Nhận tài sản đảm bảo à phần vốn góp. Dù quy định pháp luật còn chưa thực sự rõ ràng, biện pháp bảo đảm phù hợp nhất đối với phần vốn góp là thế chấp.
Dù quy định pháp luật còn chưa thực sự rõ ràng, biện pháp bảo đảm phù hợp nhất đối với phần vốn góp là thế chấp. Có hai phương thức xử lý tài sản bảo đảm là phần vốn góp theo thỏa thuận mà chủ nợ có bảo đảm có thể sử dụng là bán phần vốn góp cho bên thứ ba và nhận phần vốn góp để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm. Nếu bên mua phần vốn góp hay bên nhận thế chấp nhận chính phần góp để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm là một doanh nghiệp nước ngoài thì bên này phải tuân thủ một số thủ tục theo quy định của pháp luật để đảm bảo giá trị pháp lý cho việc chuyển nhượng.
Bộ luật Dân sự đặt ra một nguyên tắc chung theo đó quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp có thể dùng làm tài sản bảo đảm (khoản 1, Điều 322). Cho dù rất khó xác định chính xác ý nghĩa của thuật ngữ quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, có thể hiểu rằng Bộ luật dân sự thừa nhận giá trị pháp lý của giao dịch bảo đảm đối với phần vốn góp.
Theo quy định của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29 tháng 12 năm 2006 về Giao dịch bảo đảm được bổ sung, sửa đổi bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 2 năm 2012, có thể cầm cố cổ phiếu (khoản 9, điều 3 và khoản 3, Điều 19). Có thể hiểu việc giao cổ phiếu cho chủ nợ có bảo đảm giúp thỏa mãn yêu cầu giao tài sản cầm cố cho chủ nợ có bảo đảm quy định tại các Điều 326 và 328 của Bộ luật dân sự để hợp đồng cầm cố có hiệu lực. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, Điều 120, Luật doanh nghiệp 2014:
“Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành hoặc bút toán ghi sổ xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó”.
Cổ phiếu không tự thân chứa các quyền hành động đối với công ty bởi vì các quyền phát sinh từ phần vốn góp như quyền biểu quyết, quyền nhận cổ tức và quyền được hưởng khối tài sản còn lại của công ty khi tiến hành thủ tục thanh lý cũng như mọi quyền phát sinh từ hợp đồng khác đối với công ty phụ thuộc vào việc đăng ký vào sổ cổ đông của công ty.
Xét về bản chất, cổ phần mới là đối tượng thực của giao dịch bảo đảm, chứ không phải cổ phiếu. Có thể so sánh cổ phiếu với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất : trong trường hợp này thế chấp có đối tượng là quyền sử dụng đất, nhà hay tài sản gắn liền với đất chứ không phải là với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Cổ phần trong công ty cổ phần hay phần vốn góp trong công ty TNHH là quyền tài sản (tài sản vô hình) và do đó không thể giao được về mặt vật chất cho chủ nợ có bảo đảm. Hơn nữa, chúng thể hiện quyền chủ nợ của người nắm giữ (chủ sở hữu) cổ phần hay phần vốn góp đối với công ty. Do đó thế chấp là biện pháp bảo đảm phù hợp nhất đối với phần vốn góp và cổ phần bởi vì thế chấp không đặt ra yêu cầu chuyển giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp và pháp luật Việt Nam công nhận thế chấp là biện pháp bảo đảm duy nhất đối với quyền đòi nợ.
Một khoản vay hay một nghĩa vụ khác có thể được bảo đảm toàn bộ hoặc một phần. Nếu pháp luật không có quy định khác hay các bên không có thỏa thuận khác về phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi và bồi thường thiệt hại (khoản 1, điều 319, “Bộ luật dân sự năm 2015”).
>>> LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
Về lý thuyết, nghĩa vụ được bảo đảm có thể là nghĩa vụ trị giá được thành tiền hoặc nghĩa vụ không trị giá được thành tiền. Tuy vậy, việc bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ không trị giá được thành tiền không khả thi trong thực tế khi áp dụng nguyên tắc đòi tài sản trong trường hợp được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật quy định tại Điều 256, “Bộ luật dân sự năm 2015” và nguyên tắc hoàn trả khoản tiền chênh lệch giữa giá bán hay giá trị của tài sản bảo đảm và giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm theo quy định của các Điều 355 và 338 của Bộ luật dân sự cũng như các Điều 64a. 2 (b) và 64b(2), Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29 tháng 12 năm 2006 về Giao dịch bảo đảm được bổ sung, sửa đổi bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 2 năm 2012: rất khó thậm chí không thể xác định được giá trị của tài sản bảo đảm cần thiết để chấm dứt một nghĩa vụ không trị giá được thành tiền. Như vậy, có thể thấy rằng việc xử lý tài sản bảo đảm chỉ được thực hiện nếu giá trị của tài sản bảo đảm được sử dụng để thanh toán một nghĩa vụ tài chính, cụ thể là nghĩa vụ phải trả một khoản tiền, tiền lãi, tiền bồi thường thiệt hại hay tiền phạt vi phạm hợp đồng.
Khoản 2 Điều 319, Bộ luật Dân sự quy định nghĩa vụ được bảo đảm có thể là nghĩa vụ trong tương lai. Điều 8a, Nghị định163 nêu cụ thể hơn là:
“Trong hợp đồng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phát sinh trong giao dịch, các bên không bắt buộc phải thỏa thuận cụ thể về phạm vi của nghĩa vụ bảo đảm và thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Khi nghĩa vụ được hình thành, các bên không phải đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký”.
Quy định này rất có lợi cho chủ nợ có bảo đảm. Chẳng hạn, khi giá trị của phần vốn góp lớn hơn rất nhiều so với khoản vay được bảo đảm, hợp đồng bảo đảm có thể quy định rằng:
“Phần vốn góp được thế chấp để bảo đảm toàn bộ khoản vay X và mọi khoản vay khác hay mọi nghĩa vụ tài chính khác của bên thế chấp phát sinh trong quan hệ trong tương lai giữa ngân hàng (bên nhận thế chấp) và bên thế chấp”.
Từ các phân tích ở trên có thể thấy là còn khá nhiều khoảng trống trong pháp luật Việt Nam về giao dịch bảo đảm đối với phần vốn góp và cổ phần và việc xử lý thế chấp phần vốn góp hay cổ phần không phải là một quá trình đơn giản. Thêm vào đó, sự hợp tác và thiện chí của bên thế chấp và công ty cũng như của các thành viên hay cổ đông khác của công ty cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo việc xử lý thế chấp phần vốn góp được thực hiện một cách hiệu quả trong thực tế (đặc biệt là khi bên nhận thế chấp là một công ty có vốn đầu tư nước ngoài). Về lý thuyết, các bên trong giao dịch thế chấp phần vốn góp có thể khắc phục các hạn chế của pháp luật bằng các điều khoản cụ thể trong hợp đồng. Tuy vậy, việc hoàn thiện các quy định pháp luật là hết sức cần thiết để tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng trong một thị trường vốn đang rất cần vốn đầu tư như Việt Nam.