Thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi công trình xây dựng. Quy trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng.
Tóm tắt câu hỏi:
Hiện nay tôi đang làm thủ tục chuẩn bị Công trình Hạ tầng kỹ thuật bãi đỗ xe (F~2,9ha; Công suất đỗ xe ~1.100 chỗ) thuộc Dự án: Xây dựng bãi đỗ xe (sân bãi, nhà điều hành, trạm xăng) – Tại Hà Nội. TMDT công trình ước tính khoảng 24 tỷ VNĐ nên phải làm thiết kế 2 bước. Tôi đã thuê tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công, thẩm tra dự toán xây dựng. Xin hỏi quy trình thực hiện thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi và Thiết kế bản vẽ thi công, Cơ quan nào sẽ thẩm định.
LVN Group tư vấn:
Thứ nhất, về thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi:
Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của công trình xây dựng được quy định tại Điều 26 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP như sau:
– Về thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi gồm:
+ Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định dự án quan trọng quốc gia;
+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đơn vị đầu mối quản lý về hoạt động PPP tổ chức thẩm định dự án nhóm A và nhóm B.
– Nhà đầu tư nộp hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi gồm:
+ Báo cáo thẩm định dự án;
+ Báo cáo nghiên cứu khả thi;
+ Các tài liệu, văn bản pháp lý có liên quan.
– Nội dung thẩm định gồm:
+ Sự cần thiết của việc thực hiện dự án: Sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, vùng và địa phương; tính cấp bách và lợi thế của việc thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư so với các hình thức đầu tư khác;
+ Đánh giá các yếu tố cơ bản của dự án: Mục tiêu và sự phù hợp về quy mô, địa điểm thực hiện dự án; các yêu cầu về thiết kế, kỹ thuật, công nghệ; phương án tổ chức quản lý và kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ;
+ Tính khả thi của dự án: Phương án tài chính của dự án, khả năng huy động các nguồn lực để thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, sử dụng tài nguyên; khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ và giải pháp tổ chức thực hiện để đáp ứng nhu cầu, khả năng thanh toán của người sử dụng; các rủi ro trong quá trình xây dựng, khai thác, quản lý dự án và các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro; sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay đối với dự án;
+ Hiệu quả của dự án: Kết quả và đóng góp của dự án đối với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; tác động về môi trường, xã hội và quốc phòng, an ninh;
+ Các nội dung cần thiết khác.
– Về thời hạn thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi:
+ Đối với dự án quan trọng quốc gia: Không quá 90 ngày;
+ Đối với dự án nhóm A: Không quá 40 ngày;
+ Đối với dự án nhóm B: Không quá 30 ngày.
– Cơ quan thẩm định được thuê tư vấn thẩm định một phần hoặc toàn bộ nội dung nêu trên.
Thứ hai, về thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng:
– Thẩm quyền thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng được thực hiện theo quy định tại Khoản 10 Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP như sau:
“1. Thẩm quyền thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng:
a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng (trường hợp thiết kế ba bước) và thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng (trường hợp thiết kế hai bước) của công trình cấp đặc biệt, cấp I (trừ công trình nhà ở có quy mô dưới 25 tầng chiều cao không quá 75 m); công trình từ cấp III trở lên của dự án thuộc chuyên ngành do tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc phạm vi quản lý của mình quyết định đầu tư; công trình do Thủ tướng Chính phủ giao và các công trình của dự án thuộc chuyên ngành do mình quyết định đầu tư, các công trình thuộc dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính từ hai tỉnh trở lên, trừ các công trình quy định tại các điểm c và d khoản này;
b) Sở quản lý xây dựng chuyên ngành chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng (trường hợp thiết kế ba bước) và thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng (trường hợp thiết kế hai bước) của công trình nhà ở có quy mô dưới 25 tầng chiều cao không quá 75 m; công trình từ cấp III trở lên được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh, trừ các công trình quy định tại các điểm a và d khoản này;
c) Sở quản lý xây dựng chuyên ngành trực thuộc thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng (trường hợp thiết kế ba bước); thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng (trường hợp thiết kế hai bước) công trình thuộc dự án do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định đầu tư;
d) Trường hợp tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có đủ điều kiện năng lực và có đề nghị được tự tổ chức thẩm định, Bộ trưởng Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành quyết định việc phân cấp, ủy quyền cho tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng (trường hợp thiết kế ba bước) và thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng (trường hợp thiết kế hai bước), phần thiết kế công nghệ (nếu có) của công trình từ cấp II trở xuống của dự án do tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư thuộc chuyên ngành do Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành quản lý.
Việc phân cấp, ủy quyền phải đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện theo quy định pháp luật. Người được phân cấp, ủy quyền chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định do mình thực hiện. Kết quả thẩm định phải được gửi đến cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành để theo dõi, quản lý;
đ) Người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng của các công trình còn lại; tổ chức thẩm định phần thiết kế, dự toán phần công nghệ (nếu có) đối với các công trình quy định tại các điểm a, b và c khoản này”.
Theo quy định trên, thẩm quyền thẩm định thiết kế bản vẽ thi công thuộc về cơ quan nào còn phụ thuộc vào dự án do cơ quan nào quyết định đầu tư, việc phân cấp công trình, các bước thiết kế công trình,… Theo thông tin bạn cung cấp thì công trình của bạn là bãi đỗ xe tại Hà Nội, diên tích 2,9 ha, công suất ~1.100 chỗ, căn cứ Bảng 1.3 Phân cấp công trình hạ tầng kỹ thuật (HTKT) thuộc Phụ lục I ban hành kèm Thông tư số 03/206/TT-BXD thì công trình của bạn thuộc công trình cấp I.
LVN Group tư vấn thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bản vẽ thi công: 1900.0191
Theo đó, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng của dự án do Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành thực hiện hoặc do Sở quản lý xây dựng chuyên ngành trực thuộc thành phố Hà Nội thẩm định trong trường hợp dự án do UBND thành phố Hà nội quyết định đầu tư.
Nhà đầu tư nộp hồ sơ yêu cầu thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP gồm:
“1. Tờ trình thẩm định thiết kế theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Thuyết minh thiết kế, các bản vẽ thiết kế, các tài liệu khảo sát xây dựng liên quan.
3. Bản sao quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình kèm theo hồ sơ thiết kế cơ sở được phê duyệt hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình, trừ công trình nhà ở riêng lẻ.
4. Bản sao hồ sơ về điều kiện năng lực của các chủ nhiệm, chủ trì khảo sát, thiết kế xây dựng công trình; văn bản thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường (nếu có).
5. Báo cáo tổng hợp của chủ đầu tư về sự phù hợp của hồ sơ thiết kế so với quy định hợp đồng.
6. Dự toán xây dựng công trình đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách.”
Nội dung thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng thực hiện theo quy định của Điều 83 Luật xây dựng năm 2014.
Về quy trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 42/2017/NĐ-CP như sau:
– Sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo các nội dung quy định tại Điều 27 Nghị định 59/2015/NĐ-CP.
– Cơ quan chủ trì thẩm định có trách nhiệm tổ chức thẩm định các nội dung của thiết kế, dự toán xây dựng công trình. Trong quá trình thẩm định, cơ quan chủ trì thẩm định được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp tham gia thẩm định từng phần thiết kế xây dựng, thiết kế công nghệ, dự toán xây dựng công trình để phục vụ công tác thẩm định của mình.
Trường hợp không đủ điều kiện thực hiện công tác thẩm định, cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư được yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn trực tiếp tổ chức, cá nhân có năng lực phù hợp đã đăng ký công khai thông tin năng lực hoạt động xây dựng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng để chủ đầu tư ký kết hợp đồng thẩm tra phục vụ công tác thẩm định. Trường hợp tổ chức, cá nhân tư vấn thẩm tra chưa đăng ký công khai thông tin năng lực hoạt động xây dựng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng thì phải được cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng chấp thuận bằng văn bản. Tổ chức tư vấn thiết kế không được thực hiện thẩm tra công trình do mình thiết kế.
– Trong quá trình thẩm định thiết kế xây dựng, cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định về môi trường, phòng, chống cháy, nổ và nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Thời hạn có văn bản thông báo kết quả thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định về môi trường, phòng, chống cháy, nổ và nội dung khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành nhưng không được vượt quá thời gian thẩm tra thiết kế, dự toán xây dựng quy định tại Khoản 4 Điều này. Nếu quá thời hạn, các cơ quan, tổ chức liên quan không có văn bản trả lời thì được xem như đã chấp thuận về nội dung thẩm định và chịu trách nhiệm về lĩnh vực quản lý của mình.
– Trường hợp cơ quan chuyên môn về xây dựng yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn trực tiếp đơn vị tư vấn thẩm tra theo quy định tại Khoản 2 Điều này, trong thời gian 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về xây dựng có văn bản thông báo cho chủ đầu tư các nội dung cần thẩm tra để chủ đầu tư lựa chọn, ký hợp đồng với tư vấn thẩm tra; thời gian thực hiện thẩm tra không vượt quá 20 (hai mươi) ngày đối với công trình cấp I, cấp đặc biệt; 15 (mười lăm) ngày đối với công trình cấp II và cấp III; 10 (mười) ngày đối với các công trình còn lại. Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi kết quả thẩm tra cho cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư để làm cơ sở thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng.
– Trong trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình gồm nhiều công trình có loại và cấp khác nhau thì cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện thẩm định là cơ quan có trách nhiệm thực hiện thẩm định đối với công trình, hạng mục công trình chính của dự án đầu tư xây dựng công trình.
– Đối với các công trình bí mật nhà nước, công trình theo lệnh khẩn cấp và công trình tạm thì việc thẩm định, phê duyệt thiết kế được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình đặc thù.
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng do mình thực hiện.
– Thời gian thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ như sau:
+ Không quá 40 (bốn mươi) ngày đối với công trình cấp I, cấp đặc biệt;
+ Không quá 30 (ba mươi) ngày đối với công trình cấp II và cấp III;
+ Không quá 20 (hai mươi) ngày đối với các công trình còn lại.
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền được thực hiện việc phân cấp, ủy quyền thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện theo quy định tại khoản 6 Điều 34 của Luật tổ chức Chính phủ và Điều 13, Điều 14 của Luật tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể như sau:
+ Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành được phân cấp hoặc ủy quyền thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng các công trình cụ thể thuộc thẩm quyền thẩm định của mình cho các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành sau khi được Bộ trưởng Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành chấp thuận;
+ Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thực hiện phân cấp hoặc ủy quyền thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng đối với công trình thuộc thẩm quyền thẩm định của Sở quản lý xây dựng chuyên ngành cho phòng có chức năng quản lý xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
– Đối với dự án thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC, giao Bộ Xây dựng quy định chi tiết về thẩm định thiết kế xây dựng.