Phó hiệu trưởng được cử đi học thì được hưởng những phụ cấp gì?

Phó hiệu trưởng được cử đi học thì được hưởng những phụ cấp gì? Thời gian không tính hưởng phụ cấp.

Phó hiệu trưởng được cử đi học thì được hưởng những phụ cấp gì? Thời gian không tính hưởng phụ cấp.


Tóm tắt câu hỏi:

Tôi là hiệu phó trường mầm non, được Ủy ban nhân dân huyện cử đi học lớp trung cấp lý luận chính trị 6 tháng tại trường chính trị tỉnh đak lak, trước khi đi học tôi được hưởng chế độ phụ cấp chức vụ: (0,35), phụ cấp ưu đãi (1,967), phụ cấp biên giới (0,843), phụ cấp lâu năm (0,5), phụ cấp thâm niên (01,2); phụ cấp khu vực (0,7). Khi đi học tôi vẫn nhận lương tại trường (nơi công tác). Nhưng bị cắt toàn bộ các chế độ trên chỉ cho hưởng mỗi chế độ phụ cấp như trên, như vậy là đúng hay sai, tôi thấy các trường hợp tương tự như tôi không bị cắt các chế độ này vần được hưởng nguyên lương khi đi học, chỉ cắt chế độ phụ cấp ưu đãi (1,976)? Mong LVN Group giải đáp giúp, xin trân trọng cáo ơn!

LVN Group tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT LVN. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT LVN xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

– Nghị định 204/2004/NĐ-CP

– Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC

– Nghị định 54/2011/NĐ-CP

2. Giải quyết vấn đề:

Theo thông tin bạn trình bày, trước khi đi học bạn được hưởng các chế độ phụ cấp gồm: phụ cấp chức vụ: (0,35), phụ cấp ưu đãi (1,967), phụ cấp biên giới (0,843), phụ cấp lâu năm (0,5), phụ cấp thâm niên (01,2); phụ cấp khu vực (0,7). Khi được cử đi học bạn sẽ được hưởng các chế độ phụ cấp sau:

* Phụ cấp chức vụ:

Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Nghị định 204/2004/NĐ-CP quy định nguyên tắc xếp lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo như sau:

” …

b) Cán bộ giữ chức danh do bầu cử thuộc diện xếp lương chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo thì xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh bầu cử hiện đang đảm nhiệm.

c) Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) nào thì xếp lương chức vụ hoặc hưởng phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo đó. Nếu một người giữ nhiều chức danh lãnh đạo khác nhau thì xếp lương chức vụ hoặc hưởng phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cao nhất. Nếu kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác mà cơ quan, đơn vị này được bố trí biên chế chuyên trách người đứng đầu thì được hưởng thêm phụ cấp kiêm nhiệm.”

Như vậy, theo quy định trên, khi được cử đi học chính trị bạn vẫn đảm nhiệm chức vụ hiệu phó và vẫn được thuộc biên chế trả lương của trường mầm non nơi bạn công tác thì bạn vẫn được hưởng phụ cấp chức vụ.

* Phụ cấp ưu đãi:

Căn cứ Khoản 1 Mục I Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC quy định đối tượng hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo như sau:

“1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

a) Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật);

b) Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm;

c) Cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền.”

Theo điểm b) Khoản 2 Mục 1 Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC quy định đối tượng quy định tại khoản 1 Mục 1 Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi trong các thời gian sau:

“- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;

– Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng;

– Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

– Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành;

– Thời gian bị đình chỉ giảng dạy.”

Như vậy, thời gian bạn được cử đi học là 06 tháng, nếu bạn không tham gia giảng dạy liên tục trên 03 tháng thì bạn sẽ không được hưởng phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo.

Nếu trong thời gian được cử đi học bạn vẫn tham gia giảng dạy thì bạn vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi.

* Phụ cấp biên giới:

Theo quy định pháp luật hiện hành không có quy định về phụ cấp biên giới, chỉ có quy định về phụ cấp đặc biệt áp dụng đối với những người làm việc ở các địa bàn đảo xa đất liền và vùng biên giới có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật. Như vậy, phụ cấp biên giới mà bạn đang được hưởng là phụ cấp đặc biệt. Căn cứ quy định tại Khoản 2 Mục II Thông tư 09/2005/TT-BNV cách chi trả phụ cấp đặc biệt như sau:

“2. Cách tính trả:

a) Phụ cấp đặc biệt được tính trả theo nơi làm việc cùng kỳ lương hoặc phụ cấp quân hàm hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

b) Phụ cấp đặc biệt chỉ trả cho những tháng thực sự công tác trên địa bàn, khi rời khỏi địa bàn từ một tháng trở lên hoặc đến công tác không tròn tháng thì không được hưởng.

c) Nguồn kinh phí chi trả Phụ cấp đặc biệt:

Các đối tượng thuộc cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ, Phụ cấp đặc biệt do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị;

Các đối tượng thuộc cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và các đối tượng thuộc các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ tài chính, phụ cấp đặc biệt do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ.”

Khoản phụ cấp này được áp dụng đối với những cá nhân làm việc trên địa bàn vùng biên giới do đó nếu bạn được cử đi học rời khỏi địa bàn vùng biên giới (địa bàn vùng biên giới này được pháp luật quy định tại Thông tư 09/2005/TT-BNV) và có thời gian cử đi học là 6 tháng thì bạn sẽ không được hưởng phụ cấp đặc biệt mà trước khi cử đi học bạn được hưởng.

* Phụ cấp lâu năm:

Căn cứ Điều 5 Nghị định 116/2010/NĐ-CP quy định phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn như sau:

“Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này được hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nếu có thời gian đứt quãng thì được cộng dồn như sau:

1. Mức 0,5 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm;

2. Mức 0,7 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm;

3. Mức 1,0 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên.”

pho-hieu-truong-duoc-cu-di-hoc-thi-duoc-huong-nhung-phu-cap-gi-pho-hieu-truong-duoc-cu-di-hoc-thi-duoc-huong-nhung-phu-cap-gi-

>>> LVN Group tư vấn phụ cấp đối với phó hiệu trường đi học: 1900.0191

Khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch 08/2011/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn về thời gian không tính hưởng các loại phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP như sau:

“1. Cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn không được hưởng các loại phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP trong các khoản thời gian như sau:

a) Thời gian đi công tác, làm việc, học tập không ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ 01 tháng trở lên;

b) Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

c) Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

d) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam.”

Theo như bạn trình bày, bạn được cử đi học 06 tháng thì bạn sẽ không được hưởng phụ cấp công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

* Phụ cấp thâm niên:

Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT- BGDĐT-BNV- BTC-BLĐTBXH quy định thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau:

“a) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập;

b) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập);

c) Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác, gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng và thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an và cơ yếu (nếu có);

d) Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề;

đ) Thời gian quy định tại các điểm a, b khoản này không bao gồm thời gian quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP.”

Khoản 3 Điều 2 Nghị định 54/2011/NĐ-CP quy định thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên gồm:

“a) Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu.

b) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên.

c) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về BHXH.

d) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử”

Như vậy, quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 54/2011/NĐ-CP và hướng dẫn tại điểm đ, khoản 1, Điều 2 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH về thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên, không có quy định đối với thời gian nhà giáo được cử đi học nâng cao trình độ.

Vì vậy, nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục được cấp có thẩm quyền cử hoặc cho phép đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, vẫn thuộc biên chế và hưởng lương tại nhà trường, trong thời gian đi học không có thời gian đứng lớp, sau khi hoàn thành khoá học tiếp tục làm công tác giảng dạy, giáo dục thì thời gian đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được tính hưởng phụ cấp thâm niên.

* Phụ cấp khu vực:

Đối với phụ cấp khu vực thì về nguyên tắc cá nhân công tác, làm việc, hoạt động ở đâu thì sẽ được hưởng phụ cấp khu vực tại đó. Đối với trường hợp được cử đi học tập, theo Khoản 3 Mục II Thông tư liên tịch 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT quy định như sau:

“3. Cách tính trả phụ cấp khu vực

a) Phụ cấp khu vực được xác định, tính trả theo nơi làm việc đối với những người đang làm việc; được xác định, tính toán, chi trả theo nơi đăng ký thường trú và nhận lương hưu, trợ cấp thay lương đối với người nghỉ hưu và người hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định.

b) Phụ cấp khu vực được trả cùng kỳ lương, phụ cấp, trợ cấp hàng tháng.

c) Trường hợp đi công tác, đi học, điều trị, điều dưỡng có thời hạn từ một tháng trở lên thì hưởng phụ cấp khu vực theo mức quy định ở nơi công tác, học tập, điều trị, điều dưỡng kể từ ngày đến nơi mới; nếu nơi mới đến không có phụ cấp khu vực thì thôi hưởng phụ cấp khu vực ở nơi trước khi đi.”

Bạn có trình bày, bạn được cử đi học thời gian là 6 tháng tại trường chính trị Đắk lắk, nếu trường chính trị Đắk lắk thuộc khu vực hưởng phụ cấp khu vực thì bạn sẽ được hưởng phụ cấp khu vực tại nơi học tập. Còn nếu trường chính trị Đắk lắk không có phụ cấp khu vực thì bạn sẽ không được hưởng phụ cấp khu vực nơi bạn công tác trước khi được cử đi học.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com