Hỏi về việc kiểm tra hành chính phương tiện giao thông. Các trường hợp cảnh sát giao thông được dừng phương tiện.
Hỏi về việc kiểm tra hành chính phương tiện giao thông. Các trường hợp cảnh sát giao thông được dừng phương tiện.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin kính chào LVN Group. Hiện nay tôi thấy CSGT, CSCĐ hay 113 dừng phương tiện giao thông, lục soát tư trang, cốp xe của người dân và kể cả xử phạt hành chính nếu vi phạm Luật giao thông đường bộ hoặc mang theo hung khí. Xin hỏi LVN Group như vậy có đúng quy định hay không? Pháp luật có quy định về quy trình hay thời gian trong ngày mà cảnh sát được lục soát tư trang người dân hay không?
LVN Group tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT LVN. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT LVN xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Thông tư 01/2016/TT-BCA
– Nghị định 27/2010/NĐ-CP
2. Giải quyết vấn đề:
Thứ nhất, đối với lực lượng cảnh sát giao thông:
Điều 2 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định đối tượng áp dụng như sau:
+ Sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát giao thông (sau đây viết gọn là cán bộ) thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ.
+ Công an các đơn vị, địa phương có liên quan.
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:
– Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
– Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
– Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;
– Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
– Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Như vậy, cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát dừng phương tiện tham gia giao thông trong những trường hợp nêu trên. Việc dừng phương tiện phải đảm bảo các yêu cầu như sau:
– An toàn, đúng quy định của pháp luật;
– Không làm cản trở đến hoạt động giao thông;
– Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 14 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nội dung kiểm soát như sau:
– Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện, gồm:
+ Giấy phép lái xe; Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ khác có liên quan đến người, phương tiện, hoạt động vận tải;
+ Khi kiểm soát phải đối chiếu giữa các giấy tờ với nhau, giữa giấy tờ có liên quan với thực tế người, phương tiện, hàng hóa vận chuyển trên phương tiện.
– Kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện:
+ Kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;
+ Kiểm soát biển số phía trước, phía sau, đèn chiếu sáng (chiếu xa, chiếu gần), đèn tín hiệu, gạt nước, gương chiếu hậu, đèn báo hãm, đèn hậu, đèn soi biển số, đèn lùi;
+ Kiểm soát và đánh giá về tình trạng kỹ thuật hệ thống lái, các đòn ba dọc, ba ngang, khớp nối; hệ thống phanh, các đường ống dẫn dầu hoặc dẫn hơi của hệ thống phanh; các đồng hồ trên bảng táplô (chú ý kiểm tra đồng hồ báo áp lực hơi đối với những phương tiện sử dụng hệ thống phanh hơi); thiết bị giám sát hành trình, thiết bị cứu hộ, cứu nạn (nếu có); các công tắc còi, đèn; hệ thống treo; hệ thống bánh lốp phương tiện về kích cỡ, độ mòn, áp lực hơi;
+ Kiểm soát việc trang bị các phương tiện phòng cháy và chữa cháy, giấy phép vận chuyển theo quy định của pháp luật đối với các phương tiện chở khách, chở xăng, dầu, chở hàng nguy hiểm.
– Kiểm soát hoạt động vận tải đường bộ:
+ Kiểm soát quy cách, kích thước hàng hóa, đồ vật chuyên chở (dài, rộng, cao), chủng loại, trọng lượng hàng hóa hoặc số người trên phương tiện so với nội dung quy định tại các loại giấy tờ, tính hợp pháp của hàng hóa và các biện pháp bảo đảm an toàn;
+ Trường hợp có căn cứ cho rằng trong phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật vi phạm hành chính và người tham gia giao thông có cất giấu trong người đồ vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính thì được khám phương tiện vận tải, đồ vật và khám người theo thủ tục hành chính; khi tiến hành khám phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
+ Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì lập biên bản vụ việc, tạm giữ người, tang vật, phương tiện, giấy tờ, tài liệu có liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết; việc tạm giữ người, tang vật, phương tiện, giấy tờ, tài liệu có liên quan phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong phương tiện giao thông có cất giấu tang vật vi phạm hành chính và người tham gia giao thông có cất giấu trong người đồ vật, phương tiện vi phạm hành chính thì cảnh sát giao thông có quyền khám phương tiện vật tải, đồ vật và người theo thủ tục hành chính. Nếu trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì lập biên bản, nếu có dấu hiện tội phạm có thể tạm giữ người, phương tiện và tang vật tài liệu có liên quan, sau đó báo với cấp có thẩm quyền để xin ý kiến chỉ đạo để giải quyết.
>>> LVN Group tư vấn kiểm tra hành chính phương tiện giao thông: 1900.0191
Thứ hai, đối với lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát điều tra:
Căn cứ Điều 3 Nghị định 27/2010/NĐ-CP quy định nguyên tắc huy động các lực lượng cảnh sát khác khi tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông như sau:
”1. Việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ thực hiện trong những trường hợp cần thiết quy định tại Điều 4 Nghị định này và do người có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Nghị định này quyết định bằng văn bản.
2. Mọi hoạt động trong khi tham gia, phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải thực hiện theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; việc tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông phải thực hiện theo đúng địa bàn, tuyến đường, thời gian quy định trong văn bản huy động của cơ quan, người có thẩm quyền.”
Như vậy việc huy động lực lượng cảnh sát cơ động hoặc cảnh sát điều tra có thể được huy động để tham gia hoạt động tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ để thực hiện trong những trường hợp cần thiết theo quy định tại Điều 4 Nghị định 27/2010/NĐ-CP như sau:
“1. Trong thời gian diễn ra các ngày lễ kỷ niệm; sự kiện chính trị – xã hội; hoạt động văn hóa, thể thao lớn của Nhà nước và địa phương.
2. Các đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông theo chỉ đạo của Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội hoặc của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Khi tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp.
4. Trường hợp khác mà trật tự, an toàn giao thông đường bộ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.”
Điều 5 Nghị định 27/2010/NĐ-CP quy định thẩm quyền huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ:
“1. Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền huy động lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc.
2. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội có thẩm quyền huy động lực lượng Cảnh sát khác thuộc lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc.
3. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền huy động lực lượng Cảnh sát khác thuộc quyền quản lý và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi từ hai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên.
4. Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền huy động lực lượng Cảnh sát khác thuộc quyền quản lý và Công an xã phối hợp với Cảnh sát Giao thông đường bộ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương mình phụ trách.”
Hiện nay pháp luật không có quy định khung giờ cụ thể để cơ quan có thẩm quyền được phép lục soát và kiểm tra hành chính đối với phương tiện giao thông có thể là ban ngày, có thể ban đêm, đột xuất hoặc theo chuyên đề,…