Phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu nổi tiếng. Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng.
Phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu nổi tiếng . Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa LVN Group,em có 1 câu hỏi muốn nhận được sự tư vấn : Em mới mở 1 trang web bán hàng đồng hồ fake các nhãn hiệu rolex,longines và đặt quảng cáo trên các website.Khách hàng mua hàng em cũng giới thiệu với khách hàng là hàng fake của hồng Kông.Em cũng tham khảo và biết được là hành vi của em là vi phạm pháp luật nhưng em muốn hỏi các LVN Group là hành vi của em có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không ạ và nếu bị phạt thì mức phạt sẽ như thế nào ạ.Kính mong các LVN Group sẽ trả lời giúp em ạ.Em xin chân thành cảm ơn !?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT LVN. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT LVN xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2009;
– Nghị định 85/2013/NĐ-CP;
– Bộ luật hình sự 1999;
– Luật sở hữu trí tuệ 2005.
2. LVN Group tư vấn:
Thứ nhất, về phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu nổi tiếng đối với các nhãn hiệu đồng hồ rolex, longines thì phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu nổi tiếng rộng hơn nhãn hiệu thông thường rất nhiều và bao trùm lên cả các hàng hóa, dịch vụ không cùng loại. Mọi hành vi sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa hoặc dịch vụ bất kỳ, dịch vụ không cùng loại, không tương tự, không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng đều bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng.
Chủ nhãn hiệu nổi tiếng có quyền phản đối việc đăng ký hoặc yêu cầu hủy bỏ hiệu lực các Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng của mình, kể cả trong trường hợp nhãn hiệu đăng ký cho các hàng hóa, dịch vụ không trùng hoặc không tương tự. Ngoài ra, chủ nhãn hiệu nổi tiếng có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chống lại các hành vi như: sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng; sử dụng dấu hiệu dưới dạng định nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu đó cho hàng hóa, dịch vụ không cùng loại, không tương tự với và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nếu việc sử dụng đó có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Thứ hai, Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ
“1. Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hoá sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.
3. Hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.”
Theo đó, số đồng hồ fake mà bạn đang bán có thể được xác định là hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ.
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:
a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
b) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;
c) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
2. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức, mức phạt và thủ tục xử phạt.
3. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Bạn có thể bị cử phạt vi phạm hành chính theo Điều 13 Nghị định 85/2013/NĐ-CP hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa
“1. Đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ và e khoản 8 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
….
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa giả mạo đối với hành vi nhập khẩu hàng giả quy định tại Điều này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
d) Buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.”
Như vậy, tùy vào giá trị số hàng giả đómà bạn sẽ phải nộp mức phạt tưng ứng theo quy định và buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Thứ ba, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự Điều 212 Luật sở hữu trí tuệ 2005:
“Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.”
>>> LVN Group tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ qua tổng đài: 1900.0191
Điều 156 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả như sau:
“1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
g) Thu lợi bất chính lớn;
h) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Như vậy, bạn phải căn cứ vào số lượng, giá trị hàng hóa mà bạn đag buôn bán để xác định có cấu thành tội phạm hình sự hay không.