Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ pháp luật dân sự.
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2005;
– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
2. LVN Group tư vấn:
Pháp luật dân sự điều chỉnh các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản. Tham gia vào các mối quan hệ pháp luật dân sự, con người thể hiện những tư cách chủ thể khác nhau: cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác. Mỗi chủ thể được luật dân sự đảm bảo về quyền và nghĩa vụ khác nhau. Trong tất cả các chủ thể đó, việc xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ pháp luật dân sự là một vấn đề quan trọng.
* Cá nhân, chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự:
Quan hệ dân sự theo quy định tại Điều 1 Bộ luật dân sự năm 2005 về: “Nhiệm vụ và phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự” bao gồm 4 loại quan hệ, đó là quan hệ dân sự; quan hệ hôn nhân và gia đình; quan hệ kinh doanh, thương mại và quan hệ lao động. Đồng thời Điều này của Bộ luật Dân sự quy định có 3 loại chủ thể tham gia quan hệ dân sự bao gồm cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác. Cá nhân là chủ thể đầu tiên của các quan hệ xã hội, là trung tâm của các chính sách kinh tế, xã hộ mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện với mục đích phục vụ con người, vì con người. Cá nhân hiểu theo nghĩa thông thường là con người riêng lẻ – tổng hòa các mối quan hệ xã hội.
Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là những người tham gia vào các quan hệ nhân thân và tài sản do pháp luật dân sự điều chỉnh.Trong các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân mà luật dân sự điều chỉnh thì cá nhân là chủ thể nguyên sinh, đầu tiên và các chủ thể khác tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự cũng thông qua hành vi của con người. Để tham gia vào quan hệ xã hội nói chung và quan hệ dân sự nói riêng, cá nhân phải có tư cách chủ thể để tham gia vào các quan hệ dân sự. Đây là năng lực chủ thể được tạo thành bởi năng lực pháp luật và năng lực hành vi.
Điều 14 “Bộ luật dân sự 2015” quy định năng lực pháp luật dân sự của cá nhân như sau:
“Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa dân sự”; “Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau” và “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.”. Điều 16 “Bộ luật dân sự 2015” quy định không hạn chế năng lực pháp luật dân sự của cá nhân như sau: “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định.”
Theo quy định tại Điều 17 về “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân”, thì:
“Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân được Bộ luật Dân sự quy định theo 3 tiêu chí khác nhau phụ thuộc vào độ tuổi, bệnh tật và nghiện, cụ thể tại các điều 21, 22, 23 “Bộ luật dân sự 2015”.
* Cá nhân – chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, trước khi sinh ra
Tư cách chủ thể có điều kiện đối với một vài quan hệ pháp luật dân sự đặc thù. Có một nguyên tắc được quán triệt trong luật La-tinh và cũng được chấp nhận trong luật thực định Việt Nam: trẻ thành thai coi như sinh ra mỗi khi sự suy đoán đó có lợi cho trẻ ấy (infans conceptus pro nato habetur quoties de commodo agitur). Với nguyên tắc đó, cá nhân đã thành thai mà chưa sinh ra có thể hưởng một số quyền. Ví dụ: con đã thành thai trước khi người để lại di sản chết là người thừa kế của người chết, nếu sinh ra và còn sống (Khoản 1 Điều 638 “Bộ luật dân sự 2015”). Song, tư cách chủ thể quan hệ pháp luật dân sự của cá nhân trong trường hợp này luôn lệ thuộc vào điều kiện: cá nhân phải sinh ra và còn sống. Nếu không sinh ra hoặc sinh ra mà không còn sống, cá nhân coi như không bao giờ tồn tại như là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Mặt khác, tư cách chủ thể đó chỉ được thừa nhận cho một vài quan hệ pháp luật dân sự được luật xác định rõ, không phải cho tất cả quan hệ pháp luật dân sự. Tư cách chủ thể quan hệ pháp luật dân sự của người chưa được sinh ra là tư cách chủ thể không hoàn hảo.
Đối với cá nhân sinh ra và còn sống, theo Khoản 2 Điều 60 “Bộ luật dân sự 2015”, trẻ sơ sinh, nếu chết sau khi sinh, thì phải được khai sinh và khai tử; nếu chết trước khi sinh hoặc sinh ra mà chết ngay, thì không phải khai sinh và khai tử.
* Cá nhân mất một phần tư cách chủ thể:
Cá nhân biệt tích mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết, gọi là cá nhân mất tích. Không chắc chắn về số phận của đương sự, đó là nét đặc trưng của tình trạng mất tích. Sự mất tích có thể được duy trì không hạn định trong thời gian như là một tình trạng thực tế, chứ không phải là một tình trạng pháp lý, nếu không có ai yêu cầu Toà án ra một quyết định tuyên bố mất tích. Cả khi có người yêu cầu Toà án làm việc đó, thì không phải lúc nào Toà án cũng ra quyết định tuyên bố mất tích: tình trạng mất tích, với tư cách là một sự kiện pháp lý, có hai cấp độ: vắng mặt và mất tích.
– Vắng mặt : Ðược coi là vắng mặt người biệt tích trong sáu tháng liền (Điều 74 “Bộ luật dân sự 2015”). Biệt tích, nghĩa là đương sự không còn xuất hiện ở nơi cư trú và cũng không để lại tin tức. Tình trạng vắng mặt không được xác nhận bằng một quyết định của Toà án. Khi có đơn yêu cầu, Toà án, trên cơ sở thừa nhận các bằng chứng về việc đương sự biệt tích từ sáu tháng liên tục trở lên, sẽ ra thông báo tìm kiếm đương sự theo các quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và chính thông báo này đặt cơ sở cho việc áp dụng các quy tắc chi phối tình trạng vắng mặt của cá nhân.
Các quy tắc chi phối tình trạng vắng mặt của cá nhân. Về phương diện gia đình, nếu người vắng mặt có con chưa thành niên, thì con được đặt dưới sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ còn lại. Nếu không còn cha hoặc mẹ, thì, dù luật không quy định, con chưa thành niên phải có người giám hộ. Nếu người vắng mặt có vợ (chồng), thì tình trạng vắng mặt không ảnh hưởng đến việc duy trì quan hệ hôn nhân; vợ hoặc chồng của người vắng mặt không có quyền xin ly hôn chỉ vì mỗi lý do vắng mặt của người sau này.
Về phương diện tài sản, người vắng mặt được đại diện bởi người quản lý tài sản được Toà án chỉ định theo các quy định tại khoản 1 và khoản Ðiều 75 “Bộ luật dân sự 2015”, theo đó tài sản của người vắng mặt không nhất thiết được đặt dưới sự quản lý của một người.
Người quản lý chỉ có quyền quản trị tài sản của người vắng mặt vì lợi ích của người sau này mà không gây thiệt hại cho người thứ ba. Người quản lý chắc chắn không có quyền yêu cầu chia tài sản mà người vắng mặt có quyền sở hữu chung, cũng không có quyền tham dự vào các vụ phân chia tài sản mà người vắng mặt có quyền sở hữu chung. Một cách tổng quát, người vắng mặt trên nguyên tắc không có khả năng xác lập các giao dịch pháp lý sau ngày bị xác định là vắng mặt, dù là xác lập thông qua vai trò của người quản lý tài sản của mình. Tuy nhiên có thể thừa nhận rằng những giao dịch mới thực sự cần thiết cho việc bảo vệ các lợi ích tài sản của người vắng mặt vẫn có thể được người quản lý tài sản xác lập một cách hữu hiệu. Vấn đề là luật không xây dựng cơ chế giám sát khách quan đối với việc xác lập và thực hiện các giao dịch ấy, để ngăn ngừa sự gian lận của người quản lý tài sản.
>>> LVN Group tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.0191
– Mất tích Ðược coi là mất tích người đã biệt tích (khỏi nơi cư trú) từ hai năm liên tục trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Vậy có nghĩa rằng tình trạng mất tích chỉ được xác nhận về phương diện pháp lý sau khi tình trạng vắng mặt đã được xác nhận do hiệu lực của việc thực hiện các biện pháp thông báo, tìm kiếm của Toà án. Việc xác nhận mất tích không đương nhiên mà phải trên cơ sở có đơn yêu cầu và có đủ các điều kiện để xác nhận theo quy định của luật, đặc biệt là điều kiện về thời gian biệt tích liên tục. Người yêu cầu tuyên bố mất tích phải là người có quyền và lợi ích liên quan, ví dụ, vợ (chồng).
Một khi các chứng cứ về tình trạng mất tích được chấp nhận, Toà án ra quyết định tuyên bố mất tích đối với người vắng mặt.Quyết định tuyên bố mất tích hình như có hiệu lực ngay lập tức và không thể bị kháng cáo hoặc kháng nghị.
Về phương diện gia đình, việc một người bị tuyên bố mất tích làm phát sinh các hệ quả tương tự như trong trường hợp một người được xác nhận là vắng mặt: nếu người này có vợ hoặc chồng và con chưa thành niên, thì con chưa thành niên được đặt dưới sự chăm sóc của vợ hoặc chồng; nếu con chưa thành niên không còn cha hoặc mẹ bên cạnh, thì chế độ giám hộ được áp dụng… Nhưng khác với vợ hoặc chồng của người vắng mặt, vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích có thể xin ly hôn vì lý do mất tích của người sau này (Khoản 2 Điều 78 “Bộ luật dân sự 2015”).
Về phương diện tài sản, tình trạng mất tích chịu sự chi phối của cùng các quy tắc như tình trạng vắng mặt (Ðiều 79 “Bộ luật dân sự 2015”). Tuy nhiên, trong trường hợp người quản lý tài sản của người mất tích là người trước đây được uỷ quyền, thì việc uỷ quyền chấm dứt và do đó chắc chắn người này chỉ còn lại những quyền năng hạn chế của một người quản lý tài sản của người mất tích, theo quy định tại Điều 76 và Điều 7 “Bộ luật dân sự 2015”.
Huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất tích. Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, thì Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất tích, theo yêu cầu của người đó hoặc của bất kỳ người nào có quyền và lơi ích liên quan (Khoản 1 Điều 80 “Bộ luật dân sự 2015”).
Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao, sau khi đã thanh toán chi phí quản lý (Khoản 2 Điều 80 “Bộ luật dân sự 2015”). Nhưng trong trường hợp vợ hoặc chồng của người mất tích đã ly hôn theo một bản án hoặc quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, thì quan hệ hôn nhân vẫn không thể được khôi phục: nếu muốn thiết lập lại quan hệ đó, hai người phải tiến hành lại thủ tục kết hôn.
* Mất hẳn tư cách chủ thể: cá nhân bị tuyên bố là đã chết:
Cá nhân có thể bị tuyên bố là đã chết bằng một quyết định của Toà án, theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan, trong những trường hợp cụ thể quy định tại Khoản 1 Điều 80 “Bộ luật dân sự 2015”.
Trên cơ sở có quyết định tuyên bố là đã chết, người có quyền và lợi ích liên quan phải tiến hành đăng ký khai tử cho người bị tuyên bố là đã chết tại cơ quan hộ tịch.
Hiệu lực của quyết định tuyên bố là đã chết. Người bị tuyên bố là đã chết coi như là người chết (Ðiều 82): quan hệ hôn nhân chấm dứt; con chưa thành niên của người này, nếu không còn cha và mẹ sẽ được giám hộ; các tài sản của người này được chuyển giao cho người thừa kế theo các quy định của pháp luật về thừa kế.
Ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết do Toà án xác định tuỳ theo trường hợp (Khoản 2 Điều 81 “Bộ luật dân sự 2015”); nếu không xác định được ngày đó, thì ngày mà quyết định của Toà án tuyên bố người đó là đã chết có hiệu lực pháp luật được coi là ngày người đó chết. Vấn đề còn lại là ngày mà quyết định của Toà án tuyên bố là một người đã chết có hiệu lực pháp luật là ngày nào.
Huỷ bỏ quyết định tuyên bố là đã chết. Trong trường hợp người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, thì Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết, theo yêu cầu của người đó hoặc người có quyền và lợi ích liên quan (Khoản 1 Điều 83 “Bộ luật dân sự 2015”).
Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người thừa kế trả lại tài sản hiện còn (Khoản 3 Điều 83 “Bộ luật dân sự 2015”). Trong trường hợp người thừa kế của người chết biết người này còn sống mà cố tình giấu giếm nhằm hưởng thừa kế, thì người đó phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã nhận; nếu gây thiệt hại, thì phải bồi thường (cùng điều luật). Quyền lợi của người thứ ba giao dịch với người thừa kế được xác định tuỳ theo người thứ ba ngay tình hoặc không ngay tình.
Nếu vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác, thì hôn nhân sau vẫn có hiệu lực pháp luật sau khi có quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố là đã chết (Khoản 2 Điều 83 “Bộ luật dân sự 2015”). Các quan hệ khác về nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống được khôi phục (cùng điều luật). Ðiều đó có nghĩa rằng nếu vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống chưa kết hôn với người khác, thì quan hệ hôn nhân giữa hai người được lập lại sau khi có quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố là đã chết. Giải pháp này được khẳng định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Có thể thấy rằng, trên nguyên tắc, cá nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự từ khi được sinh ra cho đến khi chết. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp ngoại lệ, luật có thể thừa nhận tư cách chủ thể quan hệ pháp luật dân sự của cá nhân trước khi cá nhân sinh ra hoặc phủ nhận tư cách đó ngay trong lúc cái chết sinh học của cá nhân còn chưa được xác định rõ. Tất cả những vấn đề đã đề cập và phân tích phía trên, theo nhóm cần được các nhà làm luật cải thiện để có những sửa đổi hợp lí trong những quy định của pháp luật về tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ pháp luật dân sự.