An ninh tài chính là gì? Nguồn gốc của các vấn đề an ninh tài chính?
Việt Nam là quốc gia có hệ thống tài chính, kinh tế còn nhỏ bé nên dễ bị tổn thương khi có các tác động của khủng hoảng tài chính, kinh tế của thế giới và những khó khăn từ nội tại nền kinh tế. Từ đó, vấn đề đảm bảo an ninh tài chính luôn được đặt lên hàng đầu và cho đó là lĩnh vực quan trọng nhằm trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế toàn cầu. Thuật ngữ an ninh tài chính có thể đã được nhắc đến nhiều, tuy nhiên để hiểu cụ thể về vấn đề này sẽ là một bài toán thực sự.
Tổng đài LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.0191
1. An ninh tài chính là gì?
Theo quan điểm của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, an ninh tài chính có thể được tăng cường thông qua sự hiện hữu của hệ thống hoạt động trơn tru. Đây là một quan điểm tổng thể và bao gồm hệ thống thanh toán, cơ sở hạ tầng về công nghệ cũng như khung quản lý và giám sát. Giữa an toàn tài chính và an ninh tài chính có mối liên kết chặt chẽ.
Theo tài liệu An ninh tài chính quốc gia lý luận cảnh bảo, đối sách – Nhà xuất bản tài chính tháng 7 năm 2004 của nhóm tác giả do Giáo sư, tiến sỹ khoa học Tào Hữu Phùng (chủ biên) và tài liệu nghiên cứu của nhóm tác giả Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính, an ninh tài chính có khái niệm như sau: An ninh tài chính là một khái niệm cơ bản để chỉ một tình trạng tài chính ổn định, an toàn, vững mạnh và không bị khủng hoảng.
– Ổn định được hiểu là duy trì được hoạt động bình thường, không có những biến động đột ngột, bất thường. Tuy nhiên, cần phải hiểu sự ổn định trong sự vận động và phát triển. Ổn định không có nghĩa là cố gắng giữ nguyên mọi thứ như cũ mà là giữ được ổn định trong tiến trình phát triển đi lên, không ngừng cải tiến và hoàn thiện.
– An toàn được hiểu là trạng thái không bị nguy hiểm do các tác động bên trong và bên ngoài. Giữ được an toàn đồng nghĩa với không tự mình gây hại cho mình đồng thời ngăn chặn và chống lại được sự tấn công phá hoại từ bên ngoài. Nếu ổn định là tiền đề có tính chất nền tảng thì an toàn là cốt lõi chi phối toàn bộ quá trình vận động của tình trạng tài chính.
– Vững mạnh là cơ sở cho sự ổn định và an toàn, một trạng thái tài chính yếu không thể giữ được ổn định và đảm bảo an toàn.
– Khủng hoảng là giới hạn cuối cùng của sự mất an ninh tài chính, tránh được khủng hoảng là mục tiêu tối thượng của mọi giải pháp đảm bảo an ninh tài chính. Khủng hoảng tài chính bao trùm gắn với mất cân đối tài chính, gắn với nghĩa vụ phải thanh toán lớn hơn nhiều phương tiện dùng để thanh toán tại một thời điểm nào đó.
An ninh tài chính có thể phân chia thành nhiều loại khác nhau dựa trên các tiêu chí cụ thể:
– Theo cấp hay phạm vi quản lý: An ninh tài chính quốc gia, an ninh tài chính doanh nghiệp và an ninh tài chính cá nhân.
– Theo lĩnh vực: an ninh tài chính khu vực nhà nước, an ninh tài chính các khu vực trung gian tài chính và an ninh tài chính khu vực doanh nghiệp và cư dân.
– Theo chức năng tài chính: . An ninh tài chính trong huy động các nguồn lực tài chính; an ninh tài chính trong phân bổ các nguồn lực tài chính và an ninh tài chính trong sử dụng các nguồn lực tài chính.
Kiểm soát an ninh tài chính là một vấn đề không mới nhưng hết sức cần thiết đối với Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Tác động của tự do hóa thương mại và tự do hóa tài chính kết hợp với những bài học kinh nghiệm về kiểm soát an ninh tài chính ở các nước cho thấy, ổn định của hệ thống tài chính là điều cần thiết.
2. Nguồn gốc của các vấn đề an ninh tài chính:
Để duy trì an ninh tài chính cần có một cơ chế vững chắc nhằm ngăn ngừa và kiểm soát rủi ro thông qua xây dựng hệ thống giám sát tài chính, từ đó phân tích các vấn đề khủng hoảng tài chính bao gồm: những bất ổn tiềm ẩn xoay quanh cán cân thanh toán, cấu trúc các dòng vốn và vấn đề nợ quốc gia… Mặt khác, cũng cần nâng cao tính minh bạch và duy trì năng lực phản ứng với các kiệt quệ tài chính, mất khả năng chi trả của hệ thống ngân hàng.
An ninh tài chính được đặt trong mối tương quan với các thị trường nhất định, trong đó có thể kể đến:
– Nguồn gốc của vấn đề an ninh tài chính trong thị trường tiền tệ và ngân hàng: Trong những năm qua thị trường tiền tệ và ngân hàng Việt Nam hoạt động chưa có tính ổn định cao do tác động của các yếu tố bất lợi của kinh tế vĩ mô toàn cầu và của nội tại nền kinh tế Việt Nam. Nếu tính đầy đủ các yếu tố để đảm bảo an ninh tài chính cho thị trường tiền tệ và ngân hàng Việt Nam những năm qua, đó là yếu tố ổn định, an toàn, phát triển và chống đỡ được các cuộc khủng hoảng từ bên ngoài hoặc từ trong nội tại nền kinh tế thì các yêu tố này đều mong manh, thiếu vững chắc.
– Nguồn gốc của vấn đề an ninh tài chính trong hoạt động của thị trường chứng khoán: (i) Thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường mới và hoạt động còn nhỏ, vai trò điều phối và cung cấp vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế còn hạn chế. (ii) Các nguyên nhân tạo nên thị trường chứng khoản nhỏ, nhưng tiềm ẩn các yếu tố mất an ninh tài chính, trước hết là nguyên nhân nền kinh tế hoạt động bộc lộ yếu kém, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nợ xấu của doanh nghiệp tăng cao dẫn đến nợ xấu ngân hàng tăng kỷ lục trong nhiều thập kỷ, hàng tồn kho lớn, tiêu thụ giảm sút, thị trường bất động sản gần như đóng băng, tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới.