Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp được hiểu là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng.
Từ sau khi nước ta gia nhập WTO, hàng hóa các nước trong và ngoài khu vực “tràn” vào thị trường nội địa ngày càng nhiều và phổ biến hơn. Điều này làm cho thị trường hàng hóa của chúng ta ngày càng đa dạng và phong phú, tuy nhiên chính sự đa dạng này cũng mang tới cho chúng ta nhiều khó khăn, thử thách nhất là trong lĩnh vực kiểm tra, giám sát các hành vi vi phạm pháp luật. Có nhiều tổ chức, cá nhân đã nhân cơ hội này, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để thực hiện những hành vi trái pháp luật như: gian lận trốn thuế, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản,…. Trong số đó không thể không kể tới hành vi “sử dụng hóa đơn bất hợp pháp” nhằm phục vụ lợi ích cá nhân.
Khoản 1 Điều 3 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, có đưa ra khái niệm về “hóa đơn” như sau: “Hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật”. Theo đó, “sử dụng hóa đơn bất hợp pháp” được hiểu là: “việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng.
Hóa đơn giả là hóa đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn.
Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng là hóa đơn đã được tạo theo hướng dẫn tại Thông tư này, nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành.
Hóa đơn hết giá trị sử dụng là hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế)”(Điều 22 Thông tư 39/2014/TT-BTC).
Hành vi “sử dụng bất hợp pháp hóa đơn” là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này); cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác.
– Một số trường hợp cụ thể được xác định là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn:
+ Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ.
+ Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán ra, để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra để gian lận thuế, để bán hàng hóa nhưng không kê khai nộp thuế.
+ Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng không kê khai nộp thuế, gian lận thuế; để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ.
+ Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn.
+ Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
>>> LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
Đối với hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, theo khoản 2 Điều 12 Thông tư 10/2014/TT-BTC có quy định về việc xử phạt hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn như sau: “ 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này) hoặc hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư này).
Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn và các trường hợp cụ thể xác định là sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ”.