LVN Group tư vấn tranh chấp kinh doanh thương mại. Mua bán hàng hóa quốc tế.
LVN Group tư vấn tranh chấp kinh doanh thương mại. Mua bán hàng hóa quốc tế.
Tóm tắt câu hỏi:
Các khẳng định sau đúng hay sai giải thích?
1. Trong quá trình giải quyết tranh chấp kinh doanh, tại bất kỳ thời điểm nào nếu các bên tranh chấp hoà giải được với nhau thì toà án nhân dân phải ra quyết định công nhận hoà giải của các bên.
2. Hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế chỉ được thực hiện dưới hai hình thức: xuất khẩu và nhập khẩu.
3. Hợp đồng môi giới thương mại phải được xác lập dưới hình thức văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương văn bản.
Cảm ơn LVN Group.
LVN Group tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT LVN. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT LVN xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Khẳng định Sai.
Theo quy định Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải của hai bên nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, các bên trong tranh chấp kinh doanh hòa giải với nhau tại Tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm theo quy định tại Điều 212 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
“1. Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
2. Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.
3. Trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 210 của Bộ luật này mà các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản.”
Như vậy, trong thời gian chuẩn bị xét xử sơ thẩm, khi Tòa án tiến hành tổ chức hòa giải giữa hai bên, nếu trong quá trình hòa giải mà các bên hòa giải thành, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích khác của các đương sự vắng mặt thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hòa giải giữa hai bên.
Thứ hai, Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải của hai bên khi các bên đã thực hiện hòa giải thành ngoài Tòa án theo quy định tại khoản 5 Điều 419 Bộ luật tố tụng dân sự 2015: “Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 417 của Bộ luật này. Quyết định của Tòa án phải có các nội dung quy định tại Điều 370 của Bộ luật này.”
Điều kiện để Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là khi các bên tham gia hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải, các bên hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội và các một trong các bên phải có đơn yêu cầu Tòa án công nhận.
Như vậy, trong quá trình giải quyết tranh chấp kinh doanh, không phải tại bất kỳ thời điểm nào các bên tranh chấp hòa giải được với nhau thì Tòa án đều ra quyết định công nhận sự hòa giải của các bên.
2. Khẳng định Sai.
Căn cứ Điều 27 Luật thương mại 2005 quy định mua bán hàng hoá quốc tế như sau:
“1. Mua bán hàng hoá quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu.
2. Mua bán hàng hoá quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.”
Như vậy, mua bán hàng hóa quốc tế không chỉ được thực hiện dưới hình thức xuất khẩu, nhập khẩu mà còn được thực hiện dưới hình thức khác như tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
3. Khẳng định Sai.
Điều 150 Luật thương mại 2005 quy định về môi giới thương mại như sau: “Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới.”
Như vậy, theo quy định trên, môi giới thương mại là quan hệ giữa bên môi giới với bên được môi giới. Hình thức môi giới được thể hiện qua hợp đồng môi giới. Tuy nhiên, hiện nay Luật thương mại 2005 không quy định cụ thể về hình thức của hợp đồng môi giới thương mại nên căn cứ theo quy định tại Điều 401 Bộ luật dân sự 2005 quy định hình thức hợp đồng dân sự như sau:
“1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Như vậy, hợp đồng môi giới thương mại không chỉ được xác lập dưới hình thức văn bản hay các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương văn bản mà còn được xác lập bằng lời nói, hay hành vi cụ thể.