Một số vấn đề lý luận về chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự.
Một số vấn đề lý luận về chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự
1. Khái niệm về chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự
Khi các tranh chấp dân sự xảy ra, các chủ thể có quyền tự thỏa thuận với nhau để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các tranh chấp, có nhiều trường hợp các chủ thể không thể tự thỏa thuận với nhau và yêu cầu Tòa án giải quyết. Từ khi thụ lý vụ án dân sự, Tòa án chính thức xác nhận thẩm quyền và trách nhiệm của mình trong việc giải quyết vụ án dân sự. Nếu như hòa giải không thành, Tòa án phải củng cố, hoàn thiện hồ sơ vụ án để đưa vụ án ra xét xử ở tại phiên tòa. Các hoạt động này của Tòa án được gọi là chuẩn bị xét xử.
Như vậy, ta có thể đưa ra khái niệm chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự như sau: Chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự là tạo mọi điều kiện cần thiết (theo quy định của pháp luật) cho việc xét xử một vụ án lần đầu tại một toà án có thẩm quyền.
Hiện nay trong khoa học pháp lý, có nhiều cách tiếp cận khác nhau về khái niệm “chuẩn bị xét xử sơ thẩm”. Nhưng hiểu CBXXST với tính chất là một hoạt động tố tụng theo khái niệm thì CBXXST gồm những công việc cụ thể do những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng tiến hành trên cơ sở quy định của pháp luật, phù hợp với địa vị tố tụng của họ để phục vụ trực tiếp cho thủ tục xét xử sơ thẩm. Các công việc chuẩn bị xét xử chủ yếu của Tòa án bao gồm: phân công thẩm phán giải quyết vụ án; thông báo việc thụ lý vụ án; lập hồ sơ vụ án dân sự ; quyết định đưa vụ án ra xét xử và triệu tập những người tham gia tố tụng đến tham gia phiên tòa.
1. Đặc điểm của giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự
- Được bắt đầu từ khi toà án thụ lý VADS và kết thúc khi toà án mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án dân sự.
- Là hoạt động tố tụng bao gồm những công việc cụ thể do toà án tiến hành nhằm chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc xét xử sơ thẩm VADS.
- Hoà giải là hoạt động tố tụng bắt buộc của toà án trong giai đoạn này được quy định tại Điều 10 và Điều 180 BLTTDS. Khi tiến hành hoà giải giữa các đương sự, toà án giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Với tư cách là cơ quan xét xử của nhà nước, toà án phải chủ động trong việc hoà giải để giúp đỡ các đương sự thoả thuận với nhau. Tuy nhiên, không phải bất kỳ VADS nào toà án cũng phải tiến hành hoà giải, các vụ án thuộc trường hợp những VADS không được hoà giải (Điều 181 BLTTDS) và những VADS không tiến hành hoà giải được (Điều 182 BLTTDS) thì toà án không tiến hành hoà giải.
- Có mối liên hệ mật thiết với các hoạt động tố tụng khác: trong quá trình chuẩn bị xét xử toà án sẽ nghiên cứu hồ sơ và tiến hành các công việc cần thiết. Việc chuẩn bị xét xử có liên quan mật thiết đến phiên toà sơ thẩm và hoạt động tố tụng của toà án sau này. Nếu việc chuẩn bị xét xử mà tốt thì phiên toà sơ thẩm diễn ra mới được thuận lợi, hạn chế tình trạng hoãn phiên toà do các yếu tố chủ quan cũng như hạn chế tình trạng xét lại bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, chuẩn bị xét xử một cách đầy đủ cũng giúp cho toà án cấp phúc thẩm giải quyết các kháng cáo, kháng nghị nhanh chóng, thuận lợi.
2. Ý nghĩa của giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự
Chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự là giai đoạn thứ hai của quá trình tố tụng dân sự. Đây là giai đoạn tố tụng dân sự quan trọng, trong đó, Toà án xác định đúng quan hệ pháp luật tranh chấp, từ đó xác định được đầy đủ nguyên đơn, bị đơn, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Khi đã xác định được các đương sự trong vụ án, Toà án có thể yêu cầu họ cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình hoặc bác lại yêu cầu của đương sự khác…Nếu cần phải bổ sung chứng cứ thì Toà án sẽ thu thập theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự để hoàn thiện hồ sơ vụ án.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
- Việc thu thập, xác minh chứng cứ đầy đủ sẽ đảm bảo tính khách quan, chính xác, bảo vệ đúng quyền và lợi ích hợp pháp của người bị vi phạm. Nếu xác định thiếu đương sự trong vụ án sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, đồng thời việc thu thập chứng cứ và giải quyết vụ án sẽ thiếu toàn diện, thiếu chính xác.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự, Tòa án sẽ tiến hành nghiên cứu, xem xét hồ sơ vụ án. Từ đó, Tòa án sẽ kiểm tra thật kỹ lưỡng tất cả các vấn đề liên quan tới vụ án để chuẩn bị tốt cho phiên tòa sơ thẩm, đồng thời dự liệu một số khó khăn gặp phải trong quá trình tiến hành giải quyết vụ án. Không chỉ có vậy, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự, các đương sự có thể chuẩn bị cả về mặt tâm lý cũng như kiến thức pháp luật để sẵn sàng cho phiên tòa sơ thẩm được tiến hành sau đó.
=> Có thể nói, giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự là giai đoạn rất quan trọng, tuy không đưa ra những phán quyết như giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm nhưng nó làm tiền đề, cơ sở pháp lý vững chắc đảm bảo cho việc xét xử và ra các phán quyết của toà án được khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.
3. Cơ sở của việc tiến hành giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự
Giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự được tiến hành dựa trên ý nghĩa quan trọng của giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự. Đồng thời, các công việc cần thực hiện khi tiến hành giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự như phân công thẩm phán giải quyết vụ án; thông báo việc thụ lý vụ án; lập hồ sơ vụ án dân sự và quyết định đưa vụ án ra xét xử,… còn được thực hiện dựa trên những nguyên tắc bảo đảm quyền tham gia tố tụng của đương sự. Ví dụ như khi lập hồ sơ vụ án, cần đảm bảo nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự ; Tòa án chỉ có thể giải quyết một cách chính xác và công bằng khi có đầy đủ các chứng cứ và các tình tiết của vụ án dân sự đã được làm sáng tỏ. Ngoài ra, việc tiến hành giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm còn dựa trên cơ sở đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa ; đồng thời đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên đương sự.