Quyền thừa kế thế vị của con nuôi qua các thời kỳ, ở mỗi thời kỳ lại có những điểm khác biệt đáng lưu ý.
Theo quy định tại Điều 678 Bộ luật dân sự 2005 thì:
“Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này”.
Vấn đề quyền và nghĩa vụ của người đang là con nuôi của người khác trong mối quan hệ với gia đình cha mẹ để của mình được quy định rất khác nhau qua các thời kì, cụ thể như sau:
+ Trước năm 1959 theo quy định của Dân luật Bắc kỳ và Dân luật Trung kỳ (khi pháp luật của thời thực dân, phong kiến vẫn được chọn lọc để áp dụng tạm thời trong chế độ mới) thì người con nuôi có quyền lợi và nghĩa vụ như con đẻ. Người con nuôi không chỉ có quyền thừa kế theo pháp luật của cha mẹ nuôi mà còn có quyền thừa kế theo pháp luật của cha mẹ đẻ và của những người khác cùng huyết thống (anh, chị, em ruột); đồng thời nếu người đó đang là con nuôi của người khác mà chết trước cha mẹ đẻ thì các con của người đó vẫn được hưởng thừa kế thế vị.
+ Từ năm 1959 (thời điểm đình chỉ áp dụng pháp luật của chế độ thực dân, phong kiến) cho đến khi có Thông tư số 594/TANDTC, ở nước ta đã không có một văn bản pháp luật nào quy định giải quyết những tranh chấp về quyền thừa kế liên quan đến vấn đề này. Chỉ khi Thông tư 594/TANDTC được ban hành thì vấn đề trên mới được đề cập. Theo đó, con nuôi và bố mẹ nuôi được thừa kế theo pháp luật của nhau ở hành thừa kế thứ nhất. Nhưng người đang làm con nuôi của người khác lại không có quyền thừa kế theo pháp luật của bố mẹ đẻ và của những người cùng huyết thống khác. Chính vì vậy, con của người đang làm con nuôi của người khác cũng sẽ không được thừa kế thế vị hưởng di sản của ông, bà nội, ngoại trong trường hợp cha, mẹ đẻ của họ chết trước ông, bà nội, ngoại. Tuy nhiên, nếu con nuôi chết trước cha mẹ nuôi thì con của người con nuôi đó được thừa kế thế vị hưởng di sản của ông bà nuôi khi họ qua đời. Tinh thần trên của Thông tư 594/TANDTC tiếp tục được thể hiện tại Thông tư 81/TANDTC về thừa kế có nhân tố con nuôi, cụ thể, Thông tư 81/TANDTC đã quy định rằng:
“Con nuôi và bố mẹ nuôi có quyền thừa kế lẫn nhau. Con nuôi (hợp pháp hay thực tế) không được thừa kế theo luật đối với di sản của bố mẹ đẻ và anh, chị, em ruột”.
>>> LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
+ Từ năm 1990, cùng với việc ban hành Pháp lệnh thừa kế 1990 và đặc biệt là hai Bộ luật dân sự 1995 và Bộ luật dân sự 2005 thì quyền thừa kế thế vị của các cháu trong trường hợp bố đẻ hoặc mẹ đẻ đang làm con nuôi của người khác lại chết trước ông, bà nội, ngoại tiếp tục được bảo vệ. Theo đó, quyền thừa kế thế vị của các cháu được bảo đảm không phụ thuộc vào việc bố hay mẹ của các cháu có đang là con nuôi của người khác hay không. Những quy định này rất phù hợp với truyền thống và đạo lí của người Việt Nam.