Thuế thu nhập cá nhân đánh vào thu nhập của cá nhân cư trú hoặc cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
Thuế thu nhập cá nhân đánh vào thu nhập của cá nhân cư trú hoặc cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam. Các khoản thu nhập chịu thuế bao gồm: thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ tiền lương, tiền công; thu nhập từ đầu tư, chuyển nhượng vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ trúng thưởng; thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại, thừa kế, nhận quà tặng. Trong đó, thu nhập từ tiền công, tiền lương là khoản thu nhập ổn định của bất cứ cá nhân nào. Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được xác định dựa trên thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, giảm thuế, thuế suất, giảm trừ gia cảnh.
Thứ nhất, thu nhập chịu thuế từ tiền lương tiền công. Theo quy định tại khoản 1, điều 1, Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 sửa đổi bổ, sung một số điều năm 2012 thì thu nhập từ tiền lương, tiền công bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.
Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.
Thứ hai, thu nhập được miễn thuế bao gồm: phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật; tiền lương hưu do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, tiền lương hưu nhận được hàng tháng từ Quỹ hưu trí tự nguyện; cá nhân sinh sống, làm việc tại Việt Nam được miễn thuế đối với tiền lương hưu do nước ngoài trả; thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế; thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ. Với việc quy định miễn thuế sẽ đảm bảo được quyền lợi tối thiểu mà một người được nhận, đặc biệt với quy định miễn thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế; thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ nằm trong chính sách phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
Thứ ba, Nếu người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp. Ngoài ra, người nộp thuế có thể được giảm trừ thuế đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo khi nộp thuế.
Thứ tư, Khi tính thuế thu nhập cá nhân sẽ gộp thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công với thu nhập chịu thuế từ kinh doanh để tính chung theo bảng thuế lũy tiến từng phần như sau:
Bậc thuế |
Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng) |
Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) |
Thuế suất (%) |
1 |
Đến 60 |
Đến 5 |
5 |
2 |
Trên 60 đến 120 |
Trên 5 đến 10 |
10 |
3 |
Trên 120 đến 216 |
Trên 10 đến 18 |
15 |
4 |
Trên 216 đến 384 |
Trên 18 đến 32 |
20 |
5 |
Trên 384 đến 624 |
Trên 32 đến 52 |
25 |
6 |
Trên 624 đến 960 |
Trên 52 đến 80 |
30 |
7 |
Trên 960 |
Trên 80 |
35 |
>>> LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
Thứ năm, Người nộp thuế sẽ được giảm trừ gia cảnh khi nộp thuế thu nhập cá nhân khi có người phụ thuộc thuộc các trường hợp: Con (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ, con riêng của chồng) dưới 18 tuổi; Con (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ, con riêng của chồng) từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật không có khả năng lao động; Con (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ, con riêng của chồng) đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông mà không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng; Người ngoài độ tuổi lao động, người trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật nhưng bị khuyết tật không có khả năng lao động mà không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá mức thu nhập1.000.000, bao gồm: Vợ hoặc chồng của người nộp thuế; Cha đẻ, mẹ đẻ, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ nuôi hợp pháp, cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng) của người nộp thuế; Cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.
Mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm) và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng là 3,6 triệu đồng/tháng kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.