Bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải

Quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải? Những điểm mới trong quy định của pháp luật sắp tới về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải? Một số giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải hiện nay?

Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới đã dẫn đến những tác động to lớn đến môi trường, làm cho môi trường sống của loài người bị biến đổi và có xu hướng ngày càng trở nên xuống cấp trầm trọng. Vậy nên, bảo vệ môi trường là hoạt động, là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay và được áp dụng trong mọi lĩnh vực, trong đó có hoạt động giao thông vận tải. Giao thông vận tải được xem là một trong những nguyên nhân chính và chủ yếu phát thải khí nhà kính. Ở nước ta, những vấn đề về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải được quy định chặt chẽ trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Bài viết này cung cấp cho bạn đọc những thông tin liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải.

Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191

Cơ sở pháp lý

– Luật Bảo vệ môi trường năm 2014

– Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

1. Quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải?

Vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải đã được các nhà làm luật quan tâm từ rất sớm. Điều 74 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định cụ thể về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải như sau:

– Hoạt động giao thông vận tải phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

– Phương tiện giao thông cơ giới phải được cơ quan đăng kiểm xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường mới được đưa vào sử dụng.

Theo đó, khi dân số ngày càng tăng và nhu cầu đi lại của người dân ngày càng nhiều thì phương tiện giao thông cơ giới hiện nay đang là mối hiểm họa khôn lường đối với môi trường nên cần thiết phải có những quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhất định trước khi đưa vào sử dụng. Bạn đọc có thể tham khảo những quy chuẩn cũng như trình tự thủ tục thực hiện kiểm định tại Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

– Phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, chất thải phải được che chắn, không để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường trong khi tham gia giao thông. Mức xử phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông là 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. (Bạn đọc có thể xem thêm khoản 2 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường).

– Tổ chức, cá nhân hoạt động giao thông vận tải hàng nguy hiểm phải bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện, năng lực về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Theo đó, tổ chức, cá nhân hoạt động giao thông vận tải hàng nguy hiểm phải đảm bảo điều kiện về đóng gói, bao bì, vật chưa, ghi nhãn và biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm; điều kiện đối với phương tiện giao thông đường bộ cơ giới;… Danh mục hàng nguy hiểm được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm Thông tư 52/2013/TT-BTNMT quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm.

– Việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu có nguy cơ gây sự cố môi trường phải bảo đảm các yêu cầu sau:

+ Sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng, bảo đảm không rò rỉ, phát tán ra môi trường;

+ Có giấy phép vận chuyển của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

+ Khi vận chuyển phải theo đúng tuyến đường và thời gian quy định trong giấy phép.

Từ những phân tích trên, bạn đọc có thể nắm được cơ bản những quy định của pháp luật hiện hành là Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải để đảm bảo không xảy ra vi phạm trong quá trình hoạt động giao thông vận tải của mình, đồng thời giúp cho môi trường không bị đe dọa hoặc bị ô nhiễm bởi sự vi phạm đó.

2. Những điểm mới trong quy định của pháp luật sắp tới về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải?

Gần đây, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải.

Theo Điều 65, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải gồm:

– Phương tiện giao thông vận tải phải được cơ quan đăng kiểm kiểm định, xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

– Phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, chất thải phải được che chắn, không để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường khi tham gia giao thông.

– Tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng nguy hiểm phải bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện, năng lực về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

– Việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường phải được thực hiện bằng thiết bị, phương tiện chuyên dụng, bảo đảm không rò rỉ, phát tán ra môi trường.

– Việc xây dựng công trình giao thông phải có giải pháp hạn chế, giảm thiểu các tác động đến địa hình, cảnh quan, địa chất, di sản thiên nhiên.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển; có giải pháp phân luồng giao thông, kiểm soát ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường không khí đối với đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I.

– Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo, mức tiêu hao nhiên liệu thấp, phát thải thấp hoặc không phát thải; lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.

– Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông vận tải theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và quy định khác của pháp luật có liên quan; hướng dẫn và tổ chức thực hiện hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa theo quy định.

Có thể thấy, những thay đổi trong quy định của pháp luật đã quy định rõ thẩm quyền gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, ban, ngành trong việc tổ chức, quản lý, giám sát việc bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải, từ đó tạo điều kiện phát triển hoạt động này trong tương lai tương ứng với tốc độ phát triển kinh tế gắn với từng vùng lãnh thổ.

3. Một số giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải hiện nay?

Thứ nhất, phát triển giao thông xanh nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Giao thông xanh được xem là biện pháp cấp bách và quan trọng nhất hiện nay. Phát triển giao thông xanh đồng nghĩa với việc cần tiến tới giảm dần hàng triệu chiếc xe máy, ô tô cá nhân, đẩy mạnh sử dụng các loại xe điện, xe sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường, hệ thống xe buýt hay các phương tiện công cộng cũng cần được xanh hóa. Bên cạnh đó, phát triển giao thông xanh cũng có thể được thực hiện bằng cách sớm hình thành hệ thống cho thuê xe đạp giá rẻ tại các điểm dừng như ga tàu, bến xe, khu trung tâm, các trục đường chính để phục vụ nhu cầu di chuyển ngắn của người dân.

Thứ hai, đẩy mạnh các chương trình hành động nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong ngành giao thông vận tải tương ứng với từng giai đoạn. Hiện nay, những chiến lược về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải cần tập trung vào 5 mục tiêu tương ứng với 5 nhiệm vụ chính như sau:

+ Tích cực tuyên truyền, phổ biến vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải để người dân có thể nhận thức đúng đắn và áp dụng các giải pháp xanh giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

+ Tổ chức lại bộ máy quản lý, đồng thời nâng cao năng lực, trình độ cũng như trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ môi trường trong ngành giao thông vận tải.

+ Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong phát triển hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt đối với những dự án có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường.

+ Nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát phát thải các loại chất thải từ hoạt động vận tải cũng như phương tiện giao thông bởi lẽ các chất thải này tiềm ẩn nguy cơ rất lớn đe dọa đến môi trường.

+ Thiết lập, triển khai áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO, đồng thời chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị thu gom, phân loại và xử lý chất thải trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ giao thông vận tải.

Thông qua những phân tích trên, có thể thấy bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải đóng vai trò quan trọng hiện nay. Bài viết đã giúp bạn đọc có cái nhìn rõ nét về những quy định của pháp luật hiện hành và những quy định sửa đổi có hiệu lực sắp tới, đồng thời cung cấp cho bạn đọc một số giải pháp nhằm bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải hiện nay.

Theo dõi chúng tôi trên
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com