Người thuê nhà có được đăng ký tạm trú tại nhà ở thuê không? Điều kiện đăng ký tạm trú. Công nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật.
Người thuê nhà có được đăng ký tạm trú tại nhà ở thuê không? Điều kiện đăng ký tạm trú. Công nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào LVN Group, Tôi cho thuê nhà nguyên căn. Người thuê yêu cầu tôi kí giấy để đăng kí KT3 cho em của người thuê đi học. Tôi muốn hỏi là người thuê, sau khi có KT3 tại nhà của tôi, có thể chiếm luôn nhà, hoặc ở trong nhà tôi mà không chịu trả tiền hoặc hết thời hạn hợp đồng họ không chịu đi và coi như đương nhiên là họ có quyền ở luôn trong nhà tôi.? Xin cám ơn LVN Group.
LVN Group tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT LVN. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT LVN xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Luật cư trú 2006
– Thông tư 35/2014/TT-BCA
– Luật Nhà ở 2014
2. Giải quyết vấn đề:
Với thông tin bạn cung cấp thì việc bạn ký giấy cho người thuê nhà đăng ký tạm trú (KT3) là đúng. Và người thuê bạn sau khi có sổ tạm trú không có nghĩa là căn nhà của bạn thuộc về người thuê nhà. Cụ thể:
Theo quy định tại Điều 30 Luật cư trú 2006, đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ.
– Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.
– Hồ sơ đăng ký tạm trú gồm các giấy tờ sau:
+ Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú;
+ Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
+ Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu;
Như vậy, theo quy định trên thì người thuê nhà bạn hiện tại đang sinh sống, làm việc, học tập tại địa phương thì họ phải thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú. Và do họ ở nhà thuê nên để chứng minh họ có chỗ ở hợp pháp thì cần phải có văn bản đồng ý của bạn. Việc bạn ký giấy để người thuê nhà đăng ký tạm trú là để chứng minh được người thuê nhà bạn có chỗ ở hợp pháp tại địa phương. Điều này không đồng nghĩa với việc nhà của bạn sẽ thuộc quyền sở hữu của họ.
>>> LVN Group tư vấn pháp luật về cấp sổ tạm trú đối với nhà đi thuê: 1900.0191
Mặt khác, theo khoản 1, Điều 17 Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định về cấp sổ tạm trú như sau:
“1. Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú theo quy định tại Điều 30 Luật Cư trú và quy định tại Thông tư này, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và có thời hạn tối đa là hai mươi bốn tháng.
Thời hạn tạm trú theo đề nghị của công dân nhưng tối đa không quá hai mươi bốn tháng. Hết thời hạn tạm trú, hộ gia đình hoặc cá nhân vẫn tiếp tục tạm trú thì đại diện hộ gia đình hoặc cá nhân đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú làm thủ tục gia hạn tạm trú; thời hạn tạm trú của mỗi lần gia hạn tối đa không quá thời hạn còn lại của sổ tạm trú. Trường hợp sổ tạm trú hết thời hạn sử dụng mà hộ gia đình hoặc cá nhân vẫn tiếp tục tạm trú tại đó thì đại diện hộ gia đình hoặc cá nhân đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú làm thủ tục cấp lại sổ tạm trú. “
Như vậy, sổ tạm trú cấp cho người thuê nhà của bạn chỉ có giá trị thời hạn tối đa là 24 tháng. Trường hợp hết thời hạn tạm trú mà người thuê vẫn tiếp tục tạm trú tại nhà bạn thì họ phải thực hiện việc gia hạn tạm trú. Do đó, sổ tạm trú của người thuê nhà bạn chỉ có thời hạn tối đa là 24 tháng. Nếu hết thời hạn này mà họ vẫn đang thuê nhà bạn nhưng không chịu thanh toán tiền nhà thì bạn hoàn toàn có quyền không đồng ý cho họ tiếp tục tạm trú tại nhà bạn.
Ngoài ra, theo Điều 9 Luật nhà ở 2014 thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 8 của Luật nhà ở 2014 thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) đối với nhà ở đó. Nhà ở được cấp Giấy chứng nhận phải là nhà ở có sẵn. Như vậy, việc người thuê nhà có sổ tạm trú không đồng nghĩa với việc được nhà nước công nhận quyền sở hữu nhà ở.
Nếu người thuê nhà không không chịu trả tiền thuê nhà thì bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà nếu bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng theo quy định tại khoản 2 Điều 132 Luật nhà ở 2014. Nếu họ không chịu thanh toán tiền nhà cũng như không chịu dọn ra khởi nhà bạn có thể làm đơn đến Tòa án để được xem xét, giải quyết.