi hay thanh lịch…
Ví dụ: SOFTINA, COMPAQ …
>>> LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
Nhãn hiệu có tính mô tả (Descriptive Mark)
Nhãn hiệu có tính mô tả là loại nhãn hiệu có tính phân biệt thấp nhất trong số các loại nhãn hiệu. Nhãn hiệu loại này mô tả một cách trực tiếp hàng hóa hay dịch vụ và người dùng không cần phải có một nỗ lực tư duy trừu tượng đáng kể nào để hình dung ra hàng hóa hay dịch vụ tương ứng. Các doanh nghiệp lựa chọn sử dụng loại nhãn hiệu này với mục đích đạt được sự nhận biết tức thời từ phía khách hàng đối với hàng hóa hay dịch vụ của mình thông qua sự liên hệ trực tiếp giữa nhãn hiệu với bản chất của hàng hóa hay dịch vụ tương ứng. Do tính phân biệt thấp nên loại nhãn hiệu này thường không được cấp văn bằng bảo hộ, tức không được trao quyền độc quyền đối với nhãn hiệu. Tuy vậy, mức độ nhận biết của loại nhãn hiệu này có thể được cải thiện thông qua việc sử dụng thực tiễn nhãn hiệu, đi kèm với nỗ lực tiếp thị, quảng cáo và có thể đạt được sự bảo hộ sau một thời gian sử dụng nhất định.
Ví dụ: SAFEGUARD, COMPUTERLAND…
Như vậy, để phát triển một nhãn hiệu mạnh, các nhà kinh doanh nên lựa chọn và thiết kế nhãn hiệu mới có độ phân biệt càng cao, tương đương với việc phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu sẽ càng rộng.