Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn giao thông của cảnh sát khu vực. Quyền hạn của cảnh sát khu vực?
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn giao thông của cảnh sát khu vực. Quyền hạn của cảnh sát khu vực?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào LVN Group! 1) Theo điều 70 Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn giao thông đường bộ và đường sắt chỉ có các bộ phận như cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. – Xin hỏi LVN Group cảnh sát khu vực phường có chức năng kiểm tra xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong khu vực phường phụ trách không? Và nếu có thì cảnh sát khu vực phường tự xếp lịch đi kiểm tra hàng ngày hay phải đi kiểm tra theo chuyên đề của thủ trưởng đơn vị?
2) Hộ kinh doanh quán ăn lần đầu tiên vi phạm để xe mô tô của khách vượt ra khỏi lộ giới cho phép của lề đường khoảng 0.5m (do khách mới vào cùng lúc nhiều xe, người của quán chưa kịp sắp xếp vào bên trong, nên bị lập biên bản vi phạm hành chính theo điểm c, khoản 4, điều 12 Nghị định 34/2010/NĐ-CP và áp dụng mức phạt tiền là 2.500.000 đồng. Xin hỏi trong trường hợp này có thể áp dụng mức phạt tiền thấp hơn hoặc áp dụng mức phạt cảnh cáo nhắc nhở vì quán không cố ý vi phạm lần đầu không? Mong nhận được sự phúc đáp sớm. Cảm ơn LVN Group!
LVN Group tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT LVN. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT LVN xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Nghị định 46/2016/NĐ-CP
– Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
– Nghị định 27/2010/NĐ-CP
2. Giải quyết vấn đề:
Nghị định 34/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/05/2010 đến ngày 01/01/2014 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Hiện nay văn bản này đã hết hiệu lực và thay thế bằng Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Cho nên, trong bài viết này áp dụng văn bản pháp luật hiện hành để giải quyết.
Căn cứ khoản 3 Điều 39 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về thẩm quyền của công an xã, phường như sau:
“Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 nhưng không quá 2.500.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.”
Việc kiểm tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông của công an khu vực phải thực hiện có sự phối hợp với các cơ quan công an khác. Cụ thể, theo Điều 8 Nghị định 27/2010/NĐ-CP:
“1.Các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ cùng Cảnh sát giao thông đường bộ phải thực hiện đúng Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chịu sự kiểm tra, giám sát của Cảnh sát giao thông đường bộ, nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì Cảnh sát giao thông đường bộ xử phạt vi phạm hành chính những hành vi vi phạm thuộc quyền xử phạt của mình theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
2. Các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có Cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng thì phải thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải thường xuyên thông báo cho lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ về việc tuần tra, kiểm soát của mình, nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì được xử phạt vi phạm hành chính những hành vi thuộc quyền xử phạt của mình theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của mình thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.”
Như vậy, để kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, công an khu vực phải kết hợp với với cảnh sát giao thông và việc tuần ra, kiểm soát phải thực hiện theo kế hoạch của cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Để xe vượt quá ranh giới cho phép của hè phố
Căn cứ khoản 4 Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì:
“Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây
a) Dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm đ Khoản 5, Điểm a Khoản 8 Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP;
b) Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm g Khoản 5; Khoản 6; Điểm a Khoản 7 Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP;
c) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 05 m2 làm nơi trông, giữ xe;
d) Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe.”
>>> LVN Group tư vấn thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông: 1900.0191
Như vậy, trong trường hợp bạn chiếm dụng lòng đường, hè phố để làm nơi để xe không đúng nơi quy định thì bạn sẽ bị phạt 2 triệu 500 nghìn đồng.