Hoãn phiên tòa là gì? Tạm ngừng phiên tòa là gì? Hoãn phiên tòa phúc thẩm trong tố tụng dân sự? Quy định về thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm dân sự? Quy định về hoãn phiên tòa?
Hoãn phiên tòa và tạm ngừng phiên tòa là hai thuật ngữ được sử dụng trong Bộ luật tố tụng dân sự. Tính chất của hai khái niệm này là khác nhau, tuy nhiên về mặt hệ quả pháp lý thì giống nhau, nghĩa là đều làm cho vụ án không được xét xử trong một thời hạn. Do vậy, trong nhiều trường hợp còn gây nhầm lẫn nên việc phân biệt hai thuật ngữ này vô cùng quan trọng trong hoạt động tố tụng.
Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.0191
1. Hoãn phiên tòa là gì?
Hoãn phiên tòa được hiểu là việc không tiến hành xét xử vì một số lý do nhằm đảm bảo việc xét xử được khách quan, công bằng. Việc hoàn phiên tòa này chỉ trong một thời gian nhất định, sau khoảng thời gian đó sẽ tiến hành xét xử.
2. Tạm ngừng phiên tòa là gì?
Tạm ngừng phiên tòa được hiểu là việc vì một số lý do đặc biệt mà vụ án đang được xét xử không tiếp tục xét xử trong một thời hạn nữa. Nhưng dấu hiệu phân biệt:
Thứ nhất: Căn cứ phát sinh
Tạm hoãn phiên tòa: phát sinh khi xảy ra các trường hợp sau:
+ Xét xử sơ thẩm
– Đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt hợp lệ lần thứ nhất mà không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt (khoản 1 Điều 199 Bộ luật tố tụng dân sự);
– Đương sự, người đại diện của đương sự vắng mặt trong lần triệu tập lần thứ hai vì lý do bất khả kháng căn cứ vào khoản 3 Điều 28 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP:
“Trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đã nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 195 của Bộ luật tố tụng dân sự, đã được Toà án tống đạt hợp lệ giấy triệu tập phiên toà theo quy định tại các điều từ Điều 150 đến Điều 156 của Bộ luật tố tụng dân sự và đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đã chuẩn bị tham gia phiên toà xét xử vụ án, nhưng do sự kiện bất khả kháng xảy ra đối với họ vào trước thời điểm Toà án mở phiên toà hoặc ngay trong thời điểm họ đang trên đường đến Toà án để tham gia phiên toà (do thiên tai, địch hoạ, bị tai nạn, ốm nặng phải đi bệnh viện cấp cứu, người thân bị chết,…) nên họ không thể có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án, thì Toà án cũng hoãn phiên toà.”
– Người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa có lý do chính đáng, chưa có lời khải trực tiếp căn cứ khoản 2 Điều 204 Bộ luật tố tụng dân sự;
– Người giám định, người phiên dịch vắng mặt mà có lý do chính đáng, không có người khác để thay thế căn cứ Điều 205, Điều 206 Bộ luật tố tụng dân sự;
– Kiểm sát viên vắng mặt mà không có kiểm sát viên sự khuyết căn cứ khoản 2 Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự;
Xét xử phúc thẩm:
– Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa;
– Người kháng cáo vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên toà. Người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc kháng cáo và Toà án ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm phần vụ án có kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt.
– Người tham gia tố tụng khác không phải là người kháng cáo vắng mặt tại phiên toà thì việc hoãn phiên toà hay vẫn tiến hành xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại các điều 199, 200, 201, 202, 203, 204, 205 và 206 của Bộ luật tố tụng dân sự (Khoản 3 Điều 166 Bộ luật tố tụng dân sự)
Tạm ngừng phiên tòa: chỉ phát sinh khi có lý do đặc biệt. Và phát sinh trong xét xử sơ thẩm. Lý do này không được quy định cụ thể là những lý do nào. Tuy nhiên về tính chất và mức độ dựa trên những đánh giá của Hội đồng thẩm phán cho rằng đó là lý do đặc biệt, phải được tạm ngừng thì vụ án đang xét xử phải được tạm ngừng. Chẳng hạn như thay thế các thành viên Hội đồng xét xử trong trường hợp đặc biệt theo Điều 198 Bộ luật tố tụng dân sự.
Thứ hai: về thời điểm
Tạm hoãn phiên tòa phát sinh vào thời điểm trước khi bắt đầu phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Tòa án chỉ có thể tạm hoãn khi biết được đương sự không đến dự phiên tòa.
Tạm ngừng phiên tòa phát sinh vào thời điểm phiên tòa đang được xét xử theo khoản 2 Điều 197 Bộ luật tố tụng dân sự.
Thứ ba: Thời hạn
Tạm hoãn phiên tòa: Có thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định theo khoản 1 Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự.
Trong trường hợp Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà theo quy định tại khoản 2 Điều 51, khoản 2 Điều 72 và các điều 199, 200, 201, 203, 204, 205, 206, 207, 215 và khoản 4 Điều 230 của Bộ luật tố tụng dân sự thì thời hạn hoãn phiên toà sơ thẩm không quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên toà
Tạm ngừng phiên tòa: có thời hạn ngắn hơn. Không quá 5 ngày làm việc theo khoản 2 Điều 197 Bộ luật tố tụng dân sự.
Thứ tư: Hình thức
Tạm hoãn phiên tòa: Hội đồng thẩm phán ra quyết định hoãn phiên tòa bằng văn bản.
Tạm ngừng phiên tòa: Hội đồng thẩm phán không ra quyết định tạm ngừng phiên tòa bằng văn bản mà chỉ thông báo.
3. Hoãn phiên tòa phúc thẩm trong tố tụng dân sự:
Điều 16 Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được quy định như sau:
1. Trong mọi trường hợp, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ vắng mặt lần thứ nhất, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hoãn phiên toà mà không phân biệt họ vắng mặt có lý do chính đáng hay không có lý do chính đáng, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.
2. Người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì bị coi là từ bỏ việc kháng cáo và Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án có kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt (nếu trong vụ án không có người kháng cáo khác).
Trường hợp có nhiều người kháng cáo mà có người kháng cáo thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 266 của BLTTDS, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án theo thủ tục chung đối với kháng cáo của những người kháng cáo có mặt tại phiên toà.
Trường hợp có nhiều người kháng cáo mà có người kháng cáo vắng mặt thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 266 của BLTTDS và phần vụ án có kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt đó độc lập và không liên quan đến phần khác của bản án bị kháng cáo, kháng nghị, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần vụ án có kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt mà không phải ra quyết định riêng bằng văn bản, nhưng phải ghi rõ trong bản án.
Toà án cấp phúc thẩm cũng phải hoãn phiên toà đối với người kháng cáo vắng mặt tại phiên toà phúc thẩm nếu thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều 28 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự.
Trong quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm phải ghi rõ bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.
3. Đối với người tham gia tố tụng khác không phải là người kháng cáo vắng mặt tại phiên toà, thì việc hoãn phiên toà hay vẫn tiến hành xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại các điều 199, 202, 204, 205 và Điều 206 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 27 và Điều 28 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự. Người tham gia tố tụng khác phải là người liên quan đến kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại Điều 263 của BLTTDS, thì Toà án cấp phúc thẩm mới xem xét việc hoãn phiên toà. Nếu họ không có liên quan đến việc xét xử phúc thẩm (quyền lợi, nghĩa vụ của họ độc lập với việc xem xét kháng cáo, kháng nghị) thì Toà án cấp phúc thẩm không phải xem xét việc hoãn phiên toà.
4. Trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm hoãn phiên toà phúc thẩm, thì thời hạn hoãn phiên toà và quyết định hoãn phiên toà phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 208 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 29 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự.
4. Quy định về thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm dân sự:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào quý LVN Group! Tôi đơn phương làm đơn ly hôn với vợ (lý do mâu thuẫn vợ chồng, không còn hạnh phúc…), tôi đã nộp đầy đủ các giấy tờ liên quan theo yêu cầu của tòa án, đã nộp án phí. Phó Chánh án là người trực tiếp giải quyết việc ly hôn. Nhưng sau đó vợ tôi đến tòa, xin hoãn việc ly hôn lại một thời gian dài và tòa đã đồng ý. Vậy tòa làm như vậy có đúng pháp luật không? Tôi thì muốn giải quyết theo đúng trình tự, thời gian quy định của pháp luật, vì tôi là nguyên đơn. Xin chân thành cảm ơn!
LVN Group tư vấn:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 208 của Bộ luật tố tụng dân sự thì:
“Điều 208.Thời hạn hoãn phiên toà và quyết định hoãn phiên toà
1. Trong trường hợp Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà theo quy định tại khoản 2 Điều 51, khoản 2 Điều 72 và các điều 199, 200, 201, 203, 204, 205, 206, 207, 215 và khoản 4 Điều 230 của Bộ luật này thì thời hạn hoãn phiên toà sơ thẩm không quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên toà.”
Ở trường hợp của anh, anh không nói rõ lí do mà vợ anh xin hoãn phiên tòa, vì vậy nếu vợ anh xin hoãn phiên tòa theo các lí do quy định tại khoản 2 Điều 51, khoản 2 Điều 72 và các điều 199, 200, 201, 203, 204, 205, 206, 207, 215 và khoản 4 Điều 230 của Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án có quyền ra quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm.
Tuy nhiên cũng cần chú ý đến thời hạn hoãn là không quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. Như vậy vợ anh chỉ có thể xin hoãn không quá 30 ngày kể từ ngày có quyết định hoãn. Về tổng thời gian giải quyết một vụ việc ly hôn là tối đa không quá 6 tháng.
5. Quy định về hoãn phiên tòa:
Tóm tắt câu hỏi:
kính chào LVN Group. Tôi có một miếng đất được khai hoang từ năm 1981 theo lệnh của Nhà nước, chúng tôi đã làm thủ tuc đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan chính quyền thời đó và đã được Nhà nước cấp sổ đỏ vào năm 1996. Năm 2011, tôi bị một tổ chức tôn giáo khởi kiện ra tòa để đòi lại miếng đất vì theo họ, tư năm 1972, miếng đất ấy là của nghĩa địa. Bằng chứng duy nhất họ có là giấy khoán đất thời chế độ cũ (tuy nhiên đã bị thất lạc chưa tìm thấy). Sau nhiều lần hòa giai không thành, Tòa án quyết định mở phiên tòa vào ngày 15.9.2016 và phải hoãn lại 2 lần vì lý do để bổ sung chứng cứ. Tôi muốn hỏi LVN Group những vấn đề sau :
1. Về vấn đề vật chứng mà bên nguyên đơn yêu cầu hoãn phiên Tòa lại (giấy khoán đất chế độ cũ) có giá trị pháp lý không? Phiên tòa hoãn hai lần vì một lý do bổ sung vật chứng là có hợp lý không (trong khi họ gửi đơn kiện từ 2011)?
2. Thời hạn để đưa ra bản án trong trường hợp này có được pháp luật quy định không? (phiên tòa đã hoãn hơn hai tháng)
3. Trường hợp của tôi có được coi là bất động sản chiếm hữu liên tục trên 30 năm theo luật định không? (gia đình tôi sở hữu từ 1981 đến nay)
4. Trước khi tòa án thông báo có vụ kiên, gia đình tôi đã cắt một phần đất và bán cho một số người (tất cả đều phù hợp với quy định của pháp luật và có xác nhận của cơ quan Nhà nước), vậy giả sử tôi có thua kiện thì sẽ như thế nào? Kính mong quý LVN Group dành chút thời gian tư vấn cho tôi. Trân trọng cảm ơn?
LVN Group tư vấn:
Theo quy định tại Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự về thời hạn hoãn phiên Tòa và quyết định hoãn phiên Tòa:
“1. Trong trường hợp Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 51, khoản 2 Điều 72, các điều 199, 204, 205, 206, 207, 215, khoản 4 Điều 230 và các trường hợp khác theo quy định của Bộ luật này, thì thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm là không quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
2. Quyết định hoãn phiên tòa phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án và họ, tên những người tiến hành tố tụng;
c) Vụ án được đưa ra xét xử;
đ) Lý do của việc hoãn phiên tòa;
đ) Thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.
3. Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên và thông báo công khai cho những người tham gia tố tụng biết; đối với người vắng mặt thì Tòa án gửi ngay cho họ quyết định đó, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.
4. Trong trường hợp sau khi hoãn phiên tòa mà Tòa án không thể mở lại phiên tòa đúng thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa ghi trong quyết định hoãn phiên tòa thì Tòa án phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng biết về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.”
Có thể thấy, khi xem xét toàn bộ căn cứ để hội đồng xét xử có thể ra quyết định hoãn phiên tòa thì không có căn cứ nào về việc để bổ sung hồ sơ phải hoãn phiên tòa, giai đoạn bổ sung hồ sơ phải là trong giai đoạn xét hồ sơ khởi kiện của Thẩm phán, quyết định hoãn phiên tòa của Tòa án là không có căn cứ. Việc hoãn phiên Tòa hơn hai tháng cũng không phù hợp so với quy đinh của pháp luật vì thời hạn được hoãn chỉ là không quá một tháng. Và căn cứ để xác nhận việc bạn đã sử dụng đất ổn định lâu dài thì bạn cần xem xét quy định tại Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP:
“1. Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận).
2. Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây:
a) Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất;
b) Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất;
c) Quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất;
… “.
Việc bạn cắt đất bán một phần khi đã có giấy triệu tập của Tòa là không đúng quy định của pháp luật, bởi vì khi đất đang có tranh chấp thì chủ sử dụng đất bị hạn chế về quyền của mình, và khi ra Tòa có thể Tòa sẽ tuyên bố giao dịch của bạn và người mua là vô hiệu. Căn cứ quy định tại Điều 188 Luật đất đai 2013:
“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.
3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.”