Xử phạt hành chính sai thì có lập biên bản lại không, thời hiệu tính như thế nào? Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Tóm tắt câu hỏi:
Tháng 01 năm 2015, ông A bị xử phạt hành vi chiếm đất. Thời điểm chiếm là tháng 8 năm 2014. Sau đó ông A khiếu nại lần 1 rồi lần 2 và cho rằng quyết định xử lý vi phạm hành chính sai loại đất và UBND xã hủy quyết định vào ngày 19 tháng 9 năm 2016. Vậy UBND xã có lập lại biên bản xử phạt được không? Thời hiệu xử phạt có hết không?
LVN Group tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT LVN. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT LVN xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Khoản 3 Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP quy định về lập biên bản và ra quyết định xử phạt với một hành vi vi phạm hành chính, cụ thể:
“Điều 6. Lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
(…)
3. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần. Trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó, thì người có thẩm quyền xử phạt phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phù hợp để chấm dứt hành vi vi phạm. Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng thêm tình tiết tăng nặng quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt và xử phạt đối với hành vi vi phạm đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt.
Trường hợp hành vi vi phạm đã bị ra quyết định xử phạt nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm chưa thi hành hoặc đang thi hành quyết định mà sau đó vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm đó, thì hành vi vi phạm này được coi là hành vi vi phạm mới.”
Theo đó, nội dung biên bản không đúng về loại đất dẫn đến quyết định xử phạt bị khiếu nại và đã phải hủy. Vì vậy, UBND xã sẽ phải sửa đổi lại biên bản xử phạt cho đúng với loại đất để ra quyết định xử phạt hành vi lấn chiếm đất của ông A. Khoản 3 Điều 18 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định trách nhiệm của Chủ tich UBND xã sửa đối, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới, cụ thể:
“Điều 18. Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác xử lý vi phạm hành chính
(…)
3. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và phải kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền.”
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:
>>> LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
“Điều 6. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau:
Vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về thuế;
b) Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được quy định như sau:
Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
c) Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
d) Trong thời hạn được quy định tại điểm a và điểm b khoản này mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.”
Thời hiệu xử phạt hành vi chiếm đất của ông A phụ thuộc vào thời điểm ông A kết thúc hay còn đang thực hiện hành vi này, nếu còn đang thực hiện thì vẫn bị lập biên bản xử phạt; nếu đã chấm dứt hành vi này thì thời hiệu là 02 năm kể từ thời điểm chấm dứt hành vi.