Thông tư liên tịch 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC quy định và hướng dẫn mức trần tiền môi giới, việc quản lý và sử dụng tiền môi giới…
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ TIỀN MÔI GIỚI VÀ TIỀN DỊCH VỤ TRONG HOẠT ĐỘNG ĐƯA LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG
Căn cứ Điều 20 và Điều 21 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006, Liên tịch Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Bộ Tài chính quy định và hướng dẫn về tiền môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định và hướng dẫn mức trần tiền môi giới, việc quản lý và sử dụng tiền môi giới; mức trần tiền dịch vụ và cách thức thu nộp tiền dịch vụ trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
2. Đối tượng áp dụng
a) Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp);
b) Người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp dịch vụ (sau đây gọi tắt là người lao động).
3. Doanh nghiệp chỉ được thu tiền môi giới và tiền dịch vụ sau khi ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động và người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp visa.
>>> LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
TIỀN MÔI GIỚI
Tiền môi giới là khoản chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho bên môi giới để ký kết và thực hiện hợp đồng cung ứng lao động. Người lao động có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Tiền môi giới không áp dụng đối với trường hợp người lao động đã hoàn thành hợp đồng ký với doanh nghiệp và được chủ sử dụng lao động gia hạn hoặc ký hợp đồng mới.
Các doanh nghiệp không được thu tiền môi giới của người lao động đối với những thị trường, những hợp đồng mà bên đối tác nước ngoài không có yêu cầu về tiền môi giới.
Mức tiền môi giới.
a) Mức trần tiền môi giới cho các thị trường không vượt quá một tháng lương/ người lao động cho một năm hợp đồng. Trường hợp do yêu cầu của thị trường đòi hỏi mức tiền môi giới cao hơn mức trần quy định thì doanh nghiệp báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định cụ thể mức tiền môi giới cho phù hợp sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính;
b) Doanh nghiệp đàm phán, quyết định mức tiền môi giới phù hợp với từng hợp đồng nhưng không vượt quá mức quy định tại điểm (a), khoản này;
c) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định cụ thể mức tiền môi giới người lao động hoàn trả cho doanh nghiệp phù hợp với từng thị trường;
d) Tiền lương (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền môi giới là tiền lương cơ bản theo hợp đồng không bao gồm: tiền làm thêm giờ, tiền thưởng và các khoản trợ cấp khác. Riêng đối với sĩ quan, thuyền viên tàu vận tải biển, tiền lương theo hợp đồng (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền môi giới là tiền lương bao gồm tiền lương cơ bản và tiền lương phép.
Loại tiền thu nộp và tỷ giá áp dụng
Doanh nghiệp thu tiền môi giới do người lao động hoàn trả bằng đồng Việt Nam.
Tỷ giá áp dụng: Nếu tiền môi giới được tính trên cơ sở đồng đô là Mỹ thì áp dụng tỷ giá giao dịch bình quân của đồng đô la Mỹ so với đồng Việt Nam trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu nộp. Nếu tiền môi giới được tính trên cơ sở các loại ngoại tệ khác thì áp dụng tỷ giá tính chéo giữa đồng đô la Mỹ so với ngoại tệ đó do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo tại thời điểm thu nộp.
Quản lý và sử dụng tiền môi giới
a) Tiền môi giới phải được thể hiện trong hợp đồng cung ứng lao động hoặc hợp đồng riêng về tiền môi giới được ký giữa doanh nghiệp và bên môi giới;
b) Tiền môi giới phải được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng được hưởng. Nếu lợi dụng quy định về tiền môi giới để thu, chi sai mục đích, không đúng đối tượng, trục lợi thì người ra quyết định thu, chi phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật;
c) Phần tiền môi giới mà người lao động hoàn trả (nếu có) phải được ghi rõ trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Doanh nghiệp thu một lần tiền môi giới của người lao động trước khi người lao động xuất cảnh ra nước ngoài làm việc. Khi thu tiền môi giới của người lao động, doanh nghiệp phải cấp biên lai thu tiền cho người lao động. Khoản tiền môi giới mà người lao động hoàn trả không tính vào doanh thu của doanh nghiệp và doanh nghiệp không phải nộp thuế;
d) Phần tiền môi giới mà doanh nghiệp chi (nếu có) được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hoàn trả tiền môi giới
Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng (thiên tai, chiến tranh, doanh nghiệp bị phá sản) hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp có trách nhiệm yêu cầu bên môi giới hoàn trả lại cho người lao động một phần tiền môi giới người lao động đã nộp theo nguyên tắc: người lao động làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng thì được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp. Người lao động đã làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên thì không được nhận lại tiền môi giới.
Trường hợp không thể đòi được của bên môi giới thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả cho người lao động theo nguyên tắc trên và được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
III. TIỀN DỊCH VỤ
Tiền dịch vụ là khoản chi phí mà người lao động phải trả cho doanh nghiệp để thực hiện hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tiền dịch vụ không áp dụng đối với trường hợp người lao động đã hoàn thành hợp đồng ký với doanh nghiệp (kể cả thời gian gia hạn theo hợp đồng) và được chủ sử dụng lao động gia hạn hoặc ký hợp đồng lao động mới.
Mức tiền dịch vụ
a) Mức trần tiền dịch vụ: Người lao động nộp tiền dịch vụ cho doanh nghiệp không quá một tháng tiền lương (hoặc tiền trợ cấp tu nghiệp) theo hợp đồng cho một năm làm việc; riêng sỹ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá một tháng rưỡi tiền lương theo hợp đồng cho một năm làm việc. Tổng mức tiền dịch vụ tối đa không quá ba tháng lương theo hợp đồng/người/hợp đồng;
b) Mức tiền dịch vụ phải được ghi rõ trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký kết giữa doanh nghiệp và người lao động;
c) Tiền lương theo hợp đồng (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền dịch vụ là tiền lương cơ bản không bao gồm: tiền làm thêm giờ, tiền thưởng và các khoản trợ cấp khác. Riêng đối với sĩ quan, thuyền viên tàu vận tải biển, tiền lương theo hợp đồng (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền dịch vụ là tiền lương bao gồm lương cơ bản và lương phép.
Cách thức thu nộp và hoàn trả tiền dịch vụ
a) Doanh nghiệp thoả thuận với người lao động để thu tiền dịch vụ một lần trước khi người lao động xuất cảnh hoặc thu nhiều lần trong quá trình thực hiện hợp đồng;
b) Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp chỉ được thu tiền dịch vụ theo thời gian (số tháng) thực tế người lao động làm việc ở nước ngoài;
c) Trường hợp người lao động vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật nước đến làm việc mà phải về nước trước hạn hoặc tự ý bỏ hợp đồng ở lại bất hợp pháp thì doanh nghiệp được thu tiền dịch vụ của người lao động theo thời hạn hợp đồng đã ký.
Loại tiền thu nộp và tỷ giá áp dụng
a) Trường hợp doanh nghiệp thoả thuận với người lao động thu tiền dịch vụ một lần trước khi người lao động xuất cảnh thì thực hiện bằng đồng Việt Nam.
Tỷ giá áp dụng: nếu tiền dịch vụ được tính trên cơ sở đồng đô la Mỹ thì áp dụng tỷ giá giao dịch bình quân của đồng đô la Mỹ so với đồng Việt Nam trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu nộp. Nếu tiền dịch vụ được tính trên cơ sở các loại ngoại tệ khác thì áp dụng tỷ giá tính chéo giữa đồng đô la Mỹ so với ngoại tệ đó do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo tại thời điểm thu nộp;
b) Trường hợp doanh nghiệp thoả thuận với người lao động thu tiền dịch vụ nhiều lần trong quá trình thực hiện hợp đồng thì doanh nghiệp thu tiền dịch vụ bằng đồng tiền mà người lao động được trả lương. Nếu thu một phần tiền dịch vụ trước khi người lao động xuất cảnh thì thực hiện bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá nêu trên.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ các Thông tư liên tịch Bộ Tài chính – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội số 107/2003/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 07/11/2003 hướng dẫn thực hiện chế độ tài chính đối với người lao động và doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và số 59/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 26/6/2006, hướng dẫn về phí môi giới trong xuất khẩu lao động.
Riêng đối với các hợp đồng cung ứng lao động đã đăng ký tại Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiền dịch vụ thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 107/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 07/11/2003 và tiền môi giới thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 59/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 26/6/2006.
Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện các doanh nghiệp do mình quản lý.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về liên tịch Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.